Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Sau một tuần mà “cả Châu Á đã được đặt dưới chân” trong khi vù vù bão táp “thế nước mạnh, vận nước lên” cùng các cơn thịnh nộ tập thể vì va chạm văn hóa, có lẽ bạn đang có tí chóng mặt không biết mình ở đâu.
Café Luật Khoa xin chào mừng bạn trở lại trái đất thân yêu (tạm) vẫn còn xanh tươi và chưa nhiều cáp treo trong các hang động!
195 nước và vùng lãnh thổ, 7,6 tỷ con người, hơn 6900 ngôn ngữ và khoảng 4200 tôn giáo khác nhau cùng chen chúc trên một diện tích tầm 510 triệu km2.
Đa dạng nhốn nháo là thế, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi từng đó con người và các nền văn hóa khác nhau có thể mở ra được bao nhiêu “môn phái” luật pháp chưa?
Trong đoạn trích cuối tuần này, Café Luật Khoa xin giới thiệu với các bạn một tác phẩm kinh điển thế giới trong ngành luật so sánh: “Các hệ thống pháp luật chính trên thế giới ngày nay” (Major legal systems in the world today, hay Les grands systèmes de droit contemporains) của giáo sư luật người Pháp René David.
Cuốn sách này được viết bằng tiếng Pháp năm 1966, đã được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Việt.
Trong hơn 500 trang sách, giáo sư René David đã kỳ công gói gọn được kết quả hàng chục năm nghiên cứu của mình về các hệ thống luật pháp trên thế giới.
Bằng các phân tích kỹ càng dựa trên ý thức hệ, nhân sinh quan, và cả kỹ thuật pháp lý, tác giả cuốn sách phân chia luật pháp thế giới vào thời điểm của ông (những năm 1960-70) làm ba “đại môn phái” cùng nhiều các “tiểu môn phái” khác, tuy nhỏ nhưng cũng không kém phần quan trọng và sâu sắc.
Trong từng phần, tác giả đi sâu vào phân tích không chỉ nguồn gốc, lịch sử phát triển, mà còn đặc điểm kỹ thuật riêng biệt và các triết lý, học thuyết nền tảng của mỗi “môn phái”.
Tuy các “đại môn phái” được dành số trang nhiều hơn, tác giả vẫn đã có những nỗ lực đáng ngợi khen trong việc chỉ ra được vai trò của những “tiểu môn phái” trong việc góp phần làm phong phú thêm cho tri thức luật pháp của loài người.
“Các hệ thống pháp luật chính trên thế giới ngày nay” là một cuốn sách nhập môn tốt cho những ai đam mê và muốn nghiên cứu thêm ngành luật học so sánh, một ngành học có thể cho bạn những cái nhìn đầy suy tư vào cách các nền văn hóa, tôn giáo, và triết lý khác nhau có thể đưa ra những câu trả lời đa dạng đến thế nào cho những câu hỏi nền tảng nhất của luật học: luật là gì, và tại sao con người lại cần đến luật.
Và bây giờ, hãy cùng xem giáo sư David giới thiệu các “môn phái” giang hồ luật học thế giới.
Trích đoạn:
“Các hệ thống pháp luật chính trên thế giới ngày nay”
(Tác giả René David)
Luật Khoa dịch từ bản dịch tiếng Anh năm 1978 của dịch giả John E.C. Brierley, Nhà xuất bản The Free Press.
Đoạn trích từ trang 21 đến trang 26 (Cách dòng do người trích, có lược bớt một số chú thích không quan trọng, hình minh họa không thuộc nội dung trong sách)
“…17. Đại cương:
Các hệ thống luật pháp chính trên thế giới đương đại là những hệ thống nào?
Có ít nhất ba hệ thống chiếm giữ những vị trí nổi bật nhất: Hệ thống Luật La Mã – Đức (Romano-Germanic), hệ thống Thông luật (Common law), và hệ thống Luật Xã hội chủ nghĩa (Socialist law).
Tuy nhiên, ba nhóm này, bất kể giá trị và tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới của chúng, không bao gồm trong chúng tất cả các vấn đề pháp lý đương thời. Có các hệ thống khác, nằm ngoài truyền thống của ba hệ thống trên, hoặc là chỉ đóng góp một phần vào cách mà ba hệ thống trên định ra các khái niệm pháp lý. Các hệ thống khác đó có vai trò nổi bật hơn tại một số xã hội đương đại và cuốn sách này cũng sẽ cung cấp một số nhận định về các hệ thống khác đó.
18. Hệ thống La Mã – Đức (Romano-Germanic family)Hệ thống chúng ta xem xét đầu tiên được gọi là hệ thống La Mã – Đức. Hệ thống này bao gồm các nước có nền khoa học pháp lý được phát triển trên nền tảng của hệ thống ius civile La Mã.
Trong hệ thống này, các quy định luật pháp được tạo ra như là những quy định hành vi ứng xử có liên kết gần gũi với các ý niệm về công lý và đạo đức.
Công tác định đoạt và công thức hóa các quy định chủ yếu thuộc trách nhiệm các nhà luật học (legal scholars). Những nhà luật học đó, do miệt mài với nhiệm vụ phải định ra được “nguyên tắc” (doctrine) trong một mảng luật pháp nào đó, thường có vẻ không quan tâm lắm đến việc quản trị hành chính và các ứng dụng thực tế của luật pháp. Các công tác này là trách nhiệm của các nhà quản trị hành chính và những người hành nghề luật.
Một đặc điểm khác của hệ thống này đó là, chủ yếu do các lý do lịch sử, luật pháp trong hệ thống này tiến hóa dưới dạng luật tư pháp (private law), tức là dưới dạng một công cụ để quản lý các mối quan hệ tư nhân giữa các cá nhân người dân với nhau; các nhánh luật khác trong cùng hệ thống này phát triển muộn hơn, nhưng chúng không phát triển một cách hoàn thiện bằng, thể theo các nguyên tắc của ngành “dân luật” (civil law) vốn vẫn là nhánh chính của khoa học pháp lý ngày nay.
Hệ thống luật La Mã-Đức có nguồn gốc từ Châu Âu. Hệ thống này được hình thành nhờ vào nỗ lực của các trường đại học Châu Âu từ thế kỷ 12, trên nền tảng các tài liệu luật pháp được soạn thảo dưới thời Hoàng đế Justinian (năm 483 đến 565 sau Công nguyên). Các trường đại học Châu Âu đó đã phát triển dần dần một hình thức khoa học pháp lý có thể được áp dụng đại trà và thích ứng với điều kiện của thế giới hiện đại.
Cụm danh từ “La Mã-Đức” (Romano-Germanic) được chọn ở đây để gợi nhớ tới nỗ lực chung của các trường đại học đến từ những nước nói tiếng Latinh cổ và cả các trường đại học đến từ những nước nói tiếng Đức.
Thông qua quá trình thuộc địa hóa do các nước Châu Âu thực hiện, hệ thống luật La Mã-Đức đã lan đến các khu vực rộng lớn khác nơi mà luật pháp ở đó bay giờ là một phần của hệ thống này, hay là có liên quan đến nó. Hiện tượng “tiếp nhận” luật tự nguyện cũng dẫn đến tình trạng đó ở những nước khác, những nước vốn không hề bị thuộc địa hóa, nhưng do nhu cầu hiện đại hóa hay do mong muốn Tây hóa, đã tạo điều kiện cho sự thẩm thấu các ý tưởng Châu Âu.
Bên ngoài Châu Âu, nơi xuất xứ của hệ thống, nhiều dạng luật pháp tuy có thuộc hệ thống La Mã-Đức nhưng vẫn có các đặc tính riêng của chúng. Từ quan điểm xã hội học, cần thiết phải đặt các hệ thống đó vào những nhóm riêng biệt.
Tại các nước có luật pháp như thế, người dân có nền văn hóa của riêng họ, có các cách tư duy và hành động của riêng họ, cũng như các thiết chế (institutions) bản địa. Tất cả các yếu tố đó đều đã có mặt trước khi có việc “tiếp nhận” luật pháp.
Việc tiếp nhận luật pháp thỉnh thoảng không động chạm đến các thiết chế có từ trước. Việc này điển hình là rõ ràng ở các nước Hồi giáo nơi mà việc tiếp nhận luật Châu Âu và sự dính dáng đến hệ thống luật La Mã-Đức chỉ ở mức độ một phần. Một số mối quan hệ pháp lý tại các nước Hồi giáo vẫn tuân theo các nguyên tắc “luật Hồi giáo”.
Các đường lối suy nghĩ và hành động cũ vốn là đặc thù của các nước đó cũng khiến cho việc áp dụng luật pháp mới từ bên ngoài vào khác với cách người ta áp dụng luật pháp mới ở Châu Âu. Vấn đề này đặc biệt quan trọng trong trường hợp các nước Viễn Đông (Far East), nơi có các nền văn minh cổ xưa và giàu có tồn tại từ rất lâu trước khi có việc tiếp nhận luật pháp phương Tây.
Cuối cùng, đối với các nước Châu Phi và Châu Mỹ, cần thiết phải đặt vấn đề là: liệu các điều kiện địa lý và phân bố dân số của các nước này (vốn khác hoàn toàn các nước Châu Âu) có phải đã dẫn đến việc phát triển các dạng luật pháp khác biệt sâu sắc với các hình mẫu luật Châu Âu không.
Chú thích của tác giả:
Cụm từ “luật La Mã” (Romanist laws – droits romanistes) cũng thỉnh thoảng được dùng để chỉ hệ thống La Mã-Đức. Cụm từ này hữu dụng nhưng nó làm lu mờ vai trò nền tảng của nghiên cứu học thuật thời Trung cổ trong việc hình thành hệ thống La Mã-Đức. Dùng cụm từ này cũng làm khuất đi một thực tế là nội dung hiện nay của các quy định pháp luật trong hệ thống này khá là khác nội dung các quy định luật pháp La Mã.
Cụm từ “dân luật” (civil law) được sử dung tại Anh với ý là các luật “dân luật” có gốc gác từ chính luật La Mã, đặc biệt là từ chính Corpus Juris Civilis (ND: hệ thống các văn bản luật ban hành dưới thời Hoàng đế Justinian). Cách dùng từ “civil law” này cũng không chuẩn vì các lý do đã nêu trên; và thực tế là các từ “civil law” (vốn dịch từ tiếng Latinh ius civile) hiện nay đang được dùng theo một nghĩa khác (ND: nghĩa dân luật, tương phản với hình luật) cũng là một lý do khác cho việc không nên dùng cụm từ “dân luật” ở đây.
Cụm từ “luật lục địa” (continental law – droit continental) cũng từng hay được dùng tại Anh, không còn giá trị nữa vì lục địa Châu Âu không còn nơi quan trọng duy nhất có sử dụng hệ thống luật La Mã-Đức nữa.
19. Hệ thống Thông luật (Common law family)Hệ thống luật thứ hai là hệ thống Thông luật, bao gồm luật Anh quốc và các dạng luật pháp theo khuôn mẫu luật Anh quốc.
Thông luật, với các đặc điểm tính chất hoàn toàn khác hệ thống luật La Mã-Đức, ban đầu được hình thành chủ yếu bởi các thẩm phán trong quá trình giải quyết nhiều các tranh chấp riêng lẻ.
Ngày nay, Thông luật vẫn mang các dấu vết từ các gốc gác của nó. Quy định pháp lý Thông luật là dạng quy định pháp lý cung cấp một giải pháp cho một phiên tòa, thay vì là dạng quy định pháp lý tổng quát về hành vi ứng xử cho tương lai.
Thông luật vì thế đỡ trừu tượng hơn các quy định pháp lý đặc thù của hệ thống La Mã-Đức. Các vấn đề liên quan đến việc thực thi công lý, thủ tục, bằng chứng, và việc thi hành các phán quyết pháp lý đều là những vấn đề quan trọng đối với các luật sư Thông luật. Cũng quan trọng như chính các nội dung quy định pháp luật vậy. Bởi vì trong suốt lịch sử, mối quan tâm thường trực của các luật sư Thông luật là kiến tạo hòa bình thay vì tạo lập một nền tảng đạo đức nào đó cho trật tự xã hội.
Cuối cùng, nguồn gốc của Thông luật có liên hệ với quyền lực hoàng gia (royal power). Hệ thống Thông luật đã được phát triển như một hệ thống phải có mặt tại các trường hợp mà hòa bình trong vương quốc Anh bị đe dọa, hoặc là khi các mối quan tâm quan trọng khác sai khiến hay tạo lý do chính đáng cho các can thiệp sử dụng quyền lực hoàng gia.
Thông luật có vẻ về bản chất thuộc về công pháp (public law), bởi vì các tranh chấp giữa các cá nhân trong dân chúng không được các tòa án Thông luật quan tâm, trừ phi các tranh chấp đó có liên quan đến quyền lợi của vương triều hay quyền lợi của vương quốc.
Trong việc hình thành và phát triển Thông luật – như một dạng công pháp xuất phát từ thủ tục – thứ khoa học pháp lý của người La Mã trên nền tảng ius civile chỉ đóng một vai trò nhỏ: các phân chia mảng ngành trong Thông luật, các khái niệm và từ vựng của nó, các phương pháp của các luật sư Thông luật, đều hoàn toàn khác với hệ thống luật La Mã-Đức.
Cũng giống với hệ thống La Mã-Đức, Thông luật cũng đã có quá trình lan rộng ra thế giới, và lan rộng cũng vì cùng lý do: thuộc địa hóa hay tiếp nhận luật pháp. Các nhận định đã có liên quan đến hệ thống La Mã-Đức cũng có cùng giá trị trong trường hợp hệ thống Thông luật.
Tuy nhiên, cũng phải chỉ ra sự khác biệt giữa Thông luật ở Châu Âu (Anh và Ai-len) và Thông luật ở ngoài Châu Âu.
Tại một số nước ngoài Châu Âu, Thông luật có thể là đã chỉ được tiếp nhận một phần, ví dụ tại một số nước Hồi giáo hay là tại Ấn Độ; tuy nhiên tại những nơi tiếp nhận Thông luật, cần phải chú ý vào cách Thông luật đã được chuyển hóa hay điều chỉnh cho thích ứng, bởi vì Thông luật phải tồn tại chung với truyền thống của các nền văn minh có từ trước.
Một môi trường khác cuối cùng vẫn đã tạo ra khác biệt giữa Thông luật tại các nước nơi nó khởi nguồn và Thông luật tại các nước nơi nó được nhập khẩu. Nhận định này đặc biệt đúng với trong trường hợp hệ thống Thông luật bởi vì hệ thống này bao gồm cả những nước như Mỹ và Canada nơi một nền văn hóa khác biệt trong nhiều khía cạnh với văn hóa Anh đã hình thành. Luật pháp các nước này có một mức độ độc lập cao bên trong chính hệ thống Thông luật.
20. Các liên hệ giữa hệ thống Thông luật và hệ thống luật La Mã-ĐứcQua nhiều thế kỷ đã có nhiều liên hệ qua lại giữa hệ thống luật La Mã-Đức và hệ thống Thông luật. Hai hệ thống đã có khuynh hướng, đặc biệt trong các năm gần đây, tiến lại gần nhau hơn.
Trong cả hai hệ thống, luật pháp đều chịu ảnh hưởng của đạo đức Thiên chúa giáo, và từ thời Phục hưng, các giảng dạy triết học của cả hai bên đều đã đề cao chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do (liberalism) và quyền cá nhân con người. Vì thế, cho một số mục đích nhất định, sự giao hòa giữa hai hệ thống này cho phép chúng ta nói về một hệ thống luật pháp phương Tây lớn.
Chắc chắn là Thông luật vẫn có cấu trúc của riêng nó, rất khác với luật La Mã-Đức, nhưng các phương pháp (methods) pháp lý mà hai bên sử dụng nhìn chung không quá khác biệt; hơn hết, việc công thức hóa quy định pháp lý ngày càng thường diễn ra tại các nước Thông luật giống với việc công thức hóa quy định pháp lý tại các nước thuộc hệ thống La Mã-Đức. Hệ quả là các giải pháp pháp lý có nội dung rất giống nhau, dựa trên cùng ý niệm về công lý, đã được cả hai hệ thống đưa ra.
Khuynh hướng nói về một hệ thống luật phương Tây còn mạnh hơn nữa khi chúng ta xem xét trường hợp một số nước có luật pháp không thể được xếp loại vào một trong hai hệ thống này. Bởi vì luật các nước đó bao gồm cả các yếu tố La Mã-Đức và cả các yếu tố Thông luật.
Luật Scotland, luật Israel, luật Nam Phi, luật xứ Quebec, luật Philippines thuộc nhóm các dạng luật pháp như thế.
Cuối cùng, từ một quan điểm khác, hệ thống La Mã-Đức và hệ thống Thông luật đều được liệt vào cùng một dạng, được gọi bằng cụm từ có chủ ý dè bỉu là “luật Tiểu tư sản” bởi các nhà luật học từ hệ thống Xã hội chủ nghĩa, bao gồm Liên Xô và các nước đang dùng mô hình luật Liên Xô.
21. Hệ thống luật Xã hội chủ nghĩaLuật pháp Xã hội chủ nghĩa là hệ thống thứ ba, biệt lập với hai hệ thống nói trên.
Cho tới nay, các thành viên thuộc hệ thống luật Xã hội chủ nghĩa là các nước trước đây thuộc hệ thống La Mã-Đức, và các nước này đã gìn giữ một số đặc tính của luật La Mã-Đức. Vì vậy, quy định pháp luật vẫn được hình thành dưới dạng các quy tắc chung về hành xử; cách phân chia ngành mảng luật và từ vựng luật pháp trong hệ thống Xã hội chủ nghĩa phần lớn vẫn là sản phẩm của thứ khoa học pháp lý đã được tạo dựng trên nền tảng luật La Mã của các trường đại học Châu Âu trung cổ.
Nhưng ngoài các điểm tương đồng nói trên ra, tồn tại các khác biệt đủ để nhìn nhận một cách đúng đắn rằng các quy định luật pháp Xã hội chủ nghĩa không thuộc hệ thống La Mã-Đức – các nhà luật học Xã hội chủ nghĩa là những người cương quyết nhất trong việc nhìn nhận như thế – và các quy định luật pháp đó cấu thành một hệ thống pháp luật riêng biệt, ít ra trong thời gian trước mắt.
Tính độc đáo của luật pháp Xã hội chủ nghĩa đặc biệt thể hiện rõ qua tính chất cách mạng (revolutionary) hay được quy cho chúng. Với mục đích chống đối lại bản chất vốn phần nào ở trạng thái tĩnh (static) của luật pháp La Mã-Đức, các nhà luật học Xã hội chủ nghĩa thể hiện một tham vọng lật nhào xã hội và tạo ra các điều kiện cho một trật tự xã hội mới, nơi mà các khái niệm như nhà nước và pháp luật cũng sẽ biến mất.
Nguồn độc nhất của các quy định luật pháp Xã hội chủ nghĩa là các nhà làm luật, đại diện cho ý chí dân chúng (popular will), dưới sự chỉ dẫn chặt chẽ của đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, khoa học pháp lý không thường được tin tưởng trong vai trò kiến tạo một trật tự mới; theo chủ nghĩa Marx-Lenin, có một sự thật khoa học (scientific truth), đó chính là luật pháp phải nghiêm khắc lệ thuộc vào công tác kiến tạo một cấu trúc kinh tế mới.
Trong thực thi các giáo điều của chủ nghĩa này, tất cả các phương tiện sản xuất phải được tập thể hóa.
Kết quả là ngành luật tư pháp (private law) liên quan đến quan hệ giữa các công dân bị giới hạn đặc biệt so với thời trước khi có chủ nghĩa Marx. Luật tư pháp đã mất sự vượt trội của nó – mọi thứ bây giờ là công pháp (public law). Khái niệm mới này loại trừ khỏi ranh giới luật pháp một loạt các quy định mà các nhà luật học tại các nước tiểu tư sản xem là các quy định pháp luật.
Hệ thống luật Xã hội chủ nghĩa có nguồn gốc từ Liên bang các nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô), nơi các ý tưởng triết lý nêu trên đang thống lãnh, và là một hệ thống được phát triển từ cuộc cách mạng năm 1917.
Tuy nhiên luật pháp của các nước xã hội chủ nghĩa hay các nước cộng hòa nhân dân tại Châu Âu và Châu Á phải được xếp vào các nhóm riêng biệt với luật Xô Viết. Luật pháp các nước đó cùng thuộc hệ thống luật Xã hội chủ nghĩa. Nhưng, trong khi tại nhóm các nước xã hội chủ nghĩa Châu Âu có thể nhận thấy sự duy trì các đặc tính luật La Mã-Đức, thì tại nhóm các nước cộng hòa nhân dân ở Châu Á, sẽ là hữu ích nếu chúng ta tìm hiểu là các khái niệm luật pháp mới đã được dung hòa trong thực tế như thế nào với các nguyên tắc văn hóa Viễn Đông vốn đã định hình các xã hội đó từ trước giai đoạn Xã hội chủ nghĩa.
22. Các hệ thống khácCả ba hệ thống vừa nêu, mỗi hệ thống đều có các biến thể của chính nó, không nghi ngờ gì chính là ba hệ thống luật chính trong thế giới đương đại.
Nghiêm khắc mà nói thì trên thế giới ngày nay không có luật pháp nào là không tích hợp một vài yếu tố từ một hay nhiều các hệ thống này. Một số người còn có thể cho rằng các hệ thống pháp luật khác chỉ là những hệ thống sống sót qua thời gian từ xa xưa, và rồi cũng sẽ biến mất cùng thời gian và sự tiến bộ của văn minh.
Tuy nhiên, quan điểm đó xuất phát từ một cảm giác siêu việt rất ngây thơ, và nó không gì khác hơn, chỉ là một giả thuyết. Giả thuyết đó còn không nhìn nhận một thực tế có thể quan sát được về thế giới hiện đại.
Đúng là tất cả các quốc gia đương đại đã tiếp nhận các ý tưởng phương Tây, bởi vì việc đó cần thiết để giữ gìn độc lập, hay bởi vì việc đó có ích cho công cuộc phát triển của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cách tư duy cũ hơn, vốn trước đó không lâu vẫn được chấp nhận rộng rãi tại các xã hội khác biệt đó, đều đã bị từ bỏ.
Mọi người đều nhìn nhận tính ưu việt của kỹ thuật phương Tây; nhưng có những ý kiến khác nhau về sự ưu việt của văn minh phương Tây trên tổng thể.
Thế giới Hồi giáo, Ấn Độ, Viễn Đông, và Châu Phi đều không hề gắn bản thân họ vào văn minh phương Tây theo một cách không dè chừng. Những quốc gia đó vẫn rất trung thành với các triết lý vốn nhìn nhận vai trò và chức năng của luật pháp theo cách rất khác với nhìn nhận tại phương Tây. Dù gì đi nữa thì bức tranh luật pháp thế giới đương đại cũng sẽ không hoàn chỉnh nếu không tính đến những nhìn nhận khác biệt đó.
Trong các xã hội ngoài phương Tây, các nguyên tắc xã hội có tầm ảnh hưởng giúp định hình vai trò và chức năng của luật pháp bao gồm hai quan điểm.
Một mặt, luật pháp được nhìn nhận là có giá trị cao nhưng khái niệm luật pháp tự nó là một khái niệm khác với khái niệm luật pháp của phương Tây. Ở quan điểm khác, ngay chính khái niệm luật pháp cũng bị chối từ, và các mối quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các phương tiện ngoài-luật khác (extra-legal means).
Quan điểm trước chính là quan điểm của các xã hội Hồi giáo và theo đạo Hindu. Quan điểm thứ hai chính là quan điểm của các nước Viễn Đông, vài phần của Châu Phi và của Madagascar…”
Tìm đọc thêm