Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Có một công thức đơn giản nhưng hiệu quả thường được sử dụng lặp đi lặp lại trong các truyện cổ tích. Nó có thể được tóm tắt trong bốn câu:
– Ngày xửa ngày xưa (Once upon a time);
– Bỗng nhiên, một việc không hay xảy ra (Suddenly);
– May mắn là, người hùng xuất hiện giải quyết (Luckily);
– Từ đó về sau, nhân gian sống hạnh phúc đến muôn đời (Happily ever after).
Công thức bốn đoạn này không chỉ xuất hiện trong thể loại cổ tích. Nó có thể được tìm thấy trong hầu hết những truyện kể các loại, từ xưa đến nay và khả năng cao là rất lâu về sau. Tất nhiên đó không phải một quy luật tự nhiên hay xã hội nào, dù rất nhiều người muốn có một thứ luật như vậy tồn tại trên đời, đặc biệt là hi vọng về một cái kết cục tốt đẹp (happy ending) luôn luôn xuất hiện. Cái kết tốt đẹp không phải lúc nào cũng xuất hiện, nhưng các mô tuýp về đấu tranh giữa thiện và ác luôn luôn tồn tại.
Câu chuyện về đất nước Slovakia non trẻ là một ví dụ điển hình, khi nó có đầy đủ các yếu tố, từ những người hùng, những kẻ xấu xa, đến những bi kịch, phẫn nộ, những cuộc tranh đấu, những ngày đen tối, rồi những bước ngoặt bất ngờ, và những hi vọng cho một ngày mai tươi sáng.
Vào những ngày này một năm trước, đất nước Slovakia vẫn đang dậy sóng với các cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất kể từ khi người dân nước này xuống đường phản đối chế độ độc tài cộng sản vào cuối năm 1989 (thời điểm Slovakia vẫn còn thuộc Liên bang Tiệp Khắc – Czechoslovakia). Các cuộc biểu tình năm 1989 đã dẫn đến Cách mạng Nhung (Velvet Revolution), hay còn gọi là cuộc Cách mạng Yên hòa (Gentle Revolution), làm sụp đổ chế độ độc tài, trả lại quyền lực về tay người dân Tiệp Khắc khi đó. Vài năm sau, vào ngày 1/1/1993, Liên bang Tiệp Khắc chính thức tan rã khi hai nước Slovakia và Czech “chia tay” trong hòa bình, trở thành hai quốc gia độc lập.
Nhiều người Slovakia khi xưa tham gia vào các cuộc biểu tình của Cách mạng Nhung đã nghĩ họ sẽ không bao giờ phải xuống đường lần nữa. Vậy nhưng gần ba mươi năm sau, không chỉ có họ, rất nhiều người trẻ tuổi đã đổ xuống đường trong phẫn nộ.
Theo thống kê của Aktuality.sk, đã có hơn 100.000 người tham gia biểu tình vào những ngày tháng 3/2018. Khẩu hiệu của họ không có gì cao siêu ghê gớm: Chúng tôi muốn “một đất nước đàng hoàng tử tế” (For a decent Slovakia).
Đối với một quốc gia chỉ có năm triệu người, con số hơn 100.000 người nổi giận đứng dậy cất vang tiếng nói của mình, hay 2% dân số, là rất đáng kể. (Để dễ hình dung, nếu 2% dân số ở Việt Nam đồng loạt lên tiếng, đó sẽ là bằng tất cả số dân đang sinh sống tại cả hai thành phố Đà Nẵng và Huế cộng lại)
Vì sao người Slovakia muốn đòi lại cho mình “sự tử tế”?
Câu trả lời hiển nhiên là vì họ cảm thấy đất nước này đã mất đi thứ nhân tính cơ bản đó.
Đấy là cảm giác tràn ngập khắp nơi từ những ngày cuối tháng 2/2018.
Người hùng gục xuống
Ngày 26/2/2018, khi kiểm tra một căn hộ tại một thị trấn nhỏ cách thủ đô Bratislava hơn 60km về phía Đông, cảnh sát phát hiện hai nạn nhân bị giết hại. Người nam bị hai phát đạn vào ngực. Người nữ bị hai phát đạn vào trán.
Nạn nhân nam là phóng viên điều tra trẻ tuổi Jan Kuciak. Nạn nhân nữ là hôn thê của anh, Martina Kusnirova. Thân nhân của họ sau nhiều ngày không liên lạc được đã báo cảnh sát, và điều khủng khiếp nhất đã xảy ra. Hai người đã bị sát hại vào ngày 21/2 trước đó. Cảnh sát nhận định đây là hành động của sát thủ chuyên nghiệp, và rất có thể là giết người theo hợp đồng, liên quan đến những bài báo điều tra của Jan Kuciak.
Kuciak và Kusnirova bị giết khi mới 27 tuổi. Họ đang chuẩn bị hôn lễ dự kiến sẽ tiến hành ba tháng sau đó.
Tin tức lan ra, cả đất nước Slovakia bị sốc, bàng hoàng, căm phẫn.
Chuyện gì đã và đang xảy ra với đất nước của chúng ta vậy?! Những người dân lương thiện tự hỏi nhau.
Họ tràn xuống đường biểu tình nhiều tuần liên tiếp sau đó, buộc những người có trách nhiệm phải trả lời.
Kết quả điều tra nhanh chóng xác định, Jan Kuciak đích thực bị sát hại vì các hoạt động điều tra của mình. Những bài viết của anh nhắm vào những quan chức tham nhũng, ăn hối lộ, trốn thuế cùng các quan hệ làm ăn mờ ám của họ với những băng đảng tội phạm khét tiếng. Riêng hôn thê của anh, dù không liên quan gì, cũng bị những kẻ giết người hãm hại, chỉ vì “xuất hiện không đúng chỗ”.
Vào thời điểm bị hại, Kuciak vẫn đang điều tra dang dở một đường dây ám muội, liên quan đến tận cấp cao nhất trong chính phủ Slovakia.
Khi anh mất, các đồng nghiệp khắp nơi, trong lẫn ngoài nước, quyết tâm tiếp tục gánh vác công việc điều tra dang dở của anh. Aktuality.sk, nơi Kuciak làm việc, và OCCRP (Dự án điều tra về tham nhũng và tội phạm có tổ chức), nơi anh cộng tác, cùng những tờ báo khác đồng loạt đăng tải bản thảo chưa hoàn chỉnh phóng sự điều tra của Kuciak.
Cuộc điều tra bắt nguồn từ một nhân vật đặc biệt được tuyển dụng vào trong đội ngũ thân tín của Robert Fico, thủ tướng Slovakia khi đó. Nhân vật này là Maria Troskova, một cựu người mẫu từng vào đến chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) vào năm 2007.
Cái tên Maria Troskova ban đầu chỉ gây chú ý như một scandal kiểu người đẹp – đại gia, khi cô được đưa vào bộ máy chính phủ dù chưa hề chứng minh được năng lực hay có kinh nghiệm liên quan đến công việc. Văn phòng nội các của thủ tướng trong suốt nhiều năm sau khi tuyển dụng Troskova cũng từ chối xác định rõ chức danh và trách nhiệm công việc cụ thể của cô, cũng như việc vì sao cô không có quyền miễn trừ an ninh (security clearance) mà vẫn được làm việc trong chính phủ, tiếp cận các tài liệu hồ sơ trọng yếu, hay tháp tùng thủ tướng đi gặp các lãnh đạo cấp cao nước ngoài.
Tại một trong các cuộc gặp đó, giữa Thủ tướng Slovakia và Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 4/2017, các nhân viên ngoại giao và an ninh phía Đức lẫn phía Slovakia đều bày tỏ sự lo ngại về sự xuất hiện của cô cựu thí sinh hoa hậu, người bỗng nhiên được hô biến thành “chuyên gia về chính sách đối ngoại” này.
Nhưng sợi chỉ Troskova không chỉ cuộn tròn một cách khó hiểu trong văn phòng chính phủ. Lần theo sợi chỉ đó, phóng viên phát hiện ra hàng đống nùi chỉ đan chéo khổng lồ khác.
Cựu người mẫu Troskova có năng lực đặc biệt trong việc kết thân với các nhân vật quyền lực. Cô từng là trợ lý cho cựu bộ trưởng kinh tế Pavol Rusko, người từng sở hữu đài truyền hình Markiza, và hiện là đối tượng điều tra tội chủ mưu sát hại đối tác kinh doanh của mình vào năm 1997. Cô cũng từng là chỗ thân tín của Viliam Jasan, thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, người có con trai bị nêu tên trong các hoạt động làm ăn liên quan đến gia đình mafia gốc Ý tại Slovakia. Trước đó, ở độ tuổi hai mươi, bằng cách nào đó cô đã trở thành đối tác kinh doanh, đồng sáng lập công ty cùng với Antonino Vadala, một doanh nhân gốc Ý giàu có sinh sống lâu năm ở Slovakia.
Antonino Vadala là một cái tên xa lạ với công chúng Slovakia, nhưng rất quen thuộc với các cảnh sát, công tố viên và chính khách, đặc biệt là chính khách của đảng cầm quyền Smer-SD (đảng Đường hướng – Dân chủ Xã hội).
Trong hồ sơ cảnh sát Ý và Slovakia, gia đình Vadala là một trong các gia đình mafia nổi cộm xuất thân từ Ý, có liên hệ chặt chẽ với băng đảng ‘Ndrangheta, một trong những nhóm mafia có thế lực nhất trên thế giới vào thời điểm hiện tại, chuyên tập trung vào các hoạt động buôn ma túy và rửa tiền.
Khi cảnh sát Ý tăng cường truy quét các hoạt động tội phạm, những thành viên băng đảng từ Ý như Vadala tìm thấy thiên đường thứ hai tại các nước châu Âu khác, trong đó có Slovakia. Ở đây, họ nghiễm nhiên lột xác, trở thành các doanh nhân thành đạt giỏi giang trong các lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, hay đầu tư cho những dự án xây dựng các nhà máy lớn.
Họ tạo ra mối liên hệ mật thiết chặt chẽ với chính quyền sở tại. Ở Ý, Vadala từng ít nhất hai lần dính trát tòa và bị truy tố vì các hoạt động băng đảng nhưng thoát tội khi trốn qua Slovakia. Tại quê hương thứ hai, Antonino Vadala cũng từng ít nhất hai lần bị cảnh sát và quan tòa gọi tên. Một lần khi bị tố cáo đe dọa dùng vũ lực đối với một doanh nghiệp địa phương vì “lỡ” canh tác trên mảnh đất mà nhà Vadala đang dòm ngó, và một vụ án mua bán bất động sản bị nghi ngờ là bình phong khai khống để đút túi khoản tiền hoàn thuế VAT, thậm chí trong vụ này Vadala còn bị một người liên quan trong giao dịch tố cáo chiếm dụng tài sản – cả hai vụ việc đều được bên công tố khép lại vì “không đủ chứng cứ buộc tội”.
Ngoài ra, Vadala cùng các gia đình “doanh nhân” Ý khác cũng dính nhiều cáo buộc về các hoạt động ăn chặn hàng triệu euro tiền tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU) lẫn của chính phủ với thủ đoạn khai báo hoạt động sản xuất tưởng tượng trên những mảnh đất bỏ không, khai khống vượt quá nhiều lần khả năng sản xuất của mình, khai láo hoạt động trên đất của người khác, v.v.
Theo những tài liệu cảnh sát thu thập được, Antonino Vadala nhiều lần tự tin khoe về “người của mình” ở các cấp chính quyền từ địa phương đến cả trung ương. “Tôi quen biết tất cả”, từ người đứng đầu hải quan đến cán bộ trong cục tình báo của Slovakia, Vadala tuyên bố.
Đó không phải là lời khoác lác. Và Vadala không phải người duy nhất “nắm đầu” được các quan chức chính quyền. Hay chính xác hơn, Vadala chỉ là một trong số rất nhiều những “doanh nhân” hẹn thề bện tóc cùng nhau với các quan chức.
Mối quan hệ chằng chịt dây mơ rễ má giữa cán bộ công chức cùng những kẻ làm giàu bất chính thường được ví như “ma trận”, hay đống “công thức hóa học phức tạp rối nùi”, như lời của Marta Frisova, một phóng viên kỳ cựu của Slovakia. Frisova, trong một bài viết đăng tải trên The Guardian sau khi Jan Kuciak bị giết hại, đã chia sẻ trước đó chưa từng nghe qua tên anh, và thừa nhận cho dù có biết về anh đi chăng nữa, khả năng cao bà cũng sẽ không đủ tập trung để theo dõi nổi những bài viết điều tra công phu, lật tẩy các đường dây quan hệ đan xe mờ ám giữa các “xã hội đen” và “xã hội đỏ”, cùng những chiêu trò làm giàu bất chính của họ.
Nếu như người đọc, kể cả người có trình độ và hiểu biết, cũng không có kiên nhẫn theo dõi mạng nhện đó, thử tưởng tượng những người điều tra như Kuciak đã phải tốn biết bao nhiêu thời gian công sức để lần mò tìm ra nó.
Khi còn sống, Jan Kuciak được đồng nghiệp mô tả giống như một chuyên gia phân tích nhiều hơn một phóng viên điều tra. Anh có thể bỏ thời gian nghiên cứu hàng ngàn tập hồ sơ tài liệu, những núi sổ sách tài chính, các giao dịch ngoằn ngoèo giữa hàng trăm công ty thật với công ty ma, chỉ để tìm ra sự thật.
Thomas Nicholson, một nhà báo giàu kinh nghiệm người Canada từng có nhiều năm sống và làm việc tại Slovakia, kể về bức thư đầu tiên Jan Kuciak gửi anh ngay khi vừa tốt nghiệp trường báo chí. Cậu phóng viên trẻ Kuciak bày tỏ sự ngưỡng mộ về các loạt bài điều tra của Nicholson trong scandal Gorilla làm rúng động chính trường Slovakia vài năm trước đó. Đó là điều tra dựa trên các mẩu ghi âm thu thập được về những cuộc thảo luận ngầm giữa các chính trị gia các đảng cầm quyền cùng những nhà tài phiệt, trong đó có nhiều chi tiết bàn về các kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, những thương vụ mua bán với tiền ngân sách, cách thức phân chia lợi ích cho nhau, v.v. Vào thời điểm trên, đó là lần đầu tiên người dân Slovakia có bằng chứng sờ mó được về mức độ tham nhũng, cấu xé ăn chia lợi ích trong giới cầm quyền, những thứ mà trước đó chỉ là những lời đồn thổi bị các quan chức gạt phăng “không có bằng chứng”.
Jan Kuciak chia sẻ với người đàn anh Thomas Nicholson rằng những bài viết điều tra như vậy chính là lý do anh chọn theo đuổi nghề phóng viên, và anh “thật sự muốn làm thứ gì đó có ý nghĩa”.
Trước khi bị sát hại, Kuciak vẫn chỉ mới bắt đầu lật dở được một phần mớ tóc quyện bùi nhùi giữa Vadala và các quan chức cầm quyền. Nhưng trong sự nghiệp làm phóng viên điều tra ngắn ngủi của mình, anh đã kịp đụng đến hàng loạt cái tên cộm cán khác. Một trong số những cái tên khét tiếng đó có lẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của anh và bạn gái.
Bắt cóc chính quyền
Tình trạng tham nhũng, cấu kết lợi ích nhóm trong chính phủ Slovakia nói riêng và những nước Đông Âu hậu cộng sản nói chung nghiêm trọng tới mức người ta đã nghĩ ra một thuật ngữ riêng dành cho nó: bắt cóc chính quyền (state-capture).
Tất nhiên, không có chính quyền nào tự nguyện bị bắt cóc. Ở đây chỉ có những nhóm lợi ích có quyền lợi gắn chặt, hoặc thậm chí chính họ nằm trong bộ máy chính quyền, đưa ra các quyết định điều hành quản lý, tạo ra những luật lệ nhằm gây dựng lợi ích tối đa cho (nhóm của) mình.
Ngoài các gia tộc “doanh nhân” giàu có người Ý như Vadala kể trên, bức tranh chính quyền bị bắt cóc được thể hiện rõ nhất qua hai cái tên nổi bật: Marian Kocner và Robert Fico.
Khác với Vadala, Marian Kocner là cái tên không hề xa lạ với người Slovakia. Hai mươi năm trước, vào năm 1998, Kocner đã từng nổi tiếng khắp đất nước trong vụ “đánh chiếm” đài truyền hình Markiza của Pavol Rusko (một trong những người sếp đầu tiên của cựu hoa hậu Troskova ở trên). Khi quá trình thương thảo về việc cấp giấy phép cùng các khoản thanh toán kèm theo gặp trục trặc, Kocner, người chỉ xuất hiện sau khi được nhượng lại quyền tranh chấp, cho lực lượng an ninh tư nhân chiếm trụ sở đài truyền hình, sa thải ban lãnh đạo của đài.
Sự việc này vấp phải sự phản đối của hàng ngàn người Slovakia. Họ biểu tình nhiều ngày trước trụ sở đài truyền hình, cáo buộc đây là nỗ lực của chính phủ tấn công vào tự do báo chí. Vào thời điểm trên, Markiza là đài truyền hình tư nhân đầu tiên và được xem là cơ quan ngôn luận đối lập có tiếng nhất, chống lại chính phủ theo đường lối độc tài của Thủ tướng Vladimir Meciar.
Từ đó về sau, cái tên Marian Kocner thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, “nổi tiếng” không kém bất kỳ chính trị gia nào. Được xem là một trong những người giàu nhất Slovakia và cả khu vực, sở hữu hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước, Kocner liên tục bị cáo buộc dính líu các hoạt động mua bán bất hợp pháp, gian lận tiền thuế, làm giả tài liệu. Nhưng bất chấp thành tích cộm cán đó, Kocner chưa một lần xộ khám, cho tới khi nhà báo Jan Kuciak bắt đầu tung những phóng sự điều tra chi tiết về các hoạt động mờ ám của ông ta.
Trong một loạt bài về việc thâu tóm công ty Technopol, Kuciak đã chỉ ra các nghi vấn về thương vụ này. Kocner không trực tiếp ra mặt đứng tên thực hiện thương vụ thâu tóm Technopol, nhưng tất cả những người thực hiện, bằng cách này hay cách khác, đều có liên hệ với Kocner.
Cổ phần thâu tóm của công ty được mua lại từ vợ của người sáng lập, người vợ này sau đó bị cảnh sát khởi tố vì tội ăn cắp số cổ phần đó. Kocner là khách hàng mua lại một ngôi nhà của người vợ từ một giao dịch trước đó. Người đứng tên mua lại số cổ phần ăn cắp trên đã chỉ định cha mình làm chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Người cha này, đối tác kinh doanh lâu năm của Kocner, chưa đầy hai ngày sau khi làm chủ tịch, đã chuyển nhượng những bất động sản giá trị của Technopol đến một công ty do luật sư đại diện cho Kocner đứng tên.
Một ngày sau, công ty của luật sư này chuyển nhượng lại số tài sản trên đến một công ty mới thành lập do một đối tác kinh doanh lâu năm khác của Kocner đứng tên. Chưa hết, vài ngày sau khi Technopol bị đoạt lấy quyền kiểm soát mà không thông qua ý kiến của người sáng lập và đứng tên hợp pháp, tài khoản cá nhân của Kocner nhận được 500.000 Euro do Technopol chi trả.
Các nhân vật trên đều cùng nằm trong ban quản trị, hoặc đồng sáng lập của các doanh nghiệp khác của Kocner; là đối tác, nhà cung cấp, có liên hệ trực tiếp với các quan chức, đặc biệt là chính khách của đảng cầm quyền Smer-SD, trong đó có cả chủ tịch của đảng cầm quyền Robert Fico, người mà trước tháng 3/2018 vẫn còn giữ chức thủ tướng.
Khi loạt phóng sự điều tra của Jan Kuciak về Kocner được đăng tải, Kocner đã chủ động gọi điện “nhắn nhủ” cậu phóng viên trẻ, rằng “tôi sẽ đặc biệt để ý đến cậu, mẹ cậu, cha cậu, anh chị em cậu, tôi sẽ để ý đến tất cả họ”, và rằng “cậu sẽ là người đầu tiên”. Kuciak sau đó gửi cảnh sát bản ghi âm những lời đe dọa này, nhưng như chính anh từng đăng trên Facebook cá nhân sau đó hơn một tháng, chính quyền dường như không xem đây là việc gì nghiêm trọng.
Kuciak không phải phóng viên đầu tiên được Kocner “để mắt” đến. Rất nhiều nhà báo Slovakia trong nhiều năm đã được Kocner “hỏi thăm”, đe dọa điều tra và tung hê mọi thứ về đời tư của họ. Nhiều doanh nhân, chính khách cũng nằm trong tầm ngắm theo dõi của Kocner.
Cựu phó thủ tướng và bộ trưởng nội vụ Daniel Lipsic, một trong những quan chức hiếm hoi được đánh giá là trong sạch thật sự, từng nhận định lý do Marian Kocner có thể tác oai tác quái trong thời gian dài như vậy vì “ông ta nghĩ mình vô địch thiên hạ”, không ai đụng được tới.
Kocner không phải người duy nhất xem báo chí là kẻ thù. Robert Fico, chủ tịch đảng cầm quyền, người giữ chức thủ tướng Slovakia trong mười năm (không liên tục), thường tạo tiếng tăm cho mình bằng cách công khai nhục mạ các phóng viên điều tra những scandal trong chính phủ của mình là “đồ ngu”, “linh cẩu”, “rắn độc” và “con đĩ bẩn thỉu chống lại Slovakia” (dirty anti-Slovak prostitute).
Tốt nghiệp trường luật, gia nhập đảng cộng sản vào thời điểm Slovakia vẫn còn thuộc Liên bang Tiệp Khắc, Fico khôn ngoan xây dựng sự nghiệp chính trị riêng bằng cách tránh vết xe đổ của người đi trước. Khi người dân Slovakia chán ngán với các chính phủ thời hậu cộng sản, với những lãnh đạo có xu hướng độc tài như cựu thủ tướng Vladimir Meciar, cùng tệ tham nhũng tràn lan, Fico đứng ra thành lập một chính đảng mới, với tuyên bố chỉ cho phép những người “trong sạch” tham gia. “Trong sạch” ở đây được định nghĩa là những người vừa không có dính dáng gì đến chính quyền cộng sản độc tài cũ, vừa không có liên hệ với những đảng phái khác. Đảng mới của Fico vì vậy được quảng cáo là nơi tập hợp những chính trị gia thế hệ mới, miễn nhiễm với tham nhũng.
Ở phương diện đối ngoại, Fico xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo “trung hòa” (moderate), không cực đoan như các đồng nghiệp trong khối Visegrad (gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia), thường xuyên đồng ý với phe đa số trong các chính sách của EU. Fico nhấn mạnh tương lai của Slovakia gắn chặt với “phần cốt lõi của EU”, dẫn đầu bởi Đức và Pháp, chứ không phải luẩn quẩn quanh khối các nước Đông Âu. Nhưng trong đối nội, Fico không ngần ngại bắt tay với các đảng phái có tư tưởng dân tộc cực hữu, chuyên cổ xúy việc bài trừ người gốc Romani và Hungary trong nước, và lớn tiếng chống lại chính sách mở cửa nhập cư của EU.
Mỗi khi xuất hiện các phong trào phản kháng chính phủ, từ việc người dân biểu tình đến các phóng sự điều tra của báo chí, Robert Fico đều chụp chiếc mũ “không yêu nước”, “chống lại Slovakia” lên những người phản đối mình, và thậm chí viện dẫn đến “các thế lực thù địch nước ngoài”, xem đó là hành động bị người ngoài xấu bụng giật dây. Nhà tài phiệt người Mỹ gốc Hungary George Soros là “thế lực nước ngoài” ưa dùng của Fico. Khi hàng trăm ngàn người dân rầm rộ biểu tình vào tháng 3/2018, yêu cầu công lý cho Jan Kuciak và Martina Kusnirova, đồng thời đòi chính phủ từ chức, Fico đã công khai cáo buộc Soros là nhân vật đứng đằng sau giật dây kích động dân chúng. Chiêu bài “các thế lực phản động nước ngoài” quen thuộc này không giúp gì được cho chính phủ của Fico, thậm chí càng làm người dân thêm phẫn nộ.
Đơn giản vì chính phủ “trong sạch” của Fico không thiếu scandal để người dân phản đối. Như việc để lọt hàng hóa Trung Quốc khai thấp hơn giá trị tuồn vào EU, làm thất thoát hơn 300 triệu euro tiền thuế, khiến bộ trưởng tài chính phải từ chức vào tháng 9/2018. Hay bộ trưởng giáo dục phải rời ghế vào tháng 8/2017 vì cáo buộc ưu ái cho các công ty tư nhân quen biết cho các dự án đấu thầu giáo dục trị giá 600 triệu euro. Hoặc cáo buộc về các thương vụ bất động sản gian lận hàng triệu euro tiền hoàn thuế của Ladislav Basternak, một doanh nhân có liên hệ mật thiết với Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak (bán lại một công ty cho Kalinak), Marian Kocner (sở hữu các bất động sản có liên quan đến Basternak) và cả Fico (thuê một căn hộ cao cấp tại một tòa nhà của Basternak).
Trong nhiều năm, Kalinak bị nghi là đã bao che, ngăn cản các cuộc điều tra nhắm vào Basternak. Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak là một trong những thành viên sáng lập đảng Smer-SD cùng Fico. Kalinak cũng chính là cái tên được nêu lên như nghi phạm đồng lõa trong vụ việc cơ quan an ninh Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.
Và tất nhiên là có cả những vụ động trời đã đề cập ở trên như hồ sơ Gorilla, hay đặc biệt là điều tra dang dở của Jan Kuciak về mối quan hệ mờ ám giữa Fico cùng những chính khách đảng cầm quyền và các thành viên băng đảng tội phạm của Ý.
Có lẽ điều khiến người dân phẫn nộ với chính phủ của Fico không chỉ là ở những vụ tham nhũng, cấu kết lợi ích nhóm, mà chính ở cách những nhà lãnh đạo này phản ứng, hay thách thức khi bị chất vấn, đặc biệt là cách họ chụp mũ, tấn công những người dám điều tra mình.
Tổng biên tập của tờ nhật báo SME từng nhận định, dù đã ba thập niên trôi qua kể từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, Fico cùng những chính khách trong đảng cầm quyền của mình vẫn còn được di truyền thứ tư duy độc tài thủ cựu, rằng báo chí phải là công cụ trung thành tô điểm hình ảnh tốt đẹp của đất nước, và “đất nước” ở đây là chỉ những người đang lãnh đạo điều hành nó.
Nghĩa là trong não trạng của những người này, báo chí phải trung thành với những người lãnh đạo. Việc tập trung điều tra các vụ việc tham nhũng, các mối liên hệ mờ ám, lợi ích nhóm phi pháp… đều là hành động “phản bội lợi ích dân tộc”.
Trong thế giới quan của họ, mọi vấn đề đều có thể giải quyết, nhưng không phải do người khác, mà chỉ có họ có quyền và có năng lực giải quyết nó.
Trong lúc người dân phẫn nộ tuần hành sau vụ sát hại Jan Kuciak, Thủ tướng Robert Fico đã xuất hiện trực tiếp trên truyền hình, chỉ tay vào chiếc bàn bên cạnh, phía trên đặt hàng chục cọc tiền dày cộp, tuyên bố treo thưởng một triệu euro cho bất kỳ ai cung cấp tin tức phá được vụ án.
Hành động tưởng như một nước cờ cao tay này của Fico lại giống như châm dầu vào lửa, càng khiến dân chúng bất bình và mất hoàn toàn niềm tin vào năng lực của chính quyền lẫn phẩm cách của người lãnh đạo.
Nó cho thấy những người lãnh đạo như Fico hoàn toàn không hiểu người dân của mình nghĩ gì. “Ông ta hình như thật sự tin là có thể dùng tiền để giải quyết vụ giết người này, giống như cách xử lý của những tay trùm mafia”, một đồng nghiệp của Kuciak nhận xét.
Khác với vị thủ tướng (sẽ sớm) bị buộc phải rời ghế, đa số những người Slovakia không xem tiền là tất cả.
Lương tri lên tiếng
Slovakia, cùng với ba nước còn lại trong khối Visegrad, là những nước thuộc nhóm phát triển cao ở châu Âu lẫn trên thế giới. Cái mác cộng sản dễ dẫn đến ấn tượng sai lầm về sự nghèo đói, kém phát triển. Trên thực tế, ngoại trừ giai đoạn ngắn sau Thế Chiến II, khi buộc phải áp dụng mô hình kinh tế tập trung tai hại từ Liên Xô, Liên bang Tiệp Khắc là một trong những quốc gia phát triển nhất trong khối xã hội chủ nghĩa. Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989, Tiệp Khắc tách ra thành hai nước Cộng hòa Séc và Slovakia, cả hai cũng đều tiếp tục có những bước phát triển ổn định.
Trong giai đoạn cải tổ dưới thời Thủ tướng Mikulas Dzurinda (1998-2006), kinh tế Slovakia cơ bản được tư hữu hóa, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Slovakia tăng đều đặn, đặc biệt từ sau khi gia nhập EU vào năm 2004. Mức tăng GDP của quốc gia này trong suốt những năm sau đều trên mức trung bình của các nước trong EU. Có thời điểm Slovakia tăng trưởng thuộc hàng cao nhất trong EU, được đặt cho biệt danh “Con hổ Tatra” để ví sự vươn mình mạnh mẽ này với hình ảnh dãy núi hùng vĩ Tatra.
Năm 2017, giá trị tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người (GDP per capita) của Slovakia nằm trong Top 40 nước trên thế giới. Ngành công nghiệp ô tô đặc biệt phát triển ở Slovakia. Nếu tính theo đầu người, số lượng ô tô sản xuất ra ở Slovakia đứng hàng cao nhất thế giới (năm 2018 đạt gần 1,1 triệu chiếc). Các hãng xe lớn như Volkswagen, Kia và Peugeot Citroen đều đặt nhà máy sản xuất tại đây.
Xếp loại Chỉ số Tiến bộ Xã hội (Social Progress Index, một phương thức đo lường chất lượng sống của quốc gia thông qua đánh giá về mức độ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nền tảng phúc lợi và cơ hội tạo ra cho người dân) trong năm 2018 đặt Slovakia ở hạng 35 trên 146 nước.
Nhìn chung, người dân Slovakia có một mức sống tương đối cao, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.
Có lẽ đó là một phần lý do trong suốt chiều dài lịch sử hiện đại của mình, kể từ khi còn nằm trong Liên bang Tiệp Khắc, dù trải qua nhiều biến cố lớn, phương thức phản kháng chủ yếu của người dân đất nước này là hòa bình, bất bạo động.
Từ việc bị Đức Quốc Xã chiếm đóng trong Thế Chiến II, sau đó lại bị liên quân do Liên Xô dẫn đầu xâm lược vào cuối tháng 8/1968, buộc chấm dứt kế hoạch cải cách tự do của chính phủ Tiệp Khắc (Mùa xuân Prague), và đến cuộc Cách mạng Nhung yên hòa cuối năm 1989, chấm dứt chế độ độc tài cộng sản, rồi cả cuộc chia tay trong êm ấm với Cộng hòa Séc vào năm 1992-1993, hầu hết sự phản kháng của người dân nếu có đều diễn ra theo phương thức văn minh, phi bạo lực. Các mất mát về nhân mạng rất thấp so với các cuộc xung đột ở những nơi khác trên thế giới.
Nhà sử học người Anh Adam Roberts, người trực tiếp chứng kiến các sự kiện lịch sử Mùa xuân Prague và Cách mạng Nhung, nhận định “người Tiệp Khắc luôn luôn có truyền thống hành xử phi bạo lực”.
Phản ứng văn minh này của họ dễ khiến nhiều người liên tưởng đến sự nhu nhược, hoặc ít nhất là ngây thơ.
Như lời kể của cô sinh viên 19 tuổi Ivana Dolezalova vào thời điểm hàng trăm ngàn quân Liên Xô cùng dàn xe tăng cùng lúc tiến vào Tiệp Khắc từ nhiều phía, “trong ba ngày đầu, tôi và các bạn học, cùng những thầy cô giáo thường đến nói chuyện với những người lính đang ngồi trên xe tăng. Chúng tôi nghĩ chắc là phải có sự hiểu lầm nào đó, và muốn giải thích với những người lính này về sự nhầm lẫn đó”. Ivana cùng nhiều người khác vì vậy đến nói chuyện và cố thuyết phục những người lính “về nhà đi, chẳng có phản cách mạng nào ở đây cả, chúng tôi rất hòa bình, không ai muốn làm hại ai cả.”
Những người lính lăm lăm vũ khí, có phần bối rối, đơn giản vì những người dân này, đúng như họ nói, tay không tấc sắt, hoàn toàn vô hại. Cho đến khi ai đó giơ máy ảnh lên chụp, và một người lính nhầm tưởng đó là vũ khí, giơ súng bắn chỉ thiên liên tục đe dọa.
Truyền thống văn minh, phi bạo lực này của những người lương thiện có lẽ dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Nếu ngày trước các bức ảnh chụp cảnh người dân muốn nói chuyện giải thích với những người lính được chính quyền Xô Viết dùng làm bằng chứng cho “sự chào đón ủng hộ của dân chúng”, thì ngày nay nhiều chính khách cầm quyền mặc định thái độ ôn hòa của người dân là cái gật đầu để họ tiếp tục lũng đoạn đất nước.
Chính bản thân nhiều người Slovakia cũng thừa nhận mình không theo dõi sát sao tình hình chính trị, về các mối quan hệ lùng bùng, các ma trận giao dịch mờ ám giữa những doanh nhân và chính trị gia, hay sự cấu kết loằng ngoằng giữa xã hội đen (mafia) và xã hội đỏ (quan chức tham nhũng). Họ thậm chí cũng không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.
Những người quyết định ra tay sát hại Jan Kuciak và Martina Kusnirova vào ngày 21/2/2018 có lẽ cũng mặc định như vậy, rằng sẽ không có hậu quả gì ghê gớm cho hành động máu lạnh đó.
Họ lầm.
Biển người cuồn cuộn trong nhiều tuần liên tiếp sau đó như muốn cuốn phăng tất cả. Giận dữ với những mảng đen bị lột trần phanh phui chỉ là một phần nhỏ, họ phẫn nộ khi hai thanh niên trẻ tuổi bị sát hại dã man chỉ vì muốn đi tìm sự thật. Họ xấu hổ khi những người đấu tranh cho sự thật, cho cái thiện – những giá trị mà bản thân họ luôn được hưởng lợi – lại bị những kẻ ác dễ dàng đánh gục.
Dù các quan chức, doanh nhân quyền lực suốt nhiều năm liên tục mạt sát, dùng đủ chiêu trò gây sức ép đến những nhà báo điều tra, tìm cách dập tắt tiếng nói những người đối lập, nhưng kể từ khi xuất hiện trên bản đồ thế giới vào năm 1993, chưa có nhà báo nào ở Slovakia bị giết hại.
Vụ sát hại Kuciak và vợ chưa cưới không chỉ là đòn tấn công nhắm vào báo chí, nó còn như cái tát vào lương tri của những người dân vốn xưa nay có truyền thống hành xử văn minh.
Họ đồng loạt thức tỉnh, tràn xuống đường đòi lại công lý cho hai con người trẻ tuổi, và đòi lại sự tử tế cho đất nước mình.
Cô cựu thí sinh hoa hậu Maria Troskova và thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Viliam Jasan, hai cái tên nổi bật trong điều tra dang dở của Kuciak, lập tức từ chức. Vài tuần sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak rời ghế. Vài ngày sau, Thủ tướng Robert Fico và toàn bộ nội các của mình cũng bị buộc thôi chức.
Antonino Vadala, “doanh nhân” gốc Ý, bị xộ khám và dẫn độ về Ý chờ xét xử. Chi tiết các hoạt động buôn lậu ma túy của Vadala và những đồng phạm trong băng đảng ‘Ndrangheta được những đồng nghiệp của Kuciak tiếp tục lật tẩy, một năm sau khi anh mất.
Vài tháng sau khi Kuciak bị giết hại, người “vô địch thiên hạ” Marian Kocner bị bắt vì các cáo buộc gian lận như trong các loạt điều tra của Kuciak chỉ ra. Giữa tháng 3/2018, vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, Kocner chính thức bị truy tố thêm tội chủ mưu ra lệnh sát hại Jan Kuciak và Martina Kusnirova, với bản báo cáo điều tra dày 15.000 trang từ bên công tố.
Kocner bị cáo buộc đã bỏ ra 70.000 euro để thuê người giết Kuciak. Kẻ trực tiếp thực hiện hành động tội ác là một cựu cảnh sát. Một đồng phạm khác là cựu quân nhân. Tất cả đều đã bị bắt giữ và chờ ngày ra tòa.
Hơn một năm kể từ ngày diễn ra vụ sát hại hai người thanh niên trẻ, sự kiện mà nhiều người đánh giá là bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của Slovakia, công lý có vẻ đã phần nào được thực thi.
Hi vọng về một sự tử tế trở lại cũng đã gần hơn.
Những người hùng quay trở lại
Hay thật ra họ chưa bao giờ rời đi.
Những ngày tháng 1/1989, hàng ngàn người tập trung tại quảng trường Wenceslas ở Prague để tưởng niệm Jan Palach. Ở nơi này, đúng hai mươi năm trước, ngày 16/1/1969, cậu sinh viên Jan Palach đã tự thiêu để phản đối cuộc xâm lược của liên quân do Liên Xô đứng đầu vào tháng 8/1968, chôn vùi các hi vọng cải tổ đem lại quyền tự do cơ bản cho người dân Tiệp Khắc vào thời điểm đó. Vài tuần sau, ngày 25/2/1969, Jan Zajic, một sinh viên khác cũng tự thiêu tại địa điểm tương tự, với ý muốn đánh thức những đồng bào của mình, không nhắm mắt buông tay trước sự chiếm đóng cai trị của quân xâm lược.
Các cuộc tuần hành tưởng niệm trở thành “tuần lễ Palach”, khi người dân liên tục xuống đường phản đối chế độ độc tài. Sự kiện này được xem là chất xúc tác cho những cuộc biểu tình diễn ra vào cuối năm đó, dẫn đến cuộc Cách mạng Nhung nổi tiếng.
Những cuộc biểu tình cuối năm 1989 lại bắt đầu bằng một sự kiện tưởng niệm khác, khi hàng chục ngàn người tập trung tưởng nhớ Jan Opletal, một sinh viên bị quân đội Đức sát hại vào ngày 11/11/1939, trong cuộc tuần hành phản đối phát-xít Đức chiếm đóng Tiệp Khắc.
Cuộc Cách mạng Nhung thay đổi lịch sử Tiệp Khắc và Slovakia sau này vì vậy đều có dấu ấn của những con người trẻ tuổi đã ngã xuống đó.
Tháng 2/2019, tròn một năm kể từ ngày nhà báo Jan Kuciak và hôn thê bị giết hại, khoảng 25.000 người đã tập trung tại thủ đô Bratislava để tưởng nhớ họ.
Giống như những nhân vật lịch sử kể trên, cái tên của Kuciak sẽ không bao giờ rời đi trong tâm trí người Slovakia.
Cái chết của anh và hôn thê một năm trước đem lại sức mạnh và hi vọng thay đổi đất nước. Một năm sau hi vọng này phần nào trở thành hiện thực thông qua một cái tên xa lạ: Zuzana Caputova.
Vào tháng 3/2018, khi Zuzana Caputova tuyên bố ý định tranh cử tổng thống, gần như không ai biết đến cô lẫn đảng Slovakia Tiến bộ (Progressive Slovakia) mà cô đại diện. Gần một năm sau, hai tháng trước thời điểm bỏ phiếu, khảo sát cho thấy Caputova vẫn chỉ có 9% tín nhiệm, con số thường được gán cho những ứng viên ngoài lề, tham gia cho đủ hội.
Nhưng cô bất ngờ vượt lên tất cả, đứng đầu vòng một cuộc bầu cử với hơn 40% phiếu bầu, hơn gấp đôi người về nhì. Trong cuộc bầu cử vòng hai sau đó, Caputova đạt 58% phiếu bầu so với 42% của ứng viên cạnh tranh còn lại.
Nhìn lại toàn bộ quá trình, “hiện tượng” Caputova không mấy bất ngờ.
Là một người hoàn toàn mới, không dây dưa rễ má gì với các đảng phái và nhóm lợi ích trên chính trường, cô hưởng lợi từ tâm thái chống chế độ hiện có (anti-establishment) lan rộng trong dân chúng, nhất là kể từ vụ sát hại Kuciak và hôn thê. Caputova cũng thừa nhận các sự kiện diễn ra từ sau vụ án của Kuciak khiến cô quyết tâm ra tranh cử: “Tôi tự nhiên thấy mình không còn tự biện hộ được, rằng vì sao cứ phải chờ người khác làm mà không phải chính bản thân đứng ra nhận trách nhiệm và đem đến sự thay đổi mình mong muốn.”
Caputova còn có một điểm chung với Kuciak: cả hai đều từng đối đầu với gã mafia Marian Kocner.
Là một luật sư, Zuzana Caputova từng nổi tiếng với việc đi đầu trong cuộc đấu tranh trường kỳ của người dân thành phố Pezinok nơi cô sinh sống, chống lại dự án bãi chôn lấp chất thải ở đây do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của nó đến môi trường sống chung quanh. Khi đó, Caputova đã nhiều lần đụng độ Kocner, người đại diện cho doanh nghiệp thực hiện dự án này. Giống như những người từng chống lại Kocner, cô cũng bị nhà tài phiệt đe dọa. “Cô có sợ tôi không?”, Kaputova thuật lại lời của Kocner. Khi thấy đe dọa không có tác dụng vì “tôi chẳng có gì phải sợ”, Kocner chuyển sang chiêu dụ “điều kiện thế nào cô mới chịu dừng lại”.
Giống như Jan Kuciak, người cũng từng bị Kocner dọa dẫm, Caputova không có ý định dừng lại.
“Tôi không thể ngưng lại. Việc này quá quan trọng”.
Và Zuzana Caputova không ngừng lại.
Cuộc chiến trường kỳ suốt mười bốn năm chống lại dự án bãi chất thải giúp cư dân của Pezinok tạm yên tâm về một môi trường trong lành, đồng thời cũng đem về cho Caputova giải thưởng Goldman Prize vào năm 2016, thường được gọi là “Nobel Xanh”, giải Nobel dành cho các nhà hoạt động môi trường.
Quyết định ra tranh cử tổng thống, cô đem lại hi vọng cho nhiều người Slovakia về một thế hệ lãnh đạo mới, với một chế độ pháp quyền (rule of law) thật sự chứ không phải loại “công lý chọn lọc” (selective justice), nặng tay với một số người, nương tay hoặc thậm chí dung dưỡng những người khác.
Bằng việc thắng cử với số phiếu áp đảo, Caputova cũng đập tan luận điểm chỉ có hai lựa chọn “hoặc ta hoặc nó” của những người dân túy (cả cánh hữu lẫn cánh tả).
Niềm tin cực đoan đó thể hiện qua xu hướng đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, từ các quốc gia hàng xóm của Slovakia (như Hungary, Ba Lan) cho đến những nước châu Á (Trung Quốc, Philippines), châu Mỹ (Brazil), và thậm chí là chính nước Mỹ với Donald Trump.
Đó là quan điểm cho rằng để chống lại các tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, người ta chỉ có một lựa chọn duy nhất: chủ nghĩa dân tộc và phải là một chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, thậm chí cực đoan của những nhà lãnh đạo mạnh bạo (strongman).
Zuzana Caputova là minh chứng mới nhất cho thấy người ta không bao giờ phải chịu bó hẹp mình trong hai lựa chọn. Luôn luôn có những lựa chọn khác, vừa có lợi cho A lẫn B, lại vừa không làm hại C và D.
Cô bảo vệ các giá trị truyền thống của người Slovakia, nhưng đồng thời cũng ủng hộ quyền lợi của người đồng tính và quyền lựa chọn mang thai của phụ nữ – những lựa chọn đầy “rủi ro” mà không có bao nhiêu chính trị gia dám đụng tới. Cô bày tỏ niềm tin rằng những giá trị này không mâu thuẫn với nhau, không có lý do gì phải tiêu diệt cái này để bảo vệ cái nọ, và vì thế không việc gì phải giả vờ nói trái ý mình để lấy lòng cử tri.
Trong các cuộc tranh luận, khi những đối thủ chính trị lớn tiếng tấn công nhau để “giành điểm số”, thậm chí khi cựu thủ tướng Fico công kích cô với tin đồn đồng tính và rằng đất nước cần một nhà lãnh đạo “có xu hướng giới tính bình thường”, Caputova vẫn không để tâm vào những chiêu trò vùi dập cá nhân. Cô dành năng lượng để nói về các giá trị “nhân văn, đoàn kết, và sự thật”, và muốn người dân nhìn thấy việc mỗi người đều có thể lựa chọn “nói sự thật, gây chú ý mà không phải chửi vào mặt nhau.”
Cô cũng từ chối xem Fico là đối tượng chính phải nhắm đến.
Trong khẩu hiệu “Cùng chống lại cái xấu” (Let’s face the evil together) của Caputova, cái xấu và cái ác ở đây không nhắm đến một cá nhân riêng lẻ nào, mà là “thể chế tồn tại cắm rễ suốt ba mươi năm qua, dung dưỡng cho sự lạm quyền, các mối quan hệ nhập nhằng giữa quan chức và doanh nghiệp, cùng tình trạng tham nhũng tràn lan”.
Chỉ khi nào cái xấu gốc rễ đó được giải quyết, người dân mới có được lợi ích thật sự.
Từ đó về sau, nhân gian sống hạnh…
Chưa nhanh như vậy.
Việc Slovakia có được một tổng thống nữ trong sạch, quyết tâm chống tham nhũng, bảo vệ các giá trị nhân văn không có nghĩa là nền chính trị của đất nước này sẽ thay đổi ngay tuần sau.
Chức vụ tổng thống chỉ có quyền hạn nhất định, quyền điều hành đất nước vẫn nằm phần lớn trong tay thủ tướng hiện tại, người vốn là cấp phó của cựu thủ tướng Fico. Ngay cả thời điểm năm ngoái khi buộc phải từ chức thủ tướng, Fico vẫn ngạo nghễ “tôi ở đây, không đi đâu cả”, tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng cầm quyền Smer-SD, đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội.
Trong khi đó, đảng mới của tổng thống tương lai Caputova lại chưa có nổi một ghế nào trong đó (chưa từng tranh cử). Mới đây, tổng thống đương nhiệm của Slovakia Andrej Kiska còn tố cáo Fico đe dọa ông phải chỉ định Fico cho chiếc ghế chủ tịch Tòa án Hiến pháp (Constitutional Court). Và mối quan hệ đáng ngờ giữa Fico cùng các doanh nhân mafia như Vadala vẫn chưa được điều tra làm sáng tỏ.
Cuộc chiến để trả quyền lực thật sự về tay người dân vì vậy vẫn còn là một chặng đường gian nan trước mắt.
Nhưng đấu tranh trường kỳ không phải là thứ mà một luật sư môi trường, đồng thời là bà mẹ đơn thân nuôi hai con như Caputova e sợ.
Những ai ủng hộ các giá trị công bằng, sự thật như cô cũng không hề e ngại những thách thức đó.
Một năm sau ngày mất của Jan Kuciak và Martina Kusnirova, các sinh viên báo chí tại Đại học Comenius ở Bratislava dành một phút mặc niệm cho hai người trước khi bắt đầu khóa học mới.
Alena Markova, một sinh viên 23 tuổi chia sẻ, “chúng tôi thường được dạy rằng những nhà báo có sức mạnh thay đổi, là những người bảo vệ nền dân chủ của đất nước”.
Hành trình ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa của Jan Kuciak khiến những người như cô càng thêm tin tưởng vào sứ mệnh này.
Người ta có lý do để tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho Slovakia, khi ở đất nước này, trong những ngày đen tối nhất, vẫn luôn có những người sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ các giá trị tự do và nhân văn cơ bản nhất của con người.
Sau khi có kết quả trúng cử tổng thống, hoạt động công khai đầu tiên của Zuzana Caputova là đến thăm nơi tưởng niệm được dựng lên dành cho Kuciak và Kusnirova, nằm bên dưới tòa nhà văn phòng nơi Kuciak từng làm việc. Đó được xem là hành động biểu tượng, thể hiện quyết tâm thực hiện lời hứa chống tham nhũng, cũng như tiếp tục con đường bảo vệ sự thật mà Kuciak phải dừng lại dở dang.
Phía trong tòa nhà, nơi có văn phòng tòa soạn Aktuality.sk, bên ngoài văn phòng treo một tấm biển gắn hình ảnh Kuciak và Kusnirova.
Cùng với đó là một dòng chữ, “You cannot kill the Truth.”
“Các người không thể giết Sự Thật.”