Tội loạn luân và một số góc nhìn luật so sánh
Châu Âu và Hoa Kỳ xác định tội danh này thế nào?
Tội danh loạn luân (incest) nhằm trừng phạt những hành vi quan hệ tình dục cận huyết là một tội danh không mới trong pháp luật hình sự thế giới.
Cái sai dựa trên đạo đức, văn hóa và truyền thống của cộng đồng người Việt Nam thì đã quá rõ, nhưng cách tiếp cận của các quốc gia trên thế giới có hoàn toàn giống với chúng ta? Và lý do nào cần thiết để hình sự hóa hành vi này, khi mà chúng ta còn rất nhiều các biện pháp chế tài khác có thể điều chỉnh hành vi của công dân?
Bài viết này vừa điểm lại các quan điểm pháp lý khắp thế giới về tội danh loạn luân, vừa là một cơ hội để độc giả của Luật Khoa có thể biết thêm một số thuật ngữ pháp lý tiếng Anh liên quan đến tội danh này.
Góc nhìn từ châu Âu
Cộng hòa Đức đặt tội danh và đưa chế tài hình sự đối với hành vi quan hệ tình dục (sexual intercourse) cận huyết giữa anh, chị, em thành niên trong cùng một gia đình tại Chương 173, Điều 2.2 của German Criminal Code (StGB).
Năm 2008, sau khi các nhóm vận động cho rằng việc hình sự hóa hành vi này là không cần thiết (dù họ vẫn xem đây là hành vi sai trái đạo đức), tranh chấp pháp lý được đưa đến trước Tòa án Bảo hiến Liên bang Đức (Federal Constitutional Court). Tòa đi đến kết luận rằng quy định này hoàn toàn hợp hiến.
Các thảo luận từ đó được hệ thống tư pháp của Liên minh Châu Âu xem xét với các đúc kết trong bản án Stübing v. Germany do Tòa án Nhân quyền Châu Âu (European Court of Human Rights - ECtHR) ban hành. [1]
Quy trình đánh giá của ECtHR như sau:
- Quy định của StGB có vi phạm quyền con người nào hay không?
- Nếu có, quy định của StGB có nhắm đến một “mục tiêu” xã hội khách quan nào hay không?
- Quy định của StGb có phù hợp và hiệu quả với mục tiêu được đặt ra hay không?
- Sự cần thiết (necessity) của quy định; và
- Các hướng giải quyết mà quy định đề ra có tương thích (proportionality) với tính nguy hiểm của hành vi hay không? [2]
Như vậy, dù tại Việt Nam việc hình sự hóa tội loạn luân được xem là đương nhiên, rõ ràng, không cần bàn cãi, quá trình lập luận của ECtHR cho chúng ta thấy một hướng lập luận pháp lý minh bạch, sòng phẳng và thuyết phục hơn.
Với Stübing v. Germany, ECtHR cho rằng đúng là việc hình sự hóa hành vi loạn luân sẽ xâm phạm đến quyền “tự quyết hành vi tình dục” (sexual self-determination) của các thành viên thành niên trong gia đình (bước thứ nhất).
Tuy nhiên, việc hình sự hóa này phục vụ mục tiêu chính đáng của nhà nước (bước thứ hai).
Một là bảo vệ cấu trúc gia đình (family structure), một định chế quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của cộng đồng.
Hai là bảo vệ trẻ em có khả năng được sinh ra trong các gia đình hôn phối cận huyết, vì trẻ sinh ra (ngoài các vấn đề sức khỏe) luôn gặp những khó khăn rất đáng kể trong việc xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và gầy dựng niềm tin ở những người chăm sóc gần gũi (closest caregivers) với mình nhất.
Cả hai vấn đề trên có thể gây ra những tác hại về tâm lý, sinh học và xã hội lớn cho sự phát triển bình thường của một cộng đồng người.
Trên cơ sở này, ECtHR tiếp tục xem xét và cho rằng việc can thiệp của pháp luật hình sự Đức (hình phạt tù cao nhất hai năm và các hình thức nhẹ hơn như phạt tiền tùy vào tính nghiêm trọng và tính thao túng của mối quan hệ) là phù hợp, cần thiết, với các công cụ tương thích với tính nghiêm trọng của hành vi (ba bước cuối cùng).
Góc nhìn từ Hoa Kỳ
Hoa Kỳ, với tư cách là một quốc gia với nhiều tiểu bang cũng không có một quy định thống nhất về tội danh loạn luân. Tuy nhiên, có thể đưa ra một bình luận phổ quát rằng hầu hết các tiểu bang đều hình sự hóa hành vi này.
Tại hai tiểu bang quyết định không hình sự hóa loạn luân là New Jersey và Rhode Island, hệ thống pháp luật tiểu bang cũng không thừa nhận mối quan hệ này một cách chính thức bằng cách từ chối quyền đăng ký kết hôn. [3]
Về cấu thành, công tố Hoa Kỳ trước tiên sẽ phải chứng minh có hành vi quan hệ tình dục diễn ra (“carnal knowledge”, một thuật ngữ pháp lý được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ, tương ứng với “sexual intercourse” ở trên) giữa hai cá nhân cận huyết.
Thứ hai, cơ quan buộc tội sẽ phải chứng minh quan hệ huyết thống (consanguinity) giữa hai cá nhân.
Cuối cùng, họ cũng sẽ phải tính đến yếu tố đồng thuận của mối quan hệ loạn luân (incestuous relationship). [4]
Tiêu chuẩn này sẽ nhằm xác định hai bên quan hệ là đồng phạm (accomplice) khi thực hiện hành vi, hay có một bên là nạn nhân (victim).
Một điểm khác biệt là dù cấu thành của tội danh loạn luân có yêu cầu chứng minh “consanguinity”, một số tòa án Hoa Kỳ dùng tội danh loạn luân để xét xử cả mối quan hệ giữa bố dượng với con riêng của vợ (tức không có mối quan hệ huyết thống trực tiếp và chỉ có danh nghĩa gia đình về mặt pháp lý). Một trong những án lệ điển hình là U.S. v. Shipp được Tòa án Liên bang Khu vực 4 xét xử. [5]
***
Tội loạn luân được ghi nhận tại Điều 184 của Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015.
Theo đó, những người có dòng máu trực hệ (cha, mẹ đối với con; ông bà đối với cháu nội và cháu ngoại), anh chị em cùng cha khác mẹ hay anh chị em cùng mẹ khác cha, v.v mà thực hiện hành vi giao cấu tình dục thì vi phạm quy định của điều này. Mức phạt cao nhất của tội danh là 5 năm tù.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng đưa ra mức tuổi có thể trở thành tội phạm của tội danh là trên 16 tuổi. Người đồng thuận thực hiện hành vi giao cấu loạn luân, nhưng dưới 16 tuổi, luôn được xem là nạn nhân.
Cần lưu ý, chỉ khi hành vi giao cấu có sự đồng thuận giữa hai bên thì mới áp dụng tội danh loạn luân. Các trường hợp ép buộc khác đều đưa vào nhóm tội hiếp dâm hay cưỡng dâm. Đây là khác biệt khá cơ bản giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ (vốn sử dụng tội loạn luân ngay cả khi có một người bị cưỡng ép).
Chú thích
1. Incest in the European Court. (2012, April 15). EJIL-Talk. https://www.ejiltalk.org/incest-in-the-european-court/
2. Lagodny, O. (2011). BASIC RIGHTS AND SUBSTANTIVE CRIMINAL LAW: THE INCEST CASE. The University of Toronto Law Journal, 61(4), 761–781. http://www.jstor.org/stable/41429396
3. Incest Laws by State 2021. (2021). World Population Review. https://worldpopulationreview.com/state-rankings/incest-laws-by-state
4. Lederer, Christine (1981) "Incest - Prosecution of the Case," University of Baltimore Law Forum: Vol. 11: No. 1, Article 3.
5. United States v. Shipp | Fourth Circuit | 04–18-1969 | www.anylaw.com. (1969). AnyLaw. https://www.anylaw.com/case/united-states-v-shipp/fourth-circuit/04-17-1969/9IEWPmYBTlTomsSBQ-cZ