Nhà giáo dục Ken Robinson và sự nghiệp định nghĩa lại “trí thông minh”

Người được xem là ngọn hải đăng của hy vọng trong giáo dục vừa qua đời.

Ken Robinson (1950 - 2020). Ảnh: TED.
Ken Robinson (1950 – 2020). Ảnh: TED.

Các thầy cô trong một trường học ở Anh đã dự báo một tương lai u ám cho Gillian khi cô mới tám tuổi.

Cô bé thường xuyên nộp bài tập trễ, viết chữ thì xấu tệ, và điểm kiểm tra thấp lè tè. Đã vậy, ngồi trong lớp nhưng cô chẳng lúc nào yên. Lúc táy máy ồn ào, khi thì thả hồn ngoài cửa sổ, lúc lại bày trò nghịch phá bạn học.

Gillian không có vẻ gì là bận tâm với việc bị nhắc nhở, nhưng người lớn thì khác. Các thầy cô gọi phụ huynh lên, đề nghị dẫn Gillian đi khám bệnh. Họ nghĩ rằng cô bé mắc chứng rối loạn thần kinh nào đó. Mẹ Gillian dẫn cô đến gặp một bác sĩ tâm lý, chuẩn bị sẵn tinh thần để “trị bệnh” cho con mình.

Khi gặp cô, chuyên gia tâm lý đặt Gillian ngồi yên trên chiếc sofa lớn trong một góc phòng. Cô bé lo lắng, ngồi đè lên hai bàn tay, cố gắng không cử động.

Bác sĩ không nói gì thêm với cô. Ông dành thời gian hỏi chuyện người mẹ ở góc khác của căn phòng. Trong suốt hai mươi phút, ông vẫn vừa nói chuyện vừa cẩn thận quan sát Gillian. Điều này càng khiến cô bé bồn chồn khó chịu hơn.

Dù còn nhỏ, cô hiểu cuộc gặp này rất quan trọng. Có thể sau đó cô sẽ phải chuyển trường, vào một “lớp học đặc biệt” nào đó. Bản thân Gillian thật sự không thấy mình có gì bất thường, nhưng tất cả mọi người xung quanh dường như đều nghĩ khác. Nghe cách mẹ cô nói chuyện với nhà tâm lý, cô đoán là bà cũng tin rằng con mình có vấn đề.

Có lẽ mọi người đúng, mình có vấn đề thật. Gillian tự nghĩ.

Sau khi đã ngưng hỏi chuyện người mẹ, bác sĩ mới đến ngồi cạnh cô bé, cảm ơn cô đã rất kiên nhẫn chờ đợi. “Nhưng cháu sẽ phải chờ thêm chút xíu nữa. Bác cần nói chuyện riêng với mẹ, nên bác và mẹ cháu sẽ ra ngoài vài phút nhé.” Trước khi đi, ông với tay bật chiếc radio lên.

Vừa ra khỏi phòng, ông dẫn người mẹ đến cạnh chiếc cửa sổ nhìn vào phía trong, khuất khỏi góc nhìn của Gillian. “Chúng ta cứ đứng đây một chút, xem thử cô bé sẽ làm gì”.

Gần như ngay lập tức, Gillian đứng dậy bắt đầu di chuyển khắp phòng theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc radio.

Hai người lớn đứng ngoài yên lặng dõi theo. Họ không chỉ bị cuốn hút bởi từng cử động uyển chuyển, mà còn bởi gương mặt hạnh phúc rạng ngời của cô bé.

Cuối cùng, nhà tâm lý học quay sang nói với mẹ cô. “Con gái bà không bị bệnh gì cả. Cô bé là một vũ công. Hãy dẫn cô bé đến trường dạy múa.”

Vũ công ballet Gillian Lynne năm 1960. Ảnh: Getty Images.

Cô bé Gillian sau này không chỉ trở thành vũ công ballet Gillian Lynne (1926 – 2018) nổi tiếng khắp thế giới. Khi đã kết thúc sự nghiệp khiêu vũ, cô còn thành lập công ty sản xuất nhạc kịch riêng. Trong những vở nhạc kịch mà cô biên đạo, có các tác phẩm lừng danh như “Cats” (Những con mèo) và “The Phantom of the Opera” (Bóng ma trong nhà hát).

Câu chuyện về Gillian Lynne được kể trong chương đầu tiên của quyển sách “The element: How finding your passion changes everything” (Nhân tố gốc: Mọi thứ sẽ thay đổi khi bạn tìm ra đúng đam mê của mình) của tác giả Ken Robinson.

Quyển sách của nhà giáo dục nổi tiếng người Anh này đầy những câu chuyện như vậy. Những nhân vật được nhắc đến có thể học cực dở ở trường, hoặc học rất giỏi, có thể rất hòa đồng với chung quanh, hoặc có thể luôn thu mình. Họ có thể rất nổi tiếng và thành đạt trong các vai trò nhạc sĩ, diễn viên, nhà toán học, nhà văn, nhà giáo, vận động viên; hoặc có thể thầm lặng làm việc của mình mà không mấy ai biết đến.

Điểm chung là tất cả họ đều hạnh phúc với sự nghiệp của mình. Thứ hạnh phúc có được khi những con người đó được lựa chọn khác đi, thay vì phải chịu rập từ một khuôn ra như mục đích của hệ thống giáo dục mà họ được đặt vào từ nhỏ. Nói cách khác, họ hạnh phúc khi được tự do làm chính mình.

Một ngọn hải đăng của giáo dục sáng tạo

Nhà giáo dục Ken Robinson qua đời vào ngày 21/8/2020 vừa qua.

Trong suốt 70 năm cuộc đời của mình, ông đã dành gần 50 năm dạy học, nghiên cứu hệ thống giáo dục, viết sách, đi diễn thuyết ở khắp nơi trên thế giới, tham gia tư vấn và thực hiện những dự án lớn nhỏ, từ cấp chính phủ đến từng địa phương, từng trường học, không ngừng thúc đẩy các nỗ lực cải cách giáo dục nhằm giải phóng người học lẫn người dạy.

Ken Robinson nói chuyện ở trường Sonoma Country Day năm 2017. Ảnh: Alvin Jornada/The Press Democrat.

Ông muốn mọi người nhìn ra tầm quan trọng của sáng tạo trong giáo dục, đặt nó cùng ưu tiên với nhiệm vụ xóa mù chữ.

Ông muốn tất cả cùng định nghĩa lại cái gọi là “trí thông minh”, rằng nó không phải chỉ có vài ba khuôn thức tiêu chuẩn như xưa nay chúng ta vẫn hiểu.

Có bao nhiêu người trên trái đất này, có bấy nhiêu loại trí thông minh và tính cách, Robinson khẳng định. Trong hàng tỷ người trên quả địa cầu, mỗi người đều sở hữu những đặc trưng tính cách và suy nghĩ khác biệt so với bất kỳ một người nào khác.

Khi ông qua đời, Forbes gọi ông là “ngọn đèn soi sáng” (luminary), còn Washington Post trân trọng ông như “ngọn hải đăng của hy vọng” (beacon of hope), một người dành cả đời để khuyến khích chúng ta nâng niu và trân trọng món quà sáng tạo của nhân loại, và không ngừng cổ vũ cho tất cả mọi người được tự do làm chính mình.

Theo Robinson, sự tự do đó chỉ có được khi chúng ta xem giáo dục như đúng bản chất của nó, một “quá trình nhân bản” (human process) chứ không phải là một “quy trình sản xuất máy móc” (mechanical process).

Mô hình giáo dục ngày nay mà cả thế giới đang áp dụng là một sản phẩm của thời đại Cách mạng Công nghiệp từ thế kỷ 19. Mục đích của nó không gì khác hơn là tạo ra những “sản phẩm người” phục vụ cho cuộc cách mạng đó.

Những thứ có thể giúp cho người ta kiếm được việc làm trong xã hội công nghiệp được xem là “hữu ích”, mọi thứ khác đều là “vô bổ”.

Tất cả những đứa trẻ sinh ra đều là những thiên thần sáng tạo. Nhưng dưới hệ thống giáo dục rập khuôn đó, có quá nhiều những thiên thần bị cắt cụp cánh lôi xuống trở lại làm “người bình thường”, thậm chí tệ hơn.

Những Paul McCartney (thành viên ban nhạc lừng danh The Beatles), những Richard Branson (tỷ phú tự thân nổi tiếng thế giới), và những Gillian Lynne như trên, dưới con mắt của hệ thống giáo dục này đều là những người vô dụng. Bản thân họ cũng đã có thể nghĩ mình là những kẻ vô dụng, nếu không nhờ may mắn được phát triển trong môi trường khác.

Với mỗi một người thành đạt như trên, người ta phải đặt ra câu hỏi rằng có bao nhiêu trường hợp tương tự không được may mắn như vậy, chật vật trong một hệ thống giáo dục khuôn mẫu và sống cả đời với suy nghĩ rằng mình “tầm thường”, “bất thường” hay “vô dụng”?

Ken Robinson trong một cuộc gặp gỡ năm 2013. Ảnh: sirkenrobinson.com.

Bài TED Talk được yêu thích nhất thế giới

Giải phóng người học lẫn người dạy khỏi các khuôn mẫu mới là cách để tạo ra một hệ thống giáo dục phục vụ cho con người, thay vì tạo ra những sản phẩm người chỉ biết phục vụ.

Ken Robinson tất nhiên không phải người đầu tiên hay duy nhất nói về những điều này. Nhưng kiến thức sâu rộng, trải nghiệm thực tế phong phú, phong thái truyền đạt hóm hỉnh, và lòng đam mê bất tận cùng sự trân trọng to lớn trước trí tuệ của nhân loại khiến ông trở thành một biểu tượng lớn của sự nghiệp cải cách giáo dục trên toàn thế giới.

Bài diễn thuyết của Ken Robinson vào năm 2006 tại hội thảo TED (một nơi tập hợp các bài chia sẻ của những chuyên gia hàng đầu thế giới trong mọi lĩnh vực) là video được nhiều người theo dõi nhất trong lịch sử của TED. Chủ đề của bài nói chuyện là: “Trường học có giết chết sự sáng tạo không?”, và câu trả lời của Ken Robinson là: “Tất nhiên là có”. Cho đến nay, video này đã đạt 380 triệu lượt xem từ 160 quốc gia.

Cảm hứng từ Robinson lan truyền mạnh mẽ là vì qua những câu chuyện ông kể, mỗi người đều cảm thấy như mình được giải phóng, đều tin rằng mình có thể là khởi nguồn của mọi thay đổi.

Trong quyển sách “Creative Schools” (Trường học Sáng tạo), Ken Robinson đã nhấn mạnh rằng thay đổi hay cách mạng không đến từ những chính trị gia hay những bộ luật. Nó đến từ những người đang trực tiếp làm những công việc ở tầng mức thấp nhất trong hệ thống. Và bản thân mỗi người là một hệ thống.

Nếu bạn là nhà làm luật, đối với các trường học bạn là đại diện cho hệ thống. Nếu bạn là hiệu trưởng, đối với cộng đồng trong trường bạn là hệ thống. Còn nếu bạn là giáo viên, đối với học sinh bạn chính là hệ thống.

Có thể suy ra từ đó rằng nếu bạn là học sinh, đối với tất cả các nội dung, chương trình học được đặt ra, bạn cũng là một hệ thống – tự quyết định cách thức tiếp thu và sử dụng những thứ đó.

Khi mỗi người đều ý thức và được tự do lựa chọn, họ hoàn toàn làm chủ vận mệnh cuộc đời của chính mình.

Họ có thể, và tất nhiên sẽ làm sai.

Nhưng như Ken Robinson từng nói, “nếu bạn không chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những cái sai của mình, bạn sẽ không bao giờ làm ra được thứ gì hay ho sáng tạo trên đời.”

Nếu đã sẵn sàng lựa chọn làm chính mình, bạn có thể một lần nữa xem lại bài diễn thuyết đầy cảm hứng của Ken Robinson, ngọn hải đăng sẽ luôn thắp sáng sự nghiệp khai phóng nhân loại.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.