Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Chỉ ít phút trước 3 giờ sáng ngày 31/1/1968, một tiểu đội du kích quân Việt Cộng đã kích nổ bức tường phía ngoài Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn tạo ra một lỗ nhỏ để tiến vào, bắn hạ hai quân cảnh Mỹ đang cố gắng cản đường và sau đó vây hãm tòa nhà tổng hành dinh vốn được bảo vệ khá sơ sài – nhưng lại chính là nơi mà lá cờ hoa được chính thức đặt tại miền Nam Việt Nam.
Là một phần trong cuộc tổng tấn công trên toàn quốc của những người Cộng sản trong dịp Tết Âm lịch – nhưng kết quả của cuộc tập kích kéo dài sáu giờ đồng hồ nói trên không có ảnh hưởng lớn về mặt quân sự.
Nói đúng ra, theo chuẩn mực của thuật ngữ quân sự thì hai tháng vật lộn trong trận Tết Mậu Thân là một thảm họa cho phe tấn công. Nó chấm dứt khi quân đội Bắc Việt và lực lượng phiến quân ở miền Nam – thường được biết đến bằng cái tên “Việt Cộng” đối với người Tây phương – đã bị đẩy lùi hoàn toàn từ những vùng họ chiếm đánh.
Người Mỹ theo dõi tin tức về cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968 qua truyền hình. Ảnh: Warren K. Leffler, U.S. News & World Report Magazine / Public Domain
Nhưng tại kịch trường của công luận Hoa Kỳ thì lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ở đó, những cuộc tấn công năm đó được xem như là một thành công to lớn của phe Bắc Việt.
Khi tin tức được truyền đến từng gian phòng khách của người Mỹ bởi các vệ tinh truyền thông ở phía bên kia Thái Bình Dương, thì những hình ảnh chém giết, đặc biệt là ngay tại Đại sứ quán, đã làm thương tổn nặng nề đến lòng tự tin của cả một quốc gia đối với những kế sách chiến lược của Tổng thống Lyndon Johnson. Mà khi ấy, Johnson vốn dĩ đã gánh chịu đủ búa rìu dư luận từ các nhóm công dân mang đầy bức xúc trong một năm bầu cử ở Mỹ.
Cũng chính những diễn biến đầy kịch tính – được sắp đặt để tiến hành theo chuỗi – suốt cả dịp Tết năm 1968 đã dẫn đến quả cuối cùng là toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ phải rút quân và miền Nam sụp đổ không lâu sau đó.
Tạp chí LIFE tháng 2/1968 đưa tinvà hình ảnh thương vong của lính Mỹ trong trận đánh Mậu Thân.
Mậu Thân là một điều dị thường trong lịch sử: một trận chiến bại đã dẫn đến cuộc đại thắng sau cùng. Kết quả chấn động này đã khiến dư âm của Mậu Thân luôn xuất hiện mỗi khi quân lực Hoa Kỳ vấp phải bất kỳ sự kiện đảo nghịch tạm thời nào.
Ví dụ như trong vòng 12 tháng sau khi Baghdad sụp đổ vào tháng 4/2003, đã có hơn 200 bài viết của các tờ báo Anh ngữ tên tuổi nhắc lại sự kiện Mậu Thân. Khi đương đầu với hàng loạt cuộc tấn công ở Iraq tháng 6/2004, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Donald Rumsfeld đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn radio là ông không hề hoài nghi việc các phiến quân “đã đọc về Mậu Thân và biết rằng, nếu họ có thể làm ra một cuộc tấn công đủ sức chấn động, mặc kệ có hại chết bao nhiều người và sẽ bị phản công thật nặng nề, thì đến cuối cùng họ cũng sẽ chiến thắng về mặt tâm lý”.
Đã hơn bốn thập kỷ trôi qua, nhưng Mậu Thân vẫn có thể xới lên một cuộc tranh cãi sắc bén. Tại sao cuộc tấn công đó lại mang đầy yếu tố bất ngờ đến thế? Có phải báo chí Hoa Kỳ đã báo cáo sai về một chiến thắng của người Mỹ và khiến nó trở thành một cuộc chiến bại hay không?
Những câu hỏi như vậy đã bắt buộc hàng chục sử gia – một số vị thậm chí còn chưa chào đời khi Mậu Thân nổ ra – phải nhận định lại về trận đánh đó tại một buổi họp mặt của Hội Lịch sử Chiến tranh (Society for Military History) ở Bethesda, Maryland năm 2004. (Là một phóng viên của báo Knight trong suốt thời gian Mậu Thân xảy ra và là tác giả của một cuốn sách viết về nó, tôi đã được mời tham gia).
Một góc Sài Gòn – Chợ Lớn sụp đổ sau cuộc tấn công Mậu Thân. Ảnh: Getty Images.
Đến thời điểm biến cố Mậu Thân xảy ra, thì tôi đã là một ký giả đưa tin về Cuộc chiến Việt Nam được ba năm. Công việc đó bắt đầu từ lúc tổng thống Johnson đột nhiên khiến phe Hoa Kỳ đặt cược quá lớn vào cuộc chiến khi điều lính đánh trận bộ binh đến Việt Nam.
Sau khi trở lại Sài Gòn vào ngày 1/1/1968 trong lần thứ ba đến thăm vùng chiến trận, tôi đã lên chương trình để sang Lào, như là một phương thức tìm kiếm sự giải thoát cho nỗi trống trải của nghề phóng viên mà tôi thường luôn cảm nhận mỗi khi ở Việt Nam vào dịp Tết. Vì ngày Tết Âm lịch vốn là một ngày lễ quan trọng nhất của cả nước và là ngày dành cho gia đình của hầu hết người Việt.
Nhưng ngay khi tôi vừa đặt chân đến Lào, một vị bác sĩ người Anh đã lập tức thông báo: “Việt Cộng đã chiếm được Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn rồi” (thật là một tin tức đã bị thổi phồng quá đáng).
Các chuyến bay dân sự đến Việt Nam đã bị đình chỉ, nhưng nhờ tìm được chỗ trên một máy bay quân sự Hoa Kỳ tôi đã có thể tìm đường trở về, để rồi bắt gặp một Sài Gòn câm lặng và tuyệt vọng ba ngày sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Khi đó, cả thành phố đang đắm chìm trong mùi hôi thối của rác rưởi và khắp nơi đều nặc nồng tử khí.
Người dân Huế chạy nạn qua Cầu Trường Tiền trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968. Ảnh: Philip Jones Griffiths.
Trong những tuần tiếp theo, tôi đã đi khắp các vùng chiến thuật. Ở cố đô Huế, tôi đã viết về trận đánh đẫm máu của phe thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và quân lực Việt Nam Cộng hòa khi họ cùng nhau đối đầu với phe Bắc Việt – những kẻ đã chiếm đóng hoàng thành của các vị vua triều Nguyễn suốt 25 ngày trước khi bị đánh bật ra khỏi đó.
Tôi đã có mặt ở Bến Tre, một tỉnh nằm ngay vị trí trung tâm của dòng Mekong, ngày 7/2/1968 – và đấy cũng là nơi mà một thiếu tá Mỹ không tên tuổi đã nói một câu để đời với Peter Arnett của Thông tấn xã AP: “Cần phải hủy diệt một thành phố để có thể cứu lấy nó”.
Hầu như là khắp mỗi nơi mà tôi ghé qua, việc hoàn toàn thiếu chuẩn bị trước những cuộc tấn công đã đặc biệt trở thành một phần quan trọng của mọi câu chuyện.
Hình ảnh một toán quân Bắc Việt tại một vùng do họ tạm chiếm trong trận Mậu Thân 1968. Ảnh: Getty Images.
Chúng tôi khi đó không hề hay biết, mà cũng chỉ đến khi Hà Nội phát hành những tư liệu lịch sử vào năm 1988 thì mới vỡ ra rằng, Bộ Chính trị Bắc Việt vốn đã quyết định từ tháng 6/1967 là họ sẽ nhắm đến một chiến thắng mang tính sống còn ở tuyến đầu cuộc chiến vào năm 1968 – là năm bầu cử ở Hoa Kỳ.
Một tháng sau khi đưa ra quyết định, Bộ Chính trị lập tức phê chuẩn một kế hoạch tấn công song song và bất ngờ vào Sài Gòn cùng lúc với những khu vực thị thành khác của miền Nam. Tháng 10/1967, theo sử liệu chính thức do Hà Nôi công bố, Bộ Chính trị đã xác định, những cuộc tấn công đó sẽ nổ ra vào dịp Tết – khi mà thời gian chỉ còn vỏn vẹn ba tháng sau đó.
Thành phố Huế hoang tàn sau khi Mậu Thân kết thúc, đây cũng là nơi đối đầu ác liệt nhất giữa hai phe trong gần 1 tháng trời của cuộc tổng tấn công. Ảnh: Getty Images.
Mặc dù phe Cộng sản đã cố gắng giữ bí mật về một kế hoạch có phần táo bạo và càn rỡ – 67.000 ngàn quân chuẩn bị tấn công hơn 100 điểm tập kích – thì nó vẫn bị tiết lộ. Vào giữa tháng 11/1967, lực lượng Hoa Kỳ đã nắm được thông tin về một bản thảo sơ khai của kế hoạch tấn công. Theo đó, vào một ngày chưa được xác định, “các cánh quân sẽ tràn về đồng bằng”, bao gồm Sài Gòn và các thành thị khác, để phối hợp với những lực lượng địa phương tạo nên một cuộc tổng nổi dậy.
Đại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã phân phối một bản dịch Anh ngữ của kế hoạch này 25 ngày trước khi họ bị tấn công; nhưng đa số không một ai đếm xỉa đến nó. Tôi tình cờ nhặt được một bản từ cái thùng giấy ở văn phòng báo chí của Đại Sứ quán, và đã nắn nót thể hiện thái độ nghi hoặc của mình bằng dòng chữ “vớ vẩn” ngay trang bìa.
Mặc cho bộ chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ đã ra lệnh toàn quân phải ở trạng thái “cảnh giác cao độ” trước giờ giao thừa của ba ngày Tết, rất nhiều sĩ quan đã hoàn toàn xem nhẹ mối nguy đó. Nói chính xác là ngay cái đêm mà cuộc tổng tấn công nổ ra, có khoảng 200 tướng tá Mỹ – đều thuộc nhóm tình báo của bộ chỉ huy – đã bỏ đi tiệc tùng ở trung tâm Sài Gòn.
Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng McNamara trong một buổi họp chỉ huy về trận Mậu Thân. Ảnh: history.com.
Trong lúc phe Cộng sản đang chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công, thì Nhà Trắng lại tự đào cho mình một cuộc khủng hoảng chính trị khi đưa ra nhận định thiếu chuẩn xác về một cuộc “phản công chu toàn”, và rằng chiến thắng đã cận kề. Từ phòng điều khiển của hàng không mẫu hạm USS Enterprise, tháng 11/1967, Tổng thống Johnson đã tuyên bố cuộc chiến sẽ không còn tiếp diễn “thêm bao nhiêu đêm nữa.”
Mạnh miệng hơn, Tướng William Westmoreland, một vị chỉ huy đẹp trai với khuôn mặt chữ điền của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã trả lời Câu lạc bộ Nhà báo Quốc gia (National Press Club) ở Washington, D.C. như thế này: “Với năm 1968, một thời kỳ mới đã bắt đầu. Chúng ta đã tiến đến một thời điểm quan trọng, nơi mà kết thúc đã bắt đầu được nhìn rõ”.
Vậy nên, trong bối cảnh đó, khi phe Bắc Việt mở ra những cuộc tấn công trong trận Mậu Thân thì họ đã khiến nước Mỹ phải trải qua một cú sốc cực kỳ lớn. James J. Wirtz, một sử gia của Đại học Chiến tranh Hải quân (Navel War College) và là người nghiên cứu khá kỹ về cuộc tổng tấn công năm 1968 đã tuyên bố trong buổi hội thảo ở Bethesda rằng, Mậu Thân là “một sự kiện chấn động thế giới cũng như tinh thần của mỗi người và làm thay đổi cục diện cuộc chiến”.
Tổng bí thư Lê Duẩn trong thời gian chuẩn bị cho trận đánh Mậu Thân vào khoảng năm 1967. Ảnh: Nehon Denpa News/Associated Press
Cho dù Bộ Chính trị ở Hà Nội chẳng đạt được một chiến thắng nào rõ ràng ở tiền tuyến, và cũng không có cuộc nổi dậy nào của người dân miền Nam như họ từng mơ ước, thế nhưng họ đã có thể – tạm trích lời của Tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Duẩn khi đó – “làm thoái chí tinh thần quyết chiến của Đế quốc Mỹ, bắt buộc chúng phải thay đổi chiến lược và khiến cho cuộc chiến phải xuống thang”.
Một người bạn của tôi và là cựu đồng nghiệp ở Washington Post, cố nhà báo Peter Braestrup, đổ lỗi cho giới truyền thông Mỹ đã đưa tin sai lệch và khiến cho công chúng Hoa Kỳ bị tác động một cách tai hại bởi biến cố Mậu Thân.
Ông trích dẫn “hình ảnh thua cuộc của phe đồng minh” đã nảy mầm từ những bài viết của đám ký giả. Rất nhiều tướng lĩnh cấp cao Mỹ cũng đồng ý với quan điểm của Braestrup, và họ đã kích thích thêm những nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc hạn chế báo chí đưa tin về các cuộc hành quân thời kỳ hậu Chiến tranh Việt Nam.
Quân nhân Mỹ bị thương trong trận Mậu Thân ở Huế. Ảnh: history.com.
Tôi thì không đồng ý với quan điểm trên.
Đúng, không có gì phải nghi ngờ là đã có một số thông tin sai lệch của báo chí về Mậu Thân, đặc biệt là trong những ngày hoảng loạn và vô định ngay sau khi cuộc tấn công nổ ra.
Khi nhìn lại, ngay cả một số bài viết của chính tôi cũng mang một hình ảnh hết sức bi quan. Một phần có lẽ là vì tôi đã bị một quan chức CIA hướng dẫn sai lầm khi ông ta chỉ muốn giành lại quyền kiểm soát vùng đồng bằng cho cơ quan của mình.
Nhưng các bài viết của giới báo chí không phải là nguyên do khiến cho cuộc chiến mất đi sự ủng hộ của người dân Mỹ. Dưới cái nhìn của tôi, câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam có thể được tóm tắt bằng nhận xét của Thủ tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng, khi ông này trả lời phỏng vấn của sử gia Pháp Bernard Fall vào năm 1962, ba năm trước khi lính Mỹ đổ bộ ào ạt vào Việt Nam và gần sáu năm trước khi Mậu Thân nổ ra:
“Người Mỹ không thích những cuộc chiến dài và không kết quả – mà cuộc chiến này sẽ chính là một cuộc chiến kiểu như thế, dài và không kết quả. Vì vậy, chắc chắn rằng đến cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng”.
Hình ảnh thương vong ở Sài Gòn trong trận Mậu Thân trên tạp chí LIFE ngày 9/2/1968.
Quân đội Bắc Việt và những đồng chí của họ tại miền Nam đều đã quyết tử chiến để chống lại người Mỹ và chế độ Sài Gòn do Mỹ thiết lập, cũng giống như họ đã từng quyết chiến chống lại thực dân Pháp – những kẻ vì quá mỏi mệt với chiến trận mà phải khởi kiện đòi hòa bình.
Hơn nữa lúc đó Trung Quốc – cũng là phe đã ép những người Cộng sản Việt Nam phải thỏa hiệp và đồng ý chia đôi đất nước để chấm dứt Cuộc chiến Đông Dương 1954 – lại hoàn toàn đứng về phía Bắc Việt, cả Liên Xô cũng thế.
Thế nên, mặc kệ là phe Cộng sản đã thua thê thảm đến mức nào đi nữa, trận Mậu Thân đã củng cố quan điểm: Đấy vẫn là một cuộc chiến không có lối thoát.
Khi Lyndon B. Johnson tiếp tục nhấn mạnh sau Mậu Thân, rằng mọi nỗ lực của cuộc chiến vẫn đang đi đúng hướng, thì thông điệp của ông ta đã lập tức bị đánh gãy khi thông tin Tướng Westmoreland yêu cầu tăng cường 206.000 quân nhân bị tiết lộ. Tin tức đó đã bị phanh phui chỉ hai ngày trước khi cuộc bầu cử sơ bộ ngày 12/3 ở New Hamsphire diễn ra, và đã góp phần xóa sạch một chút uy tín hao mòn còn sót lại của Johnson.
Không lâu sau khi nhận được kết quả thảm hại ở New Hamsphire, Tổng thống Johnson đã tuyên bố sẽ không tái tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai. Và ông ấy còn chia sẻ thêm là đã ra lệnh chấm dứt dội bom hầu như là ở toàn bộ Bắc Việt trong một động thái kêu gọi hòa đàm.
Những người Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn 30/4/1975. Ảnh: CIA.gov.
Richard Nixon, người kế nhiệm Johnson, chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử 1968 bằng lời hứa “hòa bình trong danh dự”.
Nhưng khi trở thành tổng thống, thái độ ủng hộ cuộc chiến của Nixon là hành vi rút quân Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam từng chút một mỗi vài tháng, trong khi cùng lúc ngồi vào bàn đàm phán về một hiệp ước hòa bình mà người Mỹ bị buộc phải rút toàn bộ quân lực của mình.
Bảy năm sau cuộc tấn công của những cán binh Cộng sản đã uổng mạng ở Đại sứ quán Hoa Kỳ trong dịp Mậu Thân, những người Mỹ cuối cùng và một số đồng mình Việt Nam của họ đã rời Sài Gòn bằng trực thăng trên sân thượng của chính tòa nhà đó vào ngày 30/4/1975.