Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Anh nông dân Bill Wilson cưới Jenny Wilson vào năm 1900 và cùng nhau sinh hạ được ba người con. Họ sống với nhau ở tiểu bang miền Nam Alabama, Hoa Kỳ. Một ngày nọ, vợ và đứa con trai nhỏ nhất của ông mất tích không một lời báo trước, không ai biết họ đi đâu về đâu.
Bốn năm sau, người dân sống trong khu vực tìm được một đống xương người đang ở trong tình trạng phân hủy. Người dân bắt đầu đồn đoán rằng đống xương đó là của một người phụ nữ và một đứa trẻ, và họ tin rằng đó chính là người vợ Jenny và đứa trẻ mất tích năm nào.
Tin đồn cứ vậy lan ra, và như thường lệ, khiến dư luận tin tưởng một cách thiếu căn cứ rằng người chồng Bill Wilson chính là thủ phạm. Và sức ép của dư luận khiến cho hệ thống tư pháp địa phương phải vào cuộc, tạm giam, khởi tố, và cuối cùng là tuyên phạt tù đối với Bill vào năm 1915.
Tuy nhiên, một thời gian sau, Jenny được tìm thấy đang sinh sống bình thường ở một tiểu bang khác và đã cưới một người đàn ông khác. Bill Wilson nhanh chóng được trả tự do sau khi tiêu tốn ba năm rưỡi đời người của mình trong tù, khi mà không tội ác nào thậm chí được gây ra.
Đó chỉ là một trong nhiều vụ án oan mà sức ép dư luận góp phần gây ra.
Trước khi nói về công luận và án oan, người viết cần khẳng định bản thân người viết tin rằng công luận là cần thiết trong việc thực thi công lý ở Việt Nam hiện nay. Người viết cũng hoàn toàn đồng tình với tác giả của bài viết Công lý đám đông hay Công luận chính đáng, cho rằng công luận chính đáng đã và đang phát huy hiệu quả trong rất nhiều vụ án tại Việt Nam hiện nay. Trong các vụ Hồ Duy Hải, vụ Nguyễn Khắc Thủy, vụ tịch thu nữ trang đá quý ở Cần Thơ, v.v… rõ ràng công luận đã giúp công lý được bảo vệ phần nào trong một hệ thống tư pháp đã trở nên quá tha hoá và rệu rã.
Tuy nhiên, cũng đồng tình với tác giả bài viết nói trên, công luận chính đáng chỉ nhằm yêu cầu cơ quan nhà nước thực thi trách nhiệm của mình, bảo vệ người yếu thế, tôn trọng các quyền hiến định của công dân. Chúng ta không cần “sự tham gia quá khích của công luận vào quá trình hoạt động của cơ quan tư pháp, đây là điều cấm kỵ đối với việc xây dựng nhà nước của bất kỳ quốc gia nào.”
Vậy nếu bỏ qua câu chuyện của công lý đám đông những ngày xưa cũ của lịch sử, liệu cảm xúc có phần bốc đồng của dư luận có thật sự tạo ra những bản án oan trong môi trường tư pháp hiện đại? Liệu “biến số” dư luận tăng cao có khiến cho số lượng án oan phát triển, và ngược lại?
Khi Hồ Duy Hải bị bắt năm 2008 về tội giết người, dư luận và báo chí đã vội vã “kết án” Hải. Sáu năm sau, cũng dư luận và báo chí cứu Hải khỏi bị thi hành án tử hình oan. Ảnh: SBS.
Giận quá mất khônTại Việt Nam, thống kê chính xác số lượng án oan là không hề đơn giản, và tìm hiểu phản ánh của dư luận trong từng vụ việc thì dường như không thể thực hiện được. Vì lý do đó, người viết mạn phép sử dụng các nghiên cứu khoa học sẵn có của Hoa Kỳ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.
Cảm xúc và sự giận dữ của con người trước những tội ác ghê rợn, dù sao thì ở đâu cũng giống như nhau. Và tìm hiểu xem ảnh hưởng của nó đến hoạt động tư pháp có đáng kể hay không ở một quốc gia cũng giúp chúng ta dự báo, phòng ngừa các tình huống tương tự ở các quốc gia khác.
Một trong những tác giả đầu tiên viết và nghiên cứu một cách có hệ thống về ảnh hưởng của dư luận đến các bản án oan sai là Nhất phẩm Giáo sư (Sterling Professor) của Đại học Yale – Edwin M. Borchard. Trong quyển sách gây tiếng vang lớn của ông – Convicting the Innocent (Kết tội người vô tội) – xuất bản năm 1932, Borchard lần đầu tiên giới thiệu đến các học giả và độc giả đại chúng Hoa Kỳ rằng hệ thống tư pháp của họ không hoàn hảo, và lỗi lầm của sự không hoàn hảo đó đến rất nhiều từ yếu tố môi trường bên ngoài, chứ không chỉ riêng gì các yếu tố tự thân của hệ thống.
Trong quyển sách của mình, Borchard ghi nhận và bình luận tổng cộng 65 bản án oan sai của Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh. Ông liệt kê được đến 14 trong 65 bản án oan sai đó có sự tham gia tích cực của dư luận. Dư luận bị kích động trước sự tàn nhẫn của thủ phạm, và đòi hỏi phải trả thù một ai đó như một “vật hiến tế”. Đó là một thứ yêu cầu mà cơ quan điều tra, công tố viên, tòa hay bồi thẩm đoàn không thể làm ngơ như không nghe không thấy.
Theo Borchard, có nhiều yếu tố kết hợp gây ra thảm hoạ tư pháp này: một bồi thẩm đoàn yếu kém, lý lẽ của công tố viên được ủng hộ bởi cảm xúc và nhu cầu trả thù của cộng đồng, khao khát của dư luận trong việc tìm ra một kẻ thủ ác, kết hợp với một chút kém may mắn. Chỉ như thế, hệ thống tư pháp sẽ đưa ra tòa một người không làm gì sai trái cả.
Vậy, bài học nào từ các thống kê và phân tích của Giáo sư Borchard?
Đầu tiên, áp lực từ dư luận và cảm xúc đơn thuần luôn dẫn đến khao khát không thể cưỡng lại của cộng đồng để tìm ra một kẻ thủ ác khả dĩ (viable perpetrator). Dư luận muốn công lý ngay lập tức và một hình phạt nhanh hết mức có thể. Mọi việc càng thuận lợi hơn khi tiểu sử của bị can, bị cáo không mấy sáng sủa. Đây không phải vấn đề dân trí hay văn hóa pháp lý, mà chỉ là thói quen của loài người mà thôi.
Thứ hai, áp lực xã hội quá gay gắt sẽ khiến cho điều tra viên, bên công tố và cả tòa án, vô tình hay hữu ý, trở thành một phần trong cuộc “thánh chiến” chống tội phạm mà kết quả sau cùng rất có thể sẽ biến những người hoàn toàn vô tội thành có tội.
Điều đáng tiếc nhất là sau cảnh báo của Borchard vào năm 1932, hơn 70 năm sau, có vẻ các học giả hình sự học Hoa Kỳ cũng như thế giới vẫn chưa xem trọng vấn đề này. Cách đối phó với hiện tượng nói trên, vì vậy, vẫn chưa được định hướng rõ ràng.
Một số tiêu đề về vụ án giết 5 người ở quận Bình Tân, TP.HCM năm 2017 trên các trang báo điện tử. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Tầm nhìn địa đạoPhải đến gần đây, nghiên cứu của Borchard mới bắt đầu được lật lại và xem xét, do ảnh hưởng khủng khiếp của mạng xã hội đến hoạt động tư pháp. Một số nhánh nghiên cứu khoa học pháp lý hình sự mới dần hình thành, như ngành tội phạm học truyền thông (media criminology).
Thêm vào đó, nhiều khái niệm mới trong nghiệp vụ điều tra cũng được xem xét bổ sung để đảm bảo rằng sự can thiệp của truyền thông và công luận được kiểm soát và giới hạn ở một mức độ nhất định. Một trong số đó là khái niệm “tầm nhìn địa đạo trong điều tra án hình sự” (tunnel vision in criminal investigation).
Tầm nhìn địa đạo là cách nói ẩn dụ, ám chỉ việc người đi trong địa đạo thường chỉ tập trung đi về phía ánh sáng cuối đường hầm. Khái niệm này muốn nói đến những thiên kiến nhận thức dẫn các điều tra viên, công tố viên chỉ tập trung vào một giả thuyết phá án duy nhất (mà thường do áp lực và kỳ vọng của công chúng, định hướng của truyền thông). Từ đó, vô tình hoặc cố ý, họ xây dựng những chứng cứ pháp lý phù hợp cho giả thuyết phá án ấy.
Như vậy, có căn cứ để tin là sức ép công luận, cảm xúc nhất thời của công chúng hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng án oan sai. Song, dù con số 14 trên 65 bản án nghe có vẻ rất đáng kể, mẫu nghiên cứu quá nhỏ khiến cho người viết khó có thể đi đến một kết luận chắc chắn về tầm ảnh hưởng của công luận và hệ quả án oan trong hệ thống tư pháp, chưa nói đến tỉ lệ ảnh hưởng cụ thể.
Tuy nhiên, các nghiên cứu liên quan đến vấn đề này cho đến nay có vẻ đều đi đến kết luận có phần giống nhau là việc công khai các thông tin cá nhân của người bị tình nghi, bị can, bị cáo; việc miêu tả hành vi phạm tội trong các vụ án; và việc xây dựng sự đồng cảm dành cho nạn nhân trên các phương tiện truyền thông đều khiến cho hệ thống tư pháp bị nhiễu.
Phía điều tra thì chịu áp lực phải bắt một ai đó, ai cũng được, để làm yên lòng công luận. Phía công tố thì chịu áp lực đưa ra một bản cáo trạng thỏa mãn công luận nhất. Và tòa án, các hội thẩm, bồi thẩm đoàn thì được dư luận kỳ vọng sẽ đưa ra bản án nhanh nhất có thể.
Nghiên cứu của Greene & Wade thông qua việc thực hiện các phiên tòa giả định (mock trial) cho thấy việc tiếp xúc quá nhiều với các thông tin truyền thông và yêu cầu của công chúng thậm chí gây ảnh hưởng đến trí nhớ của các thành viên bồi thẩm đoàn, khiến họ lẫn lộn giữa các tình tiết thật sự được trình bày trong phiên tòa và những thông tin mà giới truyền thông, cộng đồng dân cư lan truyền. Tệ hơn nữa, bồi thẩm đoàn lại có xu hướng ưu tiên các nguồn thông tin thứ cấp từ truyền thông và công chúng.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Wright và Dente Ross có tên “Xét xử bởi truyền thông” (Trial by media) thì ghi nhận rằng các biện pháp hạn chế áp lực dư luận mà các thẩm phán thường sử dụng như thay đổi địa điểm xử án đột ngột, dời thời hạn xét xử, lựa chọn bồi thẩm viên… đều không có tác động đáng kể lên thái độ và niềm tin của những người đưa ra quyết định cuối cùng đối với vụ án.
***
Cần khẳng định lại một lần nữa rằng người viết hoàn toàn ủng hộ tiếng nói của cộng đồng trong các hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ công lý hình sự tại Việt Nam. Đến cuối cùng, án Hồ Duy Hải, án oan Huỳnh Văn Nén, án oan Hàn Đức Long được lật đi lật lại cho đến ngày nay là nhờ một phần rất lớn vào báo chí, công luận và cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu nói trên cũng nhắc nhở rằng chúng ta nên lo lắng về sự tham gia quá mức của công luận, hay sự can thiệp có phần cơ hội và thương mại hóa của một số tờ báo, trang thông tin. Đặc biệt, nhiều sự kiện nổi cộm ở Việt Nam vừa qua đã thể hiện sự thù hằn thiếu văn minh dành cho các nghi phạm.
Có lẽ đã đến lúc cần xây dựng một chuẩn mực cộng đồng về cách thức tham gia vào hoạt động đối thoại tư pháp hình sự và giới hạn của cộng đồng trong những đối thoại đó. Dư luận có đồng biến hay nghịch biến với án oan hay không, chủ yếu nhờ vào sự bình tĩnh và thông tuệ của dư luận mà thôi.
—
Từ khóa:
án oan sai: wrongful conviction/case (n)
tội phạm học: criminology (n)
tội phạm học truyền thông: media criminology (n)
thủ phạm/kẻ thủ ác: perpetrator, culprit (n)
vô tội: innocence (n), innocent (adj)
vô tội pháp lý: legal innocence (n)
vô tội thực tế: factual innocence (n)
phiên tòa giả định: mock trial (n)
xét xử bởi truyền thông: trial by media (n)
công lý đám đông: mob justice (n)