Dịch từ bài viết của tác giả Thomas Wright, đăng trên The Atlantic ngày 30/9/2020. Tác giả là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Brookings (Mỹ). Ông cũng là tác giả của cuốn All Measures Short of War: The Contest for the 21st Century and the Future of American Power.
Nếu Donald Trump vượt qua mọi dự đoán và giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai, bốn năm sắp tới có thể sẽ gây ra nhiều biến động trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và các vấn đề thế giới hơn cả bốn năm vừa rồi. Việc tái đắc cử của Trump giống như một đòn gọng kìm (pincer movement) tấn công vào trật tự quốc tế từ hai phía. Trump sẽ củng cố quyền kiểm soát của mình đối với các thiết chế nhà nước, uốn nắn chúng theo ý muốn của ông, và loại bỏ mọi bất đồng tồn tại trong nội bộ Đảng Cộng hòa. Trong khi đó, bằng việc xác nhận rằng Hoa Kỳ đã bỏ ngỏ vai trò lãnh đạo truyền thống của mình, nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump sẽ tạo ra tác động lâu dài đối với thế giới vào thời điểm đặc biệt khó khăn này. Các liên minh của Hoa Kỳ có thể sẽ sụp đổ, nền kinh tế toàn cầu sẽ đình trệ, dân chủ và nhân quyền cũng nhanh chóng thoái trào.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump đã có một đường hướng rõ ràng. Ông chọn lựa nội các của mình một cách có hệ thống khi thay thế những người chống lại mình bằng những cá nhân có cùng những ý tưởng và thế giới quan với mình. Nếu Trump vẫn giữ được chức tổng thống vào ngày 21/1 năm sau, Trump sẽ cảm thấy được khẳng định sức mạnh sau khi giành được một chiến thắng lần thứ hai khó ngờ tới. Trump sẽ nghĩ rằng chỉ có ông ấy mới thực sự kết nối với người dân Mỹ.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump sẽ bổ nhiệm những cá nhân trung thành vào các vị trí nội các, nhưng có hai kiểu người trung thành tồn tại. Thứ nhất là các đảng viên Cộng hòa cấp cao, những người vẫn trung thành ngay khi họ không đồng ý với Trump về một số vấn đề, chẳng hạn như Nga hoặc sự can thiệp quân sự ở Trung Đông. Các cá nhân này được cắt ra từ khuôn mẫu của Mike Pompeo, họ bao gồm: Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Lindsey Graham, cựu Đại sứ Liên hợp quốc Nikki Haley, và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin. Donald Trump có thể trao cho những cá nhân này các vị trí cấp cao, đổi lại họ sẽ không được tự do trái ý tổng thống hoặc theo đuổi chương trình nghị sự của riêng mình.
Nhóm thứ hai bao gồm những cá nhân cực kỳ trung thành, được bổ nhiệm hoàn toàn dưới sự bảo trợ của Donald Trump. Đó là những nhân vật chính trị như Richard Grenell, người từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Đức và giữ chức vụ giám đốc tình báo quốc gia trong 96 ngày; các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu; và các nhà bình luận truyền hình như Anthony Tata và Douglas McGregor. Nhóm này cũng bao gồm những nhân vật cực hữu — như các thành viên gia đình của Trump, những người có công trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông và có thể được trao các vị trí quyền lực chính thức ngay lập tức. Tưởng tượng Jared Kushner, con rể của Trump, người hiện là cố vấn an ninh quốc gia có thể trở thành ngoại trưởng Hoa Kỳ nếu đảng Cộng hòa giữ được đa số ghế tại Thượng viện.
Với một đội ngũ trung thành như vậy, Donald Trump sẽ muốn làm gì? Giả thuyết lạc quan nhất là ông sẽ là một nhân vật theo chủ nghĩa dân tộc gắn với trách nhiệm. Không còn cuộc bầu cử nào để cạnh tranh, và với niềm xác quyết rằng mình đã định hình thế giới trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông ta sẽ để mọi thứ tiếp diễn. Ví dụ, Trump sẽ hài lòng với NATO vì các nước thành viên đã cam kết chi trả nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng của chính họ. Một động lực chính sách quan trọng của chính quyền Donald Trump sẽ là chuyển hoá chiến lược của Hoa Kỳ trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các siêu cường, đặc biệt là việc chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng để chứng minh cho lý thuyết chủ nghĩa dân tộc gắn liền với trách nhiệm (responsible-nationalist theory). Donald Trump chưa bao giờ chính thức xác nhận kế sách quan trọng trong Chiến lược An ninh Quốc gia của ông về sự cạnh tranh giữa các cường quốc — thậm chí ngay cả trong phát biểu của ông vào tháng 12/2017 khi giới thiệu về kế hoạch. Hiện Trump đang rất hiếu chiến với Trung Quốc, nhưng đó có thể là cách thức của Trump để đánh lạc hướng dư luận khỏi thất bại của mình trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Donald Trump vẫn bị thúc đẩy bởi các mối quan tâm kinh tế và thương mại hạn hẹp, hơn là các lợi ích địa chính trị rộng hơn ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Lý thuyết này loại trừ vai trò của Trump và làm nổi bật các chính sách mà ông không góp nhiều công sức để tạo ra.
Lời giải thích chính xác nhất cho hành vi của Donald Trump chưa bao giờ đến từ quan điểm của ông về một vấn đề cụ thể, mà luôn đến từ tâm lý và tính cách – sự cực đoan, cách ông nhìn nhận bản thân, nhu cầu đến mức tuyệt vọng được là trung tâm của tin tức, việc thích được tâng bốc, sự giận dữ trước những điều nhỏ nhặt, và bản năng đề phòng của ông. Lịch sử gia đình của mẹ ông, bà Mary Trump, cung cấp nhiều điều về các kế hoạch của Donald Trump hơn là các tài liệu chính thức.
Với nhân cách như vậy, một giả thuyết khác có khả năng hơn là việc Donald Trump không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Trong trường hợp này, tham vọng của ông sẽ tăng theo quyền lực có được. Như tác giả John Bolton kết luận trong cuốn sách của mình, TT Trump trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ “ít bị hạn chế trong chính trường hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên”. Ông sẽ được tự do là chính mình – theo đuổi các chính sách có lợi cho cá nhân bằng cách liên kết các quyết sách với lợi ích kinh doanh của mình; thỏa mãn các mong muốn gây sự chú ý và tạo thị phi; tấn công những người mà ông không thích, chẳng hạn như Angela Merkel, và giúp đỡ những người mà ông thích, chẳng hạn như Kim Jong Un.
Đáng chú ý, Donald Trump sẽ củng cố thêm cho niềm tin của mình bằng cách dựa vào những ý tưởng mà ông có trước khi trở thành tổng thống. Ông có thể rút lại hoàn toàn sự hỗ trợ với NATO bằng cách từ chối bảo vệ Đức, Pháp và các quốc gia chọn lọc khác theo điều khoản phòng vệ tương hỗ. Trump có thể đơn phương đưa ra quyết định này mà không cần sự cho phép của Quốc hội, bằng cách đơn giản là thay đổi cách diễn giải của tổng thống về hiệp ước thành lập NATO, vốn đã mơ hồ một cách có chủ đích.
Donald Trump đã cố gắng rút quân khỏi Hàn Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Nhưng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông có thể biến nó thành hiện thực bằng cách ký kết hiệp ước hòa bình với Triều Tiên. Trump đã có các bình luận chỉ trích đầu tiên về Nhật Bản trong chính sách đối ngoại vào những năm 1980. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã chuyển đổi sự công kích lâu đời của mình vì mối quan hệ bạn hữu vun đắp với thủ tướng Shinzo Abe. Giờ đây, với sự vắng mặt của Abe trên chính trường, Trump có thể quay lại với sự công kích xưa kia, và đặt câu hỏi về liên minh với Nhật Bản. Cả hai bước đi này đều có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Trung Quốc là ẩn số lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump. Cơ quan thiết lập chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa hy vọng rằng, sự cạnh tranh với Trung Quốc sẽ là nguyên tắc chủ chốt trong việc tổ chức chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Nếu Trump giữ lập trường này, các quan chức Đảng Cộng hòa có thể sử dụng điều đó để đưa ra các lập trường của họ đối với Trung Đông (đoàn kết để ngăn chặn Trung Quốc), hoặc châu Âu (đưa NATO vào cuộc đua chống lại Trung Quốc), và với kinh tế (giao thương với các đồng minh cạnh tranh với Trung Quốc). Thế nhưng, không ai biết liệu Trump sẽ ủng hộ chương trình nghị sự này, hay liệu ông sẽ quay trở lại hình thức đối đầu hẹp hơn với Bắc Kinh khi chỉ tập trung vào kinh tế, trong khi rút lui khỏi các liên minh mà Mỹ tham gia.
Phần thứ hai của việc tạo gọng kìm cũng quan trọng không kém trong nhiệm kỳ tiếp theo của Donald Trump, đó là phản ứng của các nước còn lại trên thế giới. Các đồng minh cũng như đối thủ của Hoa Kỳ đã nín thở sau cuộc bầu cử năm 2016. Họ không biết chiến thắng của Trump chỉ là một đốm sáng mau chóng vụt tắt hay sẽ là một sự thay đổi vĩnh viễn. Thật sự thì đây là câu hỏi hàng đầu mà hầu hết chính phủ các nước trên thế giới đặt ra về Hoa Kỳ trong bốn năm qua, bởi vì nó liên quan đến tương lai chính quốc gia của họ.
Trước đại dịch coronavirus, hầu hết quan chức các nước đồng minh [của Hoa Kỳ] mà tôi từng nói chuyện đều nghĩ rằng Donald Trump sẽ thắng nhiệm kỳ thứ hai. Bây giờ, giống như hầu hết những người khác, họ coi ông là kẻ yếu thế hơn. Nếu Trump chiến thắng một lần nữa, bạn hữu cũng như kẻ thù [của Hoa Kỳ] sẽ chấp nhận rằng vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ thời hậu Thế Chiến II đã đi đến hồi kết. Các quốc gia sẽ chịu những ảnh hưởng khác nhau. Một số đồng minh của Hoa Kỳ có thể đi đến các thỏa thuận với Trung Quốc và Nga. Một số ít khác có thể tự phát triển các lực lượng răn đe hạt nhân. Tất cả các nước sẽ chuẩn bị cho một thế giới ít gắn kết hơn.
Đại dịch coronavirus đã làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Hiện nay, nhiều người chấp nhận rằng cuộc sống sẽ không trở lại như cũ cho đến khi một loại vaccine đáng tin cậy được phát triển và phân phối rộng rãi. Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đứng trên bờ vực, khi bị rung chuyển bởi đại dịch và sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vấn đề hợp tác, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Châu Âu, đã phải tạm dừng. Ưu tiên hàng đầu của chính quyền Donald Trump là phát đi tín hiệu “Nước Mỹ trên hết” và tự giải quyết vấn đề của riêng mình, thay vì xây dựng một liên minh quốc tế để giải quyết các vấn đề chung. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, các quốc gia khác có lẽ không trông mong gì đến trong nỗ lực phối hợp để phục hồi kinh tế toàn cầu, phát triển vaccine, tu chỉnh các thể chế quốc tế hoặc viện trợ cho những quốc gia bị ảnh hưởng do khủng hoảng. Sự tự do lưu thông trong du lịch và thương mại sẽ không trở lại như trước đại dịch. Mọi quốc gia sẽ phải tự chống đỡ phần mình. Liên minh châu Âu và một số nền dân chủ khác có thể cố gắng duy trì một trật tự đa phương, nhưng điều này sẽ sớm trở thành tàn tích, và không còn liên hệ gì đến các sự kiện trên thế giới.
Những lãnh đạo chuyên quyền như Vladimir Putin, Tập Cận Bình, Mohammed bin Salman, Recep Tayyip Erdoğan, và một số cá nhân khác, vừa bất an lại vừa tự tin trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Họ xem Donald Trump là một lãnh đạo chia sẻ cùng quan điểm với mình, cũng như tin vào khả năng gây ảnh hưởng và thuyết phục đối với Trump. Trump đã thừa nhận điều này với Bob Woodward: “Thật buồn cười, các mối quan hệ mà tôi có — họ càng ngoan cố và xấu xa thì tôi càng hòa hợp với họ tốt hơn… Những nhân vật dễ xử lý lại là những người mà tôi có thể không thích hoặc hòa hợp với họ”. Và những mối quan hệ “hòa hợp” đó sẽ tiếp tục được phát triển và thúc đẩy trong nhiệm kỳ thứ hai. Trump rất dễ bị đọc vị, và bằng sự kết hợp giữa việc tâng bốc và xúi giục, các nhà lãnh đạo này sẽ sử dụng Trump cho những mục tiêu của họ, cho dù đó là loại bỏ những người bất đồng chính kiến ở trong nước hay nhắm mắt làm ngơ trước sự bành trướng trong khu vực.
Nhìn lại lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ, một trong những tình huống tồi tệ nhất có thể đã xảy ra nếu Franklin D. Roosevelt không thay thế phó tổng thống Henry Wallace bằng Harry Truman vào năm 1944. Wallace có thiện cảm với Liên Xô và trở thành một người chống Chiến tranh lạnh. Nếu ông trở thành tổng thống khi Roosevelt qua đời vào tháng 4 năm 1945, nửa thế kỷ sau đó có thể đã rất khác: NATO sẽ không tồn tại, sẽ không có Kế hoạch Marshall, không có liên minh với Nhật Bản, không có sự hiện diện của quân đội [Hoa Kỳ] ở nước ngoài, và không có Liên minh châu Âu.
Hoa Kỳ hiện đang đứng trước một thời điểm lịch sử quan trọng khác. Với Trump, chúng ta sẽ không chỉ bị tước đoạt khỏi thành tựu của Truman. Chúng ta sẽ mang trên mình gánh nặng của Wallace, một nhà lãnh đạo với bản năng và hành động hoàn toàn trái ngược với những gì thời cuộc yêu cầu. Với chỉ vài ràng buộc còn sót lại và một thế giới đang gặp khủng hoảng, sự tái đắc cử của Donald Trump có thể thiết lập một quỹ đạo mới cho các vấn đề của thế giới trong nhiều thập kỷ tới.
––
Đính chính, ngày 12/10: Trong phiên bản trước, bản dịch có hai lỗi sai so với bản gốc, liên quan đến cụm từ “cut deals with” (đi đến thoả thuận) và “nuclear deterrent” (lực lượng răn đe hạt nhân). Chúng tôi đã sửa lại. Chân thành cáo lỗi cùng độc giả.