Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Bài viết này nằm trong chuỗi bài dự báo về tác động của đại dịch COVID-19 tới cuộc sống của con người.
Trái với suy nghĩ thông thường, các thảm họa không hoàn toàn là chuyện xấu đối với chính quyền, nhất là những chính quyền đang chật vật. Trong nhiều trường hợp, nó là cú hích để vực dậy vai trò của chính quyền và người lãnh đạo trong mắt nhân dân.
Vì thế không lạ chút nào khi mặc dù nhận nhiều chỉ trích về quá trình xử lý cơn đại dịch (xem thường mức độ nghiêm trọng, công tác chuẩn bị yếu kém, không chủ động cho xét nghiệm đại trà sớm, quan tâm đến các chỉ số kinh tế nhiều hơn là mạng người…), kết quả khảo sát mới nhất lại cho thấy số lượng người dân Mỹ đồng tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tăng cao hơn so với vài tuần trước.
Trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, mức độ ủng hộ của người dân dành cho lãnh đạo đều tăng cao khi đất nước đối diện với các cuộc khủng hoảng: chỉ số ủng hộ của “Bush con” lên đến 90% ngay sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, của “Bush cha” tăng khi chiến tranh Vùng Vịnh xảy ra, của Ronald Reagan tăng sau khi bị ám sát hụt…
Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là hiệu ứng “quần tụ quanh lá cờ” (rally-around-the-flag): khi đối diện với khủng hoảng, người dân có xu hướng đoàn kết lại quanh lãnh đạo/ chính quyền.
Margaret O’Mara, giáo sư sử học tại Đại học Washington, nhận định đại dịch corona lần này khiến người dân cảm nhận rõ ràng sự hiện diện của chính quyền hơn xa mức bình thường. Người dân theo dõi tin tức cập nhật hàng ngày từ các cán bộ y tế, nghe theo hướng dẫn từ quan chức, tìm kiếm sự giúp đỡ và gửi gắm hy vọng vào các nhà lãnh đạo. Họ nhìn thấy vai trò cực kỳ quan trọng của “ông nhà nước” (big government) trong khủng hoảng. Margaret O’Mara cho rằng người dân không chỉ cần nhiều hơn vai trò của “ông nhà nước” để vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng, họ sẽ còn cần chính quyền với vai trò lớn và khôn ngoan hơn ngay cả sau khi đại dịch đã qua.
Lilliana Mason, phó giáo sư về ngành chính trị và nhà nước tại Đại học Maryland cũng có cùng dự báo. Bà cho rằng ấn tượng xấu về vai trò của chính quyền trong xã hội sẽ không còn tồn tại khi đại dịch kết thúc. Cuộc khủng hoảng này là minh chứng trên toàn cầu rằng một chính quyền làm được việc (a functioning government) là thứ tối cần thiết để xây dựng một xã hội khỏe mạnh.
Đối với những thể chế độc tài, nơi các khái niệm “tổ quốc”, “nhà nước”, “đảng cầm quyền” và “lãnh đạo” xưa nay đều bị nhập làm một, khi đối diện với nỗi sợ hãi dịch bệnh, người dân lại càng có xu hướng quần tụ dưới bóng chính quyền hơn.
Trước đại dịch, chính quyền có khả năng huy động tổng hợp các nguồn lực để đối phó, nới lỏng luật lệ để đẩy nhanh quá trình sản xuất thuốc và vaccine (dù rằng việc đốt cháy giai đoạn này có thể gây ra nhiều hệ lụy), tổ chức và điều phối việc sản xuất những dụng cụ thiết bị y tế cấp thiết…
Chuyên gia Steph Sterling tại Viện nghiên cứu Roosevelt dự báo trong tương lai, chính quyền sẽ đóng vai trò “nhà thuốc lớn” (Big Pharma), chủ động tham gia và nhận nhiều trách nhiệm hơn trong hoạt động phát triển sản xuất các loại thuốc chữa trị. Các công ty dược tư nhân sẽ chỉ ưu tiên nguồn lực phát triển vaccine và thuốc điều trị cho những đại dịch trong tương lai khi nào lợi nhuận của họ được đảm bảo. Theo ông, nếu để mặc cho các hãng dược hoạt động theo cơ chế thị trường như hiện tại sẽ là quá trễ để phản ứng lại đại dịch.
Vai trò tăng lên, nhưng dịch bệnh corona lần này đồng thời sẽ khiến chính quyền phải thay đổi cách thức hoạt động.
Phó Giáo sư Ethan Zuckerman thuộc ngành nghệ thuật và khoa học truyền thông của đại học MIT cho rằng đại dịch sẽ khiến nhiều chính quyền phải chuyển hướng sang hoạt động trực tuyến. Thay đổi này có thể tạo ra nhiều hệ quả tích cực.
Ông lấy ví dụ hoạt động của Quốc hội Mỹ. Trước nguy cơ lây nhiễm khi tụ tập đông người, các đại biểu không nên nhóm họp trực tiếp tại tòa nhà Quốc hội. Thay vào đó, mỗi đại biểu nên quay về địa phương, có cơ hội tiếp xúc gần gũi với những cử tri đã bầu ra mình, trở nên thấu hiểu và cảm thông hơn với những vấn đề bức xúc tại cơ sở. Những buổi làm việc tranh luận về chính sách sẽ được tổ chức trực tuyến. Các cuộc hội nhóm, những bữa tiệc tùng vận động hành lang (lobby) giữa các nhóm chính khách sẽ khó diễn ra hơn khi các đại biểu Quốc hội không còn tập trung tại một chỗ. Zuckerman hy vọng rằng một khi các dân biểu dành nhiều thời gian hơn cho những người đã bầu ra mình, sự phục tùng với đảng phái của họ sẽ nhường bớt chỗ cho lòng trung thành với nhân dân.
Ở Việt Nam, Quốc hội cũng đã thông báo về việc tổ chức họp trực tuyến cho các nhóm chuyên trách từ đầu tháng 4/2020. Dịch coronavirus cũng là cơ hội chính quyền đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công qua mạng, đơn giản hóa thủ tục trực tuyến, hạn chế việc người dân phải đến các cơ quan nhà nước trong bối cảnh dịch bệnh lây lan.
Có thể thấy đại dịch tuy là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để các chính quyền vừa đổi mới, vừa xây chắc vị thế của mình trong mắt người dân.
(Còn nữa)