Con tin của tin tức
Năm 1850, Paul Julius Reuter dùng chim bồ câu để chuyển tin tức từ Đức sang Bỉ. Sáng kiến này
Một năm thời thập niên 70, Đảng Cộng sản Liên Xô công bố một cuộc thi tạc tượng nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhà văn Pushkin.
Giải ba thuộc về một tượng Pushkin đang ngồi đọc sách.
Giải nhì thuộc về một tượng nhà cách mạng Lenin đang ngồi đọc một cuốn sách của Pushkin.
Giải nhất được hoành tráng trao cho một tượng Pushkin đang ngồi chăm chú đọc một cuốn sách của Lenin.
Có lạ chi mô?
Ừ thì chỉ là… ông Pushkin qua đời 33 năm trước khi ông Lenin ra đời.
***
Trên đây là một анекдо́т, hay anekdot được nhà xã hội học người Mỹ, Michelle Smirnova, đề cập trong một nghiên cứu thú vị.
Smirnova chọn ra 1.290 anekdot từ các tuyển tập anekdot đã được xuất bản bằng tiếng Nga và phân tích các anekdot này để xác định dáng hình của khiếu hài hước Nga (Russian humour) và qua đó, làm nổi bật lên “ý thức văn hóa” (cultural consciousness) của các thế hệ người Nga đã sống qua thời cộng sản trên đất nước họ.
Anekdot trong tiếng Nga có nghĩa là “giai thoại”, “chuyện tiếu lâm” hay “chuyện hài”.
Từ tương đương trong tiếng Anh là từ anecdote, có nghĩa “chuyện ngắn hài hước và thú vị về một sự kiện hay một con người có thật”. Ừ thì cũng là “giai thoại”.
Nghiên cứu về hai từ này đã đưa Anh Cả Lý đến nhiều câu chuyện khác sâu xa và hài hước hơn phía sau chúng.
Trước khi quay lại “khiếu hài hước Nga” chúng ta cùng nhìn vào từ anecdote.
Anecdote và Anecdotal Evidence
Anecdote chính ra không có nghĩa gốc là “chuyện hài” mà vốn có gốc từ nguyên từ Hy Lạp, ghép hai yếu tố: an nghĩa là “không” và ekdotos – “xuất bản” thành anekdota – “những gì không được xuất bản”.
Nguyên gốc anekdota dùng để gọi những quyển hồi ký viết riêng, giữ bí mật không xuất bản cho cả thiên hạ đọc (chắc vì toàn kể xấu thiên hạ) của mấy ông vua bà chúa cổ đại.
Tuy nhiên, anekdota đi vào các ngôn ngữ Châu Âu đã tiến hóa thành “câu chuyện hài hước thú vị”.
Từ “anecdote” có gốc Hy Lạp cổ – Ảnh: asteiatoras.gr
Có thể nhiều người Việt Nam không biết từ anecdote, nhưng chắc người Việt Nam nào cũng biết và hay dùng các “giai thoại” trong tư duy hàng ngày rất nhiều.
Hồi đầu tháng này lúc rộ lên tin bắt cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh, một bài báo được khá nhiều người chia sẻ và tranh cãi là bài “Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh và những giai thoại phá án cực kỳ thông minh”. Bài này kể về một vài vụ phá án mà ông Vĩnh đã dùng những biện pháp nghiệp vụ có thể xem là “không chắc đã phù hợp với quy định của pháp luật” (cho dù vẫn được khen là “thông minh”), như nhà báo viết.
“Giai thoại” hiện có vẻ vẫn là một chất liệu báo chí ăn khách ở Việt Nam, thậm chí chắc là hơn hẳn những thứ báo cáo, số liệu, tổng hợp “dữ liệu lớn” khô khan.
Có thể đưa ra quan sát như thế khi nhìn vào những bài báo hút khách trên các mục như Góc Nhìn của VnExpress, hay nhìn vào những bài viết của các tay viết thuộc “tổ nghìn like” trên mạng Facebook.
Cũng khó mà trách được, bản tính tự nhiên của con người là thích được nghe, được đọc những câu chuyện được kể hấp dẫn, dễ hiểu, có chi tiết thú vị, gay cấn.
Khi đã bị cuốn vào một câu chuyện như thế, đã xúc động với tình tiết, đã đồng cảm với nhân vật (cho dù nhân vật có thể là một người lạ mà bản thân ta chưa biết có phải là người thật hay không), thì nhiều khi chúng ta dễ đồng tình hơn với thông điệp, quan điểm, hay bài học giáo huấn, mà người kể muốn truyền tải thông qua câu chuyện đó.
Ví dụ, khi muốn thuyết phục người khác rằng “việc thầy cô giáo đánh học trò là chính đáng”, thay vì nhìn vào phân tích đạo đức, pháp luật thì nhiều người hay ngồi kể lể lại rằng hồi nhỏ mình từng hư đốn ra sao, để rồi bị thầy cô đánh phạt thế nào, xong rồi mình sau này mới cảm nhận được “lòng yêu thương” “cho roi cho vọt” của thầy cô ra sao.
Hay khi phản ứng lại những người đang hùng hổ phê bình lực lượng công an Việt Nam, nhiều người muốn bảo vệ ngành công an thay vì giải thích những nỗ lực tự sửa sai, tự cải thiện của ngành này thì hay quay qua kể dài dòng những câu chuyện “sướt mướt” về các anh hùng chiến sỹ công an hy sinh khi làm nhiệm vụ thế nào.
Trong cả hai ví dụ trên, các anecdote hay anecdotal evidence đã được dùng làm công cụ thuyết phục người đọc.
Cụm từ anecdotal evidence hay bằng chứng giai thoại chỉ các bằng chứng “được trình bày theo dạng những câu chuyện mà một người kể là đã xảy ra với họ”, hay là chính họ đã chứng kiến và nay thuật lại cho người nghe.
Biếm họa thám tử chuyên dùng “anecdotal evidence”: chỉ cần một trường hợp ví dụ nhỏ gì đấy để ủng hộ cho một lập luận to lớn (“Một bông tuyết rơi? Hừm, làm gì có việc trái đất ấm dần lên chứ!”) – Ảnh: cagle.com
Trong bối cảnh tòa án, mỗi lời khai nhân chứng (witness testimony) bao gồm lời khai của nạn nhân đều có thể xem về bản chất là anecdotal evidence.
Vì chỉ là lời kể từ một người, một góc nhìn không biết có xác thực hay không, nên thông thường bằng chứng giai thoại khi đứng một mình không có giá trị pháp lý cao.
Nhiều người chắc đã biết cái tiêu chuẩn “trọng chứng hơn trọng cung” của nhiều nền luật pháp tiên tiến trên thế giới.
Tại các nền luật pháp đó, người đưa ra lời khai tại tòa thì dĩ nhiên thường sẽ bị thử thách bằng thẩm vấn chéo (cross examination), và nếu lời khai đó đứng vững, không vặn vẹo và bóc mẽ gì được thì nó sẽ được các thẩm phán hay bồi thẩm đoàn đánh giá là thật thà. Nhưng đó không phải là tất cả.
Lời cung khai, hay bằng chứng giai thoại, chỉ có giá trị cao hơn (hay hữu dụng cho quá trình truy cầu công lý tại tòa hơn) khi đã được thử thách qua thẩm vấn chéo, đồng thời được dùng chung và được củng cố bởi các bằng chứng khác: bằng chứng hiện vật, pháp y, hình ảnh, băng hình, v.v.
Tòa nào mà cứ xử theo kiểu “tin người vãi lúa”, cứ chỉ nghe anecdotal evidence mà xử thì đúng là nhiều khả năng sẽ đưa ra những phán quyết võ đoán, ít tính “đinh đóng cột” của công lý hơn.
Trong một vụ án khá nổi tiếng, Tối cao Pháp viện Mỹ từng tuyên là để chứng minh được các hành vi phân biệt đối xử (discrimination) ví dụ như phân biệt chủng tộc, thì bên chứng minh phải sử dụng cả anecdotal evidence và statistical evidence, hay bằng chứng thống kê – nói kiểu thời thượng bây chừ là “dữ liệu lớn”, big data.
Tức là phải có số liệu cụ thể cho thấy rõ ràng hiện tượng phân biệt đối xử đã diễn ra nhiều lần trên thực tế trong một khoảng thời gian tương đối dài, chứ không thể chỉ dựa vào một hay nhiều câu chuyện cá nhân của những nạn nhân đã hứng chịu phân biệt đối xử.
Nhưng đó là tòa án thôi.
Trong một số hoàn cảnh khác, anecdote lại có thể có một giá trị khác.
Anecdote và Anekdot của Nga
Trong các nghiên cứu của mình, nhà xã hội học kỳ cựu của Anh là cố giáo sư Christie Davies đã nhiều lần lập luận rằng: chính các anekdot/anecdote của người Nga sống trong thời toàn trị cộng sản là một trong những nguồn bằng chứng khoa học xã hội quan trọng để đánh giá xã hội cộng sản Liên Xô trong quá khứ.
Theo Davies, giới nghiên cứu khoa học xã hội thường đặt quá nặng vai trò của các bằng chứng số liệu, thống kê. Theo đó, nhiều khi họ quá tin tưởng vào các số liệu thống kê do chính nhà nước Nga Xô ban hành, trong khi việc chính phủ này “kiểm soát” thống kê để “làm đẹp cho chế độ” không phải là không có.
Davies cho rằng các nhà nghiên cứu xã hội học phải xem trọng hơn các nguồn anecdotal evidence, quan trọng nhất là các anekdot, những câu chuyện hài hước mà người Nga kể cho nhau nghe và kể cho người nước ngoài nghe.
Bản thân những câu chuyện hài hước đó không quan trọng ở chỗ chúng đã tạo ra được ảnh hưởng lớn gì, mà quan trọng là chúng cho nhà nghiên cứu những kiến giải sâu sắc về xã hội đã tạo ra những câu chuyện hài hước đó.
“Chuyện cười không phải là cái máy điều chỉnh nhiệt độ mà chính là nhiệt kế”, Davies viết.
Quan sát đó có lẽ càng có sức thuyết phục hơn cho những ai đã được đọc các kết quả nghiên cứu của nhà xã hội học Michelle Smirnova.
Không gian xã hội tù túng nghẹt thở thời Xô Viết đã tạo ra một hoàn cảnh đặc thù cho các anekdot đóng một vai trò đặc biệt, mà anecdote tại nhiều xã hội tự do khác có thể không có.
Người Nga thời Xô Viết có thể bị bỏ tù chỉ vì kể chuyện cười, nếu chuyện cười đó bị nhà nước xem là “tuyên truyền chống nhà nước, chế độ”.
Khởi đầu với điều 58 – Bộ luật Hình sự Liên Xô và kéo dài với các điều luật có nội dung và tác động tương tự, nhà nước Xô Viết đã biến hành vi kể chuyện cười thành một môn “thể thao mạo hiểm” tại nước Nga trong nhiều thập niên dài.
Một nghiên cứu năm 1979 cho thấy có đến 200.000 tù nhân chính trị Nga đã bị đày đến các trại tập trung gulag bởi vì lỡ chơi môn “thể thao mạo hiểm” này.
Hàng trăm ngàn người Nga đã bị chính quyền Xô Viết đày đi lao động khổ sai ở các trại gulag chỉ vì chia sẻ chuyện hài “nói xấu chế độ” – Ảnh: Getty/The Economist
Trong tiếng Nga, anekdot có nghĩa “chuyện hài” nhưng thực tế xã hội đã khiến cho cái nghĩa gốc Hy Lạp bỗng nhiên tỏa sáng nhất: thật sự các anekdot của Nga đúng là những thứ “không được xuất bản”, vì không thể nào được nhà nước Xô Viết cho phép xuất bản.
Bất kể rủi ro phạm pháp đó, người Nga vẫn đã sống cùng các anekdot của họ.
Họ thì thầm cho nhau trên bàn ăn buổi tối hay trong các ngõ phố vắng người.
Cứ thế, các anekdot lan rộng trong xã hội Nga và tạo thành một “diễn ngôn” (discourse) đối kháng lại những “diễn ngôn” mà nhà nước Nga Xô cho phép.
Các anekdot phê phán thực trạng xã hội, công kích chính sách nhà nước; đồng thời là một sự chối từ “lề phải” trong nước Nga cộng sản.
Ví dụ như anekdot đầu bài về Lenin và Pushkin. Smirnova phân tích rằng anekdot đó làm bật lên những biện pháp tuyên truyền lố lăng của nhà nước Xô Viết: trong các nỗ lực “hợp thức hóa” vị lãnh tụ Lenin thành một nguồn cung cấp “căn tính Nga truyền thống” (traditional Russian identity), các quan chức Xô Viết thường không ngại xào nấu lịch sử.
Thế nên, với họ, một bức tượng “nặng tính đảng” tôn vinh Lenin bằng cách cho một nhà văn lớn của nước Nga là Pushkin đọc sách ông ta viết chính là một tuyệt tác nghệ thuật cần biểu dương nhất.
Nhà nước càng muốn thần thánh hóa các lãnh tụ như Lenin bao nhiêu thì người dân Nga càng nghĩ ra lắm chiêu trò trong các anekdot của họ để “dìm hàng” lãnh tụ.
Giáo sư Davies chỉ ra rằng cái giai đoạn bùng nổ số lượng anekdot về cụ Lenin nhiều nhất chính là dịp kỷ niệm ngày sinh Lenin năm 1970, dưới thời Tổng bí thư cộng sản Leonid Brezhnev.
Một trong những anekdot “láo” nhất thời đó chính là:
“An old priest died and went to heaven. He was asked if he had one last wish before entering. He replied that he would like to have a conducted tour of hell. They began in one of the deepest pits reserved for those whose lives had been utterly evil. There he saw a lake of boiling shit in which stood Hitler and Stalin. Stalin was up to his waist in it and Hitler up to his nose.
“That’s outrageous,” said the priest. “Why should Hitler be punished more than Stalin? I suffered under both and Stalin was just as evil as Hitler.”
“You don’t understand,” said his guide, “Stalin is standing on Lenin’s shoulders.””
Dịch:
“Một ông cha đạo chết và lên thiên đường. Ông được hỏi có ước nguyện gì trước khi vào thiên đường không. Ông bèn nói là ông muốn được đi tham quan địa ngục một chuyến. Thế là ông được đưa xuống một trong những hang địa ngục sâu nhất dành riêng cho những con người cực kỳ độc ác. Tại đó ông thấy một cái hồ đầy phân đang sôi sùng sục.
Trong hồ có Hitler và Stalin đang đứng. Trên mặt hồ, Stalin lộ phần thân từ thắt lưng trở lên, còn Hitler thì chỉ lộ có nửa mặt tính từ mũi.
“Thật quá quắt,” vị cha đạo nói. “Sao Hitler lại bị phạt nặng hơn Stalin? Tôi đã chịu khổ đau dưới cả hai và Stalin cũng ác như Hitler vậy thôi.”
Ông hướng dẫn viên bèn giải thích: “Cha không hiểu rồi, Stalin đang đứng trên vai Lenin đó.”
Thi hài Lenin vẫn nằm rất trang trọng trong lăng tẩm, nhưng một số người dân Nga ngay từ những năm 70 có lẽ đã không hề có sự tôn kính nào dành cho cái vị trí trang trọng đó.
Trong một anekdot khác do Smirnova tuyển chọn, Lenin lại được nhắc đến:
“A student is taking an oral exam in Soviet history. He is apparently doing well until the professor asks him:
“When was the Bolshevik revolution?”
“I don’t know”
“Well then, who wrote DAS KAPITAL?”
“No idea.”
“Who was Comrade Lenin?”
“I’ve never heard that name before,” said the student unabashedly.
“Well, young man, you must be able to tell me this: Who is Comrade Brezhnev?”
“Br-, Br-, who?”
“Listen, where are you from?”
“I’m of the village Petrovka in Siberia…”
The professor is thoughtful now, “Petrovka, Petrovka… sounds like a heavenly place!””
Dịch:
“Một cậu học sinh đang thi kiểm tra vấn đáp về lịch sử Xô Viết. Đang trả lời tốt thì ông giáo sư hỏi:
“Cách mạng Bolshevik diễn ra năm nào?
“Em không biết”
“Rồi, thế ai viết Tư Bản Luận?”
“Không rõ”
“Đồng chí Lenin là ai?”
“Em chưa nghe tên người này bao giờ,” cậu học sinh trả lời không bối rối.
“Này cậu trai trẻ, cậu phải trả lời được câu này: Đồng chí Brezhnev là ai?”
“Br-, Br- gì cơ?”
“Nghe này, cậu từ đâu đến hả”
“Em đến từ làng Petrovka ở Siberia.”
Vị giáo sư mặt chợt đầy suy tư, lẩm bẩm “Petrovka, Petrovka… Nghe cứ như tên một chốn thiên đường ấy nhỉ!””
Theo Smirnova, anekdot này thể hiện một sự từ chối hoàn toàn những “biểu tượng quốc gia” (national symbols) vốn được nhà nước Xô Viết tạo ra nhằm đoàn kết người dân toàn nước Nga.
Người Nga thời Brezhnev có vẻ là chán ghét thực tế xã hội đầy bất công của họ đủ đến mức phải mường tượng là họ có thể ganh tỵ thế nào với một chú bé đến từ miền Siberia băng giá xa xôi nơi chú ta chưa bao giờ phải biết những “biểu tượng quốc gia” kia.
Không chỉ thể hiện sự phản kháng bằng chán ghét thụ động, theo Smirnova, các anekdot của Nga đặc biệt thường mang một màu sắc phê phán sâu cay và đầy tính trí thức khi có nội dung so sánh nước Nga cộng sản với các nước phương Tây tự do, đặc biệt là kẻ đại địch Hoa Kỳ:
“This is Armenian Radio! Our listeners asked us:
What is the difference between the constitutions of the USA and the USSR? Do not both countries guarantee the freedom of speech?
Our answer: Yes, but the USA’s constitution guarantees freedom after speech.”
Dịch:
“Đây là Đài Radio Armenia! Bạn nghe đài hỏi chúng tôi:
Sự khác biệt giữa hiến pháp của Hoa Kỳ và hiến pháp Liên Xô là gì? Chẳng phải cả hai nước đều đảm bảo tự do ngôn luận đấy ư?
Chúng tôi trả lời: Đúng, nhưng hiến pháp Hoa Kỳ còn đảm bảo tự do sau khi đưa ra ngôn luận.”
Đúng nhỉ? “Chúng tôi cho các người tự do nói đó, còn làm gì với các người sau khi các người nói thì lại là chuyện của chúng tôi!” Hoàn toàn có thể tưởng tượng một vài quan chức Nga Xô từng thực sự tư duy theo một cách lố bịch về khái niệm “tự do” như thế.
***
Đã có ai nghiên cứu các câu chuyện tiếu lâm chính trị của người Việt Nam từ giác độ văn hóa và xã hội học như các nhà nghiên cứu Davies và Smirnova đã làm với các anekdot của người Nga chưa nhỉ?
Nếu chưa thì đây đúng là một mảng hay ho cho các bạn sinh viên khoa học xã hội.
Trong lúc chờ các nghiên cứu hoành tráng như thế, thì mong các bạn nhớ là chỉ nên tin vào các anecdotal evidence trong một số hoàn cảnh nhất định thôi nhé!
Tài liệu tham khảo: