Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Kỳ 1: Ai đạo, đạo ai
Kỳ 2: Ai đạo hơn ai
Kỳ 3: Vì sao và làm thế nào để bớt đạo
Vài chục năm trước, người viết từng đọc được một truyện ngắn đăng trên một tạp chí ưa thích.
Câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ mới cưới. Người vợ một hôm đột nhiên nghĩ ra trò chơi, rằng hai vợ chồng sẽ viết những tật xấu của người kia vào tờ giấy và đọc cho nhau nghe. Sau khi viết xong, cô vợ đọc trước, một lô một lốc những tật xấu của chồng được kể ra, từ không ngăn nắp, ở bẩn, vô tâm, đến cả cách ăn nho khó coi… Tới lượt mình, người chồng cầm tờ giấy gãi đầu cười ngu ngơ, “anh chẳng biết tật xấu nào của em cả”.
Một hai năm sau đó, câu chuyện tái xuất hiện khi lướt qua một tờ tạp chí khác, với nội dung gần như lặp lại hoàn toàn, chỉ thay một số câu chữ, và đổi chi tiết ăn nho sang một loại trái cây nào đó mà bây giờ không còn nhớ nổi.
Sau một thoáng ngỡ ngàng, người viết nhận ra mình đang gặp một sinh vật mới toanh xưa nay chưa từng biết đến: các “đạo nhân”, những người ăn cắp chữ của kẻ khác.
Tất nhiên bây giờ nhớ lại, người viết cũng không thể đoan chắc rằng câu chuyện ngôn tình có mùi “súp gà” ở trên có phải là do một trong hai người này sáng tác không, hay chính họ cũng “mượn” ở đâu đó. Hoặc liệu có phải đó là cùng một người tự đạo văn của mình hay không.
Tự đạo văn (self-plagiarism) là một hình thức đạo văn đặc biệt.
Theo định nghĩa hẹp nhất của từ, đó không phải là một tội lỗi nào cả. Khi một người tự ăn cắp một thứ của chính mình, chẳng có ai là nạn nhân.
Nhưng chúng ta đều biết đạo văn không phải là hành động ăn cắp chữ đơn thuần.
Về bản chất, đạo văn là hành vi lừa đảo.
Hai yếu tố chính cấu thành nên hành vi đạo văn là sự che giấu và hậu quả phụ thuộc vào nó.
Có rất nhiều người tới nay vẫn không nghĩ tự đạo văn là một hành vi tiêu cực. Trong sách của mình, Richard A. Posner nhận định tự đạo văn không tính là đạo văn, và nó cũng không gây hại cho ai. Có lẽ vì những dẫn chứng ông đưa ra đều thuộc loại “bắt chước sáng tạo” (creative imitation) – những người dùng lại các nội dung trước đó của mình để tạo ra sản phẩm mới.
Nhưng tự đạo văn và (bắt chước) sáng tạo là hai khái niệm hoàn toàn khác.
Cách đây hai năm, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp đã công bố báo cáo về bằng chứng tự đạo văn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Theo đó, ông Nhạ được cho là sao chép gần như 100% bài báo tiếng Anh của mình vào năm 2013 để đăng lại thành một bài mới vào năm 2014. Các trích dẫn tham khảo trong bài viết cũng bị chỉ ra là có vấn đề. Nội dung bài không đạt chất lượng học thuật. Ngay cả tạp chí đăng hai bài này cũng bị tố cáo là “giả khoa học”.
Đối diện với các cáo buộc rất nghiêm trọng này, Bộ trưởng Nhạ hoàn toàn không có bất kỳ phản hồi nào. Toàn bộ cơ quan báo đài đồ sộ trong nước cũng không hề cất tiếng. Một bài viết hiếm hoi đăng trên báo Người Lao Động yêu cầu ông Nhạ lên tiếng ngay lập tức bị gỡ chỉ sau vài giờ.
Cho tới nay, sự việc gần như hoàn toàn chìm xuồng. Điều này có thể giải thích một phần là “nhờ vào” thể chế độc tài một mình một chợ, kiểm soát toàn bộ báo chí, giúp ông Nhạ cũng như các đồng nghiệp của mình có được đặc quyền hiếm hoi mà không quan chức nào trên thế giới có được (ngoại trừ quan chức những nước “anh em” như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên). Thứ đặc quyền không cần chịu trách nhiệm trước dân về bất kỳ điều gì mình làm.
Một phần lý do khác là dư luận trong nước vẫn chưa quen thuộc với khái niệm tự đạo văn. Nhiều người còn không cho nó là thứ tội lỗi gì đặc biệt.
Xét theo tất cả các tiêu chí, trường hợp của ông Nhạ là một hình thức tự đạo văn điển hình.
Nó là hành vi lừa đảo, khi che giấu nguồn gốc của bài viết đã xào nấu cắt ghép, tạo ra một “sản phẩm mới” giả tạo.
Nạn nhân của nó vừa là những người đọc phải sản phẩm mới giả tạo đó, vừa là các đồng nghiệp cạnh tranh với ông Nhạ (nhờ vào hành vi gian lận này, ông tạo được “thành tích” giả, từ đó có lợi thế hơn những người khác).
Với các hành động tự đạo văn tương tự như ông Nhạ, nó còn gây thiệt hại cho tạp chí khoa học nơi đăng bài (lãng phí nguồn lực, mất uy tín), đồng thời gây nhiễu cơ sở dữ liệu của cộng đồng khoa học trên thế giới (chứa những dữ liệu “rác” thay vì có giá trị thật sự).
Trên thực tế, tạp chí đăng bài của Bộ trưởng Nhạ cũng bị chỉ ra là “giả khoa học”, nên thiệt hại của họ có lẽ không có gì đáng kể.
Những trường hợp như của ông Nhạ là một bài kiểm tra hai-trong-một cho dư luận, xem họ phản ứng thế nào với một “đạo nhân” có quyền lực, và xem họ có hiểu được bản chất lừa đảo của hành vi đạo văn, cho dù mang vỏ bọc “tự đạo”.
Phản ứng của dư luận là thứ quan trọng nhất để đối phó với hành vi đạo văn và các đạo nhân.
Đó là vì đạo văn, trừ trường hợp vi phạm các điều luật về quyền sở hữu trí tuệ, vẫn chỉ là một lỗi chứ không phải là tội.
Công lý đám đông vì vậy là cách thức hiệu quả nhất để chỉnh sửa các hành vi vô đạo đức này.
Nó có thể gây áp lực đủ lớn để ngay cả những người cứng đầu nhất cũng phải nhận sai và xin lỗi, như trường hợp đạo thơ ồn ào của một nhà thơ nữ cách đây vài năm. Nó có thể khiến bộ máy tuyên truyền của chính quyền độc tài phải âm thầm ngậm miệng, như trong một trường hợp “bài thơ yêu nước” bị phát hiện là hàng nhái gần đây.
Nhưng dư luận hay công lý đám đông cũng cần phải cẩn trọng và chừng mực trước những áp lực của mình gây ra.
Giống như mọi thứ tội lỗi khác, bất kỳ ai cũng có thể một lúc nào đó, vô tình hay cố ý, trở thành “đạo nhân”.
Thước đo cho phản ứng của mỗi người nên được đặt vào hai điểm: bản thân mình muốn được ứng xử ra sao trong trường hợp mắc lỗi, và thái độ của “đạo nhân” thế nào khi bị phát hiện lỗi.
Nếu người mắc lỗi thành thật nhận sai và nhanh chóng tìm cách khắc phục, họ xứng đáng được để yên.
Còn trong trường hợp ngược lại, họ xứng đáng đón nhận cơn thịnh nộ của những người đã bị họ lừa.
Ở một khía cạnh khác, ta có thể tham khảo cách người ta xem xét hình phạt dành cho tội phạm.
Như Richard A. Posner so sánh, các nhà làm luật và thẩm phán khi cân nhắc mức độ xử phạt, ngoài hậu quả gây ra họ còn xem xét động cơ (incentive) thực hiện hành vi phạm tội.
Động cơ này phụ thuộc một phần vào mức độ dễ dàng và khó khăn: dễ thực hiện và khó bị phát hiện.
Một hành vi xấu càng khó bị phát hiện càng dễ khuyến khích người ta thực hiện. Động cơ làm chuyện xấu vì vậy càng lớn. Để đối trọng lại với nó, hình phạt tương ứng phải càng nghiêm khắc để ngăn chặn động cơ đó hình thành.
Những người nắm quyền lực địa vị trong tay khi phạm tội vì vậy sẽ bị xử nặng hơn cũng vì lý do đó. Nếu hình thức chế tài quá lỏng lẻo, với nguồn lực của mình, họ sẽ dễ dàng tiếp tục thực hiện hành vi xấu mà không sợ chịu bất kỳ hậu quả nào.
Ở Việt Nam, đến tận thời điểm hiện tại của thế kỷ 21, công lý dành cho quan chức, những người chiếm giữ quyền lực, tiền bạc và địa vị, cùng với công lý dành cho dân đen thấp cổ bé họng, vẫn khác xa một trời một vực.
Sức mạnh của dư luận vì vậy vẫn phải đóng vai trò tối quan trọng trong việc chỉnh sửa những hành vi xấu, giữ cho hai chữ “công bằng” còn mang chút ý nghĩa thực tế.
Từ plagiarius trong tiếng Latin, trước khi được hiểu là “đạo văn” như hiện tại, có nghĩa gốc chỉ những kẻ ăn cắp nô lệ của người khác, hoặc bắt một người tự do biến họ thành nô lệ.
Đạo văn, cũng như mọi hành vi lừa đảo khác, cũng có hệ quả tương tự. Nó biến mọi người trong cuộc, kể cả bản thân người thực hiện, trở thành nô lệ cho sự gian lận.
Đó không phải là lựa chọn của những con người tự do.
(Hết)