Quyền sinh con (hay không) và công lý dành cho phụ nữ

Quyền sinh con (hay không) và công lý dành cho phụ nữ
Ảnh minh hoạ: Vox.

Sau khi Luật Khoa đăng bài viết “Những phát ngôn đáng chú ý của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg” ngày 26/09/2020, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc chuyển ngữ “abortion right” thành “quyền sinh con” thay vì “quyền phá thai” như cách thông thường.

Ban Biên tập Luật Khoa đã trao đổi kỹ với tác giả Y Chan về vấn đề này trước khi đăng bài, và với tư cách là một tờ báo mong muốn đăng tải các quan điểm đa chiều, chúng tôi tôn trọng cách tiếp cận của tác giả. Điều đó có nghĩa là nếu có tác giả nào dịch là “quyền phá thai” thì Luật Khoa vẫn đăng.

Tác giả Y Chan sẽ giải thích rõ hơn lựa chọn của mình qua một loạt bài mà chúng tôi bắt đầu đăng tải từ hôm nay. Loạt bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, và chúng tôi sẵn sàng đăng tải các ý kiến thảo luận, phản biện tại đây.

***

Kỳ 1: Thay màu kính, thay cả thế giới

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện có vẻ không hề liên quan.

Khi phong trào “Black Lives Matter” đòi quyền bình đẳng cho người da đen lên cao trào tại Mỹ, ở Trung Quốc ai đó đã dịch tên của phong trào này thành ba chữ “Hắc Mệnh Quý” (黑命貴). Cách dịch này cũng được nhiều người Việt Nam mặc định dùng theo.

Trong tiếng Hoa, “quý” ngoài nghĩa đáng trân trọng còn có nghĩa phổ biến khác là “có giá” hay “đắt giá”. Khi người ta nói một thứ “rất quý”, theo ngữ cảnh thông thường ai cũng sẽ hiểu rằng thứ đó “rất mắc tiền”.

Không khó hiểu khi với cách dịch trên, tại Trung Quốc và cả ở Hong Kong lẫn Đài Loan, rất nhiều người không có ấn tượng tốt đẹp với phong trào phản kháng này của người da màu ở Mỹ. Mạng của người da đen “có giá hơn” những người khác?! Tào lao!! Vậy còn mạng của người khác thì sao??!

Những tiếng nói tỉnh táo yêu cầu phải dịch lại cho đúng nghĩa và bản chất của phong trào, thành “mạng người da đen cũng là mạng”, trở nên lạc lõng và bị chìm lỉm trong đại dương “hắc mệnh quý”.

Cách đóng khung (framing) một vấn đề đã khiến góc nhìn của rất nhiều người đối với nó trở nên lệch lạc ngay từ lúc khởi sinh.

Dĩ nhiên chuyện đó xảy ra cả ở Mỹ mà không cần phải có vấn đề dịch thuật chuyển ngữ nào. Như cách nhiều người Mỹ đối lại với “Black Lives Matter” bằng việc cũng hô khẩu hiệu “White Lives Matter” (mạng người da trắng cũng quan trọng) hay “Blue Lives Matter” (mạng cảnh sát cũng quan trọng), hoặc cả “All Lives Matter” (mạng nào cũng quan trọng). Họ cố tình nhập nhằng vấn đề bằng việc gạt đi thực tế rằng có sự phân biệt đối xử với người da đen.

Điều tương tự diễn ra với phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới. Nhiều người phủ nhận việc nữ giới bị phân biệt đối xử cũng giương cao các khẩu hiệu đối chọi kiểu “mọi giới đều bình đẳng”. Với cách đặt vấn đề đó, mọi cuộc thảo luận bị gạt đi, hiện trạng được giữ nguyên.

Chính cách tiếp cận và đóng khung một vấn đề, như kiểu “hắc mệnh quý” ở trên, đã hà hơi tiếp sức, cho họ cái cớ tuyệt vời để đu bám vào.

Cách tiếp cận đối với “quyền phá thai”, và thậm chí là lựa chọn từ ngữ của nó trong tiếng Anh (abortion right), ngay từ đầu cũng đã đóng khung và tạo ra ấn tượng xấu cho nhiều người theo cách như vậy.

Bạn có thể tự làm khảo sát, hỏi bất kỳ người lạ nào, nam hay nữ, già hay trẻ, về ấn tượng đối với chữ “phá” hay “bỏ”, và kết quả luôn sẽ là đa số không có suy nghĩ tích cực gì với hai chữ này. Ghép nó với một thứ đáng trân trọng, thậm chí được xem là thiêng liêng như “thai”, ấn tượng tiêu cực chỉ có tăng chứ không thể giảm.

“Phá thai” hay “bỏ thai” đều mặc nhiên tạo ra ấn tượng xấu trong mắt người đọc người nghe ngay từ ban đầu. Vậy thứ “quyền” gắn với nó sẽ khiến người ta có suy nghĩ tích cực hay tiêu cực?

Tương tự, “abort” (từ bỏ, hủy bỏ) không phải là một từ mang nghĩa tích cực trong tiếng Anh. “Abortion right” (quyền phá thai/ bỏ thai) cũng thất bại ngay từ đầu trong việc gây ấn tượng tích cực với người nghe.

Nếu là một người tìm hiểu cặn kẽ lịch sử về phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của nữ giới, bạn sẽ ngay lập tức phản đối điều trên. Bạn là người hiểu rõ đầu cua tai nheo vì sao người ta lại phải đấu tranh cho thứ quyền trớ trêu này. Nhưng bạn phải tự đặt câu hỏi: có bao nhiêu người giống mình?

Còn nếu khăng khăng lắc đầu không quan tâm suy nghĩ của người khác, bạn cũng không nên ngạc nhiên vì sao đến giờ này, năm thứ 20 của thế kỷ 21, nhiều người vẫn còn phản đối “quyền phá thai” nói riêng và nhiều thứ quyền tự quyết của phụ nữ nói chung.

Sức sống của sự phản đối đó không chỉ đến từ đức tin hay cái đầu hẹp hòi thủ cựu, nó còn là sản phẩm của một trong những kiệt tác marketing xuất sắc nhất thời hiện đại.

Pro-Life: Một kiệt tác branding

Các phong trào đòi quyền tự quyết của phụ nữ phát triển mạnh tại Mỹ từ sau Thế Chiến I, và đặc biệt là sau Thế Chiến II, hòa chung với phong trào nhân quyền (civil rights) nở rộ vào thời điểm đó.

Đến thập niên 1960, sự ủng hộ dành cho quyền tự quyết của phụ nữ trong mọi vấn đề, bao gồm “lựa chọn phá thai”, được đẩy lên cao trào.

Đối chọi lại, từ cuối thập niên 1960, phong trào phản đối bắt đầu thay đổi, chuyển từ cái mũ thuần túy “chống phá thai” (anti-abortion) sang một cách tiếp cận mới: giành chữ “life” (sinh mạng, sự sống) về phía mình.

Khẩu hiệu của họ giờ đây là “right to life” (quyền được sống). Họ tự gọi mình là những người “pro-life” (ủng hộ cho sự sống). Thay vì “chống” (anti) một thứ gì đó, giờ đây họ đại diện cho những người “bảo vệ” (pro) một thứ khác. Và có bao nhiêu thứ trên đời này đáng bảo vệ hơn là “sự sống”?

“Tôi thuộc thế hệ Pro-Life”. Ảnh: Pasty Lynch/Media Punch/IPX.

Cách tiếp cận mới này đã đặt phe đấu tranh cho nữ quyền vào thế bị động. Họ buộc phải tìm ra một khẩu hiệu khác của phong trào để đấu lại. “Right to choose” (quyền được lựa chọn) miễn cưỡng được… lựa chọn. Gọi là miễn cưỡng vì ngay cả chính người đề xuất ra nó cũng thừa nhận đó không phải là giải pháp tối ưu, nhưng không còn cách nào khác.

Vì sao đó không phải là tối ưu?

Trong khi phe “pro-life” (ủng hộ sự sống) có thể mặc nhiên quy chụp cho những người phản đối mình là “chống lại sự sống”, thì phe “pro-choice” (ủng hộ lựa chọn) chỉ có thể gắn nhãn cho những người phản đối là “chống lại quyền lựa chọn”.

Giữa chống lại sự sống và chống lại quyền lựa chọn, ta có thể nói ngay rằng bên nào có sức nặng và nghiêm trọng hơn.

Kiệt tác branding (tạo thương hiệu) giúp cho phong trào phản đối phá thai có một luồng sức sống mới. Ngay cả sau án lệ Roe v. Wade, phán quyết được xem là bước ngoặt của Tòa án Tối cao vào năm 1973, công nhận quyền hợp pháp của người phụ nữ trong việc lựa chọn phá thai, phong trào phản đối của những người “pro-life” không hề có dấu hiệu chững lại mà ngày càng được tiếp thêm sức.

Một điều ít khi được nhắc tới, đó là việc “pro-life” không phải là sáng tạo của họ, và cũng không có nghĩa như hiện tại được sử dụng.

Theo từ điển Oxford, thuật ngữ này xuất hiện vào năm 1960 trong một quyển sách của tác giả A. S. Neill. Khi đó Neill dùng “pro-life” với ý chỉ việc ủng hộ cho sự sống nói chung của tất cả, chống lại những hình phạt hà khắc, các án tử hình, việc phân biệt đối xử với người đồng tính…

Cuối thập niên 1960 khi được phe chống phá thai trưng dụng, “pro-life” lúc đó vẫn còn mang nghĩa rộng, bao gồm cả việc phản đối chiến tranh (Việt Nam).

Ngày nay, một cách trớ trêu, rất nhiều người “pro-life” lại chỉ quan tâm tới việc kiểm soát lựa chọn phá thai của phụ nữ, trong khi không ngần ngại trong việc lớn tiếng chống lại dân nhập cư, phản đối các chính sách phúc lợi cho người nghèo, người da màu, đảm bảo chất lượng sống của phụ nữ và trẻ em… “Sự sống” trong tay họ được tái định nghĩa theo cách ưa mắt và hạn hẹp nhất có thể.

Reframing: Thay màu kính, thay cả thế giới

Trong các khóa học hiện đại về kinh doanh, đặc biệt là cho các startups (khởi nghiệp), một chương trình không thể thiếu là “design thinking” (tư duy thiết kế). Đó là phương pháp tiếp cận để tìm ra các giải pháp mới nhằm giải quyết vấn đề.

Một trong những kỹ năng quan trọng của tư duy thiết kế là “reframing”, nghĩa đen là “thay đổi khung nhìn”.

Nó tương tự như việc giơ ống kính máy ảnh lên chụp, đứng yên ở một chỗ sẽ có một góc nhìn cố định, di chuyển sang một vị trí khác sẽ được một góc nhìn mới. Góc nhìn khác không chỉ giúp “đỡ chán” mà quan trọng hơn, nó giúp người ta thấy được những khía cạnh mới của vấn đề và từ đó tìm ra các giải pháp mới. Mọi phát kiến trên đời đều đến từ việc thay đổi góc nhìn như vậy.

Không chỉ những người làm sáng tạo hay kinh doanh mới cần biết “reframing”. Bất kỳ ai cũng cần thường xuyên thực hành kỹ năng này.

Hiệu quả của “reframing” đã được chứng minh trên thực tế từ cả ngàn năm qua, nhưng cơ chế của nó thì mới chỉ được các nhà tâm lý học khám phá vài thập niên gần đây (nổi bật là các nghiên cứu của Daniel Kahneman và Amos Tversky).

Theo đó, con người bị ảnh hưởng bởi “Hiệu ứng đóng khung” (Framing effects): chúng ta phản ứng khác nhau với cùng một vấn đề mỗi khi nó được trình bày theo một cách khác nhau.

Lấy ví dụ, một loại thuốc trị bệnh mới được tung ra thị trường. Nếu quảng cáo nó có tỷ lệ thành công là 70%, phản ứng nhận được từ đa số sẽ rất tích cực. Nhưng nếu nói với người bệnh rằng thuốc này có khả năng thất bại lên tới 30%, đa số sẽ lắc đầu không chấp nhận rủi ro trên. Bản chất như nhau (70% thành = 30% bại) nhưng chỉ cần cách đặt vấn đề khác biệt, phản ứng nhận được sẽ trái ngược.

Có thể lấy một ví dụ gần gũi hơn, là việc chia tay người yêu. Lối nói phổ biến theo thói quen là “bị người yêu bỏ” là cách tiếp cận gây cảm giác tiêu cực. Nếu không thay đổi góc nhìn, dẹp đi ám ảnh “từ nay cô đơn tới già” hay “không bao giờ tìm được người nào tốt hơn” thì vĩnh viễn sẽ không thấy được cơ hội rộng mở trước mắt (chấm dứt được một mối quan hệ không phù hợp, có thêm thời gian cho bản thân, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp khác…).

Trong chuyện này, “quay lại làm bạn bình thường” hay “đóng lại mối quan hệ” là những chiếc khung có lợi hơn nhiều, và tự động giải phóng người trong cuộc khỏi cái mác nạn nhân.

Đó cũng là lý do mà người viết cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận trong việc dùng thuật ngữ “abortion right” và từ tương đương của nó trong tiếng Việt,  “quyền phá thai” hay “quyền bỏ thai”.

Nó không chỉ liên quan đến ấn tượng của người khác về vấn đề, ảnh hưởng đến thái độ của họ, mà còn không mô tả đầy đủ bản chất của câu chuyện: cuộc đấu tranh đầy máu và nước mắt, từ thế hệ này qua thế hệ khác, cho quyền tự quyết của người phụ nữ đối với cơ thể, sinh mạng và phẩm giá của chính mình.


Đón đọc kỳ tiếp theo: Khi phụ nữ bị canh cửa mình.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.