Nhóm lợi ích trong các chế độ độc tài vận hành ra sao
Ở hai phần trước, tác giả đã giới thiệu về sự hình thành, một số đặc điểm và cách thức
Nếu mọi chuyện suôn sẻ, vụ án của tử tù Hồ Duy Hải sẽ được xét xử giám đốc thẩm trong bốn tháng tới.
Theo báo Thanh Niên, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm bản án tử hình của Hồ Duy Hải sau 11 năm anh bị kết án.
Với quyết định bất thình lình đó, Viện KSND Tối cao đã thay đổi quan điểm của mình về vụ án từng gây xúc động dư luận này. Khoảng mười năm trước, cũng chính Viện này đã quyết định không kháng nghị bản án tử hình của Hải, người khi đó bị cáo buộc đã giết hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi ở tỉnh Long An vào đầu năm 2008.
“Như bỏ được gánh sắt chuyển sang gánh bông gòn”, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, nói với Luật Khoa khi biết tin con trai bà có thể sẽ được xét xử giám đốc thẩm theo hướng có lợi.
Trong hơn mười năm qua, người con trai lúc bị bắt mới 23 tuổi của bà Loan đã bị cùm chân và giam giữ ở buồng giam khắc nghiệt dành riêng cho tử tù. Mọi thư từ và liên lạc qua điện thoại với gia đình đều bị ngăn cấm.
Vào tháng 12 năm 2014, khi chỉ còn một ngày nữa là Hải bị đưa lên bàn tiêm thuốc độc thì TAND tỉnh Long An đã quyết định tạm dừng thi hành bản án của anh.
Vụ án mạng ở Bưu điện Cầu Voi xảy ra vào buổi tối ngày 14 tháng Một năm 2008, cách nhà của Hải khoảng 4,5 km. Hai nữ nhân viên của bưu điện này bị giết và cướp đi một số tài sản. Mãi hơn hai tháng sau, Hồ Duy Hải mới bị bắt và buộc tội chỉ vì không nhớ được đêm xảy ra án mạng anh đang làm gì.
Hải liên tiếp kêu oan nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn tuyên anh y án tử hình vào năm 2009.
Theo báo Thanh Niên, Viện KSND Tối cao trong kháng nghị này của mình đã tin rằng toàn bộ quá trình điều tra và xét xử án mạng ở Bưu điện Cầu Voi đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng.
Viện cho rằng Cơ quan Điều tra và Viện KSND tỉnh Long An đã bỏ sót những chứng cứ quan trọng trong vụ án, không giám định vết máu và làm sai lệch vụ án so với thực tế khi không đưa một số lời khai của Hải và nhân chứng vào hồ sơ vụ án.
Hai phiên tòa đã tuyên án tử hình cho Hải khi còn nhiều mâu thuẫn về lời khai; chứng cứ và dấu vết tại hiện trường chưa được làm sáng tỏ. Trong đó có việc cơ quan điều tra mua dao và thớt từ chợ về làm vật chứng thay cho hung khí tương tự mà họ cho là Hải đã dùng để giết hai cô nhân viên. Hung khí tiếp theo là chiếc ghế mà Hải khai nhận đã dùng để đập vào đầu cô nhân viên tên Vân cũng khác với chiếc ghế theo biên bản tại hiện trường.
Các lời khai về thời gian gây án của Hải không khớp với thực tế quãng đường trước khi anh khai đến Bưu điện Cầu Voi. Các dấu vân tay tại hiện trường không có đường vân nào trùng khớp với 10 ngón tay của Hải.
Kháng nghị giám đốc thẩm trong những vụ án mạng là một tín hiệu tốt cho con đường sống của tử tù nhưng đôi lúc cũng có thể rơi vào một ngõ cụt khác, một rắc rối pháp lý của nền tư pháp hiện tại.
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, nếu TAND Tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao thì Hải sẽ được huỷ bản án tử của mình. Tiếp theo, vụ án của anh có thể bị đình chỉ hoặc được tái điều tra và xét xử lại.
Kịch bản tốt nhất cho Hải là TAND Tối cao đình chỉ vụ án, anh sẽ không bị điều tra lại và được trả tự do.
Nếu điều tra lại, Hồ Duy Hải sẽ trở thành một nghi phạm như lúc anh mới bị bắt. Mọi thứ sẽ quay lại xuất phát điểm. Ít nhất vào lúc đó, anh sẽ được đổi buồng giam và tháo cùm chân. Sau khi điều tra, Viện KSND Long An sẽ quyết định có tiếp tục truy tố Hồ Duy Hải ra tòa hay không. Nếu Viện cho rằng không đủ bằng chứng để truy tố anh thì phép màu sẽ thành hiện thực, Hải sẽ được tự do.
Nếu Viện tiếp tục truy tố Hải thì anh sẽ ra tòa sơ thẩm và phúc thẩm (nếu như anh kháng cáo bản án sơ thẩm). Tòa phúc thẩm vẫn có thể yêu cầu huỷ bán án sơ thẩm và điều tra bổ sung.
Một kịch bản khác là tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đến đây, số phận của anh có thể sẽ diễn biến gần giống như tử tù Lê Văn Mạnh: Hải vẫn có thể bị tuyên y án tử hình trong hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần này.
Ba năm trước khi xảy ra án mạng ở Bưu điện Cầu Voi, năm 2005, Lê Văn Mạnh bị bắt và tuyên án tử hình vì tội hiếp dâm và giết một bé gái ở Thanh Hoá. Vụ án của Mạnh được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cho điều tra và xét xử lại từ đầu sau khi giám đốc thẩm, nhưng anh vẫn bị tuyên y án tử hình qua ba phiên tòa sơ thẩm và ba phiên tòa phúc thẩm. Sau đó, việc thi hành án tử hình đối với Mạnh đã được hoãn trong khoảng 5 năm nay.
Đến đây vẫn chưa phải ngõ cụt, vụ án của Hải vẫn có thể diễn biến theo một hướng khác, như cựu tử tù Hàn Đức Long đã được trả tự do vào năm 2016.
Vụ án của ông Long bắt đầu sau vụ án mạng của một bé gái 5 tuổi vào năm 2005 ở tỉnh Bắc Giang. Ông Long đã được TAND Tối cao tuyên huỷ án tử hình về tội giết người của mình, được điều tra và xét xử lại từ đầu nhưng vẫn bị tuyên y án tử hình sau đó. Một lần nữa, vào năm 2014, ông được TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm lần hai và được tuyên hủy án để điều tra lại. Vào năm 2016, Viện KSND tỉnh Bắc Giang quyết định đình chỉ vụ án, trả tự do cho ông vì họ thừa nhận là không đủ chứng cứ để buộc tội ông.
Nếu Hội đồng Thẩm phán bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao, số phận của Hải có thể sẽ giống như tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Đến lúc này, cơ hội sống của anh sẽ rất mong manh.
Năm 2008, Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình trong một vụ án mưu sát một thiếu tá công an phường giữa đêm tối ở Hải Phòng vào năm 2007.
Năm 2011, Nguyễn Văn Chưởng được xét xử giám đốc thẩm nhưng Hội đồng Thẩm phán đã bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao. Ngay khi Chưởng sắp bị tử hình vào năm 2014 thì anh được hoãn thi hành án cho đến nay.
Quyết định bác kháng nghị của Hội đồng Thẩm phán là quyết định sau cùng, nó sẽ dập tắt hy vọng đối với những tử tù đang kêu oan, hay nói như cựu Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, “vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng Thẩm phán là quyết định cuối cùng”.
Giải pháp duy nhất còn lại là người tử tù cầu mong Chủ tịch nước ân xá để được hưởng án tù chung thân.
Trong 11 năm qua, gia đình của Hải đã làm mọi cách để giữ lại mạng sống của anh.
Bà Loan nói rằng Hải sẽ không có ngày hôm nay nếu không có mọi người giúp đỡ.
“Tôi kính ơn tấm lòng cao cả của mọi người trong và ngoài nước đã tận tình quan tâm đến Hải. Tôi sẽ biết ơn đến hết cuộc đời này vì đã ủng hộ gia đình suốt một đoạn đường dài vừa qua”, bà Loan nói với Luật Khoa về sự quan tâm của cộng đồng đã giúp gia đình bà thấy được chút ánh sáng trong những ngày hôm nay.
Hơn mười năm qua, vụ án của Hải đã trở thành một trong những kỳ án nổi tiếng với nhiều nghi vấn là anh bị oan. Sự lên tiếng của công chúng đã giữ mạng sống của Hải khi anh sắp bị hành hình và để Viện KSND Tối cao suy nghĩ lại về quyết định của mình.
“Tôi hy vọng là tất cả mọi người chắc sẽ không bỏ một mình tôi cô đơn khi mà Hải chưa được về nhà. Tôi mong quý các vị, quý báo đài, truyền hình, các nhà báo, các đại sứ quán, Phái đoàn Liên minh Châu Âu ở Việt Nam vẫn có thể đi cùng với tôi như trong thời gian qua. Tôi sẽ ghi nhớ tấm lòng của quý vị đến ngày nhắm mắt. Tôi xin đội ơn và trân trọng đội ơn”, bà Loan nói về hy vọng tiếp theo cho con trai của mình mà tuổi thanh xuân của anh đã vĩnh viễn nằm lại nơi xà lim tử tù.
Quyết định này của Viện KSND Tối cao như đáp lại nỗ lực kêu oan không ngừng nghỉ của bà Loan. Hơn mười năm qua, công việc duy nhất của bà là xuôi ngược Long An – Hà Nội để kêu oan cho Hải. Nơi nào có một chút hy vọng kêu oan là bà đều có mặt. Hơn mười năm qua, bà Loan không dám một lần ăn ngon khi nghĩ đến con trai của mình đang sống cuộc đời khắc nghiệt ở trại tạm giam.
___
Đọc thêm: 9 điều cần biết về tử tù Hồ Duy Hải