Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Nội chiến Trung Quốc 1945 – 1949 là một đề tài ít được nhắc đến trong các nghiên cứu lịch sử phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, những người có tìm hiểu về vấn đề này thì thường rơi vào hai thái cực: ngả hẳn về phía Quốc Dân Đảng hoặc ngả hẳn về phía Đảng Cộng sản.
Quốc Dân Đảng khi đó đang lãnh đạo nhà nước chính thức tại Trung Quốc thời bấy giờ – Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China), với Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) ở vị trí cao nhất. Còn Đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó đang do Mao Trạch Đông (Mao Zedong) đứng đầu.
Bản thân tác giả khi tìm đọc tài liệu liên quan đến Nội chiến Trung Quốc 1945 – 1949 cũng gặp nhiều khó khăn không thể giải quyết. Nếu trong các sự kiện chính trị quốc nội và quốc tế khác, người viết ít ra có thể tìm thấy một sự đồng thuận nhất định về mặt sự kiện lịch sử trong các tài liệu chính thống, quan điểm các nhà khoa học, sử gia; nhưng trong vấn đề này, dữ liệu về tình thế và vai trò của các bên trước, trong và sau cuộc nội chiến đôi khi hoàn toàn khác nhau, hay thậm chí là phủ nhận lẫn nhau.
Bài viết này, vì vậy, sẽ cố gắng cung cấp dữ liệu đa chiều về ba huyền thoại lớn của cuộc nội chiến đẫm máu này.
Một trong những luận điểm phổ biến nhất của các nhóm phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc là cách mà chính đảng này trốn tránh nghĩa vụ chống Nhật trong Đệ nhị Thế chiến, từ đó bảo toàn lực lượng và trở mặt ngay sau khi mặt trận Đồng Minh chiến thắng phát-xít, từ đó nắm quyền bá chủ toàn bộ Trung Hoa.
Lập luận này được tổng hợp khá súc tích trong bài viết trên The Diplomat của nhà nghiên cứu Zachary Keck, cho rằng cuộc xâm lăng của Nhật vào Trung Quốc ngay trong giai đoạn 1937 – 1939 thật ra đã cứu sống quân đội Cộng sản của Mao đang trên bờ vực tận diệt.
Điều này được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh với cuộc Trường Chinh (The Long March) của quân Cộng sản từ phía Đông Nam sang phía Tây Bắc Trung Hoa, gần biên giới với Liên Xô và cũng rất gần khu vực Bắc Trung Quốc đang do quân Nhật kiểm soát, sau khi gánh chịu những tổn thất gần như không thể cứu vãn từ những cuộc đối đầu trực diện với quân đội của Quốc Dân Đảng. Từ quân số ban đầu là 20 vạn quân, cuộc rút lui chiến lược đưa Mao Trạch Đông đến được căn cứ địa phía Bắc với chỉ khoảng 8.000 quân nhân còn sống sót.
Với tổng lực lượng tàn dư Cộng sản của các vùng tụ hội lại chỉ khoảng hơn 30.000 quân, sử gia Steve Tsang của Đại học London, trong nghiên cứu của mình được đăng tải trên Palgrave Communications thuộc tạp chí Nature, tin rằng phe Quốc Dân Đảng có thể triệt tiêu hoàn toàn sức mạnh quân sự còn sót lại của lực lượng này và thay đổi chiều hướng lịch sử bằng một chiến dịch Bắc phạt mà họ dự định thực hiện. Dự định của Tưởng không thành công khi Nhật Bản chính thức gây hấn với Trung Quốc năm 1937 và lực lượng quân sự của Quốc Dân Đảng giờ đây phải đối mặt với đế quốc Nhật hùng mạnh.
Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai này là một cuộc chiến có thiệt hại nhân mạng khổng lồ, nhưng trong nội bộ Trung Hoa thì người gánh chịu chỉ có Quốc Dân Đảng, ít ra là đối với các nhà nghiên cứu ủng hộ lập luận này.
Theo họ, từ năm 1937 đến 1945, có tổng cộng 23 trận đánh chính quy đến chiến sự tại Trung Quốc và Đảng Cộng sản không hề tham gia với tư cách là lực lượng chính trong bất kỳ trận đánh nào. Đảng Cộng sản là chủ thể tham gia duy nhất một lần trong số 1.117 trận giao tranh và chỉ 200 lần trong con số 40.000 cuộc đụng độ nhỏ lẻ.
Trong tác phẩm gây nhiều tranh cãi mang tên “Thống soái Tưởng Giới Thạch và cuộc đấu tranh hiện đại hóa Trung Hoa” (The Generalissimo Chiang Kai-shek and the Struggle for Modern China) của Jay Taylor, ông tìm được một tài liệu thú vị là báo cáo mật của Chu Ân Lai gửi cho Stalin vào tháng Một năm 1945. Báo cáo này ghi nhận cho đến đầu năm 1940, Trung Quốc đã mất hơn một triệu quân nhân. Tuy nhiên, chỉ có 30.000 là thuộc Bát Lộ Quân (Eighth-Route Army) và 1.000 thuộc Tân Tứ Quân của lực lượng Cộng sản. Số thương vong còn lại là quân của Quốc Dân Đảng.
Trong một tài liệu khác, Giáo sư Jennifer Lynn Cucchisi cho rằng vị trí đóng quân sâu trong đại lục và gần Liên Xô khiến cho quân lực Cộng sản thật ra không dành mấy phần lực trong việc đánh đấm với quân đội Nhật, vốn tấn công vào các thành phố lớn ven biển trước tiên như Thượng Hải, những khu vực thành thị hoàn toàn nằm trong quyền kiểm soát của Quốc Dân Đảng. Cucchisi còn cho rằng, trong thực tế, Mao chỉ dành 10% lực lượng để đánh Nhật dưới hình thức chiến tranh du kích, 20% để thăm dò bảo vệ khu vực do quân Cộng sản kiểm soát phòng khi Quốc Dân Đảng trở mặt, và 70% sức lực còn lại dồn cho hoạt động tuyên truyền, tuyển mộ, gầy dựng và củng cố lực lượng.
Như vậy, liệu đã an toàn để khẳng định rằng gần như chỉ có Quốc Dân Đảng tham gia và chịu tổn thất trong chiến tranh Trung – Nhật?
Người viết đã đi đến khá gần kết luận như vậy cho đến khi tìm thấy thông tin hoàn toàn ngược lại từ Bách khoa Toàn thư Britannica nổi tiếng của Anh. Theo đó, dù Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản đồng ý tham gia một mặt trận chung, quân đội Quốc Dân Đảng thường bị đánh bại hoàn toàn hoặc được ra lệnh rút lui sớm để bảo toàn lực lượng. Từ năm 1939, Tưởng gần như đã rút hết toàn bộ lực lượng tinh nhuệ của mình khỏi vùng chiến sự (về phía Nam) và quân đội Cộng sản trở thành nhóm duy nhất còn chiến đấu chống Nhật (ở phía Bắc) cho đến năm 1945.
Như vậy, có hai cách lý giải hoàn toàn trái ngược nhau về vai trò của Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản trong cuộc kháng chiến chống Nhật của người dân Trung Quốc giai đoạn 1937 – 1945. Người viết có phần thiên về công nhận những đóng góp và mất mát của lực lượng Quốc Dân Đảng, do những tài liệu sử mà mình thu thập được (kể cả những nguồn sơ cấp) cho thấy quân đội Quốc Dân Đảng mới là lực lượng chủ lực chống Nhật. Tuy nhiên, bạn đọc có thể cũng sẽ tìm được nhiều nguồn thông tin hoàn toàn ngược lại.
Mặt trận Thống nhất là tên gọi chung của các lực lượng chống Nhật giai đoạn 1937 – 1945 với hai lực lượng chủ yếu là quân đội của chính quyền Quốc Dân Đảng và quân đội Cộng sản. Vì sao Tưởng Giới Thạch, vốn đang nắm trong tay quân lực vượt trội và kiểm soát phần lớn lãnh thổ Trung Quốc, lại phải bắt tay với tàn dư ít ỏi của phe Cộng sản?
Dấu ngoặc đặc biệt của chính sách này là Biến cố Tây An (Xi’an hoặc Sian Incident) xảy ra từ 12 – 26 tháng 12 năm 1936 mà người Việt Nam ít biết đến.
Vốn dĩ, khi đó phe Quốc Dân Đảng có hai tướng lĩnh dưới trướng của Tưởng là Trương Học Lương (Zhang Xueliang – con trai của Trương Tác Lâm) vốn là quân phiệt vùng Tây An và có thù lớn với quân Nhật do cha ông bị lực lượng này ám sát, và Dương Hồ Thành (Yang Hucheng) cũng là một quân phiệt có thế lực tại Thiểm Tây. Cả hai không đồng ý với chủ trương chung của Quốc Dân Đảng và Tưởng là diệt Cộng Sản trước rồi sau đó chuyển sang đối phó với Nhật. Trương Học Lương bí mật đàm phán với quân Cộng sản và tiến hành đình chiến.
Tháng 12/1936, Tưởng Giới Thạch tới Tây An để yêu cầu hai tướng lĩnh này khôi phục chiến dịch chống Cộng. Trương Học Lương, với áp lực từ cấp dưới, đã bắt cóc Tưởng Giới Thạch, đưa ra yêu sách đòi Tưởng phải tập trung toàn lực đánh Nhật thay vì triệt tiêu quân Cộng sản. Tưởng Giới Thạch sau đó đồng ý thành lập liên minh với quân đội Cộng sản và lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc chống Nhật.
Tuy nhiên, vai trò và đóng góp của các bên vào biến cố cũng như đường hướng giải quyết nó lại còn nhiều khúc mắc và tranh cãi.
Trong một tài liệu của Oxford, nhóm nghiên cứu ghi nhận vai trò quan trọng hàng đầu của phái đoàn Chu Ân Lai trong việc tham gia đàm phán tại Tây An và đi đến thỏa thuận chung cuối cùng là Tưởng được thả và ông sẽ lãnh đạo Mặt trận Thống nhất với phe Cộng sản để chống Nhật.
Song Steve Tsang không đồng ý với luận điểm này. Ông đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy kết luận cuối cùng giữa các bên thật ra đã được đưa ra trước khi phái đoàn của Chu Ân Lai kịp tới Tây An. Ông khẳng định Stalin và Quốc tế thứ Ba (Commitern) đã gửi điện tín can thiệp và đạt thỏa hiệp với Tưởng trước đó. Điều này khiến cho phe Cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông không hề hài lòng bởi đồng minh Cộng sản của họ nhận định rằng Tưởng Giới Thạch là nhân vật duy nhất tại thời điểm hiện tại có khả năng và lực lượng để giữ chân quân Nhật, ngăn quân Nhật tiến tới sát biên giới với Liên Xô. Thực tế là sau khi thống nhất phần lớn Trung Quốc bằng công cuộc Bắc Phạt (Northern Expedition) hồi năm 1926 – 1927, và đánh bại quân đội Cộng sản Trung Quốc cách đó không lâu, Tưởng Giới Thạch là người mà Stalin cho rằng ông có thể tin tưởng, ít nhất là cho đến khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.
Số khác, như nghiên cứu của Giáo sư Hans van de Ven, một trong những sử gia có tầm ảnh hưởng nhất thế giới về lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20, cáo buộc rằng phe Cộng sản thật ra đến Tây An chỉ để yêu cầu Trương Học Lương giao Tưởng cho một “Tòa án Nhân dân” xét xử tội ác của ông mà thôi. Chính bức điện tín từ Quốc tế Cộng sản đã buộc họ phải thay đổi thái độ 180 độ.
Với những thông tin và dẫn chứng đầy đủ ở trên, có lẽ bạn đọc có thể tìm ra những quan điểm mà mình ủng hộ hay phản bác. Tuy nhiên, người viết cho rằng tất cả những nghiên cứu đã bỏ qua vai trò rất quan trọng của bản thân Tưởng Giới Thạch. Sau khi được thả, Tưởng có đầy đủ năng lực và quyền hạn để phá vỡ thỏa thuận. Bằng chứng là sau vụ này, Trương Học Lương bị bắt giam tại gia, bị tước mọi quyền lực quân sự và thậm chí bị giám sát ngay cả sau khi ông này cùng Tưởng rút lui về Đài Loan vào năm 1949. Riêng Dương Hồ Thành, kém may mắn và không thân cận với Tưởng như Trương, đã bị xử tử một cách bí mật.
Có lẽ yếu tố lịch sử và những áp lực từ nước ngoài đã khiến Tưởng Giới Thạch cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc gác lại xung đột với phe Cộng sản Trung Quốc để chiến đấu chống Nhật.
Hoa Kỳ luôn được xem là ông kẹ trong sử sách của chính quyền Cộng sản, Trung Quốc, Cuba hay Việt Nam. Tuy nhiên, đối với nội chiến Trung Quốc, thật ra “chú Sam” cũng không hề kỳ vọng mình lại vướng vào một cuộc nội chiến đẫm máu với phong cách tổn hao nhân mạng kinh khủng tại quốc gia đông dân nhất hành tinh này. Đây là sự thật lịch sử mà người viết may mắn có thể thống nhất quan điểm giữa các sử gia và tài liệu liên quan đến thời kỳ này.
Dù chủ yếu hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật và quản lý nhà nước thông qua các hoạt động đào tạo cho phe Quốc Dân Đảng, sự tham gia của quân Mỹ vào các hoạt động quân sự chống Cộng là rất thấp. Các tướng lĩnh Hoa Kỳ hiểu rằng họ không nên can dự vào tình hình chiến sự Trung Quốc khi mà việc chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ tái xây dựng Nhật Bản sau Thế Chiến II cũng đã gây ra phong trào biểu tình rộng khắp cả nước.
Bằng chứng rõ ràng nhất cho lập luận này là việc chính phủ Harry Truman đã phải triệu hồi Đại sứ Patrick Hurley khi họ nhận thấy ông có vẻ quá thiên vị chính quyền Quốc Dân Đảng khiến cho các nỗ lực trung gian hòa giải giữa hai bên Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng vào giữa năm 1945, khi Đệ nhị Thế chiến đã kết thúc, không thành.
Tháng 12 năm 1945, đích thân Thống soái George C. Marshall, người đứng đầu lực lượng quân Đồng Minh trong Thế Chiến II đã đến Trung Quốc. Sự có mặt và uy thế lẫy lừng của tướng Marshall có vẻ hiệu quả. Ngay đầu năm 1946, hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn không thời hạn. Từ ngày 10 đến ngày 30 tháng 01 năm 1946, Hoa Kỳ cũng dàn xếp tổ chức Hội nghị Hiệp thương Chính trị (Political Consultative Conference) giữa hai bên, bàn về tái cơ cấu chính phủ, thành lập nhà nước lập hiến và phân quyền giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản.
Song một năm sau, kể cả tướng Marshall cũng phải từ bỏ kỳ vọng của mình dành cho Trung Quốc khi cả hai phe có vẻ đều có những dự định riêng và cho rằng nghe theo trung gian từ phía Hoa Kỳ chỉ làm cản trở con đường tới thế nắm giữ độc quyền quyền lực tại Trung Hoa. Năm 1947, tướng Marshall thất vọng quay trở về Hoa Kỳ và tuyên bố các ngài hãy tự thân lo liệu, chúng tôi không thể giúp gì hơn nữa. Các khoản viện trợ từ Hoa Kỳ dành cho Quốc Dân Đảng vẫn còn đó, nhưng nó gần như không có giá trị gì so với những trận đánh tiêu tốn hàng triệu nhân mạng của Trung Hoa (chỉ chiến trường chính quy tranh giành Mãn Châu giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản khiến hai bên tổn thất tổng cộng một triệu quân nhân).
Phần còn lại của lịch sử diễn tiến ra sao thì bạn đọc đã rõ.