Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Đã đến lúc loại bỏ khái niệm ngược ngạo và chậm tiến này khỏi các đối thoại chính trị ở nước ta.
Từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng nổ toàn thế giới, những câu chuyện về cách ứng xử của công dân nước ngoài có lẽ khiến cho người Việt Nam không khỏi bất ngờ.
Từ việc công dân Hàn Quốc mắc các triệu chứng lâm sàng nhưng giấu bệnh, từ chối thử nghiệm cho đến việc cương quyết tham gia vào các buổi tụ họp đông người, chợ búa, chùa chiền, quán xá.
Rồi việc hai người Nhật sau khi du lịch nước ngoài khi về nước tự tiện bỏ về nhà mà không thực hiện yêu cầu cách ly của các nhân viên y tế chính phủ khi nhập cảnh. Mới đây, lại có nhiều công dân Hoa Kỳ từ chối xét nghiệm COVID-19 để kiểm soát dịch.
Riêng nói về hiệu ứng mua sắm kiểu vơ vét trong khủng hoảng (panic-buying) thì quốc gia nào cũng có.
Tại Úc, người dân tranh nhau đánh bay… giấy vệ sinh khỏi các kệ hàng siêu thị, đến mức các siêu thị buộc phải thực hiện chế độ phân phối và mua giới hạn để bảo đảm khách hàng nào cũng thế tiếp cận với mặt hàng này, dù chính phủ Úc liên tục nhắc nhở rằng các mặt hàng này đều có thể tự sản xuất nội địa và sẽ không bao giờ hết hàng. Mọi chuyện bắt đầu chỉ vì một số chuyên gia khuyên nên chuẩn bị sẵn cho đại dịch, mà một trong số đó là vấn đề vệ sinh gia đình và cá nhân.
Tại Hoa Kỳ, việc tranh giành mua sắm các nhu yếu phẩm cũng diễn ra một cách thường xuyên. Mà không chỉ là khẩu trang, giấy vệ sinh hay gạo, mì, người dân Mỹ còn mua cả băng vệ sinh phụ nữ và thực phẩm cho mèo.
Ở Nhật, nhiều người còn đánh nhau để tranh giành quyền mua khẩu trang.
Đây là những hành vi mà tôi tin chắc nếu là người Việt Nam thực hiện thì sẽ bị cư dân mạng lắc đầu dè bỉu bằng câu nói đầu môi của họ: “Nói dân trí thấp thì lại tự ái”.
Có điểm gì đó không hợp lý ở đây.
Nếu nói dân trí là tiêu chuẩn để người dân có thể thực hiện những quyền tự do chính trị nhất định, và là lý do người Việt Nam bị tước đoạt rất nhiều quyền tự do cá nhân như quyền tự do tư tưởng, tự do lập hội, quyền biểu tình… tại sao các nhóm cộng đồng dân trí “thấp” không kém gì ta, được thể hiện rõ ràng nhất qua khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán như đã kể trên, lại là những nhóm đã thực hành dân chủ suốt hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ.
Còn nếu nói chính phủ Việt Nam có năng lực quản lý thần kỳ hay ho nhất nhì thế giới khiến cho chúng ta không cần thiết phải áp dụng dân chủ, điều gì khiến cho năng lực này không thể chuyển đổi thành các thành công liên quan đến hạ tầng, quản lý đô thị và chất lượng đời sống công dân?
Phải chăng đã đến lúc chúng ta nhận ra rằng câu nói “dân trí thấp” đã không còn đủ sức nặng trong môi trường chính trị xã hội của Việt Nam, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới? Và rằng con người, dù ở trình độ học vấn nào, dân trí cao đến thế nào, cũng có thể đưa ra những quyết định phi lý tính và ngờ nghệch trong những thời khắc khủng hoảng tương tự như hiện nay?
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, 95% dân số Việt Nam mù chữ, đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp cận với những thông tin cơ bản nhất về tình hình chính trị quốc gia và thế giới. Điều này không ngăn cản phe Việt Minh cho rằng cuộc tổng tuyển cử năm 1946 là cuộc bầu cử thực chất, có chất lượng và đáng tin cậy nhất trong lịch sử cận đại Việt Nam. Các cuộc bầu cử sau đó, mà đặc biệt là cuộc trưng cầu dân ý 1955 tại miền Nam Việt Nam (phế truất Bảo Đại và lựa chọn Ngô Đình Diệm làm tổng thống), đều bị chê bai là giả hiệu, dù tỷ lệ biết chữ tại miền Nam Việt Nam thời điểm này chắc chắn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung năm 1945, khi mà khu vực này ít các dân tộc thiểu số hơn, và duy trì hệ thống giáo dục Pháp tương đối ổn định so với miền Bắc.
Vậy nên, nếu so với thời đại ngày nay, càng không còn bất kỳ căn cứ gì để cho rằng dân trí nước ta thấp. Theo thông tin chi tiết của UNESCO, tỷ lệ biết chữ của thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi là hơn 98%, tiệm cận 100%, một con số đáng mong ước của mọi quốc gia đang phát triển. Tỷ lệ này là 93% nếu tính nhóm dân cư từ đủ 15 tuổi trở lên, và là 80% nếu chỉ tính những công dân đã trên 65 tuổi. Như vậy, tỷ lệ biết chữ của Việt Nam là cao ở mọi nhóm độ tuổi, là một nền tảng dân trí vô cùng vững chắc.
Không chỉ vậy, nhóm dân cư đã trải qua quá trình đào tạo đại học và sau đại học cũng rất đáng kể. Theo ghi nhận của trang World Education Reviews, nhóm này từ việc chỉ chiếm 10% dân số vào năm 2000, tăng lên đến 16% vào năm 2005 và vào năm 2014 đã có đến 25% dân số Việt Nam sở hữu các loại bằng cấp đào tạo đại học, và sau sáu năm, đến nay, chắc chắn đã có những bước phát triển vượt bậc.
Điều này khiến cho quy mô phổ biến giáo dục đại học và sau đại học tại Việt Nam không hề thua kém Hoa Kỳ. Quốc gia giàu có với tiềm lực khoa học công nghệ mạnh mẽ nhất thế giới này cũng chỉ có tỷ lệ dân số trên 25 tuổi có bằng đại học hoặc các hình thức giáo dục tương ứng ở khoảng 33%. Hiển nhiên, cả hai con số đều chưa đạt đến học vấn “thượng thừa” của người Nhật, Nga, Hàn hay bất ngờ nhất là Canada, với hơn kém 55% dân số đều có học vấn tối thiểu là đại học.
Như vậy, dù không phải là quốc gia có tỷ lệ dân số theo học và hoàn thành cấp bậc đại học cao nhất, Việt Nam ngày nay vẫn là thời đại “có học” nhất trong lịch sử của chúng ta, và điều này chắc chắn có ảnh hưởng hiển nhiên lên năng lực nhận thức lý tính của các nhóm dân cư Việt Nam. Vậy nên, khi nói về năng lực của người dân nước ta, đây có lẽ là thời điểm hoàn toàn thích hợp để phổ biến và tập dượt các mô hình thực hành dân chủ, thay vì giấu giếm và bỏ tù những người đòi hỏi các quyền cá nhân vô cùng căn bản ấy.
Chắc cũng sẽ có bạn đọc cho rằng, chẳng phải duy nhất Việt Nam vịn vào tình trạng dân trí để phủ nhận khả năng và nhận thức chính trị của người dân. Không nói đâu xa, tư tưởng phân biệt giai tầng và kiến thức của cử tri xuất hiện cực kỳ phổ biến từ sau cuộc bầu cử 2016 của Hoa Kỳ.
Mới đây, ngay cả The Economist, một tờ báo lừng danh quốc tế, ghi nhận một cách khá mỉa mai rằng “những người ít học đang nắm chìa khóa mở cánh cửa Nhà Trắng”.
Tờ The Atlantic thì chỉ thẳng mặt những người phe Cộng hòa, chê bai rằng họ là bọn ít học hơn so với những người ủng hộ Đảng Dân Chủ.
Những luận cứ và tranh cãi nhắm vào học thức của cử tri đã không còn gì là mới mẻ trong chính trường Hoa Kỳ ngày nay.
Nhiều người dựa vào đó để cho rằng các lựa chọn chính trị suốt vài năm qua là không đáng tin cậy, là dựa trên đa số của những người thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và, tất nhiên, là thiếu bằng cấp.
Điều này không hẳn là hoàn toàn không có cơ sở. Trong nghiên cứu của Giáo sư Benjamin Highton, trường Đại học California, khi nhắc đến khái niệm “sành chính trị” (political sophistication), bao gồm các nhánh yếu tố nhỏ hơn như “ý thức chính trị” (political awareness), “chuyên môn chính trị” (political expertise) và “thông tin chính trị” (political knowledge), ông thừa nhận rằng việc tham gia vào các khóa học đại học chính quy sẽ có những ảnh hưởng quan trọng lên năng lực nhận thức, lượng thông tin thu thập được, cũng như khả năng xử lý lý tính những thông tin kinh tế – chính trị – xã hội đó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng những xã hội có trình độ dân trí, học vấn cao thì các cá nhân trong xã hội đó sẽ luôn quyết định một cách đúng đắn và lý tính.
Ví dụ, tại Trung Quốc – vốn là một nước có tỷ lệ dân số hoàn thành học vấn đại học và sau đại học khá cao, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Wen Fan muốn nghiên cứu năng lực lựa chọn lý tính của sinh viên Trung Quốc trước các chiêu trò “thao túng định khung” (framing manipulation). Nói cho dễ hiểu, họ diễn giải một hiệu ứng chính sách theo những cách khác nhau và quan sát xem sinh viên phản ứng như thế nào.
Trong trường hợp của Fan, ông đề ra tình huống rằng một căn bệnh tại Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của 6.000 người. Trong đó, cơ quan chức năng có hai biện pháp chữa trị A và B. Biện pháp A sẽ cứu được 2.000 người, biện pháp B sẽ làm chết 4.000 người.
Có thể thấy kết quả của A và B là như nhau, song A được diễn giải theo hướng tích cực (có tới 2.000 người được cứu sống) và B thì tiêu cực (có tới 4.000 người chết).
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, trừ khi sinh viên có năng lực tốt về số học – khoa học máy tính, thao túng định khung gây ảnh hưởng lớn đến việc ra quyết định lựa chọn của họ, tức họ sẽ chọn cách diễn giải đã được thao túng theo ngôn ngữ tích cực, dù kết quả cuối cùng đều như nhau. Kết quả ghi nhận được sự tương đồng giữa những người khác nhau về trình độ tri thức, giới tính, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Ông cũng viện dẫn một nghiên cứu tương tự dành cho các học viên quân sự Trung Quốc để cho thấy các nhóm đối tượng này cũng không khác biệt gì.
Điều này có vẻ tương đồng với những gì các nhà khoa học phương Tây quan sát. Trong quyển Democracy for Realists của hai tác giả lớn Larry Bartels và Christopher Achen, hai nhà khoa học khẳng định các sự kiện lịch sử thế giới cho thấy rất rõ ràng rằng những nhân vật có học, thậm chí là học rất cao, cũng có thể đưa ra những nhận định đạo đức và chính trị sai lầm thường xuyên như bất kỳ ai khác. Những tác động của định kiến nhận thức (cognitive biases), vì vậy, không phân biệt năng lực học thuật của người bị ảnh hưởng.
***
Chúng ta có thể kết luận gì với bài viết?
Một là dân trí tại Việt Nam, hiểu theo cái nghĩa đen của nó, rất cao. Cao không thua kém gì Hoa Kỳ.
Hai là, hành vi và quyết định của một cá nhân, của một tổ chức có thể vô cùng phi lý tính cho dù họ có học cao hiểu rộng đến đâu. Những hành vi sai trái mà chúng ta thấy trong xã hội Việt Nam hiện nay, hay những hành vi tương tự ở người nước ngoài trong mùa dịch, vì những lý do trên, cũng không thể nào giúp kết luận được về cái tư duy “dân trí thấp”.
Đã đến lúc thứ khái niệm ngược ngạo và chậm tiến này bị loại bỏ khỏi các đối thoại chính trị ở ta.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.