Khí tài quân sự của Việt Nam lỗi thời thế nào so với Trung Quốc

Nguy cơ hụt hơi khi có xung đột và song đề nan giải cho lực lượng quân sự Việt Nam.

Tàu Trần Hưng Đạo 015, thuộc lớp Gepards, cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 27/9/2018. Ảnh: Japan Maritime Self-Defense...
Tàu Trần Hưng Đạo 015, thuộc lớp Gepards, cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 27/9/2018. Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force.

Việt Nam, dựa trên quân số và các khí tài quân dụng, luôn được xem là một lực lượng quân sự đáng gờm trong các nền quân sự thế giới. Trong bảng xếp hạng quyền lực toàn cầu dựa trên số liệu và tiềm năng quân sự của Global Fire Power, Việt Nam chễm chệ ở vị trí thứ 22, vượt hẳn Canada, Triều Tiên, Mexico và hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á.

Tuy nhiên, bỏ qua những con số thống kê, liệu sức mạnh quân sự thực chiến của Việt Nam là như thế nào? Và chúng ta có năng lực đối phó với quân đội Trung Quốc ra sao?

Không cần đến người Việt Nam nặng đầu suy nghĩ, học giả gốc Hoa Shang-su Wu đến từ Viện Nghiên cứu Quốc tế của Trường Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho chúng ta một cái nhìn khá toàn cảnh về các vấn đề quân sự của Việt Nam và một viễn cảnh tương lai chiến tranh với Trung Quốc trong một nghiên cứu có tên gọi Vietnam: a case of military obsolescence in developing countries (Việt Nam: nghiên cứu một hiện tượng lỗi thời quân sự trong các quốc gia đang phát triển), được đăng tải trên tạp chí The Pacific Review, số xuất bản năm 2019.

Bài viết này nhằm mục tiêu giới thiệu các thông tin và luận điểm quan trọng của tác giả đến bạn đọc Việt Nam.

Sau 1975: Không ngán ai

Nghiên cứu khởi đầu bằng việc tìm ra một định nghĩa phổ quát về “sự lỗi thời quân sự” (military obsolescence).

Theo đó, sự lỗi thời quân sự ám chỉ hiệu quả vận hành và khả năng bảo dưỡng khi tham chiến của các khí tài quân sự nói chung khi một bên có xung đột với một đối thủ tiềm năng của mình. Sự lỗi thời quân sự đặc biệt có sức nặng tại các quốc gia đang phát triển bởi họ không có một nền công nghiệp quốc phòng riêng và năng lực vận hành, bảo dưỡng, sản xuất phụ tùng rất giới hạn. Tác giả Wu ghi nhận rằng mình chọn Việt Nam bởi di sản Chiến tranh Lạnh rõ nét, cùng lúc đó là đối mặt với sức ép chiến thuật – địa chính trị vô cùng lớn từ phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, ngay sau 1975, có nhiều lý do để tin rằng Hà Nội không hề lỗi thời so với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Trung Quốc. Ông cho rằng không có gì để bàn cãi về việc Bắc Việt đã nhận rất nhiều sự hỗ trợ và viện trợ quân sự từ Trung Quốc lẫn Liên Xô, cho dù đó là các hệ thống và phương tiện vũ khí tối tân, có tính chiến thuật. Về sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Việt Nam và các bằng chứng lịch sử, bạn đọc có thể tìm đến bài viết Trung Quốc: Hậu phương lớn và sao Bắc Đẩu của miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam đã được đăng tải trên Luật Khoa.

Riêng về các hỗ trợ quân sự của Liên Xô dành cho Việt Nam, Wu ghi nhận người anh cả xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục viện trợ – hỗ trợ quân sự một cách có hệ thống cho Việt Nam. Một bộ phận lớn trong số đó, ví dụ như thế hệ xe chiến đấu bộ binh thứ hai BMP-2 (BMP-2 infantry fighting vehicles – IFVs) với pháo tự động, súng máy và hệ thống tên lửa chống tăng, đều có thể được xem là các sản phẩm quốc phòng của thời đại. Đây cũng chính là giai đoạn ngắn ngủi Việt Nam có thể bình yên hiện đại hóa kho vũ khí của mình, với chi phí phải chăng.

Không chỉ vậy, chính quyền cách mạng còn tiếp quản một lượng khí tài quân sự đáng kể do Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa để lại sau ngày 30/4/1975, vốn cũng đều là các sản phẩm đỉnh cao của công nghệ quốc phòng thời kỳ đó.

Một cuộc diễu hành của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1979 khi Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc bùng nổ. Ảnh: Thomas Billhardt.
Một cuộc diễu hành của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào năm 1979 khi Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc bùng nổ. Ảnh: Thomas Billhardt.

Dù nghiên cứu không trực tiếp nhắc đến, tác giả Shang-su Wu dường như đang muốn giải thích rằng sự thiện chiến của quân đội nhân dân Việt Nam (VPA) ngay sau 1975 (vốn đã có hơn 10 năm trận mạc) và việc có một kho khí tài quân sự hiện đại, đã đóng góp quan trọng vào chiến thắng của Việt Nam trước Trung Quốc trong Chiến tranh Biên giới 1979, cũng như sự vượt trội của các quân khu phía Nam trước quân Polpot.

Nhưng thực trạng này không kéo dài được lâu.

Bộ – Không – Hải: Dậm chân tại chỗ?

Sau khi Liên Xô lâm vào khủng hoảng và mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam – Trung Quốc xấu đi, cùng lúc khi mô hình kinh tế tập thể thất bại trên diện rộng, chính quyền Hà Nội không còn năng lực hiện đại hóa khí tài quân sự quốc gia một cách thường xuyên. Điều này dẫn đến sự hụt hơi dễ dàng nhận thấy khi so sánh năng lực quân sự giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, trước khi đi vào phân tích các số liệu và lập luận học giả Wu mang đến, người viết cũng như các bạn đọc có thể nghĩ ngay đến tính xác thực của các con số và thông tin quốc phòng.

Số liệu quốc phòng là vấn đề an ninh quốc gia, làm sao có thể công bố rộng rãi để phân tích hay bình luận? Người viết đã xem xét vấn đề nguồn thông tin và có vẻ cách tiếp cận của Wu khá khoa học. Theo đó, ông dựa vào các thông tin thu chi ngân sách quốc phòng vốn đều được công khai để tiện bề kiểm tra, đi kèm với đó là các nguồn tham khảo từ các tổ chức think tank về quân sự, vũ trang và an ninh quốc tế có uy tín như Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) hay The International Institute for Strategic Studies (IISS). Ngoài ra, các hợp đồng quốc phòng, mua bán khí tài quân sự, dịch vụ bảo dưỡng quân sự có giá trị đều được các quốc gia có liên quan công bố khá rộng rãi, giúp cho việc thu thập thông tin về quá trình hiện đại hóa quân đội không quá khó khăn như chúng ta tưởng tượng.

Như vậy, chúng ta có thể tương đối an tâm về vấn đề nguồn thông tin. Nhưng Wu có nhận định thế nào về tình hình lỗi thời quân sự tại Việt Nam? Ông chia tình hình quân sự nước ta ra thành ba nhóm cổ điển là bộ binh, không quân và hải quân.

Bộ binh

Đối với bộ binh, Wu cho rằng toàn bộ hệ thống khí tài quân sự của Việt Nam vẫn chưa trải qua lần cải tổ, thu mua hay nâng cấp đáng kể nào. Ông mô tả rằng nhìn vào bộ binh Việt Nam sẽ giống như du hành vượt thời gian về thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và điều này sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh chủng quan trọng này trước một Trung Quốc đông hơn và hiện đại hơn.

Wu đưa ra các ví dụ khá cụ thể.

Nghiên cứu ước tính rằng đơn vị thiết giáp của Việt Nam đang có khoảng 1.270 đơn vị. Trong đó, nhóm xe tăng chủ chiến (Main Battle Tank – MBT) bao gồm T-62, T-55/54, và type-59 đều là những sản phẩm trình làng từ tận thập niên 1970. Một số đề nghị mua T-90 của Nga đã được đưa ra hồi 2017, nhưng vẫn không có thông tin thương vụ có thành công hay không. (Đây là theo thông tin của nghiên cứu tại thời điểm công bố. Hiện nay, nhiều nguồn tin trong nước cho biết một số lượng nhỏ MBT T-90 đã được bàn giao cho Việt Nam từ cuối năm 2018.) Nhiều đơn vị MBT đã ở ngưỡng không thể vận hành và duy tu bảo dưỡng được nữa, như T-62s từ 200 đơn vị nay chỉ còn 70 được ghi nhận.

Xe bọc thép BTR-82 của bộ binh Việt Nam. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga / VietNamNet.
Xe bọc thép BTR-82 của bộ binh Việt Nam. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga / VietNamNet.

Các hệ thống tên lửa dẫn đường chống tăng (Anti-tank guided missile – ATGMs) có thể được kỳ vọng sử dụng để chống lại các đơn vị thiết giáp vượt trội của Trung Quốc. Nhưng Wu chỉ ra là kể cả hệ thống này của Việt Nam cũng chỉ là một bức tranh ảm đạm từ thời Chiến tranh Lạnh. 9M14Ms (AT-3) và 9M111s (AT-4) đều không thể tiêu diệt các loại tăng hiện đại của Trung Quốc bằng một phát bắn.

Các đơn vị pháo binh của Việt Nam cũng có giới hạn về tầm đánh của mình. Các loại pháo 2S1s và 2S3s có thể được bảo vệ kỹ lưỡng, nhưng tầm bắn 15,2 và 17,3 cây số là quá ngắn. Trong khi những dã pháo hạng nặng của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng không có hy vọng được sử dụng một cách hiệu quả vì không có sự linh động và cơ chế bảo vệ cần thiết. Tuy nhiên, điểm lợi là hầu hết các loại pháo Việt nam đang sử dụng đều còn trong thời hạn vận hành của Nga, và việc nhận hỗ trợ kỹ thuật, phụ tùng từ Nga không phải là quá khó.

Hải quân

Về hải quân, vị trí chiến thuật đặc biệt của Việt Nam khiến các vấn đề liên quan đến sự lỗi thời quân sự của binh chủng này không quá đáng kể.

Căn cứ vào lịch sử bảo dưỡng của Hải quân Nga và các dòng sản phẩm đang được hải quân nước này sử dụng, tàu ngầm lớp Project 636, khinh hạm lớp Project 11661 (Gepard 3) và các tàu tấn công nhanh lớp Project 1241 đều được xem là “hàng hiệu” và không thua kém bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Tàu Trần Hưng Đạo 015, thuộc lớp Gepards, cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 27/9/2018. Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force.
Tàu Trần Hưng Đạo 015, thuộc lớp Gepards, cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngày 27/9/2018. Ảnh: Japan Maritime Self-Defense Force.

Tuy nhiên, VPA chỉ có sáu tàu Gepards, so với đến 31 tàu chiến mặt nước của hải quân Trung Quốc đang hoạt động tại biển Đông Việt Nam. Các tàu chiến mặt nước còn lại mà Việt Nam đang sử dụng trên toàn vùng biển của mình là năm tàu hộ tống lớp Project 159, vốn không có giá trị nhiều trong thực chiến và cũng đều từ 30 đến 40 năm tuổi.

Trong bối cảnh này, theo Wu, chiến thuật “Chống tiếp cận từ biển” (Sea denial, tức hạn chế khả năng quân đội Trung Quốc có thể tấn công Việt Nam bằng đường biển) là lựa chọn khả dĩ duy nhất của Việt Nam. Riêng chiến thuật “Kiểm soát biển” (Sea control) là gần như không thể.

Tác giả cũng nhắc thêm là Hà Nội hiện đang rất thiếu năng lực về công cụ lẫn kinh nghiệm chống lại mìn biển (sea mines), giúp Trung Quốc có thêm một cơ hội thành công trong việc phong tỏa các cảng biển Việt Nam (blockade).

Không quân

Về không quân, gần như toàn bộ hệ thống máy bay chiến đấu đang sử dụng đều từ thế hệ thứ ba (third-generation fighters). Phần lớn trong số đó là MiG-21s và Su-22s, đều được bảo dưỡng nhờ vào phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật đến từ Đông Âu hoặc Ấn Độ sau khi Liên Xô cắt viện trợ. Lực lượng không quân cho đến nay đã được bổ sung với một số máy bay chiến đấu Su-30, tức thế hệ 4+, vẫn đang được sử dụng rộng rãi.

Su-22 của Trung đoàn 921. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.
Su-22 của Trung đoàn 921. Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân.

Tuy nhiên, về số lượng hay tính hiện đại, không quân Trung Quốc với J-10, J-11B và Su-30, được hỗ trợ bởi đông đảo máy bay tiếp nhiên liệu cùng hệ thống Chỉ huy và cảnh báo không lưu – AWACS (Airborne Warning and Control System), rõ ràng vẫn sẽ chiếm thế thượng phong trong các cuộc không chiến “tẩy sàn”.

Wu cũng cân nhắc năng lực đất đối không của Việt Nam, vốn gây được tiếng vang trong chiến tranh Việt Nam. Theo ông, hệ thống SAMs lừng danh và kinh nghiệm không chiến của Việt Nam có thể ít ra giúp Việt Nam hạn chế khả năng Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn vùng trời Việt Nam. Từ thập niên 1990, các đơn vị S-300s, phiên bản cập nhật của S-125-2MTs và kể cả SPYDER-MRs được nhập từ Israel cũng giúp cải thiện năng lực cản đường và gây thương vong cho các đơn vị không quân từ Trung Quốc.

Tác động của sự lỗi thời quân sự là gì?

Wu nhận định rằng bộ binh Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi sự lỗi thời quân sự hơn so với các đơn vị hải quân hay không quân. Điều này tiếp tục giúp cho các lãnh đạo quân sự Trung Quốc xem xâm lược theo đường bộ là một khả năng khả dĩ, dù là xung đột tại biên giới hay chiếm đóng theo thời gian ngắn. Với lực lượng thiết giáp và pháo binh không còn giữ được thế cân bằng như trong Chiến tranh Biên giới, Wu cho rằng viễn cảnh áp đảo tuyệt đối (complete suppression) của thiết giáp quân và pháo binh Trung Quốc, từ đó tạo ra nền tảng cho sự tự do tiến công và chiếm đóng của các nhóm quân chủ lực Bắc Kinh là không khó để hình dung.

Riêng về bảo vệ không phận, Wu nhấn mạnh sự tồn tại của rất nhiều các căn cứ quân sự và đường băng dân sinh vừa được xây dựng rải rác khắp biển Đông. Ông cho rằng điều này sẽ giúp cho không quân Trung Quốc có tầm hoạt động bao phủ toàn Việt Nam, dù là bay từ đại lục, từ đảo Hải Nam sang hay các đường băng mới trên biển.

Trong khi đó, Việt Nam cũng bị đẩy vào thế khó là có sử dụng lực lượng không quân của mình hay không? Nếu Hà Nội quyết định bảo toàn lực lượng không quân đắt tiền, vừa đánh vừa lui, hệ thống SAMs phòng không chắc chắn rơi vào tình trạng quá tải. Quan trọng hơn, triết lý không chiến cũng đã có những thay đổi cơ bản. Trung Quốc có thể không chỉ gửi máy bay chiến đấu, mà theo đó còn là các máy bay tác chiến điện tử (Electronic Warfare Aircraft – EWA) nhằm đánh phá hệ thống phòng không. Liệu các hệ thống tên lửa phòng không cũ kỹ S-75, S-125 and 2K12 có chịu được áp lực vận hành như thế không còn là một câu hỏi để ngỏ.

Hà Nội, với vị trí cách biên giới với Trung Quốc tại Lào Cai chỉ vừa hơn 100 cây số, hiện sẽ phải giải quyết câu hỏi song đề do các giới hạn tài chính và rủi ro: Một là tiếp tục tập trung đầu tư vào việc hiện đại hóa hải quân và không quân để chuẩn bị cho các tranh chấp ở biển Đông; hai là phải cải thiện cho bằng được bộ binh để bảo vệ thủ đô và các mục tiêu chiến lược trên bộ.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.