Làm sao để luật giúp thầy cô giáo giữ gìn kỷ luật mà vẫn bảo vệ học sinh?

Làm sao để luật giúp thầy cô giáo giữ gìn kỷ luật mà vẫn bảo vệ học sinh?

Các sự kiện gần đây liên quan đến các cô giáo bị đình chỉ dạy học vì phạt quỳ, hay bị xem xét cho thôi việc vì đánh phạt học sinh, đang làm dấy lên tranh luận nhiều chiều về phương pháp giáo dục và triết lý giáo dục tại Việt Nam.

Trong bài viết này, chúng ta cũng nhìn vào vai trò của luật pháp trong tranh cãi “để học sinh hư hay để học sinh quỳ”.

Quản lý kỷ luật nhà trường bằng quy định từ thời… Liên Xô?

Có một văn bản luật pháp quy định chi tiết về kỷ luật và hình phạt trong nhà trường, nhưng văn bản này có từ tận năm 1988.

Thông tư 08/TT hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ cách nay 30 mùa khai giảng; khi đó Liên Xô vẫn tồn tại, vị lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam đương thời chỉ là một giảng viên đại học ra trường chưa lâu, và dân số Việt Nam mới chỉ bằng khoảng 68% dân số Việt Nam hiện tại.

Thông tư này hướng dẫn các giáo viên thực hiện năm hình thức thi hành kỷ luật với học sinh phạm khuyết điểm, bao gồm:

– Khiển trách trước lớp;
– Khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường;
– Cảnh báo trước toàn trường;
– Đuổi học một tuần lễ;
– Đuổi học một năm.

Trong các hình thức trên, chỉ có hình thức khiển trách trước lớp là giáo viên có thể tự quyết định làm mà không cần thông qua Hội đồng kỷ luật nhà trường.

Tuy “hướng dẫn” năm hình thức kỷ luật trên, nhưng nội dung Thông tư 08/TT không có điều khoản nào nghiêm cấm giáo viên sử dụng các hình thức kỷ luật khác, dù là hình phạt thân thể hay hình phạt hạ nhục.

Chuyện các thầy cô giáo thường xuyên dùng roi vọt với học sinh là một thực tế được đa số thừa nhận. Một kết quả khảo sát cho thấy hơn phân nửa trẻ em Việt Nam được hỏi từng chứng kiến thầy cô áp dụng các hình phạt thân thể với học sinh trong nhà trường.  \

Việc đánh học sinh có thể được xem là một hình thức kỷ luật ‘sáng tạo’ của giáo viên Việt Nam. Vừa kỷ luật được học sinh ngổ ngáo, vừa không làm lớn chuyện lên đến Hội đồng trường? Ảnh minh họa: Soha

Nhìn từ quan điểm của giới giáo viên, có thể thấy là Thông tư 08/TT quá chung chung, không phản ánh được các mức độ phạm lỗi khác nhau của học sinh trong thực tế. Nội dung thông tư cũng không cho giáo viên các hướng dẫn cụ thể khi mà các hình thức khiển trách hay cảnh cáo không có hiệu quả với những học sinh ngỗ nghịch nhất.

Sự chung chung này vô tình đã khiến cho nhiều nhà trường và giáo viên phải… tự đưa ra các hình thức kỷ luật khác nhau cho phù hợp với nhu cầu kỷ luật tại chỗ, phù hợp với điều kiện khách quan của trường, mà không tính tới hậu quả lâu dài của các hình thức kỷ luật đó.

Đáng mừng là Bộ Giáo dục đã nhìn nhận được các bất cập từ Thông tư 08/TT. Đáng lo là có vẻ vẫn chưa có các thay đổi sâu rộng.

Chưa có cải cách triệt để về quy định kỷ luật học sinh

Luật Giáo dục được ban hành lần đầu năm 1998 và đến nay đã qua hai lần sửa đổi (2005, 2009) nhưng vẫn không đưa ra quy định nào cụ thể liên quan đến việc định đoạt các hình thức kỷ luật học sinh.

Bộ Giáo dục cũng từng có thêm cơ hội cải cách quy định kỷ luật học sinh các cấp từ năm 2010 và 2011 khi đưa ra hai thông tư ban hành điều lệ ở các trường tiểu họcở các trường phổ thông.

Mới đây, Bộ Giáo dục đã ban hành thêm Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 28/05/2019) quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Tuy nhiên, các văn bản này vẫn không hướng dẫn cụ thể hơn cho các thầy cô về biện pháp kỷ luật học sinh ngoài các hình thức nhắc nhở phê bình, khiển trách, cảnh cáo, và đuổi học.

Vấn đề có cho phép hình phạt thân thể hay không và nếu có thì cho tới mức độ nào cũng không được các thông tư này giải quyết.

Đáng chú ý là Thông tư 06/2019/TT-BGDĐT có điều khoản quy định giáo viên “[k]hông xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại” học sinh. Việc vi phạm quy tắc ứng xử này có thể khiến giáo viên bị kỷ luật trong nội bộ trường.

Đây có thể xem là một biện pháp phòng ngừa, ở mức nào đó giúp gián tiếp ngăn chặn việc sử dụng hình phạt thân thể và hình phạt hạ nhục với học sinh.

Tuy nhiên, cải tiến này không mới: Luật Giáo dục đã quy định từ năm 2005 rằng giáo viên không được “xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học” (Điều 75).

Đưa ra thêm các quy định “trói buộc’” hành vi giáo viên như thế nhưng đồng thời vẫn không hướng dẫn hay trao thêm cho các giáo viên công cụ thi hành kỷ luật với học sinh, Bộ Giáo dục vẫn chưa giải quyết được các bất cập đã nêu của Thông tư 08/TT.

Bộ Giáo dục đã tiến hành lấy ý kiến nhằm sửa đổi quy định kỷ luật, khen thưởng học sinh từ năm 2015.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2018, Bộ Giáo dục cho biết là họ vẫn đang “nghiên cứu xây dựng thông tư mới thay thế Thông tư 08”.

Lý do cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra cải cách lớn có lẽ là lý do chính đáng nhất cho việc “ngâm” các cải cách quy định kỷ luật học sinh.

Đặc biệt khi Bộ Giáo dục đã xác định là họ đang tiến hành cải cách theo “quan điểm kỷ luật tích cực.

Luật hóa “kỷ luật tích cực” thế nào?

Khi được phỏng vấn năm 2015, vị Thứ trưởng Bộ Giáo dục khi đó đã cho biết là từ năm 2009 Bộ Giáo dục đã lựa chọn đưa vào trong nước một triết lý giáo dục quốc tế vốn ủng hộ các hình thức kỷ luật tích cực, phi bạo lực.

Triết lý này có tiềm năng trở thành một công cụ duy trì kỷ luật có hiệu quả, thay thế được vai trò của hình phạt thân thể trong mắt nhiều thầy cô giáo.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học ở Sài Gòn, phương pháp kỷ luật tích cực tức là:

“… [K]hông dùng đòn roi, không trách phạt. Giáo viên không được chê bai, phê bình học sinh trước lớp khiến học sinh xấu hổ với bạn bè. Thay vào đó thầy cô có thể gọi riêng học sinh ra để khuyên nhủ hoặc nếu nhắc nhở trước lớp thì phải có ý nghĩa động viên học sinh khắc phục khuyết điểm.

Việc cho các em tự thảo luận rồi thực hiện quy ước lớp là một phương cách khuyến khích ý thức tự giác của học sinh, trong mỗi hành động, học sinh tự hiểu mình sẽ bị phạt hay được khen. Chứ cứ như trước kia, nhà trường tự đặt ra quy định này nọ, rất khô khan lại mang tính áp đặt, có khi phạt học sinh nhưng các em không tâm phục, khẩu phục”.

Có thể thấy các cơ quan quản lý giáo dục các cấp đã có những nỗ lực nhất định để đưa kỷ luật tích cực vào môi trường sư phạm Việt Nam từ năm 2009. Tuy nhiên, người viết không tìm được thông tin nào cho thấy đây là một đề án cải cách giáo dục sâu rộng áp dụng bắt buộc trên cả nước.

Thực trạng hình phạt thân thể và hình phạt hạ nhục vẫn tràn lan trong các trường học Việt Nam thời gian qua có lẽ không chỉ là những dấu hiệu cho thấy Thông tư 08/TT về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh đang không hỗ trợ được cho các thầy cô.

Đó có lẽ còn là những dấu hiệu cho thấy các nỗ lực truyền bá kỷ luật tích cực của các nhà quản lý giáo dục Việt Nam vẫn chưa “ăn sâu bén rễ” trên cả nước.

Quyển Kỷ luật Tích cực (Positive Discipline) của Tiến sĩ Jane Nelsen được Việt hóa và phát hình tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Ảnh: Dân trí

Phải chăng các giới hạn cố hữu từ điều kiện cơ sở vật chất khách quan vẫn đang khiến phương pháp giáo dục đó chưa phổ biến?

Có là yêu cầu quá cao không khi chúng ta mong đợi các thầy cô giáo phải luôn kiểm soát tâm trạng cá nhân, kiên nhẫn dành thời gian “gọi riêng học sinh ra để khuyên nhủ” khi lớp học có đến 40-50 học sinh với những mức độ ngoan hư khác nhau?

Thời gian cùng các em học sinh xây dựng quy ước lớp có ăn quá nhiều vào quỹ thời gian mà các thầy cô phải dành cho việc dạy học, khi họ đang phải chịu những áp lực thi đua lớn từ các cơ quan quản lý?

Các thầy cô giáo có đang được hỗ trợ đầy đủ về mặt đào tạo chuyên môn và về mặt sức khỏe tâm lý để họ luôn trong trạng thái ổn thỏa nhất khi làm nhiệm vụ?

Đây là những tranh luận chính sách cần có, nhưng tiếc thay vẫn vắng bóng trong công luận Việt Nam.

Việc luật hóa kỷ luật tích cực qua một thông tư từ Bộ Giáo dục sẽ là một bước cải cách lớn, đáng hoan nghênh. Nhưng chúng ta vẫn phải đợi xem Bộ có xây dựng thông tư đó với những tham chiếu nhất định từ những tranh luận chính sách nêu trên hay không.

Mặt khác, chỉ luật hóa kỷ luật tích cực có vẻ là chưa đủ.

Vì sao chưa cấm hình phạt thân thể?

Hiện nay có hai cơ hội để các nhà làm luật Việt Nam giải quyết triệt để tình trạng hình phạt thân thể, hình phạt bằng hạ nhục tràn lan: 1. Luật Giáo dục (sửa đổi lần 3) hiện vẫn đang được Quốc hội soạn thảo và lấy ý kiến; 2. Thông tư thay thế Thông tư 08/TT mà Bộ Giáo dục đang nghiên cứu.

Thay vì lưỡng lự dựa vào các hình thức bảo vệ vòng vèo như đã thể hiện trong các thông tư về điều lệ trường hay về quy tắc ứng xử giáo viên, luật pháp Việt Nam nên tận dụng các cơ hội này để cấm thẳng các hình phạt thân thể và hình phạt hạ nhục trong nhà trường.

Các hình thức trừng phạt học sinh dùng bạo lực và đe dọa đó vừa đi ngược luật pháp quốc tế, vừa không có hiệu quả sư phạm.

Việc cấm đoán này phải dựa trên các định nghĩa chi tiết về hình phạt thân thể và hình phạt hạ nhục, đồng thời được đi kèm các chế tài cụ thể và quy trình xử lý vi phạm minh bạch, sòng phẳng, có sự tham gia ý kiến của cả thầy cô, học sinh và phụ huynh.

Nhiều thầy cô giáo đã bày tỏ là họ hoàn toàn không muốn đánh mắng học sinh nặng nề, và rằng những biện pháp xử lý như đem lên mạng xã hội để “đấu tố” hay đuổi việc sau một màn bêu riếu trước truyền thông xem chừng là quá độc ác, đến nỗi người ta phải ca thán rằng nghề giáo đang trở thành “nghề nguy hiểm”.

Việc “chỉ thẳng mặt, nêu thẳng tên” của vấn đề và cấm triệt để nó với quy trình xử lý vi phạm được thiết kế chặt chẽ không chỉ giúp bảo vệ học sinh.

Đó chính là giúp đỡ các thầy cô giáo làm nhiệm vụ của mình trong một khuôn khổ rõ, minh bạch – không chỉ với các học sinh, phụ huynh, mà còn với chính bản thân các thầy cô giáo.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.