Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp; Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam trên Biển Đông
Các sự kiện nổi bật: * Tòa Thái Lan đồng ý dẫn độ Y Quynh Bđăp về Việt Nam chịu án.
Trong cuốn sách cực kỳ hữu ích “Tư Duy Nhanh và Chậm”, nhà tâm lý học từng đoạt giải Nobel Kinh Tế Daniel Kahneman viết rằng bộ não con người thường có hai hệ thống: một hệ thống chăm chỉ và một hệ thống lười biếng.
Hệ thống chăm chỉ tư duy sâu và tư duy chậm. Nó là thứ ta dùng khi đưa ra các quyết định quan trọng, thể hiện các niềm tin cá nhân sâu xa nhất của bản thân ta. Nó là thứ ta dùng khi ta suy tính bỏ tiền mua cả một căn nhà trên 700 triệu đồng.
Hệ thống lười biếng thì chính là thứ hoạt động nhanh nhạy mỗi khi ta sử dụng trực giác, trong những hoàn cảnh đột ngột, khi ta không có thời gian hay máy móc gì để triệu hồi bạn Gúc với bạn Wik lên mà trả bài cho ta. Nó là thứ ta hay dùng khi ta chém gió trên mạng và đọc tin tức giải khuây sau một tuần dài làm việc vất vả.
Làm cách nào mà hệ thống lười biếng đó có thể làm việc?
Nó tận dụng nhiều thứ, trong đó nhiều nhất dùng là các “khuôn mẫu” – stereotype.
Đó là những “mẫu”, những hình ảnh được xem là điển hình về một nhóm người hay một nhóm sự kiện nào đó.
Ví dụ, khi ta thấy hay nghe cụm từ “giáo sư”, ta dễ nghĩ và nghĩ ngay đến một ông hói đầu râu bạc, hơn là một cô nàng 29 tuổi tóc nhuộm luôn cười.
Nhưng các khuôn mẫu không phải lúc nào cũng chỉ xuề xòa vô hại như thế.
Chúng đóng một vai trò quan trọng và nhiều khi ảnh hưởng mạnh mẽ đến cả hệ thống chăm chỉ tư duy sâu và chậm của chúng ta, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến những thứ đúng-sai, phải-trái cao xa, như công lý và tội ác.
Nhiều khi, chúng ta xét đoán cả hung thủ và nạn nhân trong một vụ án hình sự không phải bằng cách nhìn vào chi tiết của vụ việc, mà nhìn qua các stereotype chúng ta có sẵn về con người: Hung thủ ư? Chắc phải là một kẻ mặt mày dữ tợn râu tóc bù xù. Nạn nhân ư? Chắc hẳn là một người yếu đuối đang hoảng sợ và than khóc.
Theo các tổ chức Phụ nữ Liên hiệp Quốc và Hiệp hội Luật gia Quốc tế, các khuôn mẫu dựa trên giới tính (gender stereotype) có một tác động xấu đến cách chúng ta tư duy về công lý và tội ác trong việc nhìn nhận, điều tra, và xét xử các vụ việc bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm.
Các khuôn mẫu đó khiến chúng ta đưa ra những kết luận định kiến và sai lầm, nhiều khi gây hại cho chính các nạn nhân của vụ việc.
Các khuôn mẫu đó là gì?
Trích đoạn báo cáo “Khuôn mẫu dựa trên giới tính trong Luật pháp và phán quyết tòa án tại Đông Nam Á” (Gender Stereotypes in Laws and Court Decisions in Southeast Asia) thực hiện năm 2016 bởi tổ chức Phụ nữ Liên hiệp Quốc, phối hợp cùng Hiệp hội Luật gia Quốc tế
Luật Khoa trích đoạn và dịch từ báo cáo gốc bản tiếng Anh (cách dòng do người trích, hình minh họa không thuộc nội dung trong sách)
“…
Khuôn mẫu phụ nữ “đức hạnh” hay “đàn bà tốt”
Khuôn mẫu người phụ nữ đức hạnh hay người đàn bà tốt, cùng với một khuôn mẫu khác là khuôn mẫu đàn bà xấu, hay đàn bà dâm đãng (slut), là một vài khuôn mẫu giới trọng tâm trong nhóm các khuôn mẫu có hại cho giới nữ.
Khuôn mẫu phụ nữ đức hạnh có cả tính quy tắc [prescriptive – xác định những gì con người nên/phải tuân theo – ND] và tính miêu tả [descriptive].
Nó mang tính quy tắc vì nó cấu thành các mong đợi của xã hội về việc một người phụ nữ nên là một người phụ nữ như thế nào.
Nó cũng mang tính miêu tả vì nó miêu tả chính cách mà xã hội nhận thức hành vi ứng xử của phụ nữ. Và để dành được cái nhãn “phụ nữ đức hạnh”, thông thường một người phụ nữ phải cư xử sao cho thích hợp với các tiêu chuẩn đạo đức của cộng đồng.
Trong các vụ bạo lực tình dục, khuôn mẫu phụ nữ đức hạnh thường là một phụ nữ trẻ, độc thân, chân thật, và không tai tiếng, hay là một trinh nữ, hay “ngây thơ với đời”.
Nếu một người phụ nữ đã lớn tuổi hay đã kết hôn, cô ta thường phải được cho là một người phụ nữ có tư cách đạo đức tốt.
Để một phụ nữ như trên được nhìn nhận là nạn nhân bạo lực tình dục, cô ta phải chứng minh rằng cô ta đã đấu tranh, hay là đã kháng cự mãnh liệt nhất để bảo vệ đức hạnh của mình.
Các tính chất, điều kiện của vụ bạo lực phải ở mức cực kỳ đáng chê trách, hay là không thể nào thoát ra được.
Một người phụ nữ đức hạnh không thể bị đổ lỗi cho những gì đã xảy đến với cô ta, bởi vì cô ta là một mẫu nạn nhân điển hình. Cô ta là một nhân chứng đáng tin bởi vì cô ta là một mẫu mực đạo đức và mẫu mực đạo đức thì không thể nói dối. Khi cô ta đâm đơn kiện, tòa án gấp rút bảo vệ cô ta.
Dựa vào khuôn mẫu phụ nữ đức hạnh, chỉ có những người phụ nữ nào cư xử đúng mực đạo đức, hay có tiếng là đoan trang, mới có thể là những nạn nhân bạo lực tình dục, và theo đó xứng đáng được luật pháp bảo vệ.
Cái khuôn mẫu này mang tính kỳ thị chống lại những ai không ướm vừa các tiêu chuẩn về đức hạnh và đoan trang của xã hội.
Nó khiến cho nhiều phụ nữ tố cáo bạo lực tình dục phải hứng chịu các cáo buộc về danh tiếng xấu hay đạo đức thấp kém của họ, Theo đó, một phụ nữ có danh tiếng xấu hay đạo đức thấp kém nhiều khả năng là đang bịa đặt lời tố cáo bạo lực hay tố cáo quấy rối của cô ta.
Khi khuôn mẫu này được sử dụng, các hình thức bảo vệ và bồi thường chỉ được dành riêng cho những ai ướm vừa cái khuôn mẫu đó.
Khuôn mẫu “đàn bà xấu” hay “đàn bà dâm đãng” (hay là khuôn mẫu “thoải mái quan hệ tình dục”)
Khuôn mẫu lớn thứ hai là khuôn mẫu đàn bà xấu hay đàn bà dâm đãng, là đối lập của khuôn mẫu đàn bà đức hạnh.
Đàn bà xấu hay đàn bà dâm đãng được miêu tả theo nhiều cách: một phụ nữ đạo đức thấp, một phụ nữ có ô danh, v.v.
Việc áp đặt khuôn mẫu “đàn bà xấu” thường là vì người ta cho rằng người phụ nữ đó đã từng cư xử “không đoan chính”, “khiếm nhã”, hay “không phù hợp”.
Người đàn bà xấu, hay người đàn bà dâm đãng, được xem là thoải mái quan hệ tình dục với đàn ông, và được xem là đã tự mời gọi việc bị bạo hành tình dục.
Khi một phụ nữ với khuôn mẫu như thế ra tòa, cô ta thường không được tin tưởng và bị đổ lỗi cho những gì đã xảy đến với cô ta.
Người phụ nữ gợi dục nào cũng là người phụ nữ dâm đãng? – Ảnh: feministcurrent.com
)…)
Các khuôn mẫu giới có hại hiện diện trong các quy định pháp lý và quyết định tòa án thế nào?
Cái thế đối lập khuôn mẫu đàn bà tốt với đàn bà xấu nói trên tạo ra cả một chuỗi hay cả một mớ các khuôn mẫu giới có liên quan khác thường có trong các vụ bạo lực có liên quan đến giới tính.
Mớ khuôn mẫu giới đó thường liên quan đến:
Các khuôn mẫu giới xuất hiện trong các quy định pháp lý vốn thường được áp dụng trong các vụ hình sự có liên quan đến giới tính như sau.
Quy định khai báo tức thời (prompt reporting)
Các tội ác bạo lực với nữ giới thường được quản lý bởi các quy định mang tính quy tắc (prescriptive) hay các quy định thời hiệu, vốn xác định các khung thời gian mà cáo buộc pháp lý có thể được đệ trình.
Ví dụ như ở Philippines, thời hiệu cho tội hiếp dâm là 15 đến 20 năm từ khi xảy ra vụ việc, tùy theo tính chất cụ thể của hành vi.
Tuy độ dài thời gian được luật pháp xác định như thế, niềm tin từ văn hóa chung là các nạn nhân chỉ là nạn nhân chính đáng khi họ tố cáo mau lẹ, tức thời.
Bất kỳ khoảng cách thời gian nào, giữa lúc xảy ra vụ việc và khi đệ trình tố cáo lên tòa, trong một số trường hợp đều được sử dụng để chống lại chính các nạn nhân.
Phụ nữ không trình tố cáo mau lẹ vì nhiều lý do.
Cảm giác bị sốc và thương tổn tinh thần (trauma) mà một nạn nhân bạo lực tình dục phải trải qua, ngay cả những lời cự tuyệt rằng hành vi xâm hại đã diễn ra, thường ngăn cản cô ta đi tố cáo ngay.
Nhiều phụ nữ không tố cáo vì họ cảm thấy xấu hổ hay họ tự đổ lỗi cho chính bản thân mình.
Một số tự làm giảm mức độ nghiêm trọng của việc bị xâm hại để có thể đương đầu với các tác hại của nó, và thế là họ không tố cáo.
Một số phụ nữ khác không tin tưởng hệ thống công lý và cảm thấy rằng họ sẽ không được tin tưởng vì một lý do nào đó, hay họ lo sợ cho tính mạng bản thân và nghĩ rằng hệ thống công lý không thể bảo vệ cho họ.
Bạo lực với nữ giới nói chung, và cưỡng hiếp nói riêng, rất ít khi được khai báo, ngay cả ở những nước có các cơ quan điều tra và cơ quan công tố được đào tạo bài bản và có nguồn lực đầy đủ.
Tại Mỹ, cơ quan điều tra FBI “ước tính rằng chỉ có 37% các vụ cưỡng hiếp được trình báo với cảnh sát” trong khi Bộ Tư pháp Mỹ có thống kê “còn thấp hơn, cho thấy chỉ có 26% các vụ cưỡng hiếp hay cưỡng hiếp bất thành là được trình báo cho các cơ quan chức năng”.
Hiện chưa có ước lượng về mức độ trình báo các hành vi bạo lực liên quan đến giới tính tại Đông Nam Á…
Phụ nữ có nhiều lý do chính đáng để chậm khai báo cưỡng hiếp? – Ảnh: parhlo.com
Quy định đề phòng dối trá (cautionary rule)
Quy định này bắt buộc các thẩm phán phải đề phòng cẩn thận trong việc tin tưởng các lời cung khai của những người tố cáo trong các vụ tấn công tình dục.
Quy định này có gốc gác từ một số tuyên bố của vị luật gia nổi tiếng người Anh Sir Matthew Hale. Ông này từng nói thời thế kỷ 17 rằng cưỡng hiếp “là một lời cáo buộc rất dễ đưa ra, nhưng rất khó chứng minh, và càng khó bào chữa cho người bị cáo buộc, cho dù người đó đúng là vô tội”.
Quy định này cũng có gốc gác từ những gì Wigmore từng viết trong cuốn sách của ông về bằng chứng luật pháp: “Không thẩm phán nào nên để cho một vụ tố cáo tội phạm tình dục ra xử trước bồi thẩm đoàn trước khi lý lịch quan hệ xã hội và tình trạng tâm thần của người phụ nữ đâm đơn tố cáo đã được giám định và chứng nhận bởi một bác sỹ có chuyên môn.”
Quy định đề phòng dối trá là một nền tảng cho một quy định khác ở một số nước, rằng phải có cung khai chứng thực hay phải có bằng chứng thì một vụ cưỡng hiếp mới có nhiều khả năng được xử lý…
Quy định chứng thực (corroboration rule)
Quy định này có liên quan đến quy định đề phòng dối trá nói trên.
Bởi vì lời cung khai của phụ nữ được xem là “vốn đã có khả năng không đáng tin cậy”, chứng thực là việc cần làm tại một số nước để cho lời tố cáo của phụ nữ có thể được công nhận.
Khi việc chứng thực được yêu cầu bắt buộc, lời cung khai của nạn nhân được xem là không đủ bất kể chất lượng của chính lời cung khai đó.
Trong mọi trường hợp phải có một lời cung khai của một người khác, hay một số bằng chứng gì đó để ủng hộ lời cung khai của nạn nhân.
Các quy định về chứng thực như thế phân biệt đối xử với nữ giới bởi vì chúng yêu cầu họ “phải thực hiện một nghĩa vụ chứng minh nặng nề hơn nam giới để có thể xác lập một hành vi phạm tội hay tìm kiếm một biện pháp khắc phục”.
Trong khi luật pháp Philippine có quy định về đề phòng dối trá, luật nước này lại không hề có quy định bắt phải chứng thực lời khai của nạn nhân trong một vụ cưỡng hiếp. Chỉ lời khai của nạn nhân có thể là đủ để tòa kết án bị cáo, nếu như lời khai đó đáng tin và có tính thuyết phục…
Quy định về tính liên quan của tiểu sử tình dục của nạn nhân hay danh tiếng nạn nhân
Tiểu sử tình dục hay danh tiếng của một nạn nhân bị cưỡng hiếp hay bị tấn công tình dục thường được xem là một vấn đề trong tố tụng hình sự.
Thỉnh thoảng, luật pháp có quy định rõ ràng cho phép việc trình bày trước tòa bằng chứng về các hành vi tình dục trong quá khứ của nạn nhân hay tiểu sử tình dục của nạn nhân.
Tuy nhiên, ngay cả khi luật pháp không xem tiểu sử tình dục của nạn nhân là có liên quan trong vụ việc, thì trong thực tế, các tác nhân trong hoạt động tư pháp thường kiểm tra tiểu sử tình dục của nạn nhân để xác định tính đáng tin cậy của nạn nhân và để đánh giá bằng chứng.
Quy định này duy trì cái khuôn mẫu rằng chỉ có phụ nữ “đức hạnh” hay “trinh trắng” thì mới là những người đáng tin cậy và đáng được luật pháp bảo vệ trước các hành vi xâm phạm “đức hạnh” của họ. “Đức hạnh” vốn là thứ được nhiều xã hội nhìn nhận về mặt văn hóa là một sở hữu đáng quý.
Trái lại, phụ nữ nào có kinh nghiệm tình dục hay được cho là “đàn bà có danh tiếng xấu” thì lại được xem là có khả năng cao sẽ nói dối, chả có “đức hạnh” gì để bảo vệ, và theo đó là những kẻ sẵn sàng quan hệ tình dục; vậy nên, họ không có lý do gì để phàn nàn khi bị xâm hại.
Ngược lại, tiểu sử tình dục hay danh tiếng của nam giới lại không được xem là liên quan trong các vụ cưỡng hiếp hay tấn công tình dục. Họ không hề bị bắt phải có “đức hạnh” hay là đàn ông có tư cách đạo đức tốt.
Việc để cho tiểu sử tình dục hay danh tiếng của nạn nhân được xem là có liên quan trong xử lý các vụ tấn công tình dục chính là chuyển trọng tâm của việc điều tra hành vi của kẻ gây ra vụ việc sang tiểu sử cá nhân của nạn nhân…
Tiểu sử tình dục của một phụ nữ khiến việc cô ta bị cưỡng hiếp không đáng tin? – Tranh: The Embrace của Egon Schile/Belvedere Museum Vienna.
Niềm tin rằng các cáo buộc dối trá là thường xuyên trong các vụ cưỡng hiếp
Có một niềm tin phổ biến là phụ nữ tố cáo cưỡng hiếp hay tấn công tình dục thường là những người có khả năng nói dối nhất.
Niềm tin về “cáo buộc dối trá” này rất phổ biến, bất kể rằng chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào cho thấy rằng cáo buộc dối trá là phổ biến trong các vụ tố cáo cưỡng hiếp hay tố cáo tấn công tình dục.
Một khảo sát ước lượng về khai báo dối trá với cơ quan hành pháp về việc bị tấn công tình dục tại Mỹ, Anh, và Úc cho thấy, khi các biện pháp nghiên cứu khoa học nghiêm khắc được áp dụng, ước lượng khai báo dối trá chỉ ở mức 2% đến 8%.
Niềm tin rộng rãi rằng cáo buộc dối trá là phổ biến khiến cho các nạn nhân ít có động lực tố cáo hơn. Nó góp phần làm tăng nỗi sợ hãi của nạn nhân rằng họ sẽ không được tin tưởng và theo đó, họ tránh dùng hệ thống công lý.
Niềm tin này cũng giải thích tại sao nhiều nước nhấn mạnh vai trò của bằng chứng vật lý và quy định chứng thực.
Rất đáng phải nhìn nhận rằng cái gì cấu thành nên “cưỡng hiếp thật” và “nạn nhân đáng tin cậy” bao gồm việc sử dụng các đánh giá dựa trên các định kiến hay các khuôn mẫu giới.
Kết luận rằng một nạn nhân đang đưa ra “cáo buộc dối trá” có thể được đưa ra trong một số vụ việc chỉ vì các nạn nhân đã có vẻ không đáng tin cậy dựa vào các khuôn mẫu giới, thay vì dựa trên sự thật là hành vi xâm hại đã không hề xảy ra.
Ngoài ra, khái niệm “cáo buộc dối trá” khá mông lung và thiếu chuẩn xác. Cụm từ “cáo buộc dối trá” thỉnh thoảng cũng được dùng trong các vụ việc mà bằng chứng đơn giản là không đầy đủ (insufficient) hay thiếu khả năng giúp đưa ra kết luận (inconclusive), hay trong các vụ việc mà lời tố cáo không/chưa được chứng minh (unsubstantiated).
Một lời khai báo là gian trá chỉ có thể được đưa ra dựa trên các kết quả có được từ một “cuộc điều tra kỹ lưỡng, dựa trên bằng chứng”. Một cuộc điều tra kỹ lưỡng, dựa trên bằng chứng như thế phải được thực hiện theo một cách phi định kiến, không sử dụng các khuôn mẫu giới.
“Cáo buộc dối trá” chỉ nên được sử dụng trong một vụ việc đã có kết luận là có sự dối trá hay bịa đặt có ác ý…
Niềm tin rằng chuyện cưỡng hiếp là có thể tránh được
Các tác nhân hoạt động tư pháp thường tin rằng cưỡng hiếp là việc có thể tránh được.
Bởi vì có niềm tin này, nên các nạn nhân bị cưỡng hiếp thường được yêu cầu phải giải thích tại sao họ không thể trốn thoát khỏi tình huống vụ việc khi họ bị cưỡng hiếp.
Các tác nhân hoạt động tư pháp thường kiểm tra mọi chi tiết trong vụ cưỡng hiếp nhằm để chắc chắn rằng đã có nhiều cơ hội cho nạn nhân trốn thoát.
Sau đó, nạn nhân sẽ bị đổ lỗi là cô ta đã không tận dụng tất cả các cơ hội đó để trốn thoát, rằng cô ta đã không hành xử có lý tính và đã không chú tâm vào lúc đó, và rằng cô ta đã không chịu áp dụng một chiến lược hữu hiệu để tránh việc bị cưỡng hiếp.
Có liên quan đến niềm tin này chính là niềm tin rằng chỉ có phụ nữ ngu dốt, ít học, hay phụ nữ yếu đuối thì mới bị cưỡng hiếp, và ngược lại, rằng phụ nữ mạnh mẽ, có năng lực, có giáo dục thì không thể nào bị cưỡng hiếp.
Cũng theo hướng đã nêu trên, một số tác nhân tư pháp tin rằng khi bị cưỡng hiếp dựa trên các phương pháp mang tính đe dọa, nạn nhân phải là người rụt rè, mỏng manh, dễ dọa nạt. Và rằng nếu bị cưỡng hiếp dựa trên những phương tiện mang tính đe dọa, thì phải có bằng chứng rõ ràng của một mối đe dọa trực tiếp.
Trong một vụ việc được xử tại Tòa Tối cao Philippine, nhóm đa số các thẩm phán đổ lỗi cho người tố cáo vì “sự bất cẩn không thể tha thứ” (inexcusable imprudence) của cô ta; theo các thẩm phán này, “lỗi là của cô ta”.
Có hai thẩm phán cùng xử khác có ý kiến bất đồng với nhóm đa số. Khuôn mẫu giới đã được nhóm đa số thẩm phán sử dụng và theo thẩm phán J. Davide, việc sử dụng khuôn mẫu giới đó thể hiện rõ nhất trong các phần chú giải của phe đa số. Đáng chú ý là lời phê phán của thẩm phán J. Regalado với phe đa số: “Trách nhiệm của hành vi tấn công tình dục được đặt lên vai của nạn nhân bởi vì cô ta đã không phát hiện và ngăn chặn nó xảy ra, thay vì được đặt lên vai chính kẻ đã âm mưu và thực hiện hành vi đó”…
Quy định về “cách phản ứng chuẩn mực hay phản ứng thông thường” (standard or normal reaction), ví dụ như yêu cầu phải có phản kháng thể lý (requirement of physical resistance)
Một niềm tin phổ biến khác là phụ nữ luôn luôn nên dùng tay chân chiến đấu chống lại việc bị tấn công hay xâm phạm. Việc chiến đấu này đã trở thành một hành vi mang tính khuôn mẫu được xem là phải có ở một nạn nhân “chính đáng”.
Tương tự, có một niềm tin phổ biến rằng nạn nhân “chính đáng” rời bỏ hay tránh xa kẻ đã xâm phạm họ. Một phụ nữ chỉ được xem là một nạn nhân thật sự khi cô ta rời bỏ kẻ xâm phạm ngay lập tức, khi cô ta rời hiện trường không cùng lúc với kẻ xâm phạm, hay khi cô ta không gặp kẻ xâm phạm nữa sau khi diễn ra hành vi xâm phạm.
Mọi hành vi không thống nhất với các hành vi được mong đợi nêu trên đều được xem là một dấu hiệu của một cáo buộc dối trá.
Các niềm tin nói trên thể hiện một sự kém hiểu biết rằng chẳng hề có một phản ứng hành vi mang tính chuẩn mực nào có thể được mong đợi từ một người khi phải đối mặt với việc bị tấn công tình dục hay chính trong lúc đang bị xâm hại.
Các niềm tin đó cũng không hề xét đến mặt động lực học (dynamics) trong mối quan hệ nạn nhân – kẻ xâm hại trong bối cảnh bạo hành gia đình, vốn có mặt các hành vi có thể làm bối rối những ai chỉ dùng các khuôn mẫu giới làm thước đo hành vi thông thường…
Ai quyết định phản ứng nào là bình thường sau khi bị hiếp dâm? – Tranh: Interior của Edgar Degas/Wikimedia
Quy định rằng phải có bằng chứng vật lý hay là thương tích thể lý
Không phải vụ bạo lực nào cũng có bằng chứng vật lý. Không phải vụ việc nào cũng có sự tham gia của vũ khí hay bạo lực thể lý. Không phải vụ việc nào có sử dụng bạo lực thể lý thì cũng tạo ra thương tích thể lý.
Thỉnh thoảng, ngay cả khi hành vi xâm phạm tạo ra thương tích thể lý, việc trì hoãn khai báo dẫn đến việc mất đi các bằng chứng vật lý.
Các nạn nhân cũng thường hay tự hủy hoại các bằng chứng vật lý của việc bị xâm hại, hoặc thực hiện các hành vi dẫn đến việc hủy hoại các bằng chứng vật lý.
Sự tồn tại của bằng chứng vật lý tùy thuộc vào hoàn cảnh diễn ra hành vi xâm hại. Bản chất mối quan hệ giữa kẻ xâm hại và nạn nhân thường xác định các chiến lược đối phó của chính nạn nhân. Đây cũng là một yếu tố.
Ví dụ, cưỡng hiếp có thể diễn ra giữa nạn nhân và một người lạ, hay một người quen, hay một người thân cận với nạn nhân.
Những người quen cưỡng hiếp nạn nhân thường được biết đến dưới tên “những kẻ cưỡng hiếp dựa trên sự tin tưởng” (confidence-style rapists) bởi vì họ “tiếp cận nạn nhân bằng cách lừa dối, sau đó thì phản bội, hay đe dọa, hay dùng vũ lực”.
Bởi vì họ là người quen, hay có biết nạn nhân, họ có khả năng tạo ra “một giao tiếp không có tính đe dọa làm tiền đề cho việc tấn công”. Bởi vì kẻ cưỡng hiếp quen biết nạn nhân, nạn nhân nhiều khả năng sẽ dùng các chiến thuật lời nói như cãi lý, van xin, hay mặc cả, thay vì dùng vũ lực để chống lại kẻ cưỡng hiếp, cho đến khi việc trốn thoát trở nên quá muộn.
Trong những trường hợp như thế, khả năng có thương tích thể lý thấp hơn.
Một nghiên cứ về cưỡng hiếp của Mỹ kết luận rằng “phản kháng với một kẻ lạ thường có nhiều khả năng tạo ra thương tích thể lý hơn là phản kháng với một người quen với nạn nhân.”
Thương tích thể lý thường được xem là thước đo duy nhất của thiệt hại theo luật pháp. Luật pháp thường phớt lờ thực tế rằng bạo lực gây ra các thiệt hại ngoài thiệt hại vật lý và thường gây ra các thương tổn kéo dài đối với tâm lý và tâm thần của nạn nhân.
Ví dụ, tại một số nước, thước đo thiệt hại là việc mất trinh (virginity). Việc mất trinh này phải được củng cố bằng các bằng chứng vật lý. Trong một vụ việc được báo chí Campuchia đưa tin, tòa án đổi phán quyết từ cưỡng hiếp sang tấn công khiếm nhã (indecent assault), theo đó là một án phạt nhẹ hơn, bởi vì mức độ thâm nhập vào âm đạo của một nạn nhân sáu tuổi đã “không đủ sâu”…
Áo quần gợi dục là bằng chứng của việc mời gọi tình dục hay thể hiện sẵn sàng quan hệ tình dục
Niềm tin này sử dụng khuôn mẫu phụ nữ “sẵn sàng quan hệ tình dục” đã nêu.
Trong các phiên tòa, việc áp dụng khuôn mẫu giới này thường được thể hiện qua các câu hỏi về việc nạn nhân đã mặc gì khi cô ta bị cưỡng hiếp hay bị xâm hại.
Tuy nhiên, trong thực tế, phụ nữ bị cưỡng hiếp bất kể họ mặc thứ quần áo nào.
Niềm tin rằng khi phụ nữ nói “không” thì họ có ý nói “có”
Niềm tin phổ biến này theo một cách mâu thuẫn mang hai khuôn mẫu trái ngược lại với nhau: khuôn mẫu đàn bà tốt và đàn bà dâm đãng.
Phụ nữ tốt thường được mong đợi là phải thụ động và bẽn lẽn trong tình dục.
Nhiều người tin rằng bởi vì phụ nữ bẽn lẽn về bản chất nên mới nói “không” trong khi họ có ý muốn nói “có”, hay tin rằng khi phụ nữ nói “không” là họ đang muốn được thuyết phục chuyển sang “có”.
Niềm tin này có hàm ý rằng tất cả phụ nữ đều thích tình dục (họ là những người đàn bà dâm đãng kín đáo), tuy nhiên họ không thể nói thẳng ra là họ thích tình dục.
Cái khuôn mẫu giới này làm hại các nạn nhân bởi vì niềm tin này tạo ra một thứ định kiến ngay tức thì đối với các nạn nhân là nữ giới, và tạo ra một lời giải thích tiện dụng cho kẻ xâm hại trước khi có một cuộc điều tra kỹ lưỡng, cẩn trọng, và không định kiến đối với hành vi xâm hại bị tố cáo.
Niềm tin rằng một nạn nhân chính đáng không thể trở lại các “hoạt động bình thường” sau khi diễn ra việc xâm hại
Một đặc tính hay thuộc tính thường được gán cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục là họ phải thể hiện rõ ràng hay phải có bằng chứng rõ ràng của thương tổn tinh thần.
Theo mong đợi này, các nạn nhân nào trở lại các “hoạt động bình thường” của họ hay không thể hiện các dấu hiệu đau khổ sau khi bị tấn công tình dục thì thường không phải là những nạn nhân có thể được tin tưởng.
Niềm tin này làm hại các nạn nhân nào, bất kể các đau đớn bên trong sau khi bị xâm hại, đang cố hết sức để thể hiện với thế giới rằng họ ổn và đang đương đầu với hậu quả bằng cách tiếp tục các hoạt động thông thường và bình thường của họ.
Nữ diễn viên Evan Rachel Wood tường trình trước Thượng viện Mỹ về việc cô đã từng bị xâm hại tình dục. Cô vận động cho luật mới bảo vệ nữ giới mạnh mẽ hơn trước các rủi ro bạo lực tình dục – Ảnh: Bill Clark/CQ Roll Call
Niềm tin rằng các nạn nhân thật sự không quên hay không nhầm lẫn các chi tiết liên quan đến việc bị xâm hại, hay chỉ có những câu chuyện có tính thống nhất mới là những câu chuyện đáng tin
Một số tác nhân hoạt động tư pháp có niềm tin rằng một lời cung khai chỉ đáng tin khi lời cung khai đó thống nhất đến từng chi tiết.
Các nạn nhân được mong đợi, ngay từ khi bắt đầu cuộc điều tra, là sẽ tiết lộ toàn bộ các chi tiết, và sẽ thuật lại một cách thống nhất các diễn biến vụ việc.
Mọi thêm bớt hay thay đổi chi tiết về sau thường được xem là biểu hiện của sự gian trá.
Theo cách suy nghĩ này, nạn nhân chỉ được xem là đáng tin khi nào họ tuyệt đối chắc chắn về các chi tiết của việc bị xâm hại.
Tương tự, khi người bị tố cáo nào có khả năng thuật lại một cách thống nhất các chi tiết vụ việc, người đó được xem là đáng tin.
Đó là quan điểm của Tòa phúc thẩm Đông Timo trong một vụ việc mà họ viện dẫn “lời cung khai rất thống nhất, không mâu thuẫn của bị cáo” là một trong các lý do họ xử bị cáo trắng án.
Các niềm tin nêu trên không xét đến ảnh hưởng của thương tổn tinh thần lên các nạn nhân của bạo lực. Một sự kiện gây thương tổn tinh thần có thể làm hỏng các chức năng tâm thần của một người, và “một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất trong các chức năng tâm thần của một người đã phải trải nghiệm một sự kiện nghiêm trọng chính là trí nhớ”.
Suy giảm trí nhớ là hiện tượng thường có ở các nạn nhân bị xâm hại hay nạn nhân bạo lực. “Suy giảm trí nhớ là sản phẩm của một cơn lũ ngập tràn các tác nhân kích thích tiêu cực. Nó đồng thời là một cơ chế thích nghi (adaptive mechanism)”.
Vì vậy, phải cẩn trọng khi đưa ra kết luận rằng các điểm không thống nhất trong lời khai hay lời kể của nạn nhân là dấu hiệu cho thấy các cáo buộc là giả dối.
Niềm tin rằng kẻ xâm hại phải là một kẻ rõ ràng là bệnh hoạn, điên khùng hay loạn trí (hay là kẻ không đáng trọng, không gây thiện cảm)
Các đặc điểm vật lý hay bề ngoài thường gợi người ta đến các khuôn mẫu giới.
Một khuôn mẫu giới thường có trong bạo lực liên quan đến giới tính là kẻ gây ra hành vi bạo lực phải trông như là một kẻ điên cuồng (maniac) (trong trường hợp các vụ hiếp dâm), hay trông rõ ràng là bạo lực và loạn trí (trong các vụ việc bạo hành gia đình).
Một người đàn ông tử tế, nói năng nhẹ nhàng, trông đàng hoàng thì được xem là ít có khả năng là một kẻ hiếp dâm hay một kẻ bạo hành.
Trong thực tế, nhiều kẻ xâm hại phụ nữ là những con người được xem là “bình thường”, không hề giống các khuôn mẫu những kẻ phạm pháp, và thường họ là những người đã có quen biết với các nạn nhân…”
Bìa báo cáo “Khuôn mẫu dựa trên giới tính trong Luật pháp và phán quyết tòa án tại Đông Nam Á” (Gender Stereotypes in Laws and Court Decisions in Southeast Asia)
Tìm đọc thêm: