‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
“Hạ lưu vô nhân cách!”
“Mẹ kiếp tôi có nghe lầm không?”
“Thứ quan chó đẻ này có còn là người không??”
Đó là lời của Phạm Vỹ Kỳ, một trong những ca sĩ nổi tiếng hàng đầu Đài Loan, được đăng trên trang Facebook cá nhân của cô cách đây vài ngày.
Những ngôn từ nặng nề, thậm chí có phần thô tục này, được cô dành tặng cho Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang), vì quyết định tạm ngưng xuất khẩu khẩu trang ra nước ngoài trong vòng một tháng, đến ngày 23/2/2020, để ưu tiên cung cấp cho người dân trong nước.
Quyết định này vốn dĩ không có gì đặc biệt. Năm 2003, khi dịch SARS hoành hành ở Đài Loan, người dân đảo quốc đổ xô đi mua khẩu trang dẫn đến thiếu hụt, chính phủ lúc đó cũng đã hạn chế bán khẩu trang ra nước ngoài (cấm xuất khẩu các loại N95, dùng cho phẫu thuật ngoại khoa và có dùng than hoạt tính).
Lần này khi số ca nhiễm dịch corona Vũ Hán mỗi ngày một tăng vọt, Đài Loan lại “được” đánh giá là có nguy cơ lớn nhất biến thành ổ dịch thứ hai ngoài Trung Quốc vì mật độ giao thương qua lại dày đặc giữa hai bên, nhu cầu về khẩu trang bảo vệ mình ở Đài Loan lại càng cấp thiết. Nhiều cửa hàng ở Đài Loan xuất hiện tình trạng hàng dài người xếp hàng nhưng vẫn không mua được khẩu trang. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Hong Kong.
Tuy dễ hiểu, quyết định của chính quyền Đài Loan lại diễn ra trong thời điểm nhạy cảm.
Trung Quốc đã phong tỏa hơn chục thành phố vì dịch bệnh, nhu cầu về các trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang, trở nên bức thiết, đặc biệt đối với các nhân viên y tế đang phải căng mình chiến đấu trong vùng dịch. Dịch bệnh lan tỏa vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán, khi các nhà máy sản xuất đều đóng cửa, lại càng khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng.
Nhiều nơi đã hưởng ứng lời kêu gọi, chủ động quyên góp giúp đỡ người dân Trung Quốc. Khẩu trang N95 ở Canada dù tăng giá gấp chục lần vẫn có người bỏ tiền túi mua để quyên tặng người dân đại lục. Người Nhật Bản cũng đóng góp mua các trang thiết bị hỗ trợ cho Vũ Hán.
Riêng thông tin xúc động lan truyền những ngày qua về việc Nhật Bản “tặng 1 triệu khẩu trang” cho Trung Quốc lại đang có những tiết lộ mới. Truyền thông Đài Loan dẫn lời hãng tin Nhật cho biết, nhà cung cấp của Nhật Bản ban đầu nhận được “đơn hàng” 800.000 chiếc khẩu trang từ Trung Quốc. Mãi đến sau khi hàng giao mới nghe thông tin “cám ơn về quà tặng”!
Bỏ qua lùm xùm trên, trên thực tế khắp nơi từ các chính phủ đến những tổ chức, các doanh nghiệp và cá nhân đều đang tranh thủ trong khả năng của mình để hỗ trợ người dân Trung Quốc vượt qua đại dịch.
Vì thế thông tin chính phủ Đài Loan cấm xuất khẩu khẩu trang dễ dàng bị đẩy lên thành “tiêu điểm ngược”.
Hoàng Trí Hiền, một nhân vật truyền thông kỳ cựu, tuy sống ở Đài Loan nhưng một lòng hướng về Bắc Kinh, lập tức chụp mũ quyết định này là “cấm không cho đi cứu Vũ Hán”, và chỉ trích đây là hành động “hủy diệt nhân tính”.
Thái Chính Nguyên, phó Tổng Bí thư của Quốc Dân Đảng thì chê chính phủ Thái Anh Văn “ngu hết biết”, đưa ra quyết định chọc giận Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo tới khi hết nạn, xem chính quyền Trung Quốc sẽ “hồi đáp” thế nào.
Hàn Quốc Du, ứng viên thất cử Tổng thống đợt vừa qua cũng góp tiếng, cho rằng đây là quyết sách “không mấy thông minh”. Cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đồng thanh cho chính sách này là “vô nhân đạo”.
Những nghệ sĩ nổi tiếng khác như Từ Hy Đệ, Từ Hy Viên… cũng ra mặt, vừa tuyên bố bỏ tiền túi tìm đường mua khẩu trang từ nguồn khác để cứu viện người dân đại lục, vừa không quên chỉ trích hành động kiểm soát của chính quyền Đài Loan là “không có nhân tính”.
Chuyện các chính trị gia và người làm trong giới truyền thông ở Đài Loan chỉ trích chính quyền là việc rất bình thường ở đảo quốc này.
Việc các nghệ sĩ, đặc biệt là những “ngôi sao”, dám to tiếng lại khá hạn hữu. Nhất là khi những vấn đề đó dính dáng đến quan hệ với Bắc Kinh.
Kể từ đầu những năm 1990, khi quan hệ giao thương giữa hai bên được thiết lập, giới nghệ sĩ Đài Loan cũng dần tìm đường đến với đại lục.
Giống như giới doanh nghiệp, các nghệ sĩ xứ Đài cũng ngày càng phụ thuộc vào thị trường tỷ dân này.
Tham gia một show truyền hình bất kỳ, hay một bộ phim truyền hình vô thưởng vô phạt, hoặc mở liveshow ca nhạc, bán album, vé xem phim rạp hay nhận các hợp đồng quảng cáo cho thương hiệu, tất cả đều đem lại cho các nghệ sĩ món lợi gấp chục lần, thậm chí trăm lần nếu so với việc phải cạnh tranh ở đảo quốc chỉ hơn 20 triệu người.
Trong một thời gian dài, giống như các doanh nhân, các nghệ sĩ Đài Loan cũng được “miễn nói chuyện chính trị”. Doanh nhân làm ăn, còn nghệ sĩ làm nghệ thuật. Chính trị để ai đó lo.
Điều này có được một phần nhờ vào “Cộng thức 1992” (1992 Consensus), một thỏa ước đến từ cuộc gặp diễn ra năm 1992 giữa đại diện hai bên, trong đó nội dung quan trọng nhất là Đài Loan và Bắc Kinh đều thống nhất về sự tồn tại của “chỉ một nước Trung Quốc”. Vấn đề quan trọng nhất ở chỗ, ai mới xứng đáng đại diện cho Trung Quốc thì mỗi bên lại tự bảo lưu quan điểm của mình.
Chính quyền cộng sản Bắc Kinh tất nhiên cho rằng chỉ có họ là đại diện cho toàn bộ người Trung Quốc, và Đài Loan chỉ là một phần trong đó.
Chính quyền Đài Loan qua các đời, tuy mức độ ủng hộ dành cho thỏa ước khác nhau, đều không bao giờ chấp nhận trở thành một phần của Bắc Kinh. Họ cho mình mới là đại diện xứng đáng của một Trung Quốc duy nhất.
Vì những lý do chính trị lẫn kinh tế, trong nhiều năm hai bên đều ngầm mặc định duy trì thứ thỏa ước mập mờ, cộng thức nhưng không có chung ý thức này.
Cho tới khi Trung Quốc phát triển vượt bậc về kinh tế.
Các đời lãnh đạo sau này của Bắc Kinh, đặc biệt là từ thời của Tập Cận Bình, bắt đầu từ bỏ đường lối “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Họ muốn vươn vai hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”, lấy lại thể diện bị mất hàng trăm năm qua của mình.
Thứ thể diện đầu tiên phải lấy là “thu phục” con ngựa chứng Đài Loan.
Khi tinh thần dân tộc nồng nàn được tiêm vào đầu người dân đại lục, vùng xám để những người Đài Loan có thể an toàn hoạt động bắt đầu bị nhuộm đỏ.
Sự kiện cô ca sĩ trẻ Đài Loan Châu Tử Du, khi đó mới 16 tuổi, phải quay videocúi đầu xin lỗi, đọc “bản kiểm điểm” trước ống kính vì đã “lỡ” cầm vẫy lá cờ nhỏ xíu của Đài Loan vào năm 2016 khiến nhiều người giật mình.
Chỉ là khung hình thoáng qua trên một show truyền hình ở Hàn Quốc, nhưng hành động của Tử Du vô tình bị chộp lại, lan truyền khắp đại lục, khiến cô trở thành một trong những con dê được công khai tế thần.
Dưới áp lực của dư luận, của công ty quản lý, để cứu lấy sự nghiệp chưa kịp đi lên của mình, cô ca sĩ trẻ phải cúi gầm mặt xin lỗi đã làm “tổn thương Trung Quốc”.
Những người Đài Loan hoạt động ở đại lục, trong đó có các nghệ sĩ, càng lúc càng phát hiện ra rằng cường quốc này rất dễ “tổn thương”.
Để yên ổn làm ăn, làm nghệ thuật, kiếm tiền, họ buộc phải học cách giữ mồm giữ miệng, thậm chí là phát ngôn theo “kịch bản” của Bắc Kinh khi cần thiết.
Điều tương tự cũng diễn ra với các nghệ sĩ Hong Kong. Đó là lý do mà trong phong trào phản kháng đòi quyền dân chủ tự quyết của Hong Kong nhiều năm qua, số nghệ sĩ dám công khai lên tiếng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Những người ra mặt ủng hộ phong trào dân chủ như ca sĩ Hà Vận Thi (Denise Ho) hay diễn viên nổi tiếng Huỳnh Thu Sanh (Anthony Wong) đều bị liệt vào danh sách đen, cắt đứt toàn bộ hoạt động tại đại lục. Các bài hát của Hà Vận Thi bị gỡ khỏi tất cả các trang web ở Trung Quốc. Còn Huỳnh Thu Sanh, từ một diễn viên hạng A mỗi năm xuất hiện trong gần chục bộ phim lớn nhỏ, bị cô lập không nhận được lời mời đóng phim nào trong suốt vài năm.
Thậm chí gõ mấy ký tự hay chỉ một động tác vô thưởng vô phạt như ấn nút “like” cũng đủ gây họa.
Ca sĩ diễn viên Dương Thiên Hoa phải nhanh tay xóa post ghi vỏn vẹn chữ “RIP” (từ viết tắt của “rest in peace” – an nghỉ) sau khi có lời đồn đoán đó là động tác chia buồn dành cho một người biểu tình Hong Kong thiệt mạng.
Diễn viên truyền hình nổi tiếng Xa Thi Mạn thì đăng đàn xin lỗi vì “lỡ like” một bài viết về biểu tình tại Hong Kong.
Bi hài nhất là khi các nhân vật của công chúng này phát hiện ra mình phải xin lỗi cho cả… những thứ mình không làm.
Nghệ sĩ trẻ đang lên của Đài Loan Âu Dương Na Na vào đầu năm 2019 phải vất vả liên hồi vừa đăng bài vừa xuất hiện trên truyền hình trung ương Trung Quốc, hát bài “Tổ quốc và tôi”, tự hào nhấn mạnh nhiều lần “tôi là người Trung Quốc” và “tôi yêu đất nước này”.
Động thái này của Na Na là nỗ lực cứu vãn sự nghiệp ở đại lục khi không biết từ đâu xuất hiện tin đồn rằng cha cô, Âu Dương Long, một diễn viên nổi tiếng của Đài Loan, là người ủng hộ Đài Loan độc lập khỏi Trung Quốc.
Chỉ là một tin đồn vớ vẩn – Âu Dương Long là người của Quốc Dân Đảng và chưa hề có ý kiến gì ủng hộ Đài Loan độc lập – nhưng cũng đủ để công ty quản lý và cô nghệ sĩ trẻ lo sốt vó.
Ngay lập tức công ty phải ra tuyên bố “Âu Dương Na Na hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc chỉ có một nước Trung Quốc”.
Âu Dương Long trong khi đó lại lên tiếng trách cứ… chính quyền Đài Loan của Thái Anh Văn, vì đã để cho quan hệ hai miền trở nên xấu đi, khiến những người Đài Loan như con gái ông phải trở thành “nạn nhân”.
Lãnh đạo chính quyền Đài Loan trả lời thế nào?
“Chúng ta thông cảm với những nghệ sĩ làm việc tại đại lục”, và nhấn mạnh “đây chính là điểm khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc”.
Đó là hai thế giới, một bên có tự do, ai cũng có quyền phát ngôn và nêu quan điểm của riêng mình, cho dù khác biệt đến đâu cũng được tiếp nhận, và một bên mà để có thể tồn tại được, bất kể là ai cũng bắt buộc phải nhắm mắt làm theo ý của chính quyền, cho dù ở đây chỉ là một cô bé chưa tới hai mươi, không muốn làm gì ngoài hoạt động nghệ thuật.
Những lời trên là của Thủ tướng Tô Trinh Xương.
Không có gì khó hiểu khi tuyệt đại đa phần những nghệ sĩ Đài Loan và Hong Kong đều chọn cho mình con đường “miễn bàn chính trị”, cho dù họ xuất thân từ những xã hội dân chủ không kém gì bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Cũng không quá ngạc nhiên khi đa phần những ai lên tiếng, hay bị buộc phải mở miệng, đều chọn phát ngôn theo “chính sách của Đảng (Cộng sản Trung Quốc)”.
Có lẽ tập tính nhờ bóng quan lớn, cộng thêm lợi thế được “bao dung thấu hiểu” từ những cộng đồng dân chủ nơi mình xuất thân, đã tạo thành quán tính trong nhiều nghệ sĩ.
Thứ tập quán mà thỉnh thoảng, trong lúc cao hứng, khiến họ tin rằng mình có tư cách lên lớp, hoặc thậm chí xỉ vả những người đã bao dung mình.
Khi các nghệ sĩ lớn tiếng chỉ trích chính quyền, nhục mạ các lãnh đạo Đài Loan vì “chính sách khẩu trang”, họ đã vấp phải phản ứng vô cùng giận dữ từ người dân đảo quốc.
Người dân chất vấn họ vì sao trước nay ngậm tăm trước những hành động chèn ép cô lập Đài Loan của Bắc Kinh, ngăn cản cả việc đảo quốc tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với tư cách quan sát viên, không cho Đài Loan tiếp nhận các thông tin và hỗ trợ về đại dịch, khiến người dân nước này nhiều năm qua phải gồng mình tự lực cánh sinh đối phó với dịch bệnh.
“Tinh thần đại ái” (yêu thương toàn thể nhân loại) mà các nghệ sĩ này rêu rao cũng bị đặt câu hỏi khi không ai thấy họ lên tiếng bảo vệ giúp người dân Hong Kong, người dân Tây Tạng hay Tân Cương, những nạn nhân bị chính quyền cộng sản đàn áp bức hại.
Người Đài Loan có lẽ bức xúc dồn nén lâu ngày, khi họ chứng kiến những nghệ sĩ mình từng rất mực yêu mến ngày càng quay lưng lại với đảo quốc.
Điển hình như việc lễ trao giải Kim Mã danh tiếng của Đài Loan vào tháng 11/2019 vừa qua vắng bóng gần như tất cả những tên tuổi nổi tiếng của giới showbiz. Chính quyền Bắc Kinh không những công khai cấm cản nghệ sĩ đại lục tham gia, họ còn cố tình tổ chức lễ trao giải Kim Kê năm đó, một giải thưởng điện ảnh của Bắc Kinh, trùng với ngày diễn ra Kim Mã, buộc các nghệ sĩ Đài Loan và Hong Kong phải chọn một trong hai.
Dễ đoán được họ chọn ai.
Những gương mặt đình đám nhất trong làng giải trí Hoa ngữ đều hoan hỷ trên thảm đỏ của Trung Quốc, còn giải Kim Mã của Đài Loan lần đầu tiên sau nhiều năm diễn ra trong lặng lẽ khi chỉ có giới nghệ sĩ địa phương và một vài gương mặt quốc tế tham gia.
Lương tâm của các nghệ sĩ ngả theo hướng nào, có lẽ ai cũng hiểu, và có thể phần nào thông cảm.
Nhưng khi họ cho mình quyền lên lớp về lương tâm của người khác, sự thông cảm dễ chuyển thành lửa giận.
“Lòng nhân ái khẩu trang” lần này của họ cũng bị chỉ ra là đeo hoàn toàn lộn chỗ.
Trên thực tế, Đài Loan nhiều năm qua luôn nhập khẩu khẩu trang. Khoảng 80-90% lượng khẩu trang nhập khẩu của Đài đến từ chính Trung Quốc. Còn một số ít lượng khẩu trang sản xuất tại Đài Loan lại được xuất khẩu chủ yếu đi Nhật Bản.
Vậy nên khi Trung Quốc thiếu hụt khẩu trang, dân Đài Loan sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng. Và nếu việc sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, trong khi dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng, hậu quả đối với Đài Loan sẽ càng lớn.
Quyết định tạm ngưng xuất khẩu và hạn chế số lượng khẩu trang mỗi người có thể mang theo ra nước ngoài vì vậy là để đảm bảo an nguy của người dân trong nước, không phải một động tác chính trị nhắm đến người khác.
Cựu Tổng thống Mã Anh Cửu sau khi mở miệng chỉ trích, ngày hôm sau cũng đã phải phải dịu giọng “phải ưu tiên đủ cho người Đài Loan trước rồi mới tính chuyện xuất khẩu”.
Còn Phạm Vỹ Kỳ thì xóa bài viết, xin lỗi vì “không biết rằng Đài Loan thiếu khẩu trang”.
Thủ tướng Tô Trinh Xương một lần nữa lại thể hiện thái độ khoan dung, “xin lỗi rồi không nhắc lại chuyện đó nữa”.
Người dân Đài Loan có khoan dung được như vậy không, hạ hồi phân giải.
Câu chuyện giới nghệ sĩ trong làng giải trí Hoa ngữ phải loay hoay “làm người tốt” trong chế độ độc tài có lẽ cũng không khác lắm những gì nghệ sĩ Việt Nam đang trải qua.
Cùng là một thể chế độc chiếm thông tin, độc tấu tư tưởng và độc nấu sự thật, người ta rất hiếm khi thấy các nghệ sĩ xứ Việt lên tiếng “trái với đường lối chủ trương chính sách của Đảng”.
Những cá nhân ít ỏi đó đều trở thành “con cừu đen”, là cái gaitrong mắt chính quyền như nhạc sĩ Tuấn Khanh, bị đàn áp quấy nhiễu như Mai Khôi, hay thậm chí trở thành nạn nhân của những đòn thấp hèn như ca sĩ Văn Mai Hương.
Trừ phi quyền lợi cá nhân bị đụng chạm, tuyệt đại đa số những nghệ sĩ đều xem các vấn đề nhức nhối bất công của xã hội như con ngáo ộp vô hình – chỉ cần không nghe không thấy không biết thì nó sẽ không cắn mình.
Người Việt còn đủ bao dung để chấp nhận những nghệ sĩ bốn-chấm-không kiểu này tới bao giờ, thời gian sẽ trả lời.
Nhưng nếu các nghệ sĩ đã lựa cuộc sống bốn-chấm-không thì có lẽ cũng nên hiểu đúng về vai mà mình đã chọn, cùng với sân khấu mà mình đang đứng.
Hai năm trước, vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh hứng cơn thịnh nộcủa nhiều người khi lên tiếng ủng hộ việc xây nhà hát Thủ Thiêm.
Trong cơn sóng gió đó, có người lên tiếng cho rằng đây là hành vi không văn minh của dư luận, không tôn trọng quyền tự do ngôn luận (cứ như thể Đảng Cộng sản Việt Nam không hề tồn tại!).
Nghệ sĩ cũng là người, cũng có quyền bày tỏ ý kiến như bất kỳ ai, họ khẳng định.
Tất nhiên nghệ sĩ hoàn toàn có quyền bày tỏ ý kiến. Cho dù họ sống trong thể chế độc tài, ít nhất quyền được nói của họ cũng không thể thấp hơn quyền được nói của người khác.
Nhưng khi lời nói của họ càng được nhiều người nghe, họ lại càng phải chuẩn bị tâm thế bị nhiều người nói.
Nếu nói đúng sự thật, có tình có lý, đủ thuyết phục, số được sẽ vượt xa số bị.
Trường hợp của Mỹ Linh là ngược lại, cái bị đè bẹp cái được.
Lý do giản dị vì cô đã tự tin lên tiếng khi không tìm hiểu dự án nhà hát này được xây ở đâu (trên mảnh đất mà biết bao dân oan còn đang gào thét đòi công lý), với mục đích gì (tốt cho dân sinh tới mức chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phải “họp bất thường” để cố thông qua cho bằng được).
Sự giận dữ còn thể hiện qua cách mà cô “lên lớp” người khác về “quyền yêu cái đẹp”.
Nó cũng tương tự như cách những nghệ sĩ nổi tiếng ở Đài Loan muốn dạy dỗ người khác về “lòng nhân đạo vô biên”, để rồi nhận lấy vô số “gạch đá” từ dư luận.
Bất kỳ ai, đặc biệt những người đang phải sống trong ách độc tài, cũng luôn khao khát được hướng tới chân lý thật sự, tìm về cái lương tính nguyên sơ, để sống một cuộc đời đẹp đúng nghĩa.
Những nghệ sĩ, những người chọn lấy vai trò tạo ra cái chân, cái thiện, cái mỹ, vẫn sẽ luôn là đối tượng nhận được nhiều sự ái mộ.
Nhưng để được tôn trọng thật sự, họ sẽ phải làm nhiều hơn là những con người bốn-chấm-không.
Các nghệ sĩ không thể, và cũng không nên sống sao cho vừa lòng tất cả mọi người.
Họ chỉ cần sống không thẹn với người mình nhìn thấy trong gương.