Trong khi cuộc bầu cử Mỹ đã trở thành màn đối đầu trực diện giữa Joe Biden và Donald Trump, nhiều người đang lan truyền thông tin cho rằng ông Biden đã phản đối giúp người Việt Nam tị nạn sang Mỹ sau khi Sài Gòn thất thủ.
Cáo buộc
Một số trang thông tin cho rằng Joe Biden từng ngăn cản việc giúp người tị nạn Việt Nam khi ông còn là thượng nghị sĩ. Thông tin được dẫn nguồn từ Washington Examiner trong một bài viết năm 2019.
Bài viết này nhấn mạnh vào những phát ngôn được cho là của ông Biden vào thời điểm đó, khi đề xuất cứu trợ miền Nam Việt Nam được trình ra Quốc hội:
“Hoa Kỳ không có nghĩa vụ giải cứu người ngoại quốc, bất kể là nghĩa vụ đạo đức hay là gì khác.”
“Chúng ta không phải cứu người nào từ Nam Việt Nam cả, dù là dù là 1 hay là 100.001 .”
Kiểm chứng
Không có nhiều ghi chép chính thức của chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến phát ngôn của Thượng nghị sĩ Biden về vấn đề người tị nạn Việt Nam vào thời điểm trước ngày 30/4/1975.
Nguồn tin duy nhất được Washington Examiner dẫn lại là Biên bản cuộc họp vào ngày 14/4/1975 giữa Tổng thống Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và một số quan chức chính quyền khác tại Nhà Trắng. Ông Biden tham gia cuộc họp với tư cách là thành viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện.
Tuy nhiên, trong văn kiện được lưu giữ tại Thư viện Ford không hề có ghi chép nào về hai câu nói được Washington Examiner trích dẫn ở trên.
Dưới đây là toàn bộ phát ngôn của Biden trong cuộc họp này, kèm theo bản dịch tiếng Việt. Bản dịch có tham khảo bài trên trang VietBao.
- Biden: “What concerns us is that a week ago Habib told us we would be formulating a plan. A week has gone by and nothing has happened. We should focus on getting them out. Getting the Vietnamese out and military aid for the GVN are totally different.”
“Điều làm chúng tôi lo ngại là một tuần trước, ông Habib (Thứ trưởng Ngoại giao) nói là chúng ta sẽ lên một kế hoạch. Một tuần đã hết và vẫn chưa thấy gì cả. Chúng ta phải tập trung vào việc đưa họ ra. Đưa người Việt Nam ra và viện trợ quân sự cho chính quyền Nam Việt Nam là hai việc hoàn toàn khác nhau”.
- Biden: “I feel put upon in being presented an all or nothing number. I don’t want to have to vote to buy it all or not at all. I am not sure I can vote for an amount to put American troops in for one to six months to get the Vietnamese out. I will vote for any amount for getting the Americans out. I don’t want it mixed with getting the Vietnamese out.”
“Tôi cảm thấy bị đặt vào một tình thế tệ hại khi phải lựa chọn hoặc là tất cả, hoặc là không ai cả. Tôi không muốn phải chọn tất cả hoặc là không gì cả. Tôi không chắc tôi có thể đồng ý với một khoản ngân sách để đưa quân đội Mỹ trở lại từ một đến sáu tháng để giúp di tản người Việt không. Tôi sẽ ủng hộ bất cứ số tiền nào để đưa người Mỹ ra khỏi đó. Tôi không muốn lẫn lộn chuyện này với việc di tản người Việt.”
- Biden: “I don’t want to commit myself to any precise number. How much money depends on how many we try to get out.”
“Tôi không muốn cam kết với bất kỳ con số nào. Số tiền bao nhiêu tùy thuộc vào chúng ta dự định mang bao nhiêu người ra.”
Dựa trên văn bản gốc này, không có bằng chứng nào cho thấy Thượng nghị sĩ Biden phản đối đưa người tị nạn Việt Nam tới định cư tại Mỹ.
Cuộc đối thoại phản ánh mối quan tâm trước nhất của chính quyền Tổng thống Ford và nghị sĩ hai đảng là đưa người Mỹ trở về trước. Không ai tỏ ra chống lại việc cứu trợ Nam Việt Nam khi đó vẫn là đồng minh thân thiết của Mỹ, nhưng có những quan ngại về việc đưa quân đội Mỹ trở lại.
***
Joe Biden đúng là đã từng phản đối dự luật mang mã số S 1484—S Rept 94-88 do Tổng thống Ford đề xuất, được trình ra Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 18/4/1975.
Theo CQ Almanac, một thư viện lưu trữ tư liệu về Quốc hội Mỹ, dự luật này thường được gọi tên là Dự luật Viện trợ Nhân đạo cho Nam Việt Nam và Campuchia. Tuy nhiên, cách gọi này không phản ánh đầy đủ vấn đề. Thực chất, trong khoản ngân sách 1 tỉ USD mà Tổng thống Ford đề xuất, có đến 722 triệu USD là viện trợ quân sự, chỉ có 1/3 là cho mục đích nhân đạo và kinh tế.
Khoản viện trợ quân sự bị phản đối kịch liệt ở Quốc hội Mỹ vì e ngại việc đưa thêm quân vào Sài Gòn sẽ khiến nước Mỹ sa lầy thêm, nhưng khoản 327 triệu USD cho mục đích nhân đạo đã gần như được ủng hộ rộng rãi ở Quốc hội. Tuy vậy, kết quả cuối cùng là toàn bộ dự luật bị Hạ viện bác bỏ. Bài viết tường thuật việc này trên CQ Almanac có tên là “Dự luật cuối cùng về viện trợ Việt Nam không qua được Hạ viện” (Last Vietnam Aid Bill Dies in House).
Nhưng đó không phải là dự luật cuối cùng về Việt Nam. Chỉ chưa đầy một tháng sau, biến cố Sài Gòn thất thủ và Campuchia rơi vào tay Khmer Đỏ đã khiến mọi chuyện thay đổi. Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng thông qua Đạo luật Trợ giúp Tị nạn và Di dân Đông Dương để hỗ trợ việc tái định cư 131.000 người tị nạn Đông Dương tại Mỹ.
Hai đạo luật H.R. 6894 và H.R.6755 được đệ trình ngày 13/5/1975 và được thông qua chỉ trong vòng 10 ngày. Khoản viện trợ 405 triệu USD được phê duyệt để chi trả cho việc đưa người tị nạn tới Mỹ, đồng thời chăm sóc y tế, dạy ngôn ngữ, dạy nghề, và đảm bảo các phúc lợi khác của họ trong phần còn lại của năm tài chính 1975 và năm 1976. Thượng viện Mỹ gần như nhất trí thông qua cả hai đạo luật. Chỉ có một vài phiếu chống, trong đó không có tên của Joe Biden.
Kết luận:
Luật Khoa đã cố gắng lục tìm nhiều tài liệu liên quan nhất có thể nhưng không thấy có cơ sở để khẳng định Joe Biden phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam.
Trên thực tế, Biden đã bỏ phiếu ủng hộ hai đạo luật tiếp nhận người tị nạn Đông Dương (trong đó có Việt Nam) vào năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc.