Café Luật Khoa: Nhân từ với quỷ dữ

Café Luật Khoa: Nhân từ với quỷ dữ

Vào cuối cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng có sức ảnh hưởng đến mức huyền thoại, “Giết Con Chim Nhại” của nhà văn Harper Lee, người kể và nhân vật chính, cô bé Scout tò mò nhiều suy tư, đã học được thật nhiều bài học vô giá về đạo đức và tình yêu thương con người sau bao nhiêu sóng gió trắc trở.

Scout đã học không chỉ qua những lời dạy dỗ, mà còn qua quan sát cách người cha của cô, vị luật sư can đảm Atticus Finch cố gắng hết sức để bảo vệ và bào chữa cho một người da đen bị kết án tử hình oan, trong vòng vây của một thị trấn đầy những người da trắng giận dữ.

Cảnh cuối chuyện rất đáng nhớ là cảnh cô bé Scout kể lại cho cha Atticus một câu chuyện mà cô bé đang đọc, cũng là về một người bị hàm oan nhưng may mắn được gỡ tội:

“…”Khi họ đã thấy anh ấy rồi, ra là anh ấy đã chả hề làm những điều họ nói… Bố Atticus ạ, anh ấy là một người tốt…” Đôi bàn tay bố đang ở dưới cằm tôi, kéo tấm chăn lên đắp quanh tôi. “Phần lớn mọi người đều thế, Scout ạ, khi con cuối cùng đã thấy được họ.”…”

Cha con Atticus và Scout trong phiên bản điện ảnh năm 1962 của Mỹ. Ảnh: theatlantic.com.

Lời nói đó của Atticus Finch đã nhẹ nhàng tổng kết thông điệp của cả cuốn tiểu thuyết “Giết Con Chim Nhại”.

Đó là một thông điệp về cách chúng ta nhìn con người, cách chúng ta thấu hiểu họ, không chỉ trong những hoàn cảnh bình thường, mà ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của nhân sinh.

Đúng, chúng ta “nhìn,” nhưng hiếm khi nào chúng ta “thấy”.

Trong cuốn sách “Nhân từ với quỷ dữ: Bàn về Công lý và Sự cứu chuộc” thuật lại cuộc đời hành nghề luật của mình, luật sư Bryan Stevenson đã kể về một ký ức cảm động từ thời thơ bé với người bà của ông, một ký ức góp phần định hình quan điểm khi trưởng thành của ông:

Luật sư Bryan Stevenson. Ảnh: npr.com.

“Mỗi lần tôi tới thăm bà, bà sẽ ôm tôi chặt đến nỗi tôi không thở nổi. Một lúc sau, bà sẽ hỏi, “Bryan, cháu vẫn cảm thấy bà đang ôm cháu đấy chứ?” Nếu tôi nói có bà sẽ buông tôi ra; nếu tôi nói không, bà sẽ ‘xử lý’ tôi tiếp. Tôi lúc nào cũng nói không vì tôi thích được ôm trọn trong vòng tay mạnh mẽ chết khiếp của bà. Bà không bao giờ mệt mỏi khi kéo tôi về phía bà.

“Cháu sẽ không hiểu được những điều quan trọng nếu cháu đứng từ xa đâu Bryan. Cháu phải tiến lại gần,” lúc nào bà cũng dặn tôi như vậy.

“Tiến lại gần” đã luôn trở thành cách mà Bryan Stevenson chọn để nhìn, và “thấy” được những thân chủ của mình, những tử tù bị kết án bất công trong nhiều vụ án oan khuất nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ.

Bryan Stevenson tốt nghiệp trường luật Harvard nhưng đã chọn một con đường rất khác với nhiều bạn đồng môn: thay vì đi làm luật sư thương mại hay làm chính trị, Bryan chọn việc làm luật sư đại diện và bảo vệ cho những người tử tù bị kết án bất công.

Suốt nhiều năm trời tiến lại gần những người tử tù, Bryan đã hiểu được cách để nhìn xuyên qua cái hình ảnh những tử tù hung bạo cùng tội ác giết người tày đình đẫm máu, nhìn xuyên qua cái hình ảnh “quỷ dữ” mà truyền thông và dư luận quần chúng thường gắn cho những người đã bị tòa kết án tử.

Phía sau tấm áo tù là những con người thật sự với những tự sự riêng và những số phận đầy uẩn khúc cay nghiệt.

Và phía sau những tội ác, thường không phải là quỷ quái, mà là những bi kịch đời người.

Trong quá trình “tiến lại gần” của mình, Bryan cũng đã giúp cho nhiều người khác vốn có cái nhìn tiêu cực về các tử tù có thể “thấy” được như ông.

Trong đoạn trích tuần này, Café Luật Khoa xin giới thiệu với bạn về một trường hợp như thế.

***

Trích đoạn “Nhân từ với quỷ dữ: Bàn về Công lý và Sự cứu chuộc”

(Just Mercy: A Story of Justice and Redemption) – Bryan Stevenson (Nhà xuất bản Spiegel & Grau)

Trích từ Bản tiếng Việt – Dịch giả Phạm Thanh Trà (Domino Books và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành tháng 12/2017)

Từ Chương 10 – Trang 215 đến 227 (cách dòng do người trích, ảnh minh họa trong bài này không thuộc nội dung trong sách)

“…Nhiều thân chủ của tôi ở trại tử tù mắc bệnh tâm thần nghiêm trọng, nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể xác định rõ liệu có phải họ có tiền sử tâm thần trước khi vào tù hay không, bởi các triệu chứng bệnh có thể biểu hiện ngắt quãng hoặc thường do stress gây ra.

Thế nhưng, những lá thư viết tay của Avery Jenkins với cỡ chữ li ti buộc tôi phải dùng tới kính lúp để đọc đã thuyết phục tôi rằng anh đã bệnh từ rất lâu rồi.

Tôi tìm hiểu vụ án của anh và bắt đầu xâu chuỗi các sự kiện. Hoá ra anh bị kết án vì sát hại dã man một ông lão. Những nhát đâm liên tiếp trên người nạn nhân có thể là minh chứng cho chứng rối loạn tâm thần, nhưng hồ sơ và biên bản phiên toà không đề cập lời nào về bệnh tình của Jenkins. Tôi nghĩ mình sẽ hiểu rõ hơn sự tình khi tới gặp anh trực tiếp.

Khi lái xe vào bãi xe của nhà tù, tôi để ý thấy một chiếc xe bán tải trông như một tượng đài của Miền Nam Cũ (ND: Nguyên văn: the Old South, là từ chỉ miền Nam Hoa Kỳ trước cuộc Nội chiến (1861-1865)).

Nó phủ đầy những tấm dán ghê rợn, đề can in cờ Liên minh miền Nam Hoa Kỳ và những hình ảnh khó chịu khác. Biển số xe in hình cờ Liên minh quả thật rất thịnh hành ở miền Nam, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mấy tấm dán như thế này.

Nhiều tấm ghi các khẩu hiệu về súng ống và thể hiện bản sắc miền Nam. Một tấm viết, “NẾU BIẾT MỌI SỰ THÀNH RA THẾ NÀY, THÌ TA ĐÃ TỰ ĐI HÁI ĐÁM BÔNG MẮC DỊCH” (ND: Đây là câu nói mang hàm ý sỉ nhục người da đen, tạm hiểu là “nếu biết dân mọi sẽ được thả tự do để rồi phá hỏng mọi thứ, thì ta đã chẳng bắt chúng làm nô lệ mà tự mình hái bông còn hơn.”)

Một chiếc xe hơi mang cờ Liên minh Miền Nam tại Mỹ. Ảnh: tbo.com.

Mặc dù lớn lên với những hình ảnh của Liên minh và đã làm việc nhiều năm ở miền Thâm Nam, tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh trước những biểu tượng như thế.

Tôi dừng lại ở sân nhà tù để quan sát chiếc xe tải kỹ hơn. Tôi tò mò đi vòng quanh nó và đọc những tấm đề can đầy khiêu khích. Rồi tôi quay lại cổng chính nhà tù, cố gắng tập trung vào việc chính, nhưng không thể thờ ơ với những thứ mà tôi cho là biểu tượng của sự áp bức chủng tộc.

Tôi đã tới nhà tù này thường xuyên đủ để quen mặt nhiều nhân viên cải huấn, nhưng lần này, tôi gặp một nhân viên tôi chưa thấy mặt bao giờ.

Đó là một người da trắng cao tầm như tôi, khoảng mét tám, cơ bắp cuồn cuộn. Anh ta chắc khoảng ngoài bốn mươi, tóc cắt ngắn kiểu nhà binh.

Anh ta nhìn tôi lạnh tanh với đôi mắt xanh ánh thép. Tôi đi về phía cánh cổng dẫn tới hành lang phòng thăm viếng, nơi tôi đoán mình sẽ bị kiểm tra trước khi vào phòng. Tay nhân viên nhảy ra trước mặt tôi, chặn đường không cho tôi đi tiếp.

“Anh làm gì ở đây?” gã gầm ghè.

“Tôi có một buổi gặp pháp lý,” tôi trả lời.

“Tôi đã hẹn lịch từ trước rồi. Mọi người ở văn phòng quản lý có lưu giấy tờ” Tôi
mỉm cười và nói lịch sự hết mức có thể làm dịu tình hình.

“Được rồi, được rồi, nhưng anh phải khám người trước đã.”

Thật khó lờ đi thái độ thù địch trắng trợn của gã, nhưng tôi cố hết sức.

“OK, anh có cần tôi bỏ giày ra không?” Các nhân viên khó tính thỉnh thoảng vẫn bắt tôi cởi giày trước khi vào trong.

“Anh phải đi vào phòng tắm đằng kia và cởi hết ra nếu anh muốn vào nhà tù của tôi nhé.”

Tôi bị sốc nhưng vẫn cố nói chuyện tử tế.

“À không, thưa anh. Tôi nghĩ có thể anh đã nhầm. Tôi là luật sư. Luật sư không phải khám truồng khi đến nhà tù tư vấn pháp lý.”

Thay vì trấn tĩnh, điều này dường như lại làm gã điên tiết hơn.

“Này, tôi không biết anh nghĩ mình là ai, nhưng anh không thể vào nhà tù của tôi mà không tuân theo quy tắc an ninh của chúng tôi. Bây giờ anh vào phòng tắm kia và cởi đồ ra, không thì mời anh quay lại bất cứ xó nào mà anh đã xuất phát nhé.”

Tôi đã có vài lần va chạm với các nhân viên khi tới nhà tù, chuyện này chủ yếu xảy ra ở các trại giam nhỏ của hạt hoặc những nơi tôi chưa đến bao giờ nhưng lần này thực sự bất thường.

“Tôi đã tới nhà tù này nhiều lần nhưng chưa bao giờ bị yêu cầu khám truồng. Tôi không nghĩ đó là quy tắc,” tôi khẳng định chắc chắn.

“Được, tôi không biết và cũng chẳng quan tâm những người khác làm như thế nào, nhưng đây là quy tắc tôi theo.”

Tôi định cố tìm một giám thị phụ tá nhưng nghĩ như vậy cũng khó vì dù sao một giám thị phụ tá sẽ không thể bảo với một cán bộ là anh ta sai ngay trước mặt tôi.

Tôi đã mất hai giờ lái xe tới đây và lịch làm việc trong ba tuần tới của tôi đã kín đặc; tôi sẽ không thể quay lại nhà tù này sớm nếu hôm nay tôi không vào được. Tôi vào phòng tắm và cởi quần áo.

Gã nhân viên bước vào, rà soát thô bạo rồi lẩm bẩm cho tôi qua. Tôi mặc lại comple và đi ra ngoài.

“Tôi muốn vào phòng thăm viếng ngay bây giờ” Tôi nó với giọng cứng rắn hơn, cố giành lại chút phẩm giá.

“Này, anh phải quay lại ký sổ đã.”

Gã nói giọng tử tế nhưng rõ ràng là đang tìm cách gây khó dễ cho tôi. Nhà tù có một quyển nhật ký thăm nuôi để người nhà phạm nhân ký vào, nhưng cuốn sổ đó không phải để dành cho các buổi gặp pháp lý. Tôi đã ký vào sổ luật sư, chẳng có lý gì để tôi ký vào một quyển sổ nữa.

“Luật sư không cần ký quyển sổ đó”

“Nếu anh muốn vào nhà tù của tôi, anh sẽ phải ký vào đây.”

Hình như gã đang cười khẩy. Tôi phải cố gắng lắm mới giữ được bình tĩnh.

Tôi quay người đi về phía quyển sổ rồi ký tên. Tôi quay lại chờ trước cửa phòng thăm viếng. Phải mở chiếc khoá móc trên cánh cửa căn phòng bằng kính thì tôi mới vào gặp thân chủ được.

Cuối cùng viên quản giáo cũng rút chìa khoá. Tôi đứng đó lòng thầm mong mình sẽ vào được mà không bị hoạnh họe gì nữa. Cửa mở tôi bước vào nhưng bị gã tóm lấy cánh tay chặn lại.

Gã gằn giọng. “Này, anh có thấy chiếc xe tải ở ngoài sân khu thăm viếng không? Chiếc xe có rất nhiều miếng dán, cờ và một cái giá súng ấy?”

Tôi thận trọng trả lời. “Có, tôi có thấy chiếc xe đó”

Gã nghiêm mặt rồi nói. “Tôi muốn anh biết đấy là xe của tôi.”

Gã bỏ tay ra và để tôi bước vào phòng. Tôi rất tức gã, nhưng tôi thậm chí còn bực hơn vì sự bất lực của mình.

Rồi tôi quên chuyện đó khi cửa sau phòng thăm viếng hé mở và Jenkins được một nhân viên khác dẫn vào.

Jenkins là một người gốc Phi thấp lùn, tóc húi cua. Anh nắm tay tôi bằng cả hai bàn tay và cười toét miệng khi ngồi xuống. Anh có vẻ vui lạ thường khi gặp tôi.

“Anh Jenkins, tôi là Bryan Stevenson. Tôi là luật sư mà anh đã nói chuyện…”

“Anh có mang sữa lắc sôcôla cho tôi không?” Anh nói rất nhanh.

“Tôi xin lỗi, anh nói gì cơ?”

Anh vẫn cười nhăn nhở “Anh có mang sữa lắc sôcôla cho tôi không? Tôi muốn uống sữa lắc sôcôla.”

Chặng đường dài, chiếc xe tải Liên minh, sự sách nhiễu của viên cai tù, và bây giờ là yêu cầu uống sữa lắc – đây đúng là một ngày kỳ cục.

Tôi không giấu được vẻ sốt ruột. “Không, anh Jenkins, tôi không mang sữa lắc sôcôla. Tôi là
luật sư. Tôi đến đây để giúp anh trong vụ việc này và sẽ cố gắng để anh được xét xử lại.

Được chứ? Đấy là lý do tại sao tôi ở đây. Bây giờ tôi muốn hỏi anh mấy câu để hiểu rõ chuyện đã xảy ra.”

Tôi thấy nụ cười tắt ngấm khỏi gương mặt anh. Tôi bắt đầu hỏi, và anh trả lời nhát gừng, thỉnh thoảng anh chỉ lẩm bẩm có hoặc không.

Tôi nhận ra anh vẫn đang nghĩ về sữa lắc sôcôla. Xích mích với viên quản giáo làm tôi quên mất chứng rối loạn tâm thần ở người đàn ông này có thể trầm trọng đến độ nào.

Tôi dừng cuộc phỏng vấn và chúi người về trước.

“Anh Jenkins, tôi thật sự xin lỗi. Tôi không biết anh muốn tôi mang sữa lắc sôcôla. Nếu tôi biết thì tôi đã cố gắng mang rồi. Tôi hứa lần sau đến đây, nếu họ cho phép, tôi sẽ mang sữa lắc sôcôla cho anh. Được chứ?”

Với lời hứa đó nụ cười của anh trở lại, tâm trạng của anh sáng sủa hơn.

Hồ sơ thụ án của anh cho thấy anh thường lên cơn rối loạn tâm thần, mỗi lần như thế anh lại la hét hàng giờ liền. Trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi, anh khá tử tế và nhẹ nhàng nhưng rõ là anh có bệnh. Tôi không hiểu tại sao biên bản xét xử không hề đề cập đến căn bệnh tâm thần của anh, nhưng sau vụ việc của George Daniel, không điều gì làm tôi ngạc nhiên nữa.

Bryan Stevenson cùng đồng nghiệp tại tổ chức Equal Justice Initiative do ông sáng lập để giúp đỡ các tử tù bị oan sai tại Mỹ. Ảnh: nybooks.com.

Khi tôi quay lại văn phòng, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về thân thế của Jenkins.

Chúng tôi tìm ra những câu chuyện hết sức đau lòng. Cha anh bị giết hại trước khi anh ra đời, còn mẹ anh chết vì dùng ma tuý quá liều khi anh mới một tuổi. Anh đã sống trong trại trẻ mồ côi từ khi lên hai. Tuổi thơ trong trại trẻ của anh rất khủng khiếp; chưa đầy tám tuổi mà anh đã phải sống ở mười chín trại trẻ khác nhau.

Từ nhỏ anh đã có những biểu hiện chậm phát triển trí tuệ. Anh bị suy giảm nhận thức – dấu hiệu của tổn thương não, và có một số vấn đề về hành vi – dấu hiệu của tâm thần phân liệt, cùng các chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng khác.

Lên mười tuổi, Avery sống với một cặp cha mẹ nuôi rất ác nghiệt, những nguyên tắc cứng nhắc của họ thường xuyên làm khổ cậu. Cậu không thể đáp ứng tất cả những yêu cầu được đặt ra, vì vậy cậu liên tục bị nhốt trong phòng kín, bị bỏ đói, đánh đập, hành hạ thân thể.

Khi hành vi của cậu không cải thiện, người mẹ nuôi quyết định tống khứ cậu đi. Bà ta đưa cậu vào rừng, trói cậu vào gốc cây và bỏ mặc cậu ở đó. Ba ngày sau, những người thợ săn tìm thấy cậu trong tình trạng sức khoẻ suy kiệt.

Sau khi bình phục khỏi những vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng sau vụ bỏ rơi, cậu được giao nộp cho nhà chức trách, rồi bị gửi trở lại trại trẻ mồ côi.

Năm mười ba tuổi, cậu bắt đầu lạm dụng rượu và ma tuý. Năm mười lăm tuổi, cậu bắt đầu bị động kinh và rối loạn tâm thần. Mười bảy tuổi, cậu được chẩn đoán mất năng lực kiểm soát hành vi và bị đẩy vào tình cảnh vô gia cư.

Avery vào tù ra tội cho tới năm hai mươi tuổi, trong một cơn rối loạn tâm thần, anh lang thang vào một ngôi nhà, anh nghĩ rằng mình đang bị ác quỷ tấn công. Trong nhà, anh đâm chém dã man một người đàn ông tới chết vì tưởng ông ta là quỷ dữ. Luật sư bào chữa của Jenkins không điều tra về quá khứ của anh trước phiên xét xử, anh nhanh chóng bị luận tội giết người và kết án tử.

Nhà tù không cho phép tôi mang sữa lắc cho Jenkins. Tôi đã cố giải thích với anh, nhưng mỗi lần tôi tới thăm, câu hỏi đầu tiên của anh bao giờ cũng là về sữa lắc. Tôi nói tôi sẽ tiếp tục cố gắng – tôi phải hứa như vậy, để anh có thể tập trung vào việc chính.

Nhiều tháng sau, cuối cùng chúng tôi cũng được sắp xếp cho một phiên toà để trình bày những bằng chứng về bệnh tâm thần nghiêm trọng của anh, những tài liệu mà đáng ra phải được trình bày trong phiên sơ thẩm. Chúng tôi đồ rằng những luật sư của anh đã bào chữa không hiệu quả trước toà vì không tìm hiểu và trình bày về quá khứ cũng như bệnh tình của Avery để tác động đến bản án.

Khi tới toà án cách nhà tù khoảng ba giờ xe, tôi tìm gặp Avery lúc này đang ở buồng tạm giam dưới tầng hầm. Sau khi hoàn thành nghi thức sữa lắc như thường lệ, tôi cố gắng giải thích cho anh hiểu những gì sẽ diễn ra trong phiên toà.

Tôi lo anh sẽ bị kinh động khi trông thấy một số nhân chứng, những người đã quản lý anh thời ở trại trẻ mồ côi. Các chuyên gia cũng sẽ cung cấp những lời khai rất trực diện về tình trạng khuyết tật và bệnh tình của anh. Tôi muốn anh hiểu vì sao chúng tôi phải làm thế. Anh vui vẻ bằng lòng, như mọi khi.

Khi bước lên cầu thang tới phòng xử tôi trông thấy viên cán bộ cải huấn đã sách nhiễu vào lần đầu tiên tôi gặp Avery. Từ sau vụ va chạm khó chịu đó tôi chưa gặp lại gã lần nào.

Tôi hỏi những thân chủ khác và được biết gã khét tiếng và thường làm ca tối. Đa số mọi người đều cố tránh mặt gã. Chắc hẳn gã đã được giao nhiệm vụ áp giải Avery tới toà; tôi lo lắng không biết Avery đã bị đối xử như thế nào trong chuyến đi, nhưng có vẻ anh vẫn bình thường.

Trong ba ngày sau đó chúng tôi trình bày những chứng cứ về thân thế của Avery. Các chuyên gia đã rất tuyệt vời khi trình bày về bệnh trạng của Avery. Họ không thiên vị hay có thành kiến gì mà chỉ miêu tả rất thuyết phục về việc chứng tổn thương não hữu cơ, tâm thần phân liệt và rối loạn lưỡng cực có thể hiệp lực gây ra tình trạng suy giảm tâm thần nghiêm trọng như thế nào.

Họ giải thích rằng chứng rối loạn tâm thần và các vấn đề sức khỏe tâm trí nghiêm trọng khác của Jenkins có thể dẫn tới hành vi nguy hiểm, nhưng hành vi đó là một biểu hiện của bệnh chứ không phản ánh nhân cách của anh.

Chúng tôi cũng đưa ra bằng chứng cho thấy hệ thống chăm sóc trẻ cơ nhỡ đã làm hỏng Avery ra sao. Một số cặp cha mẹ nuôi của Avery về sau đã bị kết tội lạm dụng tình dục và ngược đãi con nuôi.

Chúng tôi trình bày về quá trình Avery bị đá từ nơi bất hạnh này qua nơi bất hạnh khác cho đến khi anh trơ thành người nghiện ngập và vô gia cư.

Một số cặp cha mẹ nuôi thừa nhận họ cảm thấy bất lực khi nuôi Avery vì họ không được chuẩn bị để đối phó với những vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng của anh.

Tôi lập luận với toà rằng xét xử Avery mà không chiếu cố đến tình trạng sức khỏe tâm thần của anh thì cũng tàn nhẫn như khi ta nói với một người cụt chân rằng “Anh phải tự leo lên những bậc thang này, nếu không thì anh là đồ lười,” hay nói với một người khiếm thị rằng, “Anh phải tự băng qua con đường cao tốc liên bang đông đúc này, nếu không thì anh là đồ hèn.”

Chúng ta đã có hàng trăm cách để đáp ứng nhu cầu của những người khuyết tật thể lý, hay chí ít là để hiểu họ. Chúng ta bức xúc khi nhu cầu được cảm thông và giúp đỡ tận tình của người khuyết tật thể lý không được nhìn nhận; nhưng vì khuyết tật tâm thần không hiển lộ ra theo cách như vậy, nên chúng ta có xu hướng phủ nhận nhu cầu của những người mang khuyết tật tâm thần và vội vàng phán xét khiếm khuyết cũng như thất bại của họ

Tất nhiên, hành vi sát hại dã man một người đòi hỏi Nhà nước phải buộc thủ phạm chịu trách nhiệm nhằm bảo vệ người dân. Nhưng hoàn toàn không đếm xỉa đến tình trạng khuyết tật của thủ phạm sẽ làm cho quá trình luận tội và xác định mức án trở nên bất công.

Tôi về nhà trong tâm trạng hài lòng về phiên toà, nhưng sự thật là một phiên toà hậu kết án hiếm khi đem lại phán quyết có lợi. Nếu có tin tốt, nhiều khả năng là nó sẽ tới trong phiên phúc thẩm. Tôi không trông đợi bất cứ một phán quyết kỳ diệu nào. Khoảng một tháng sau phiên toà, trước khi quyết định được công bố tôi quay lại nhà tù để gặp Avery.

Chúng tôi không có nhiều thời gian nói chuyện sau phiên toà, và tôi muốn biết chắc rằng anh vẫn ổn. Trong suốt phiên toà, anh ngồi thư thái, nhưng khi một vài cặp cha mẹ nuôi cũ bước vào phòng xử tôi thấy mặt anh biến sắc. Tôi nghĩ chuyến thăm này của tôi sẽ có ích.

Khi vào bãi đỗ xe, một lần nữa tôi trông thấy chiếc xe tải gớm ghiếc với cờ miếng dán, và giá súng đầy vẻ hăm dọa kia. Tôi ngại phải chạm mặt viên quản giáo đó.

Y như rằng, sau khi làm xong thủ tục tại bàn thư ký, và đi về phía phòng thăm viếng, tôi thấy gã xuất hiện. Tôi chuẩn bị tinh thần để nói chuyện với gã. Và rồi một chuyện bất ngờ xảy ra.

“Xin chào, anh Stevenson. Anh khỏe không?” viên quản giáo hỏi. Giọng gã có vẻ chân thành.

Tôi thấy nghi ngờ “Vâng, tôi khoẻ. Anh thế nào?”

Gã nhìn tôi với ánh mắt khác lần trước; gã không nhìn trừng trừng nữa mà có vẻ thực tâm muốn nói chuyện. Tôi quyết định thử gã.

“Xem này, tôi sẽ vào nhà tắm và chuẩn bị sẵn sàng để anh khám xét.”

“Ồ anh Stevenson, đừng lo chuyện đó” gã vội vàng trả lời.

“Tôi biết anh không có vấn đề gì mà.” Giọng điệu và cách xử sự của gã đã khác hoàn toàn.

“Ô vâng, cảm ơn anh nhiều. Vậy tôi sẽ quay lại để ký sổ nhé.”

“Anh Stevenson, anh không phải làm thế đâu. Tôi thấy anh đến nên đã ký hộ anh. Tôi đã lo xong chuyện đó rồi.”

Tôi nhận thấy thực ra gã đang lúng túng.

Tôi bối rối trước sự thay đổi thái độ của gã. Tôi cảm ơn gã và tiến về phía cửa phòng thăm viếng khi gã lẽo đẽo theo sau. Gã mở khoá để tôi vào trong. Khi tôi lướt qua gã để vào phòng, gã đặt tay lên vai tôi.

“Anh này, tôi muốn nói với anh một chuyện.”

Tôi không biết gã đang ấp úng điều gì.

“Anh biết đấy, tôi là người đưa lão Avery tới toà án và đã ở đó cùng các anh suốt ba ngày. Và tôi, à, ờ, tôi muốn anh biết rằng tôi có nghe anh trình bày.”

Gã bỏ tay khỏi vai tôi và nhìn bâng quơ như thể có thứ gì đó sau lưng tôi.

“Anh biết không, tôi, à, ừm, tôi rất trân trọng những điều anh đã làm, thật đấy. Tôi cảm thấy thật khó khăn khi ở trong phòng xử đó và nghe cuộc thảo luận của các anh. Anh biết không, tôi lớn lên ở trại trẻ mồ côi. Tôi cũng lớn lên trong trại trẻ mồ côi đấy.”

Nét mặt gã giãn ra. “Ôi trời, tôi tưởng không ai phải chịu khổ nhục như tôi. Họ đá tôi từ chỗ nọ sang chỗ kia như thể không ai muốn nuôi tôi. Tình cảnh của tôi khá thảm. Nhưng khi nghe anh nói về Avery, tôi mới thấy trên đời còn có những người khác cũng khổ như tôi vậy. Mà thậm chí còn khổ hơn. Ý tôi là, có mặt ở phòng xử đó làm rất nhiều ký ức của tôi quay trở lại.”

Gã rút từ trong túi ra một chiếc khăn tay để lau mồ hôi rịn ra trên lông mày. Lần đầu tiên tôi đê ý thấy gã có một lá cờ Liên minh xăm trên cánh tay.

“Anh biết không, có lẽ điều tôi muốn nói đó là tôi nghĩ anh đang làm một việc rất tốt. Thời niên thiếu của tôi đầy oán hận, đến nỗi nhiều khi tôi thật sự muốn làm đau một ai đó chỉ vì tôi oán hận quá. Tôi sống vật vã đến năm mười tám tuổi thì nhập ngũ và anh biết không, đời tôi giờ cũng tạm ổn. Nhưng ngồi trong phòng xử làm tôi nhớ lại nhiều chuyện, và tôi nhận ra tôi vẫn còn nhiều hận thù lắm.”

Tôi mỉm cười.

Gã nói tiếp: “Ông bác sĩ chuyên gia mà anh mời đến nói rằng trẻ sống trong môi trường bạo hành sẽ phải chịu một số tổn thương vĩnh viễn; tôi đang lo về chuyện đó. Anh có nghĩ ông ta nói đúng không?”

“Ồ tôi nghĩ là chúng ta luôn có thể sống tốt hơn,” tôi bảo gã. “Những chuyện tồi tệ đã xảy ra không làm nên bản chất con người ta. Điều quan trọng là đôi khi mọi người cần hiểu về quá khứ của ta.”

Chúng tôi nói chuyện nhẹ nhàng với nhau. Một nhân viên khác đi qua, nhìn chúng tôi chằm chằm.

Tôi nói tiếp: “Anh biết không, tôi rất biết ơn vì anh đã nói ra điều này. Nó rất có ý nghĩa với tôi, thật đấy. Thỉnh thoảng tôi cũng quên mất rằng có những lúc tất cả chúng ta ai cũng cần được xoa dịu.”

Gã nhìn tôi, mỉm cười. “Ở toà anh cứ nói mãi về sự xoa dịu. Tôi đã tự hỏi anh đang làm cái quái gì khi cứ lải nhải chuyện ‘xoa dịu’. Về nhà tôi mới tra nghĩa của từ này. Lúc trước tôi không hiểu ý của anh lắm, nhưng giờ thì tôi hiểu rồi.”

Tôi cười lớn. “Đôi lúc tôi cũng chẳng biết mình đang nói gì trước toà nữa.”

“Ô không, tôi nghĩ anh đã làm rất tốt, tốt thật đấy.” Gã nhìn vào mắt tôi rồi chìa tay ra. Chúng tôi bắt tay, và tôi đi tiếp về phía cửa. Khi tôi chuẩn bị bước vào trong thì gã lại níu cánh tay tôi một lần nữa.

“À, chờ đã. Tôi phải kể cho anh một chuyện nữa. Tôi đã làm một chuyện mà có lẽ không phải việc của tôi, nhưng tôi muốn anh biết. Trên đường từ toà án về đây, vào ngày cuối cùng đó ừm, tôi biết Avery thế nào mà, anh biết đấy. À thì tôi chỉ muốn kể với anh rằng trên đường về, tôi đã lái xe ra khỏi đường cao tốc. Và, ờ tôi đưa anh ta vào một tiệm Wendy’s và mua cho anh ta một ly sữa lắc sôcôla.”

Tôi ngờ vực nhìn gã, và gã bật cười khúc khích. Rồi gã đóng cửa để tôi ở lại phòng. Tôi quá bất ngờ trước điều gã vừa kể nên không để ý thấy một quản giáo khác đã đưa Avery tới. Lúc nhận ra Avery đã ở trong phòng, tôi tới chào anh. Tôi hơi hoảng khi anh không nói gì.

“Anh có ổn không?”

“Vâng, thưa anh, tôi ổn. Anh thế nào?” anh hỏi.

“Vâng, anh Avery, tôi cũng ổn.” Tôi chờ nghi thức của chúng tôi bắt đầu. Anh không nói gì, tôi nghĩ vậy thì tôi sẽ nói phần của mình. “Trông này, tôi đã cố mang sữa lắc sôcôla cho anh, nhưng họ không…”

Avery ngắt lời tôi. “À, tôi có sữa lắc rồi. Tôi ổn rồi.”

Khi tôi bắt đầu nói về phiên toà, anh cười toe toét.

Chúng tôi nói chuyện suốt một giờ cho đến khi tôi phải đi gặp một thân chủ khác. Avery không bao giờ hỏi xin tôi sữa lắc sôcôla nữa.

Chúng tôi giành được một phiên xử mới cho anh và sau cùng cũng đưa được anh thoát khỏi trại tử tù và tới sống ở một bệnh viện nơi anh được điều trị tâm thần.

Tôi không bao giờ gặp lại viên quản giáo kia nữa; có người kể với tôi rằng gã đã nghỉ việc không lâu sau lần cuối cùng tôi trông thấy gã…”

Bìa sách “Nhân từ với quỷ dữ” bản tiếng Việt do Domino Books và Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Ảnh: sachkhaitam.com.

Tìm đọc thêm:

TED Talks: “Án tử hình – Chúng ta lấy quyền gì để tước đoạt mạng sống người khác?”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.