Chúa, nam tính và thói gia trưởng

Cách nhìn của đàn ông về Chúa định hình cách họ nhìn chính bản thân mình, và cả cách họ nhìn phụ nữ.

Chúa, nam tính và thói gia trưởng
Ảnh: Wikimedia.

Dịch từ bài “God as man, man as God: no wonder many Christian men today are having a masculinity crisis” của William Loader, giáo sư ngành Tân Ước, Đại học Murdoch (Úc). Tựa đề chính do Luật Khoa tạp chí đặt.


Để hiểu được quan điểm của Thiên Chúa giáo đương thời về vấn đề giới và đặc biệt là về tính nam, chúng ta cần quay trở lại những giá trị đã định hình khởi thủy của Thiên Chúa giáo từ thế kỷ thứ nhất.

Mô hình xã hội từ khắp Hy Lạp, La Mã sang đến Do Thái là, đàn ông là thủ lĩnh trong gia đình, và gia đình là đơn vị kinh tế cơ bản. Phụ nữ quản việc trong nhà, đàn ông lo việc bên ngoài.

Hầu hết đàn ông tới khoảng 30 tuổi sẽ cưới một cô gái khoảng bằng nửa tuổi họ. Với chênh lệch tuổi tác lớn như thế, nữ đương nhiên ít kinh nghiệm hơn và kém trưởng thành về cảm xúc hơn. Thế nên đàn ông tin rằng họ cao hơn phụ nữ. Ấy là một kết luận ngụy biện, nhưng với họ, chuyện đó dường như là hiển nhiên.

Theo Plato, phụ nữ là đàn ông thất bại (không được làm đàn ông), và người đọc thường trích dẫn sách Sáng Thế trong Kinh Thánh nói rằng đàn ông được tạo ra theo hình ảnh của Chúa trong khi phụ nữ được tạo ra theo hình ảnh của đàn ông.

Thánh Paul, một trong những lãnh tụ Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng nhất, nói rằng đàn ông, đàn bà, người tự do và nô lệ, tất cả đều được Chúa yêu thương và đều là một trong Chúa, nhưng đàn bà thì nên ăn mặc như đàn bà, ngay cả khi làm lãnh đạo, và nói chung nên để công việc công cộng, việc cộng đồng, cho đàn ông làm.

Phụ nữ ở một số cộng đồng Thiên Chúa giáo, và rộng hơn là cả thế giới, nói chung vẫn còn phải đi một con đường rất dài để vượt qua căng thẳng này – xung đột giữa bình đẳng và sự tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Còn với đàn ông, cách họ nhìn nhận chính mình định hình nên cách họ nhìn nhận Chúa, và ngược lại. Điều đó cũng có tác động đến cách họ nhìn nhận phụ nữ.

Chúa Jesus là ngoại lệ

Hình ảnh những kẻ mạnh, vua chúa và các ông bố trong gia đình thường được dùng để khắc họa hình ảnh Chúa. Điêu khắc Hy Lạp, các quan niệm gia trưởng của La Mã và tranh ảnh phương Đông đều góp phần tạo nên một hình ảnh về Chúa là đàn ông: Chủ yếu liên quan đến quyền lực, đến sự kiểm soát, và đẹp đẽ nhất, đến lòng nhân từ của một người cha.

Nhưng có những ý kiến khác phản bác các mô hình nam trị như thế, trong đó có cả lời của Jesus xứ Nazareth. Trong sách Phúc âm Mác, Jesus tuyên bố:

“Con Của Loài Người đến đây không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và dùng cuộc đời mình cứu chuộc cho nhiều người”.

Câu chuyện kể ba phần này khắc họa hình ảnh các môn đệ (tông đồ) của Jesus như những người phản ánh tham vọng truyền thống về quyền lực: tranh cãi nhau xem ai vĩ đại nhất, giành nhau những công việc tốt nhất và đều cố thuyết phục Jesus rằng để làm Đấng Cứu thế thì phải thắng, không được thua.

Lần nào Jesus cũng bác bỏ những giá trị mà họ đeo đuổi. Sách Phúc âm Mác về sau cũng đánh đổ những quan niệm của họ bằng việc thể hiện hình tượng Chúa Jesus như một vị vua được phong vương trên cây thánh giá, đeo vương miện dệt bằng gai nhọn. Việc này đã làm những giá trị mà các vị tông đồ theo đuổi kia sụp đổ hoàn toàn. Ở đây, ta thấy mẫu mực của việc làm người, làm đàn ông, là phải đặt tình yêu thương và phụng sự lên trên tất cả.

Đây đó, Jesus kêu gọi tình thương yêu như tình cảm của cha mẹ, nói rằng chúng ta nên nhìn nhận Chúa là yêu thương, chăm sóc và vị tha, chứ không phải là xa cách và nghiêm khắc, không tha thứ. Hình tượng Chúa yêu thương và vị tha như thế ít liên quan hơn nhiều đến quyền lực và sự kiểm soát.

Hình tượng đó – thay thế cho mẫu hình nam trị đến cực đoan – rất khó mà đứng vững.

Quan điểm thường thấy là, Jesus thật ra là một ngoại lệ so với chuẩn mực nam trị và ứng xử của Chúa. Quan niệm này đến nay vẫn rất phổ biến: Nhiều người cho rằng tình thương yêu và tha thứ của Chúa chỉ là tạm thời, rồi cuối cùng Chúa vẫn dùng đến bạo lực để trừng trị những kẻ không vâng theo Ngài.

Các hình phạt bạo lực đó, đôi khi khủng khiếp như hình phạt thiêu trên lửa, được xem là công bằng, vì Chúa vốn công bằng và Ngài đã đưa ra cho chúng ta các lựa chọn rõ ràng rồi. Đó là quan điểm mà nhiều người vẫn đang và sẽ bảo vệ.

Hai quan niệm đối lập trong Thiên Chúa giáo về nam tính

Do vậy, không phải chỉ có một quan điểm Thiên Chúa giáo về nam tính và nam trị, mà có ít nhất hai. Chúng đối lập nhau hoàn toàn và phản ánh hai cách hiểu rất khác nhau về Chúa.

Một bên nhìn nhận sự vĩ đại của Chúa trong quyền lực và sự kiểm soát của Ngài, cũng như nhìn nhận quyền sử dụng bạo lực khi lẽ phải thuộc về mình; quan điểm này được thể hiện nổi bật với ngôn ngữ gia trưởng, nam trị.

Bên kia nhìn thấy sự vĩ đại trong tình thương yêu và vị tha; chống lại việc sử dụng bạo lực và lạm quyền.

Con người đề cao giá trị gì ở Chúa thì sẽ đề cao giá trị ấy trong đời thực. Ngày nay, điều đó nghĩa là đàn ông có thể kết luận rằng nếu họ đúng, họ phải, thì họ cũng có quyền thống trị, cai trị. Kết luận ấy không chỉ thể hiện trong sự tàn bạo về vật lý, thể chất, mà còn trong việc họ hạ thấp hoặc loại bỏ phụ nữ.

Trong tôn giáo, kết luận ấy liên quan đến việc viện dẫn Kinh Thánh, đề cao Kinh Thánh hơn lý trí và tình thương yêu có lý trí, dù ở cộng đồng tôn giáo hay trong nhà.

Nhưng ở nơi đâu mà con người ưu tiên sự duy lý và tình thương yêu có lý trí – vốn là cốt lõi của truyền thống Thiên Chúa – thì ở đó, kết quả là giải phóng, tự do cho cả nam và nữ.

Những thay đổi, biến động xã hội lớn đóng vai trò quan trọng ở đây. Nếu vào thế kỷ thứ nhất, phụ nữ bị coi là thấp kém hơn và sống chỉ để sinh đẻ, gần một nửa nữ giới không thọ quá tuổi 30, thì trong nửa thế kỷ qua, các hình thức tránh thai hiệu quả đã giúp san bằng “sân chơi” để phụ nữ có thể tham gia vào cương vị lãnh đạo, cũng nhiều như đàn ông. Dù rằng, thật đáng buồn là điều đó vẫn chưa xảy ra ở rất nhiều cộng đồng, kể cả nhà thờ.

Tình hình đã được cải thiện, song song với việc tái khẳng định quyền phụ nữ, vì lợi ích của cả nữ giới và nam giới.

Đối với nhiều người đàn ông vốn được dạy dỗ trong mô hình nam trị truyền thống, điều này tạo ra một khủng hoảng nhân cách.

Thế kỷ 20, tâm lý học đại chúng ra đời, cho phép đàn ông được khóc. Nhưng nhiều người vẫn không muốn dùng “quyền” ấy. Kết quả là, khi họ đau buồn, cảm xúc của họ biến đổi thành giận dữ, và phẫn nộ, bạo lực, nhằm vào người khác nhưng đôi khi cũng nhằm vào chính mình.

Chúng ta cần chỉ ra rằng nam trị (đàn ông thống trị) chỉ là một điều huyễn hoặc và bị lạm dụng.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.