Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu vào năm 1974, với sự chuyển đổi dân chủ diễn ra tại Bồ Đào Nha, sau đó lan rộng ra các quốc gia khác ở Nam Âu, Mỹ Latin, châu Á, châu Phi, và lên đến đỉnh điểm với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu.
Hơn 40 năm trôi qua kể từ khi làn sóng này bắt đầu, chắc chắn sẽ có rất nhiều người trong chúng ta muốn biết số phận của các nền dân chủ ra đời trong khoảng thời gian này hiện như thế nào. Liệu họ có tiếp tục là dân chủ, với chất lượng cao hơn, hay sụp đổ trở lại độc tài? Và tại sao lại như vậy?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ trả lời các câu hỏi trên thông qua nghiên cứu mới đây của Scott Mainwaring và Fernando Bizzarro đăng trên Journal of Democracy vào năm 2019.
Theo tính toán của các tác giả, cho đến năm 2012, đã có 91 cuộc chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ, xảy ra ở 79 quốc gia (trong đó, ở một số quốc gia, quá trình này xảy ra nhiều lần). Trong số 91 cuộc chuyển đổi này, tùy theo hoàn cảnh của mình, mỗi nước lại đi theo một con đường riêng. Trên cơ sở phân tích so sánh, các tác giả phân chia thành năm nhóm như sau: sụp đổ, suy thoái, trì trệ, tiến bộ lớn, tốt nhưng không có nhiều tiến bộ.
Sụp đổ
Đây là dạng kết quả phổ biến nhất, khi có 34 nền dân chủ sụp đổ trở lại độc tài trong giai đoạn này, và sụp đổ theo ba cách khác nhau.
Cách thứ nhất, do đảo chính quân sự, như xảy ra ở Mali vào năm 2012.
Cách thứ hai, do “tự đảo chính”, như xảy ra ở Peru vào năm 1992, khi tổng thống Alberto Fujimori tuyên bố giải tán quốc hội và tòa án.
Và cách thứ ba, phổ biến nhất, là sự sụp đổ diễn ra từ từ trong nhiều năm, mà không có điểm nhấn rõ ràng, như xảy ra ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nicaragua.
Dù các nhà phân tích đồng ý rằng các nước này giờ đây là các chế độ độc tài, song năm sụp đổ chính xác vẫn là một vấn đề tranh cãi.
Suy thoái
Trong giai đoạn này, có hai nền dân chủ bị xếp hạng suy thoái là Ba Lan và Ecuador, khi mức độ dân chủ sụt giảm nghiêm trọng, dù các cuộc bầu cử đa đảng vẫn được xem là tương đối tự do và công bằng, đủ để coi các chế độ này vẫn còn là dân chủ.
Nhìn chung, trong các quốc gia này, sân chơi bầu cử ngày càng trở nên không công bằng; nhánh hành pháp làm suy yếu một phần cơ chế giải trình trách nhiệm; và chính phủ vi phạm các quyền của phe đối lập. Chẳng hạn như Ba Lan, từng là một trong những trường hợp dân chủ hóa hậu cộng sản thành công nhất, song từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, chính phủ của Đảng Luật pháp và Công lý ngày càng thắt chặt kiểm soát đối với tư pháp, xã hội dân sự, và báo chí, khiến cho chất lượng nền dân chủ suy giảm nghiêm trọng, và hiện giờ Ba Lan chỉ được coi là một nền dân chủ bầu cử (hay dân chủ chất lượng thấp).
Trì trệ
Các nước được xếp hạng trì trệ khi (1) trở thành dân chủ sau năm 1974, và vẫn là dân chủ vào năm 2017; và (2) không đạt được tiến bộ lớn hay trải qua sự suy giảm nghiêm trọng về chất lượng dân chủ từ khi chuyển đổi đến năm 2017.
Nhìn chung, các nền dân chủ này có một số đặc điểm phổ biến, và gần như không thay đổi từ khi chuyển đổi, như các quyền dân chủ bị hạn chế, quan hệ bảo trợ – khách hàng phổ biến, hệ thống kiểm soát và cân bằng yếu, cũng như nền pháp quyền không ổn định.
Theo tiêu chí như vậy, có 28 nền dân chủ được xếp vào dạng này, và là dạng kết quả phổ biến thứ hai sau sụp đổ. Trong số 28 nước này, thì vào năm 2017, dân chủ có những chuyển biến tích cực, dù rất nhỏ, ở các nước như Benin, Ghana, Hy Lạp, Nam Phi, và Suriname; trong khi xấu đi ở Hungary, Lesotho, và Liberia, tuy nhiên chưa đến mức bị coi là suy thoái.
Cải thiện đáng kể
Một nền dân chủ được coi là có sự cải thiện đáng kể, khi các quyền dân sự và chính trị được tôn trọng hơn, hệ thống kiểm soát và cân bằng được củng cố, cũng như bầu cử ngày càng trở nên cạnh tranh, tự do, và công bằng hơn.
Theo tiêu chí như vậy, có 23 nền dân chủ được xếp vào dạng này. Tuy nhiên, có một thực tế là, phần lớn trong số này khởi đầu với mức dân chủ tương đối thấp; và dù đã có những tiến bộ dân chủ đáng kể song vẫn chưa đạt mức dân chủ chất lượng cao, vẫn còn ở mức mà giáo sư chính trị học Larry Diamond (Đại học Stanford) gọi là các nền dân chủ bầu cử, như El Salvador, Guyana, và Romania. Chỉ có tám nước trong số này có những tiến bộ vượt bậc, và là các nền dân chủ tự do vào năm 2017, bao gồm Cape Verde, Chile, Latvia, Bồ Đào Nha, Slovakia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, và Uruguay.
Mức dân chủ cao, song không có sự cải thiện đáng kể
Bốn nước, gồm Czech, Estonia, Lithuania, và Slovenia, có mức dân chủ cao ngay sau năm chuyển đổi như các quyền của người dân được đảm bảo, chính quyền vận hành hữu hiệu.
Hiện tại, dù nền dân chủ của các nước này vẫn vận hành tốt, song trong thực tế không đạt được nhiều chuyển biến đáng kể so với thời điểm chuyển đổi. Nhìn chung, dù tương tự với các nước trì trệ ở điểm là không có sự chuyển biến đáng kể từ năm chuyển đổi, song chúng không có những khiếm khuyết lớn về dân chủ mà chúng ta thấy ở các nước được xếp hạng trì trệ như hệ thống kiểm soát và cân bằng yếu, hay nền pháp quyền không ổn định, và vì vậy không được xếp vào nhóm này.
Trong số các nền dân chủ ra đời trong làn sóng thứ ba, và tiếp tục tồn tại cho đến nay, thì đa phần là, và vẫn là các nền dân chủ chất lượng thấp. Việc không đạt được những sự tiến bộ đáng kể sau chuyển đổi thường do sự xung đột, bế tắc giữa các lực lượng muốn cải thiện dân chủ và các lực lượng chống lại tiến trình này.
Một trong những biểu hiện đầu tiên của sự xung đột trên là sự tồn tại của các bộ phận độc tài ở cấp độ địa phương. Ví dụ như trong các nền dân chủ ở Argentina, Brazil, Mexico, và Peru, các cuộc bầu cử địa phương thường không đảm bảo hoàn toàn tự do và công bằng. Truyền thông và tòa án nằm dưới quyền kiểm soát của những người đứng đầu hành pháp địa phương; đồng thời họ sử dụng nguồn lực công để củng cố sự ủng hộ cho mình cũng như chèn ép phe đối lập. Những thực tiễn độc đoán này làm suy yếu nền dân chủ ở cấp độ quốc gia.
Thứ hai, từ những năm 1990, có một thực tế khác làm suy giảm chất lượng dân chủ, xảy ra chủ yếu ở châu Phi hạ Sahara và Mỹ Latin: tội phạm có tổ chức đe dọa dân chủ ở cấp độ địa phương, đặc biệt trong các khu vực ngoại ô nghèo. Người dân trong các khu vực này bị các tổ chức tội phạm kiểm soát, không thể tự do thực hành quyền tự do ngôn luận cũng như các quyền dân chủ cơ bản khác; họ không thể bỏ phiếu một cách tự do và công bằng, và đôi khi còn không thể đi bỏ phiếu. Nơi đâu mà các tổ chức tội phạm phá hoại dân chủ theo cách như vậy, thì dù đạt được được các thành tựu khác về dân chủ, song về tổng thể chất lượng dân chủ của quốc gia đó vẫn còn hạn chế.
Một thực tế thứ ba dẫn đến sự phổ biến của các nền dân chủ chất lượng thấp là việc giới hành pháp ở cấp độ quốc gia ngăn chặn việc thúc đẩy dân chủ, làm suy yếu các thiết chế kiểm soát và cân bằng, nhưng chưa đến mức khiến cho nền dân chủ sụp đổ hoàn toàn. Các chế độ như vậy cho phép bầu cử với sự kiểm phiếu chính xác, song chi phối các yếu tố khác khiến cho sân chơi bầu cử có lợi cho mình. Chẳng hạn, Hungary đã đạt được những thành tựu dân chủ lớn sau hai thập kỷ chuyển đổi; tuy nhiên, từ khi Viktor Orbán lên nắm quyền vào năm 2010, ông đã làm suy yếu phe đối lập, cùng các thiết chế kiểm soát quyền lực, khiến cho những thành tựu dân chủ trước đó mất đi, và trở về mức gần với năm chuyển đổi, năm 1989.
Và cuối cùng, những nơi mà Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) có ảnh hưởng lớn, thì việc công khai từ bỏ dân chủ đồng nghĩa với việc chịu một sự trừng phạt nhất định, và điều này góp phần khiến cho một số nền dân chủ tiếp tục sống sót. Thực tế là, từ sau Chiến tranh Lạnh, với chính ủng hộ dân chủ và nhân quyền của Mỹ và EU, số lượng các vụ đảo chính và quay trở lại độc tài trở nên ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì mà Mỹ và EU có thể làm, và điều mấu chốt là, khi giới lãnh đạo quốc gia không cam kết với việc thúc đẩy dân chủ, thì dân chủ có thể sống sót, nhưng sẽ không có sự cải thiện.
Dù kết quả của làn sóng dân chủ hóa thứ ba không mấy tích cực, khi phần lớn các nền dân chủ ra đời trong giai đoạn này rơi vào tình trạng trì trệ, chất lượng thấp, và thậm chí sụp đổ. Tuy nhiên, khi nhìn rộng ra lịch sử dân chủ hóa, thì những kết quả trên chỉ phản ánh thực tế là, dân chủ hóa không phải là một con đường bằng phẳng, mà trải qua nhiều thăng trầm.
Và có hai thực tế khiến chúng ta có thể lạc quan. Thứ nhất, về tổng thể các nước dân chủ hóa trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba trở nên dân chủ hơn vào năm 2017 so với thời điểm chuyển đổi của chúng. Dù có những sự trì trệ hay sụp đổ, song sẽ là sai lầm khi lờ đi những tiến bộ quan trọng về dân chủ khi mà vào năm 1990, lần đầu tiên trong lịch sử số lượng các quốc gia dân chủ vượt qua số lượng các quốc gia độc tài.
Thứ hai, dù sự sống sót và tiến bộ của dân chủ trở nên khó khăn hơn khi đối mặt với các điều kiện không thuận lợi về kinh tế, văn hóa, tôn giáo … song sự xuất hiện của dân chủ trong các nước nghèo đói, trong các khu vực khác nhau, cũng như trong các nền văn hóa được coi là không thích hợp cho dân chủ như Hồi giáo đã một lần nữa cho thấy rằng, ngay cả trong các điều kiện như vậy, dân chủ vẫn có thể nảy nở, duy trì và thậm chí thịnh vượng.