Tuần tin: Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật; New Zealand cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục
Các sự kiện nổi bật: * Bộ Chính trị Đảng Cộng sản kỷ luật cảnh cáo Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa
Để ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói ba văn bản vào ngày 15/10/2019.
Ba văn bản này gồm có: Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu Hơi cay và Công nghệ Kiểm soát Đám đông cho Hong Kong, và Nghị quyết Đồng hành cùng Hong Kong.
Trung Quốc dĩ nhiên không vui vẻ gì với động thái này. Ta hãy xem ba văn bản này nói gì.
Mang số hiệu H.R. 3289, Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong (Hong Kong Human Rights and Democracy Act) là văn bản dài và phức tạp nhất trong số ba văn bản vừa được Hạ viện thông qua. Đây không phải là đạo luật mới hoàn toàn mà là đạo luật sửa đổi và bổ sung nội dung cho Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ – Hong Kong vốn đã có hiệu lực từ năm 1992 đến nay.
Một trong những mục tiêu đáng chú ý của đạo luật này là việc Hoa Kỳ sẽ hủy bỏ tư cách đặc biệt dành cho thành phố Hong Kong trong mối quan hệ thương mại với nước này trừ khi báo cáo thường niên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công nhận chính quyền Hong Kong trong năm đó đã tôn trọng quyền con người và các nguyên tắc pháp quyền của thành phố. Tư cách đặc biệt này giúp cho Hong Kong được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, mục tiêu và phạm vi của đạo luật phức tạp và rộng hơn thế rất nhiều.
Một mặt, Hạ viện Mỹ khẳng định lại nguyên tắc và các cam kết ngoại giao của mình đối với Hong Kong. Những cam kết này bao gồm nhấn mạnh chính sách ngoại giao nền tảng của Hoa Kỳ là ủng hộ tiến trình phát triển dân chủ, xem trọng thực trạng nhân quyền tại Hong Kong.
Các nhà làm luật Hoa Kỳ cũng khẳng định Hong Kong phải nắm quyền tự trị thực tế và hiệu quả trong vùng lãnh thổ của mình nếu chính quyền thành phố này muốn họ tiếp tục được hưởng các chính sách đối xử ưu đãi hơn so với Trung Quốc đại lục. Chính quyền liên bang cũng sẽ quan tâm đến tình hình nhân quyền Hong Kong và chính quyền Hong Kong phải tuân thủ theo đúng Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh, Công ước Liên hiệp quốc về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) và Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Quan trọng nhất, phải kể đến việc Hạ viện Hoa Kỳ thống nhất ủng hộ “yêu sách tối thượng” của phong trào dân chủ tại Hong Kong, yêu cầu hệ thống chính trị Trung Quốc trao cho người dân Hong Kong quyền bầu cử thực tế chức danh đặc khu trưởng cũng như tất cả các thành viên của Hội đồng Lập pháp thành phố.
Mặt khác, đạo luật cũng đưa ra những chủ trương về thị thực để bảo đảm quyền lợi của các cá nhân tham gia vào hoạt động dân chủ tại Hong Kong. Họ khẳng định hồ sơ của người Hong Kong đủ tiêu chuẩn xin học tập và làm việc tại Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối thị thực chỉ vì họ bị bắt giữ, xử phạt hay thậm chí là bị chính quyền Hong Kong xử lý hình sự có động cơ chính trị. Cụ thể hơn, thông thường các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ có xu hướng từ chối thị thực cho những người từng có tiền án tiền sự, như Hoàng Chi Phong chẳng hạn. Tuy nhiên, vì vụ án có động cơ chính trị, chính phủ Hoa Kỳ sẽ không từ chối thị thực cho những người có hoàn cảnh tương tự khi tham gia vào phong trào dân chủ Hong Kong.
Không kém phần quyết liệt, đạo luật cũng yêu cầu chính quyền liên bang xác định và báo cáo cho lưỡng viện Quốc hội về các cá nhân có một trong các hành vi sau: (i) can dự vào những hành vi bắt giữ vô căn cứ hay tra tấn công dân Hong Kong; (ii) thực hiện hành vi hoặc đưa ra những quyết định vi phạm các nguyên tắc được xác định trong Luật Cơ bản và Tuyên bố chung; và (iii) thực hiện hoặc đưa ra những quyết định vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của chính quyền Hong Kong. Những cá nhân vi phạm các quy định nói trên sẽ có khả năng bị đóng băng tài khoản, cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ hay bị hủy bỏ thị thực đang có hiệu lực.
Được viết tắt và gọi là PROTECT Hong Kong Act, cái tên của đạo luật mang số hiệu H.R. 4270 này đã nói lên tất cả.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ thời điểm đạo luật có hiệu lực, Tổng thống Hoa Kỳ có trách nhiệm dừng cấp giấy phép xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến hoạt động quốc phòng, hoạt động cảnh sát cho chính quyền và lực lượng cảnh sát Hong Kong.
Quyết định liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh cấm phải thông qua Quốc hội. Tổng thống có thể đề xuất Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm này nếu thỏa mãn hai điều kiện: (i) chứng minh được lực lượng cảnh sát Hong Kong không thực hiện những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong suốt một năm trước đó; (ii) một cuộc điều tra độc lập đã được thực hiện và xác nhận các kỹ thuật kiểm soát và giải tán đám đông của chính quyền Hong Kong không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc nhân quyền quốc tế.
Nghị quyết này (Stand with Hong Kong Resolution) không mang tính pháp lý bắt buộc, song nó thể hiện một cam kết quan trọng của cơ quan lập pháp Hoa Kỳ với phong trào dân chủ tại Hong Kong.
Trong đó, Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Hong Kong đàm phán nghiêm túc và chân thành với phong trào dân chủ của người dân Hong Kong để giải quyết cụ thể các vấn đề liên quan đến năm yêu sách của người biểu tình: (i) chính thức rút bỏ dự luật dẫn độ; (ii) thực hiện quyền bầu cử phổ quát; (iii) thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các vi phạm nhân quyền của lực lượng cảnh sát Hong Kong; (iv) loại bỏ việc xếp biểu tình vào một loại hành vi bạo loạn; và (v) rút lại các cáo buộc hình sự mang bản chất chính trị đối với người biểu tình Hong Kong.
Ngoài ra, Hạ viện Hoa Kỳ lên án việc lực lượng cảnh sát Hong Kong sử dụng các biện pháp kiểm soát biểu tình không phù hợp với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế (như tra tấn, đánh nguội, bắt giữ trái phép, sử dụng côn đồ hay kể cả bắn đạn thật); đồng thời lên án chính quyền Hong Kong trong việc chấp nhận và không xử lý những hành vi trên. Hạ viện cũng khẳng định chính sách “một quốc gia, hai chế độ” phải đảm bảo quyền tự trị cao của chính quyền Hong Kong cũng như quyền tự do dân chủ của người dân Hong Kong.
Hiện nay, ba văn bản này mới chỉ được thông qua tại Hạ viện. Ngoại trừ Nghị quyết Đồng hành cùng Hong Kong không mang tính ràng buộc pháp lý, hai văn bản còn lại phải được Thượng viện và Tổng thống Donald Trump thông qua thì mới có hiệu lực.
Về mặt quy trình, hai đạo luật nói trên được kỳ vọng nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện.
Ẩn số nằm ở Tổng thống Donald Trump. Ông từng nói rằng Chủ tịch Tập Cận Bình và nội bộ Trung Quốc có thể giải quyết ổn thỏa vụ việc tại Hong Kong và có vẻ đối với ông này, tình hình nhân quyền tại Hong Kong sẽ chỉ là một trong các con cờ trong cuộc đàm phán chiến tranh thương mại với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump sẽ phải cẩn thận nếu ông thật sự muốn phủ quyết cả hai đạo luật này. Một khi bị phủ quyết, lưỡng viện Quốc hội có thể dễ dàng thông qua cả hai đạo luật với đa số tuyệt đối (⅔ số phiếu) và không cần chữ ký của tổng thống nữa.