Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Người nông dân, tử tù Đặng Văn Hiến có lẽ phần nào sẽ giảm bớt được một ít căng thẳng kể từ sau phiên toà phúc thẩm, nếu anh biết rằng, mình không đơn độc trong hành trình đi tìm công lý.
Ngày 16/08/2018, tổ chức Action by Christians for the Abolition of Torture (ACAT-France) trụ sở tại Paris (Pháp) đã gửi thư kiến nghị giám đốc thẩm bản án đến Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao. ACAT-France là tổ chức đầu tiên gửi kiến nghị giám đốc thẩm vụ án này. Tuy nhiên, ngay từ sau khi phiên xử phúc thẩm vào đầu tháng 7/2018, đã có rất nhiều nỗ lực của các cá nhân, tổ chức nhằm kêu gọi nhà nước và tòa án Việt Nam giảm án tử cho Đặng Văn Hiến.
Ngày 12/07/2018, Toà án Nhân dân cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên y án tử hình đối với Đặng Văn Hiến vì tội giết người trong vụ tranh chấp đất đai với Công ty Long Sơn tại Tiểu khu 1535 (Đắk Nông). Khi ấy, thời gian đối với anh chỉ còn tính bằng ngày.
Một ngày sau phiên toà phúc thẩm, anh Hiến đã gửi đơn lên Chủ tịch nước xin ân xá.
Hai ngày sau đó, một thư kiến nghị trực tuyến đã kêu gọi Chủ tịch nước, Chánh án Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao chấp nhận đơn xin ân xá của Hiến. Thư kiến nghị đã thu hút hơn 5.000 người ký tên chỉ trong vòng ba ngày sau đó.
Đến nay, vụ việc của Hiến đã có thêm một sự ủng hộ từ quốc tế. ACAT-France là một tổ chức phi chính phủ của những người theo đạo Thiên Chúa giáo, hướng đến việc xoá bỏ các hình thức tra tấn và án tử hình trên khắp thế giới, cũng như bảo vệ quyền tị nạn. ACAT-France thuộc Liên đoàn Quốc tế ACAT (International Ferderation ACAT) có chức năng tư vấn chính thức cho Liên Hợp Quốc, Hội đồng châu Âu và Ủy ban quyền con người và các dân tộc châu Phi.
Kiến nghị giám đốc thẩm vụ án Đặng Văn Hiến được gửi đi đúng một tháng, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi công văn yêu cầu Chánh án TAND Tối cao và VKSND Tối cao cùng Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và báo cáo với Chủ tịch nước.
Không những chỉ gửi đơn kiến nghị, ACAT-France còn kêu gọi 39.000 thành viên của mình cùng làm điều này, mong rằng sẽ giúp Đặng Văn Hiến thoát án tử.
ACAT-France cho rằng, đã có sai sót trong quá trình tố tụng dẫn đến bản án là kết quả của xét xử không công bằng đối với Hiến.
Cụ thể, ACAT-France nêu ra những tình tiết giảm nhẹ mà nếu được toà án hai cấp xem xét, thì Hiến đã không bị tuyên án tử hình, bao gồm: Hiến phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đánh; phía bị hại là công nhân của công ty Long Sơn đã kích động tinh thần của Hiến khi những người này bao vây và phá rẫy bất hợp pháp; Hiến đã tự thú và thành khẩn khai báo về vụ việc và gia đình các bị hại cũng đã được bồi thường.
ACAT-France cho rằng có ít nhất hai tội danh khác trong Bộ Luật Hình sự 1999 có thể phù hợp hơn để áp dụng đối với trường hợp của Đặng Văn Hiến. Đó là Điều 95, giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, và Điều 96, giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cả hai điều luật này đều có mức án tối đa là từ 5 năm đến bảy năm tù giam.
Các diễn biến chính vụ án Đặng Văn Hiến
Năm 2005
Sau khi di cư từ Lạng Sơn vào Đắk Nông được một thời gian, Đặng Văn Hiến (sinh năm 1976) và vợ là Mai Thị Khuyên (sinh năm 1979) đã mua khoảng 4ha đất nông nghiệp tại Tiểu Khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để trồng điều.
Năm 2008
Tháng 02/2008, Công ty Long Sơn được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông giao 1.079ha đất rừng tại Tiểu khu 1535.
Ngày 22/02/2008, Công ty Long Sơn đã mang máy ủi, công nhân, và nhiều phương tiện khác đến ủi cây trồng của người dân nhằm giải phóng, lấy lại mặt bằng mà Công ty Long Sơn cho rằng người dân đã lấn chiếm.
Theo bà Khuyên, sau vụ xung đột xảy ra, người dân trong Tiểu khu đã làm đơn gửi ra Hà Nội – và vì sau đó nhận được chỉ đạo từ chính quyền Trung ương, nên xung đột lắng xuống. Cho đến năm 2012, thì lại tiếp tục xảy ra các xung đột nhỏ.
Năm 2013
Đến tháng 6/2013, dự án của Công ty Long Sơn tại Tiểu khu 1535 được nhượng lại cho ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, 55 tuổi. Ông Sửu giữ chức phó giám đốc, và vợ của ông Sửu là bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, 59 tuổi, là giám đốc Công ty Long Sơn.
Năm 2016
Ngày 22/02/2016, Công ty Long Sơn tiếp tục cho xe ủi, công nhân và nhiều phương tiện khác vào rẫy của người dân để tiến hành giải phóng mặt bằng từ khoảng 00h00 cho đến 04h00 ngày hôm sau.
Sau vụ việc trên, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã có công văn yêu cầu các bên liên quan trong vụ việc không được phá hoại cây trồng của người dân.
Rạng sáng ngày 23/10/2016, Công ty Long Sơn cho người đến bao vây nhà của Hiến. Lúc này có em họ là Hà Văn Trường, 33 tuổi, cùng ở nhà Hiến, và Ninh Viết Bình, 36 tuổi, ở gần đó cũng đến giúp Hiến. Nhân viên của Công ty Long Sơn đã tiến hành giải phóng mặt bằng và xảy ra xung đột với Hiến, Trường và Bình, dẫn đến ba người bị bắn chết và 12 người khác bị thương.
Ngày 28/10/2016, Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình được vận động ra đầu thú. Hà Văn Trường bị bắt sau đó. Cả ba người bị khởi tố về tội giết người. Ngoài ra, Đoàn Văn Diện, 38 tuổi, người giúp Hiến trốn khỏi nơi ở cũng bị khởi tố về tội che dấu tội phạm.
Năm 2017
Ngày 03/01/2018, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình 20 năm tù giam, Hà Văn Trường 12 năm tù giam cùng về tội giết người; Đoàn Văn Diện 9 tháng tù giam về tội che dấu tội phạm.
Về phía Công ty Long Sơn, Toà tuyên ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu 6 năm tù giam và Công Thiện 4 năm tù giam cùng về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác.
Ba gia đình có người thân bị bắn chết trong vụ nổ súng đều đã xin toà giảm án cho Đặng Văn Hiến.
Năm 2018
Ngày 12/07/2018, phiên toà phúc thẩm của TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên Đặng Văn Hiến y án tử hình, và giảm án cho các bị cáo khác, bao gồm: Ninh Viết Bình được giảm 2 năm tù giam (còn 18 năm tù giam), Hà Văn Trường được giảm 3 năm tù giam (còn 9 năm tù giam), Nghiêm Xuân Thiên Sửu được giảm 2 năm tù giam (còn 4 năm tù giam), và Phạm Công Thiện được giảm 2 năm tù giam (còn 2 năm tù giam).
Ngày 13/07/2018, Đặng Văn Hiến làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá.
Ngày 15/07/2018, một thư kiến nghị trực tuyến đã kêu gọi Chủ tịch nước, Chánh án Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao chấp nhận đơn xin ân xá của Hiến, thu hút 5.000 người ký tên.
Ngày 17/07/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi công văn yêu cầu Chánh án TAND Tối cao và VKSND Tối cao cùng Bộ Công an chỉ đạo, kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án và báo cáo với Chủ tịch nước.
Ngày 16/08/2018, ACAT-France tại Paris (Pháp) đã gửi thư kiến nghị giám đốc thẩm bản án đến Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.