Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Thật khó để thuyết phục tôi đồng ý với một bản án tử hình khi tòa tuyên có sai sót quan trọng trong quá trình điều tra nhưng vẫn xác định được đúng hung thủ. Nói vậy chẳng khác nào phương pháp thực nghiệm khoa học sai nhưng vẫn chứng minh được giả thuyết là đúng.
Và cách người ta chứng minh giả thuyết đó là dựa vào lời nhận tội của Hồ Duy Hải và việc Hải không kêu oan.
Trong quá trình theo dõi cuộc tranh luận giữa cả hai phía ủng hộ và phản đối bản án của Toà Tối cao, có một lập luận quan trọng và có tính thuyết phục cao của phe ủng hộ bản án tử hình Hồ Duy Hải đó là trong suốt quá trình xét xử, Hồ Duy Hải không kêu oan mà chỉ làm đơn xin chủ tịch nước ân xá sau phiên toà phúc thẩm.
Lập luận Hồ Duy Hải không kêu oan mà làm đơn xin ân xá có sức thuyết phục cao vì nếu không kêu oan, đồng nghĩa với việc Hồ Duy Hải chấp nhận rằng mình phạm tội giết người đúng như các bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm đã tuyên.
Lập luận Hồ Duy Hải không kêu oan cũng được xác nhận bởi bà Trần Thị Nhanh, là người ký cáo trạng truy tố Hồ Duy Hải khi còn là phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An.
Bà còn nói khi không còn làm ở VKSND tỉnh bà có vài lần đến trại tạm giam để gặp Hải. Hải ít nói hơn, không một lần kêu oan.
Lập luận Hồ Duy Hải không kêu oan mà nhận tội cũng được Hội đồng Thẩm phán Toà Tối cao sử dụng để biện minh cho bản án giám đốc thẩm. Tuy nhiên những lập luận của chính các thẩm phán cũng cho thấy việc Hải nhận tội không thống nhất với nhau, có thời điểm Hải nhận tội khi toà xét hỏi, nhưng cũng có thời điểm Hải không nhận tội khi luật sư hỏi.
Tuy nhiên, có những bằng chứng và thông tin cho thấy Hồ Duy Hải, gia đình và các luật sư bào chữa cho Hải đã kêu oan nhiều lần
Trong một bài viết xuất hiện trên báo Pháp luật Việt Nam có tựa đề “Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án” từ năm 2015 cho thấy Hồ Duy Hải đã liên tục kêu oan. Bài báo cho biết: “Theo luật sư Nguyễn Văn Đạt (người bào chữa cho Hải trong cả hai phiên tòa sơ phúc thẩm) thì ngay trong lần đầu tiên gặp Hải (trước khi có cáo trạng), Hải đã kêu oan và từ đó đến nay, Hải liên tục kêu oan nhưng không được xem xét và trong hồ sơ vụ án không hề ghi nhận điều này”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hải cũng kêu oan, luật sư Nguyễn Văn Đạt cũng liên tục gởi đơn kêu oan cho Hải từ năm 2012, đến đầu năm 2015 là 43 lá đơn. Gia đình Hải cũng kêu oan khi mà “mỗi lần đi thăm nuôi mà có thể nói chuyện riêng, Hải đều nhắc nhở gia đình là làm đơn gửi chủ tịch nước kêu oan”.
Có một chi tiết thú vị trong bài báo liên quan đến việc kêu oan của Hải đó là trong phiên xử sơ thẩm “âm thanh của các người khác phát biểu đều được truyền rất tốt, nhưng đến phần kêu oan của luật sư Đạt thì âm thanh bị hư, không ai nghe được gì cả”.
Một thông tin quan trọng là Hồ Duy Hải có nhận tội trong buổi gặp gỡ với bà Lê Thị Nga trong Đoàn giám sát Quốc hội đã được luật sư Ngô Ngọc Trai cải chính thành Hải không thừa nhận mình là thủ phạm.
“Sau bài viết của mình lúc sáng một người có cương vị đã kiểm tra lại biên bản làm việc cho biết: Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với tử tù Hồ Duy Hải trước đây có trao đổi hỏi han về việc nhận tội nhưng không phải là Hồ Duy Hải đã nhận tội với bà Lê Thị Nga, tức là Hồ Duy Hải không thừa nhận khẳng định mình là thủ phạm.
Trong buổi làm việc đó bà Lê Thị Nga có hỏi Hải vì sao nhận tội thì Hải có chia sẻ nhiều nội dung liên quan đến cá độ bóng đá nợ số tiền 20 triệu, sự túng quẫn tiền bạc và những bí bách áp lực gặp phải trong quá trình điều tra.
Hồ Duy Hải có lần làm đơn xin chết, có lần tự tử không muốn sống, nhưng việc lấy lý do Hồ Duy Hải có đơn xin thi hành án để chứng minh rằng Hải không oan là sai”.
Những điều tôi tìm thấy đó là Hồ Duy Hải và luật sư có kêu oan nhưng không hiểu vì lý do gì, những lời kêu oan đó không được ghi nhận vào hồ sơ vụ án.
Lập luận của bản án giám đốc thẩm về việc “trong những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội” là không khách quan và không trả lời đúng cho câu hỏi Hồ Duy Hải có kêu oan hay không.
***
Một điều tôi cảm thấy rất băn khoăn trước các bản án tử hình đó là luôn có xác suất toà kết án sai. Điều này đồng nghĩa với việc toà án giết lầm người vô tội. Trong trường hợp đó, ai sẽ chịu trách nhiệm cho cái chết đó? Việc bồi thường bằng tiền trở nên vô nghĩa đối với người thân trong gia đình nạn nhân.
Luôn tồn tại một xác suất không chắc chắn về các vụ án tử hình. Trong vụ án Hồ Duy Hải, với những điều còn rất đáng nghi ngờ, có một xác suất không nhỏ Hồ Duy Hải bị oan. Và nếu bản án được thực thi, khi xác suất không nhỏ đó diễn ra, ai trong số các thẩm phán sẽ chịu trách nhiệm cho sai lầm của mình? Người nhà Hồ Duy Hải có quyền yêu cầu công lý cho cái chết của con mình hay không và bằng cách nào?
Trong toán học, một chứng minh là một cách trình bày thuyết phục (sử dụng những chuẩn mực đã được chấp nhận trong lĩnh vực đó) rằng một phát biểu toán học là đúng đắn. Một mệnh đề chưa được chứng minh nhưng được chấp nhận đúng được gọi là một phỏng đoán.
Trong hoạt động tư pháp cũng tương tự, một bản án hình sự là một giả thiết cần được chứng minh bằng cách sử dụng các thủ tục tố tụng chuẩn mực đã được chấp nhận trong lĩnh vực điều tra, xét xử. Một bản án chưa được chứng minh do có sai sót về tố tụng nhưng được chấp nhận không làm thay đổi bản chất được gọi là một phỏng đoán.
Liệu xã hội Việt Nam có chấp nhận cho phép toà kết án tử hình một người bằng một phỏng đoán?