Luật Khoa tròn 10 tuổi 🎉
Hôm nay, 5/11, là ngày kỷ niệm 10 năm thành lập của Luật Khoa. Chúng tôi hân hạnh có
Nếu bạn đã biết về vụ án của Hồ Duy Hải trước khi đọc bài viết này hãy cùng tôi trở về quá khứ. Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn nghe đến vụ án này là khi nào và lúc đó bạn biết gì về vụ án này.
Nếu bạn biết đến Hồ Duy Hải khi anh ấy sắp bị đưa đi xử tử và may mắn được tạm hoãn thi hành án thì đó là vào những ngày cuối năm 2014.
Nếu bạn biết đến Hồ Duy Hải vì thấy mẹ của anh, bà Nguyễn Thị Loan, lâu lâu lại vạ vật biểu tình trên đường phố Hà Nội thì có thể đó vào là sau năm 2016, lúc này bà Loan và gia đình đã bán gần hết tài sản và cố gắng tìm kiếm một phiên tòa giám đốc thẩm cho con.
Nếu bạn biết đến Hải vào năm 2008, thì có thể bạn sẽ tin ngay rằng Hải là hung thủ của vụ án. Ví dụ như một bài báo của VietNamNet đã tường thuật rằng công an đã “bắt khẩn cấp Hồ Duy Hải (1985) là hung thủ giết hai nữ nhân viên bưu cục Cầu Voi” và Hải đã nhận tội một ngày sau khi bị bắt. Bài báo của VietNamNet còn cho biết Hải là dân cá độ bóng đá, chơi số đề đến nợ nần ngập đầu đến nỗi phải bỏ trốn. Bài báo này còn dẫn lời của bà Loan, ghi là dì của Hải (mà thật ra là mẹ), nói rằng Hải từng cầm xe để trả tiền thua độ bóng đá, thua số đề.
Hai năm trước, khi vào một tiệm photocopy ở Hà Nội, một nhân viên còn rất trẻ của cửa hàng, sau khi thấy tài liệu tôi mang đi in có hình của Hải, hỏi tôi là Hải được thả ra chưa vì anh nói rằng “vụ án này là bị oan mà”.
Trong hơn ba năm làm việc về chống tra tấn trong trại tạm giam và án tử hình, tôi luôn cảm thấy một sự nuối tiếc rất lớn. Hầu hết chúng ta đều biết về các vụ án oan quá muộn khi công an và báo chí đã làm xong nhiệm vụ “xét xử” nghi phạm ngay sau khi người đó bị bắt.
Giữa năm 2018, tôi tìm gặp Lê Minh Nhựt, cậu thiếu niên 16 tuổi bị bắt trong vụ cướp một chiếc điện thoại ở Cà Mau cùng hai người bạn của mình vào năm 2015.
Lúc đó, Nhựt đã được minh oan sau một năm bị tạm giam, trong đó có hơn sáu tháng bị giam trong một căn phòng rất nhỏ, vừa nóng vừa ẩm, chỉ có một ô cửa bé tí cùng với ba người thanh niên khác. Nhật nói đó là cách cán bộ trừng phạt cậu khi không chịu nhận tội theo lời cán bộ. Có đêm, điều tra viên ép cậu gọi điện thoại về nhà để xin lỗi ba mẹ và đoạn ghi âm này được dùng như một bằng chứng để chứng minh cậu đã nhận tội.
Một năm bị tạm giam, cuộc đời Nhựt bị hủy hoại hoàn toàn. Nhựt bỏ học vì bị bạn bè kỳ thị, gia đình thì ngập trong nợ nần. Khi tôi tìm gặp Nhựt, gia đình cậu sống trong một căn nhà trọ nhỏ ở Bình Dương, nơi cậu thanh niên phải gia nhập vào đời sống công nhân cực nhọc trong các xưởng gỗ nóng bức và bụi bặm thay vì đi học ở một trường đại học hay cao đẳng nào đó.
Hai người bạn của Nhật cũng không hơn gì cậu. Họ nói rằng mình đã bị công an đánh rất nặng nên phải nhận tội. Gia đình hai cậu này còn tin rằng con của họ phạm tội thật sự vì đã nhận tội.
Lúc Nhựt bị bắt, mẹ cậu đang làm chân giúp việc cho một quán bán bánh xèo, cha cậu là một bảo vệ. Hai người nói mình đã làm theo những gì công an hướng dẫn khi con trai vừa bị bắt: đi bồi thường cho gia đình nạn nhân và thuê một luật sư do công an hướng dẫn.
Kịch bản này lặp lại trong vụ án của Hồ Duy Hải. Mẹ cậu nói rằng công an đã hướng dẫn gia đình thuê một luật sư ở địa phương, người đã hướng dẫn gia đình Hải đi bồi thường cho hai gia đình nạn nhân và xin tòa tuyên án chung thân cho Hải.
Cùng năm Hải bị bắt (2008), ông Trần Quốc Vượng, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, bây giờ là Thường trực Ban Bí Thư, nói rằng: “Trong hàng vạn vụ án, chuyện sai sót không thể tránh khỏi”.
Tuy nhiên, hành động tra tấn dã man nghi phạm, hướng dẫn gia đình thuê luật sư theo chỉ định của công an thì không thể nói là vô tình, hay “không thể tránh khỏi”.
Năm 2019, ông Hàn Đức Long nói với tôi rằng ông phải uống rượu đêm trong lúc đi vòng quanh sân gạch ở trước nhà vì các cơn đau trên người và nỗi ám ảnh vì bị tra tấn trong 11 năm tạm giam khiến ông không thể ngủ.
Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang nói sẽ lắp camera trong phòng hỏi cung. Sáu năm sau vào tháng 9/2019, chính phủ thông báo sẽ ghi âm, ghi hình nghi phạm trên cả nước từ ngày 1/1/2020 nhưng đến cuối năm 2019 thì Bộ Công an quyết định lùi vô thời hạn.
Hàng ngày, chúng ta ngắm nhìn những tượng đài trên đường phố được dựng lên bằng một tiền thuế của mình, và hàng nghìn hàng vạn chiếc camera được lắp trên phố để giám sát mình, nhưng công an vẫn chưa lắp được camera trong các phòng hỏi cung, nơi ai trong chúng ta cũng đều có khả năng ngồi vào đấy.
Trong lúc bạn đọc bài viết này, ở Hải Dương, Nguyễn Trọng Đoàn, em trai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đang quằn quại với căn bệnh ung thư xương với chỉ một cánh tay còn lại.
Năm 2007, Đoàn bị bắt một tuần sau khi anh trai Nguyễn Văn Chưởng bị bắt vì tình nghi liên quan đến vụ án mạng mà nạn nhân là một thiếu tá công an. Nhưng Đoàn không liên quan gì đến vụ án mạng này, anh bị tuyên án hai năm tù giam vì tội “che dấu tội phạm” sau khi lấy lời khai từ các nhân chứng trong xã và mang giấy xác nhận thời gian ngoại phạm của anh trai mình lên công an thành phố Hải Phòng.
Khi bị giam giữ, Đoàn đã biết ở tù là như thế nào. Nơi đó, anh nói những cán bộ đã sống trên sự bóc lột những người tù, một kiểu trại tập trung mới, nơi quản giáo được gọi là “thầy”.
Anh nói những phạm nhân không có tiền cho cán bộ thì không có “tem thầy”, phải luôn nằm “úp thìa” (nằm nghiêng một bên) suốt khi ngủ trong phòng giam hơn 100 phạm nhân và không ai được đi dép, kể cả vào mùa đông. Đoàn phải sống chung với những “con ghẻ” vì hiếm khi được tắm rửa tử tế. Nước uống của phạm nhân là nước từ vòi dùng để tắm rửa. Những người không có người nhà tiếp tế phải ăn cơm không thường xuyên, một tuần được hai bữa đậu phụ chiên (sáng thứ Ba và sáng thứ Sáu), mười ngày mới được một miếng thịt mỡ.
Khi chuyển trại mấy tháng trước khi mãn hạn tù, Đoàn có lúc bị bắt gánh 900 viên gạch trong một buổi trong khi sức khoẻ đã suy yếu sau 18 tháng bị giam giữ.
Khi tôi ngồi với Nhựt trong một quán cà phê gần nhà, trước lúc rời đi, Nhựt nói rằng em là người rất may mắn so với những người khác bị giam cùng mình vì họ không có ai biết đến, không có luật sư, không có người thân và đã phải cam chịu những bản án bất công cho đến khi mãn hạn tù.
Vụ án của Hải là một con sóng nhỏ trong biển người oan ức, nơi những vụ án mạng xảy ra hàng tuần và nhiều vụ án nhỏ lẻ như của Nhựt có khi còn không được ai biết đến.