Từ tiêu chuẩn kép đến luật pháp bất công

Đồ họa: Luật Khoa.
Đồ họa: Luật Khoa.

Nếu để ý, bạn có thể thấy gần đây, hàng loạt tờ báo (Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an Nhân dân, Đất Việt…) bỗng đăng tải các bài viết có nội dung na ná nhau: Đầu tiên nói về sự nguy hiểm của COVID-19, sau đó đi đến nhận định “khi chưa có thuốc đặc trị, điều quan trọng nhất là nâng cao đề kháng”, cuối cùng dẫn tới đề xuất “uống trà thảo mộc Dr Thanh để tăng cường hệ miễn dịch, kháng virus”.

Cụ thể, báo Công an Nhân dân số ra ngày 12/8/2020, mục Doanh nghiệp, có bài viết “Thức uống thảo mộc ‘lên ngôi’ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể”, trong đó có câu:

Do vậy, trước khi có thuốc đặc trị, để phòng chống dịch COVID-19 hiện nay thì ngoài tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ y tế, thì việc tăng cường hệ miễn dịch qua xu hướng sống mới với các thực phẩm, thức uống tự nhiên, tốt cho sức khỏe như Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh chính là ‘tấm khiên’ tốt nhất để bảo vệ cơ thể”.

Đan xen trong bài báo là những tấm hình chụp các thiếu nữ xinh đẹp tươi cười bên chai Dr Thanh và các chú thích ảnh ca ngợi nhãn hiệu Dr Thanh “tăng cường hệ miễn dịch”.

Bạn hãy nhớ lại, cách đây chưa đầy nửa năm, một phụ nữ có tên T.T.Q. đã viết lên trang facebook của mình thế này:

Virus Corona Vũ Hán có thể tự khỏi bằng một bát nước tỏi mới đun sôi. Nhiều bệnh nhân cũng đã chứng minh nó hiệu quả. Lấy 8 tép tỏi băm nhỏ thêm 7 cốc nước và đun sôi. Ăn và uống nước được đun sôi từ tỏi. Được chứng minh và chữa khỏi qua đêm. Hãy chia sẻ với tất cả các địa chỉ liên lạc của bạn có thể giúp cứu sống”.

Kết quả, ngày 19/3/2020, chị T.T.Q. bị Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phạt 12,5 triệu đồng vì “đăng tải thông tin sai sự thật”.

Cùng ngày, Công an huyện Gia Lâm cũng phạt chị L.T.H.Y. và anh N.Đ.H.H. mỗi người 12,5 triệu đồng với cáo buộc họ đăng tải “rất nhiều bài viết xuyên tạc về điều trị dịch bệnh COVID-19 không theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế”.

Đến đây, ta sẽ thấy hàng loạt câu hỏi nảy sinh:

  • Làm sao Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định được thông tin mà chị T.T.Q. đưa ra là sai sự thật?
  • Có phải Công an huyện Gia Lâm cho rằng việc điều trị không theo phác đồ của Bộ Y tế là “xuyên tạc”?
  • Việc uống trà thanh nhiệt Dr Thanh “tăng cường hệ miễn dịch” có theo phác đồ điều trị nào không, đã được Bộ Y tế xác nhận chưa?
  • Nếu chưa, tức là báo Công an Nhân dân cũng đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, phải không? Họ có bị phạt tiền không? Ai phạt, Sở Thông tin – Truyền thông địa phương hay đồn công an nào?

Nếu báo Công an Nhân dân không bị phạt, điều đó chứng tỏ một sự vi phạm “tiêu chuẩn kép” nghiêm trọng; luật pháp Việt Nam là thứ “sơn ăn tùy mặt”, là con ma “bắt tùy người”, nghĩa là tùy tiện và bất công.

Tuy nhiên, cũng còn phải xem cơ quan nào là nơi có thẩm quyền phạt báo Công an Nhân dân. Nếu đó lại là Bộ hay Sở Thông tin – Truyền thông, hay một đồn công an nào đó, thì vẫn là sự tùy tiện, y như việc Sở Thông tin – Truyền thông TP. HCM từng phạt vạ hết đạo diễn Ngô Thanh Vân lại diễn viên Cát Phượng tới ca sĩ Duy Mạnh. Tại sao là tùy tiện? Bởi vì chính Sở Thông tin – Truyền thông, trên tư cách một cơ quan hành chính nhà nước, cũng có tiền sử liên tục phạm lỗi tiêu chuẩn kép khi phạt người này, không phạt người kia, mức tiền phạt thay đổi tùy ý, lý do phạt thì hoặc là mơ hồ (“vi phạm thuần phong mỹ tục”), hoặc là vô lý (“đưa tin sai sự thật”).

Để chấm dứt lỗi tiêu chuẩn kép của nhà nước, chỉ có một cách là: Cơ quan phạt phải là nơi có thẩm quyền diễn giải pháp luật và ra quyết định xử phạt, việc phạt phải đặt trên cơ sở pháp luật, pháp luật phải quy định rõ ràng, không mơ hồ, chung chung.

Cơ quan đó là tòa án.

Kêu gọi phạt VTV? Lại lỗi “tiêu chuẩn kép”

Tiêu chuẩn kép tiếp tục lặp lại khi nhiều khán giả đòi xử phạt Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Cụ thể, bản tin Tài chính – Kinh doanh của VTV, phát sóng lúc 7:00 sáng 17/8, có chỗ gọi những người bán hàng rong là “ký sinh trùng”. Việc này khiến nhiều khán giả phẫn nộ, la ó chửi VTV và biên tập viên – phát thanh viên Lê Quang trên mạng.

Ta có thể thông cảm với sự phẫn nộ đó. Thế nhưng, kêu gọi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý VTV thì lại là vi phạm lỗi tiêu chuẩn kép cũng như gợi ý cho nhà nước thực hiện tiêu chuẩn kép, bởi vì:

  • Vì sao phạt? Nếu lấy lý do “vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm người bán hàng rong”, thì ai có thẩm quyền ra phán quyết rằng nói như VTV là xúc phạm danh dự, nhân phẩm?
  • Nếu không có cá nhân nào cảm thấy và/hoặc phát biểu rằng “tôi bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm” thì phạt với lý do gì?
  • Nếu phạt VTV, tại sao không phạt các trang mạng nặc danh lâu nay vẫn xúc phạm, mạ lị những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam – tức là xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân vì lý do chính trị?
  • Ai quyết định mức phạt?

Cuối cùng, điều chúng ta có thể kết luận là: Để tránh sự tùy tiện trong diễn giải và áp dụng luật pháp, nạn nhân của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm phải cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và có đơn kiện ra tòa dân sự. Tòa án sẽ là nơi xét xử (và giải đáp các câu hỏi trên đây) một cách rốt ráo mà không phạm lỗi tiêu chuẩn kép.

Bên cạnh đó, những người tiêu dùng luôn có thể sử dụng quyền năng của mình để trừng phạt bên sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ, một khi họ cảm thấy mình bị xúc phạm hay quyền lợi của mình bị xâm hại. Đòn trừng phạt hiệu quả nhất chính là tẩy chay.

“Hãy gấp trang báo. Hãy tắt tivi” là một cách tẩy chay vậy.


“Bình dân Học vụ” là một nhóm viết được thành lập ngày 10/6/2020 với mục đích tập trung vào những bài viết cung cấp kiến thức căn bản, đơn giản nhất về logic, triết học, chính trị, pháp luật… cho người đọc Việt Nam. Phương châm của nhóm là phải bắt đầu mọi thứ từ điều cơ bản nhất: tập cách tư duy.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.