Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Một trong những vấn đề pháp lý khiến nhiều người thắc mắc nhất đối với hồ sơ vụ án bé Nhật Linh đó là thông tin vụ việc bị kéo dài do nghi phạm kiên quyết thực thi quyền im lặng của mình, khiến cho quy trình xét xử bị chậm lại.
Thậm chí có người còn cho rằng, ngày nào mà nghi phạm còn tiếp tục im lặng thì có nghĩa là ngày đó tòa án vẫn không thể xử. Vậy nên, một số người cảm thấy việc tham gia ký tên vào đơn thỉnh nguyện của gia đình Nhật Linh là một động thái gây sức ép lên cơ quan công tố Nhật Bản để họ sớm mang vụ án ra xét xử.
Quyền im lặng không ảnh hưởng đến quy trình xét xử vụ án
Vấn đề quan trọng nhất ở đây, là lời khai của nghi phạm vốn chẳng phải là chứng cứ mang tính quyết định trong một vụ án hình sự ở Nhật.
Nghi phạm có khai nhận với cảnh sát hay không thì các quy trình tố tụng vẫn tiếp diễn một khi phía công tố cho rằng họ có đủ bằng chứng để khởi tố vụ án.
Còn quyền im lặng là quyền hiến định của công dân Nhật Bản. Điều 38 Hiến pháp nước này quy định:
Ngoài ra, luật Nhật Bản còn quy định phía cảnh sát có nghĩa vụ phải thông báo cho nghi phạm biết là họ có quyền im lặng.
Đoạn 2, Điều 198 Bộ luật Tố tụng Hình sự bắt buộc cảnh sát phải thông báo với nghi phạm về quyền này trước khi tiến hành thẩm vấn. Vì vậy, nghi phạm có quyền giữ im lặng và không trả lời các câu hỏi của cảnh sát trong quá trình điều tra.
Một khi nó đã là quyền thì tất cả các bên, cả công tố viên lẫn gia đình nạn nhân, không có cách gì khác là phải tôn trọng quyền đó của nghi phạm và không thể trách nghi phạm được.
Đoạn 2, Điều 319 Bộ luật Tố tụng Hình sự Nhật Bản làm rõ nội dung của Đoạn 3, Điều 38 Hiến pháp, đó là không thể kết tội bị cáo trong một vụ án chỉ với bằng chứng duy nhất là lời nhận tội (confession) của chính họ. Điều luật này tương tự với Điều 98 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 của Việt Nam: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội”.
Điều đó có nghĩa là bất kể nghi phạm có nhận tội hay không thì công tố viên vẫn phải đi tìm những bằng chứng khác.
Thời gian tố tụng đến nay là hoàn toàn bình thường
Quy trình xét xử vụ án Nhật Linh – cho đến thời điểm hiện tại – chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu chậm trễ nào.
Ở đây, nghi phạm Yasumasa Shibuya đã bị khởi tố (indicted) vào ngày 26/5/2017 với tội giết người và các tội danh khác, tức là cách đây hơn tám tháng.
Đối chứng các nguồn thông tin khác nhau về vụ án Nhật Linh, thì diễn biến của các trình tự pháp lý hiện nay vẫn đang theo đúng với trình tự của luật Tố tụng Hình sự Nhật Bản.
Nhật Linh bị sát hại vào tháng 3/2017. Ngày 14/4/2017, nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ. Ngày 26/5/2017, công tố quận hạt Chiba tống đạt đơn truy tố tội danh giết người đến nghi phạm. Ngày 28/11/2017, truyền thông đưa tin về một buổi họp tiền xét xử giữa hai bên công tố và bị cáo.
Ở Nhật Bản, thời gian điều tra, truy tố, xét xử một vụ án thật sự có khác biệt không nhỏ khi một bị cáo nhận tội so với khi không nhận tội.
Trước hết, nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence) được áp dụng tại Nhật Bản. Do đó, mỗi nghi phạm đều được xem là vô tội cho đến khi bị tòa tuyên án có tội. Nghĩa vụ chứng minh (burden of proof) bị cáo có tội là trách nhiệm của phe công tố.
Ngay cả khi bị cáo đã thừa nhận mình là người gây án thì phía công tố vẫn có trách nhiệm đưa ra bằng chứng vật lý (physical evidence) ví dụ như DNA, nhân chứng mục kích, v.v. để chứng minh bị cáo là hung thủ. Như đã nói ở trên, chỉ với lời nhận tội của bị cáo thì không đủ làm căn cứ pháp lý để kết tội.
Tuy nhiên, một khi bị cáo thừa nhận tội danh thì họ và luật sư bào chữa sẽ không còn đưa ra những bằng chứng ngoại phạm hay các chứng cứ để phản bác lại phe công tố. Thế có nghĩa là thay vì có hai phe sử dụng các chứng cứ và lập luận để “chiến đấu” với nhau, thì giờ đây tòa án chỉ cần xem xét tính chính xác và độ khả tín của các bằng chứng từ phe công tố mà thôi. Thời gian xét xử đương nhiên sẽ giảm xuống.
Đúng là một khi bị cáo từ bỏ quyền được giữ im lặng và nhận tội thì quy trình tiền xét xử được rút ngắn.
Các buổi tiền xét xử thông thường chỉ có luật sư hai bên cùng hiện diện trước các quan tòa để giải quyết và thảo luận về thủ tục xét xử, trao đổi những chứng cứ nào sẽ được phép sử dụng, thời gian xét xử, v.v. Công chúng, nạn nhân và gia đình của nạn nhân không tham gia vào các thủ tục tiền xét xử.
Thủ tục tiền xét xử là bắt buộc ở Nhật, ngay cả khi bị cáo nhận tội. Trong những trường hợp bị cáo nhận tội, thời gian tiền xét xử trung bình cho các vụ án này là 5,1 tháng. Còn nếu bị cáo giữ im lặng hoặc không thừa nhận tội danh thì thời gian tiền xét xử trung bình là 8,4 tháng. Các con số này được trích dẫn từ một thống kê 5 năm (từ 2010-2015) do Liên hiệp các Luật sư Đoàn Nhật Bản (Japanese Federation of Bar Associations) thực hiện vào năm 2016 và công bố trong sách trắng của họ.
Sau khi trải qua thủ tục tiền xét xử, thì quy trình xét xử còn lại – bao gồm cả thời gian xử án (trial) – trung bình sẽ là khoảng trên dưới hai tháng cho cả hai trường hợp nhận tội hoặc không nhận tội.
Do vậy, nếu một bị cáo nhận tội thì toàn bộ quy trình tố tụng của vụ án đó trung bình sẽ là bảy tháng. Còn trong trường hợp bị cáo không nhận tội, quy trình tố tụng có thể lên đến 10,9 tháng hoặc hơn.
Ngoài ra, nếu cáo trạng có hơn một tội danh thì thời gian tiền xét xử có thể bị kéo dài hơn vì các bên phải đưa ra bằng chứng và lập luận tranh biện với từng tội danh một. Các thẩm phán cũng cần nhiều thời gian hơn để xem xét những đề nghị của các phe liên quan đến hồ sơ vụ án.
Vụ án Nhật Linh đến nay đã kéo dài hơn tám tháng (tính từ lúc khởi tố là ngày 26/5/2017), hiện đang ở trong giai đoạn tiền xét xử và giai đoạn này có thể sẽ sớm kết thúc vào tháng 2/2018, mà cũng có thể kéo dài hơn vì, xin lưu ý, nghi phạm Shibuya còn bị cáo buộc các tội danh khác. Tuy vậy, quy trình tố tụng trong hồ sơ này – cho đến thời điểm hiện nay – là vẫn hoàn toàn hợp lý và đúng theo trình tự pháp luật khi so sánh với thời gian xét xử trung bình của các vụ án hình sự tương tự tại Nhật Bản.
Ký hay không – Kỳ 2: 7 câu hỏi pháp lý về vụ án bé Nhật Linh
Tài liệu tham khảo: