Chủ nghĩa nào là điểm đến cuối cùng của nhân loại?
Chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang tuần này xin giới thiệu quyển sách "The End of History and
Trump không chỉ thách thức phe chính thống của Đảng Cộng hòa, ông còn đánh bật nền tảng đối ngoại của đảng này.
Đây là nhận xét của Thomas Right, một nhà nghiên cứu của Viện Brookings. Ông đã đặt vấn đề về ảnh hưởng của chủ nghĩa Trump đối với chính sách ngoại giao Đảng Cộng hòa – một trong hai chính đảng lớn nhất tại Mỹ.
Tại Mỹ, Trump là một nhân vật cực kỳ gây tranh cãi. Trong nội bộ Đảng Cộng hòa, sự tranh cãi này ít thấy hơn khi nhìn từ nước ngoài. Hôm nay, chúng ta hãy thử tìm hiểu xem Trump đã thay đổi Đảng Cộng hòa như thế nào qua bài viết của tác giả Thomas Right, đăng trên tờ The Atlantic ngày 28/8/2020.
Chủ nghĩa Trump nghe đao to búa lớn. Về bản chất đó chỉ là phong cách điều hành đất nước của ông Trump.
Theo tác giả Right, Tổng thống Trump không chỉ thách thức sách lược chính thống của Đảng Cộng hòa, ông còn gạt phăng những người được coi là phe nguyên lão trong đảng như Tướng James Mattis.
Khác với thế hệ Bush và Reagan, vốn có truyền thống coi trọng tự do, dân chủ và đồng minh trên thế giới, Trump xem đồng minh của Mỹ là những kẻ ăn bám. Ông nghiện đánh thuế và một cách tự nhiên bị thu hút bởi các nhà cai trị chuyên chế như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, hay Kim Jong Un.
Trong mắt Trump, chính sách ngoại giao đơn giản là những cuộc đổi trác có lợi chứ không phải nỗ lực để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Sức ảnh hưởng của tư duy thực dụng này của Trump đã khiến Đảng Cộng hòa cơ bản chia rẽ làm hai phe: Phe thủ cựu không chấp nhận chủ nghĩa Trump, và phe đổi mới muốn đảng thay đổi để dung hòa các đặc điểm của chủ nghĩa Trump.
Nhận xét về Trump, Nadia Schadlow, người từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Trump viết trong bài “Sự kết thúc của ảo mộng Mỹ” như sau:
“Trump là một kẻ xen ngang. Bằng quan điểm phi chính thống, chính sách của ông đã khởi động một loạt các thay đổi mà Mỹ cần từ rất lâu. Môi trường tranh luận đảng phái đầy cay nghiệt hiện nay đã khiến các sửa đổi này bị hiểu lầm nghiêm trọng. Nhưng chính các thay đổi này sẽ giúp đảm bảo trật tự thế giới có lợi cho lợi ích và giá trị của Mỹ, cũng như của những xã hội tự do và cởi mở khác”.
Elbridge Colby và Wess Mitchell là đại diện cho thế hệ chuyên gia đối ngoại mới nổi của Đảng Cộng hòa, những người đang nỗ lực để hòa nhập chủ nghĩa Trump vào các đặc điểm mới của đảng. Hai người này đã lập ra Sáng kiến Marathon, một think tank (nhóm nghiên cứu) tập trung về sự cạnh tranh của các cường quốc và từng làm việc trong hai bộ của chính quyền Trump.
Mitchell nhận định: “Hoa Kỳ đang ở trong thời khắc phản tỉnh. Môi trường trong, ngoài nước đã thay đổi chóng mặt. Chúng ta đã quen với ba thế kỷ vô hạn tài nguyên và không có đối thủ. Nay điều kiện này đã mất. Bạn không thể mắc nợ 24 nghìn tỷ đô, bị đối đầu ở mọi mặt, mà vẫn bình chân như vại được. Chúng ta cần phải tự tách khỏi chính sách đối ngoại truyền thống. Nếu không ta sẽ bị buộc phải thay đổi theo một cách đau đớn hơn nếu ta chủ động.”
Giống như Trump, hai nhà đối ngoại này tin rằng ưu tiên hàng đầu là đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Phòng vệ trước Nga, bảo vệ đồng minh NATO đứng thứ hai. Và cuối cùng mới là duy trì trật tự ở Trung Đông. Họ từng phản đối việc Trump tấn công đáp trả vụ Iran tấn công cơ sở dầu của Ả Rập Saudi năm 2019 vì lo ngại sẽ giảm sức tập trung ở châu Á.
Gần đây chính quyền Trump, đặc biệt là Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tục cảnh báo về một cuộc xung đột giữa thế giới tự do phương Tây và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy vậy, Colby và Mitchell nhìn nhận mâu thuẫn Mỹ-Trung ít mang màu sắc ý thức hệ, và gần với quan điểm cá nhân của Trump hơn. Theo đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc làm cho vấn đề tồi tệ hơn, “nhưng nếu Trung Quốc là một nền dân chủ, thì chúng ta vẫn cứ phải lo ngại về một quốc gia hùng mạnh này”.
Tóm lại, giống như khi Trump luôn tung hô mối quan hệ cá nhân với “người bạn tốt” Tập Cận Bình, phe cấp tiến trong Đảng Cộng hòa không quan tâm Trung Quốc tự do hay độc tài. Điều họ quan tâm là cần tìm được một điểm cân bằng để cả hai cùng chung sống. Lý giải cho sự thay đổi mang tính bản chất của đường lối đối ngoại Đảng Cộng hòa này, hai người cho rằng chính sách thúc đẩy dân chủ xa xôi đã đi quá tầm kiểm soát. Mỹ đã chi quá nhiều nguồn lực vào các thách thức cách quá xa vấn đề trong nước. Mặc khác, chính những đồng minh và đối tác của Mỹ như Hungary, Ấn Độ, Indonesia, và Ả Rập Saudi cũng đầy rẫy vấn đề dân chủ, tự do.
Một điểm khác biệt với Trump là phe đổi mới ủng hộ mạnh mẽ NATO và coi Nga là một nhân tố nguy hiểm.
Tuy vậy, tác giả Right nhận định, phe đổi mới phải đối mặt với nghịch lý rằng nỗ lực dung hòa chủ nghĩa Trump chỉ thành công khi Trump thất cử. Nếu Trump lại làm tổng thống, một tay ông ta sẽ ra quyết định tất cả mọi nguyên tắc, và chỉ những phần tử trung thành nhất với Trump trong Đảng Cộng hòa mới được trọng dụng.
Trước cuộc bầu cử năm nay, hàng chục chuyên gia, nhà ngoại giao của Đảng Cộng hòa tuyên bố bỏ Trump, chọn Biden. Họ hy vọng nếu Trump thất cử, Đảng Cộng hòa sẽ trở lại những ngày tháng của nguyên tắc và lý tưởng trước Trump.
Eric Edelman, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trong chính quyền George W. Bush, là một trong những người như thế.
Theo ông này, những người theo chủ nghĩa quốc tế truyền thống của Đảng Cộng hòa hy vọng, thời khắc Trump thất cử sẽ giống như lúc một người thức dậy và nhận ra những gì xảy ra suốt bốn năm qua đều là ác mộng. Nhưng Elderman cũng công nhận rằng mọi việc không đơn giản vậy. Ông cảnh báo rằng nếu Trump thua, cơ hội khôi phục tuy thấp nhưng vẫn còn. Nhưng nếu Trump thắng thì chủ nghĩa Trump gần như đóng đinh vào chính sách lâu dài của đảng.
Nhóm nguyên lão trong Đảng Cộng hòa cho rằng chủ nghĩa Trump phải bị tiêu hủy hoàn toàn, chứ không phải giữ lại rồi làm đẹp thêm. Theo Right, phần lớn thành viên theo đường lối đối ngoại kiểu Reagan-Bush coi Trump là hiểm họa lớn nhất đối với nền cộng hòa Mỹ kể từ Nội chiến, cũng là mối nguy hiểm cùng cực với lợi ích của Mỹ ở nước ngoài.
Kori Schake, Giám đốc Viện Chính sách Quốc phòng-Đối ngoại tại American Enterprise Institute, người từng phục vụ trong chính quyền Bush, cũng ký đơn phản đối Trump, ủng hộ Biden. Bà tuyên bố chủ nghĩa quốc tế tự do truyền thống với nguyên tắc “ủng hộ đồng minh, tự do, dân chủ và nền kinh tế toàn cầu cởi mở” là lựa chọn tốt nhất của Đảng Cộng hòa. Về ngoại giao, bà khẳng định Mỹ phải phi quân sự hóa đường lối đối ngoại, tránh can thiệp ngu ngốc và củng cố ngoại giao, nhưng không thu hẹp tham vọng.
Nhưng cũng theo Right, phe theo chủ nghĩa quốc tế như Schake sẽ phải đối diện với một cuộc chiến mệt mỏi trong Đảng Cộng hòa. Hầu hết các thành viên của Đảng này trong Quốc hội nhiều khả năng sẽ duy trì chủ nghĩa Trump.
Chủ nghĩa Trump cũng ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại của Đảng Dân chủ.
Quan sát bốn năm của Trump, Đảng Dân chủ đi đến kết luận rằng nền dân chủ đang gặp khủng hoảng cả ở nước Mỹ và trên thế giới. Khác với Trump, việc đối đầu với Trung Quốc sẽ không được ưu tiên bậc nhất, mà nằm chung trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ và tự do khắp thế giới, nhất là với các đối tác gần gũi của Mỹ như Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, và Ả Rập Saudi.
Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa hồi tháng Tám đã cho thấy rõ Đảng Cộng hòa đã biến thành đảng của Trump, tác giả Thomas Right nhận định. Và chủ nghĩa Trump sẽ in đậm dấu ấn trong Đảng Cộng hòa bất kể kết quả bầu năm nay ra sao.
Ngoài ra, việc cố nương quan điểm ông Trump để hòa nhập với Đảng Cộng hòa sẽ gặp phải sự phản bác gay gắt đến từ phe cực kỳ trung thành với Trump. Thêm vào đó, người Mỹ không muốn hy sinh tất cả để giải quyết vấn đề Trung Quốc. Việc chiều theo ý Trump coi cuộc cạnh tranh với Trung Quốc là quan trọng nhất có rủi ro khiến Đảng Cộng hòa quá xa rời mối quan tâm thường ngày của người Mỹ.