Chính sách đối ngoại của Biden: Quốc phòng và hợp tác quốc tế

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2013. Ảnh: Getty Images.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel năm 2013. Ảnh: Getty Images.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Joe Biden. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.


Quốc phòng

Biden đã ủng hộ một số hoạt động can thiệp quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài, trong khi phản đối những hoạt động khác. Ông thường ủng hộ trong việc sử dụng vũ lực với các mục tiêu hẹp, và bày tỏ sự hoài nghi về khả năng của Hoa Kỳ trong việc định hình lại các xã hội của nước khác. Ông đồng thời cảnh giác với những nỗ lực đơn phương, nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao, và giải quyết thông qua các liên minh và tổ chức toàn cầu.

  • Biden nói rằng vũ lực chỉ nên được sử dụng “để bảo vệ những lợi ích trọng yếu của Hoa Kỳ, khi mục tiêu đã rõ ràng và có thể đạt được”, đồng thời hứa sẽ chấm dứt “các cuộc chiến tranh kéo dài” ở Afghanistan và Trung Đông.
  • Vào năm 2016, khi nói về việc sử dụng sức mạnh quân sự, Biden cho rằng “chúng ta [Hoa Kỳ] cần một liều thuốc nhân đạo mạnh mẽ về khả năng [của chúng ta] trong việc thay đổi các vấn đề trên thế giới.” Ông loại trừ việc sử dụng quân đội Hoa Kỳ cho bất kỳ nỗ lực thay đổi chế độ nào.
  • Nói rằng Hoa Kỳ có cả nghĩa vụ đạo đức và lợi ích an ninh để đáp trả bằng lực lượng quân sự đối với tội ác diệt chủng hoặc sử dụng vũ khí hóa học trên khắp thế giới. Ông cũng ủng hộ việc sử dụng vũ lực để tránh làm gián đoạn hoạt động mua bán dầu mỏ toàn cầu.
  • Nói với CFR rằng ông sẽ đưa lính Mỹ về nước từ Afghanistan trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình bằng cách khởi động một nỗ lực ngoại giao cấp cao bao gồm các nước láng giềng của Afghanistan. Biden ủng hộ việc giữ một số lượng nhỏ các lực lượng đặc biệt và cơ quan tình báo để chống khủng bố, đồng thời theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.
  • Ủng hộ cuộc xâm lược Afghanistan năm 2001, sau đó với tư cách là phó tổng thống, Biden đã thúc đẩy việc cắt giảm quân số và hạn chế nhiệm vụ. Ông cho rằng, trong báo cáo năm 2019, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã đánh lừa công chúng về tiến trình của cuộc chiến Afghanistan, và điều này đã chứng minh cho sự phản đối của ông đối với quá trình”xây dựng quốc gia” ở đó.
  • Cho rằng những khoản chi cho quân sự quá tập trung vào chiến tranh truyền thống, hơn là các phạm vi quốc phòng mới nổi như vũ trụ và không gian mạng. Ông nói rằng Hoa Kỳ phải tìm cách duy trì ưu thế của mình trong bối cảnh “cạnh tranh vai trò cường quốc” với Trung Quốc và Nga.
  • Ủng hộ cuộc xâm lược Iraq năm 2003, nhưng bây giờ gọi đó là một “sai lầm” và cho rằng mình có vai trò trong việc rút 150.000 quân khỏi Iraq vào năm 2011.
  • Sẽ “tái khẳng định” lệnh cấm tra tấn và minh bạch hơn về các hoạt động quân sự, đặc biệt khi nó liên quan đến thương vong của thường dân.
  • Ủng hộ mạnh mẽ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gọi nó là “liên minh quân sự quan trọng nhất trong lịch sử thế giới”.
  • Với tư cách là phó tổng thống, chống lại sự can thiệp vào Libya năm 2011 và giữ sự hoài nghi trong việc điều quân đội Mỹ đến Syria.
  • Chỉ trích việc mở rộng quyền lực hành pháp trong chiến tranh. Khi còn là ứng cử viên tranh cử tổng thống năm 2008, Biden cho rằng việc sử dụng vũ lực mà không có sự chấp thuận của Quốc hội, ngoại trừ trường hợp có mối đe dọa tức thì, là một hành vi phạm pháp.
  • Hứa hẹn một sáng kiến ​​liên bang mới để giải quyết vấn nạn về tự tử và sức khỏe tâm thần của các cựu chiến binh, bao gồm việc tăng cường tài trợ cho các chương trình sức khỏe cựu chiến binh (Veteran Affairs health programs).

Hợp tác quốc tế

Biden nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ không thể đối phó với những thách thức mới mà nước này phải đối mặt nếu không có mối quan hệ chặt chẽ với các đồng minh và của các thể chế quốc tế. Ông cho rằng việc Trump rút khỏi các hiệp ước và chỉ trích các liên minh đã làm “tổn hại tiếng nói của nước Mỹ trên thế giới”.

  • Biden muốn kêu gọi tất cả các quốc gia dân chủ ngồi vào một “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” (“Summit for Democracy”) để thảo luận về ba lĩnh vực chính: chống tham nhũng, chống lại chủ nghĩa độc tài đang nổi lên và bảo vệ nhân quyền.
  • Nói rằng ông sẽ biến ngoại giao trở thành công cụ hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và sẽ “xây dựng lại” Bộ Ngoại giao.
  • Cho rằng Trump đã “coi thường, hạ thấp và bỏ rơi các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong một số trường hợp.”
  • Hứa hẹn sẽ tái tham gia các liên minh và ký lại các thỏa thuận, bao gồm khôi phục sự ủng hộ của Mỹ đối với NATO, tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran và hiệp định khí hậu Paris, đồng thời củng cố liên minh với Australia, Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc.
  • Cảnh báo về làn sóng chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng trên khắp thế giới, đồng thời lập luận rằng “các cường quốc độc tài sẽ nhảy vào” nếu Hoa Kỳ rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu. Ông nói rằng “sự ngưỡng mộ đối với những kẻ chuyên quyền” của Trump là nguy hiểm.
  • Nói với CFR rằng thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của Hoa Kỳ là “các khoản đầu tư cho an ninh và thịnh vượng chung” dưới sự hợp tác với các đồng minh.

***

Kỳ 1: Trung Quốc
Kỳ 2: Quốc phòng và hợp tác quốc tế
Kỳ 3: Thương mại và kinh tế
Kỳ 4: COVID-19
Kỳ 5: Nhập cư
Kỳ 6: Biến đổi khí hậu
Kỳ 7: Chống khủng bố và an ninh mạng
Kỳ 8: Trung Đông và Bắc Triều Tiên
Kỳ 9: Nga và Mỹ Latin

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.