Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Ngày 15/02/2017, dư luận xôn xao về vụ án giết gia đình 5 người ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 24 giờ sau, công an điều tra đã bắt nghi phạm đầu tiên nhưng một số trang báo điện tử đưa tin đã bắt được hung thủ giết người.
Trong khi đó, nghi phạm giết người và hung thủ giết người là hai khái niệm rất khác nhau.
Ta hãy điểm qua một số bài viết.
16:37 phút, ngày 16/02/2018, báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng một tin có tiêu đề “Đã bắt được kẻ giết cả gia đình 5 người ở Bình Tân”, với hình ảnh, danh tính và lời khai đầu tiên của nghi phạm.
Năm giờ sau đó, tiêu đề của bài viết bị đổi thành “Đã bắt nghi phạm giết cả gia đình 5 người ở Bình Tân”. Tuy nhiên, phần dẫn của tin vẫn được giữ nguyên, “Công an TP.HCM cho biết đã bắt được kẻ thủ ác ra tay tàn độc giết cả 5 người trong một gia đình ở quận Bình Tân, TP.HCM”.
Một tờ báo khác còn nhanh hơn cả báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh là VietNamNet.
Tờ báo này đã loan tin “Lộ diện nghi can sát hại 5 người trong gia đình ngày cận Tết” vào lúc 00:49 ngày 16/02/2018, tức là trước khi công an bắt nghi phạm khoảng 16 giờ đồng hồ. Phóng viên đã dựa trên những thông tin của hàng xóm để ám chỉ nghi can là người duy nhất còn ở lại nhà và là người làm thuê của gia đình bị mưu sát sau tiệc tất niên.
Báo này tiếp tục đưa hình ảnh, thông tin của nghi phạm trong vụ án với tiêu đề “Lời khai của kẻ giết 5 người một nhà ở Sài Gòn”.
Không chỉ hai trang báo điện tử trên, trang Thời Đại và VnExpress lần lượt đưa tin về vụ án với tiêu đề “lần ra kẻ sát hại…“, “truy bắt kẻ sát hại…” với hình ảnh, danh tính và lời khai của nghi phạm.
Các bài báo trên được nhiều trang báo điện tử khác đăng lại như Kênh 14, Việt Báo, Báo Mới, 2Sao, v.v.
Một số tiêu đề về vụ án giết năm người ở quận Bình Tân, TP. HCM trên các trang báo điện tử. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Vụ án mạng nghiêm trọng này không chỉ là nỗi đau riêng của gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng đến mọi gia đình trong xã hội.
Theo lẽ đó, công chúng dĩ nhiên có quyền được biết về vụ án. Tuy nhiên, người bị buộc tội cũng có quyền được xét xử công bằng, trong đó có quyền được coi là không có tội cho đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật của toà án.
Những tiêu đề như thế này dễ khiến người đọc tin rằng người bị bắt chính là hung thủ trong vụ án. Trong khi đó, anh ta mới chỉ là nghi phạm và vẫn được xem là vô tội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Khoản 1, Điều 31 của Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.”
“Xuất sắc” hơn hẳn các báo trên, một bài phỏng vấn trên SaoStar đăng ngày 17/02/2018 không chỉ khẳng định nghi phạm là kẻ giết người mà còn đưa ra bản án “sớm” hơn cả toà án khi nghi phạm mới bị bắt chưa đầy một ngày, (“Nghi phạm sát hại 5 người ở Sài Gòn đối diện với mức án tử hình“).
Trong bài báo này, vị luật sư đã không nghi ngờ mà khẳng định ngay: “Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt và để có tiền tiêu Tết, nghi phạm đã ra tay tàn độc sát hại cả nhà để chiếm đoạt tài sản của người đã cưu mang, tạo công ăn việc làm cho mình…”
Vị luật sư còn đề nghị bản án ngay cả khi cơ quan điều tra chưa có quyết định khởi tố bị can: “Qua thông tin ban đầu, nghi phạm sinh tháng 01 năm 2000, thời điểm phạm tội vừa bước qua tuổi 18 nên mức hình phạt cao nhất mà nghi phạm phải đối diện là tử hình cho cả 2 tội”.
Tuy chậm hơn SaoStar nhưng VietNamNet cũng có bài phỏng vấn ý kiến của hai luật sư về bản án của nghi phạm. Trong bài viết, vị luật sư khẳng định “cần phải loại bỏ nghi phạm ra khỏi xã hội chứ không thể giáo dục, cải tạo được để răn đe”. Vị luật sư còn lại khẳng định nghi phạm chắc chắn “lãnh bản án tử hình”.
Trong vụ án oan nổi tiếng Hàn Đức Long, ông Long bị tố giác và đã nhận tội hiếp, giết một đứa bé ở Bắc Giang vào năm 2005. Tại bốn phiên toà, ông Long đều bị tuyên án tử hình, mặc dù ông kêu oan, không nhận tội và khai bị ép cung, dùng nhục hình. Tháng 12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long.
Đưa tin đầy ác cảm, định kiếnThói quen của báo chí sau khi kết tội nghi phạm thường là ác quỷ hoá hoặc cố tình đưa những thông tin bất lợi, chứa nhiều định kiến đối với nghi phạm như về gia đình, quá khứ phạm tội, nợ nần, v.v.
Vụ án Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) xảy ra vào năm 2008 là một ví dụ. Hồ Duy Hải là nghi phạm của vụ án, đã nhận tội ngay sau khi bị bắt là đã giết hai nữ nhân viên bưu điện và cướp tài sản. Cùng lúc đó, nhiều tờ báo cũng đưa tin khẳng định Hải là hung thủ giết người.
Một bài báo đăng trên VietNamNet, một ngày sau khi Hải bị bắt, có tiêu đề: “Bắt khẩn cấp kẻ giết hai nữ nhân viên bưu điện“. Bài viết nêu những thông tin bất hảo của Hải như “tham gia cá độ đá banh và vay nợ”, “rời địa phương do cá độ bóng đá và ghi đề”, mượn xe rồi mang đi cầm, nợ nhiều người ở địa phương.
Tử tù Hồ Duy Hải (trái) vẫn đang chờ giám đốc thẩm vụ án sau hơn 10 năm bị tuyên án tử hình. Ảnh: Zing News.
Hải nhận tội nhưng lại kêu oan trong hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm. Hải nói với mẹ là bị đánh trong khi lấy cung.
Ngày 04/12/2014, một ngày trước khi Hải bị thi hành án tử hình, Chủ tịch nước đã đề nghị hoãn thi hành án. Đoàn Giám sát về án oan sai của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai và chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải, yêu cầu giám đốc thẩm vụ án.
Còn trong vụ án giết năm người ở Bình Tân, hầu hết các trang báo đã cố tình đưa những thông tin bất lợi chứa đựng nhiều định kiến về nghi phạm như: “từng bỏ học vì mê game“, “nó đi đêm suốt, bị rầy“, “lì lợm, ngổ ngáo“.
Ngoài ra, khi tường thuật vụ việc án này, phóng viên sử dụng nhiều cụm từ không chỉ khẳng định nghi phạm là hung thủ mà còn ác quỷ hoá hình ảnh của nghi phạm như: dã man, gây án đến cùng, sát nhân máu lạnh, giết người có kế hoạch, tên sát nhân (Báo Lao động); cực kỳ tàn độc, thủ đoạn tàn độc, kẻ này (Báo Pháp luật TP.HCM), tàn ác, kinh hoàng (SaoStar).
Những thông tin này dễ tạo ra định kiến đối với nghi phạm là một kẻ xấu xa, tàn ác, và hướng người đọc tin rằng anh ta chính là hung thủ.
Tội khinh miệt toà ánMặc dù không khẳng định nghi phạm là kẻ giết người như các tờ báo ở Việt Nam, nhưng hai tờ báo Anh là Daily Mirror và The Sun đã bị phạt hơn 70.000 bảng Anh vì tội khinh miệt toà án, khi đăng tin liên quan đến nghi phạm trong một vụ án mạng hồi năm 2011.
Một tuần trước đêm Giáng sinh, một cô gái tên là Joanna Yeates, 25 tuổi, mất tích sau khi uống rượu với bạn bè. Cảnh sát tìm thấy xác của cô bị sát hại nằm ở bên đường đúng vào ngày Giáng sinh. Gần hai tuần sau, ông Christopher Jefferies – một giáo viên về hưu, chủ nhà mà Joanna đang thuê – bị bắt vì tình nghi liên quan đến vụ án mạng.
Ngay sau khi thân chủ bị bắt, luật sư tư vấn của Christopher đã cảnh báo các phương tiện truyền thông thận trọng khi đưa tin tức liên quan đến Christopher trong vụ án mạng.
Tờ Daily Mirror và The Sun đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo đó.
Một ngày sau khi Christopher bị bắt, trang bìa của Daily Mirror đã đăng hình ảnh của ông kèm theo tiêu đề lớn “Jo Suspect is Peeping Tom”, (tạm dịch: Nghi phạm là một tên thích xem người khác khoả thân, hay đang quan hệ tình dục).
Một trang bìa khác có tiêu đề “Was Killer Waiting In Jo’s Flat”, (Có phải kẻ giết người đã đợi sẵn ở căn hộ của Jo [nạn nhân]), kèm theo tiêu đề phụ là “cảnh sát đã mang chiếc giường của nạn nhân để xét nghiệm” và “chủ nhà [Christopher] đã bị tạm giữ cho đến ngày thứ ba”.
Còn tờ The Sun đã đăng một tiêu đề lớn, “Obsessed by Death” (tạm dịch: Bị ám ảnh bởi cái chết), bên cạnh hình của ông Christopher cùng với tiêu đề phụ “Jo Suspect ‘Scared Kids'” (tạm dịch: nghi phạm sát hại Jo đã làm những đứa trẻ sợ).
Trang bìa tạp chí Daily Mirror (Anh Quốc) đăng tin liên quan đến nghi phạm trong vụ án mạng bị phạt theo lệnh của toà. Ảnh: Corriere Della Sera.
Tổng Chưởng lý Dominic Grieve, người đã truy tố hai tờ báo nói trên ra toà, cho rằng nội dung trên hai tờ báo đã tạo ra một ấn tượng rằng nghi phạm chính là hung thủ của vụ án. “Họ đã vi phạm Đạo luật Khinh miệt Toà án (Contempt of Court Act) và toà án đã thừa nhận rằng các bài báo đã tạo ra một định kiến nghiêm trọng đối với những phiên xét xử nghi phạm trong tương lai”.
Christopher Jefferies được trả tự do, hoàn toàn không liên quan đến vụ án mạng, và được bồi thường số tiền lên đến sáu con số từ tờ hai tờ báo này và sáu tờ báo khác đã đưa tin phỉ báng ông.
Ngoài Anh Quốc, một số nước khác như Ấn Độ, Hong Kong, Canada, Úc cũng áp dụng các đạo luật khinh miệt toà án đối với báo chí, bao gồm các giới hạn trong việc đưa tin có thể tạo ra các định kiến, can thiệp hay ảnh hưởng đến tiến trình xét xử công bằng.
Tài liệu tham khảo: