Mỗi người đều có một phiên bản Maradona

Thế giới này luôn có những người khác biệt, và đủ chỗ cho tất cả sự khác biệt đó.

Mỗi người đều có một phiên bản Maradona
Maradona năm 1986, thời khắc đỉnh cao trong sự nghiệp. Ảnh: Agence France-Presse/Getty Images

Nhà báo Guillermo Blanco đã từng viết, “Diego vẫn là một cậu bé ở khu ổ chuột ngày nào, với con diều trong tay, trên đó cậu ghi tên Maradona. Cậu chạy, con diều bay cao, còn cậu ở mãi dưới mặt đất”.

Vào ngày 25/11/2020, cậu đã bay cùng con diều.

Diego Maradona, “cậu bé vàng” của làng bóng đá, vừa qua đời ở tuổi 60.

Với nhiều người Việt Nam sinh ra trong thập niên 1980 trở về trước, “Maradona” và “bóng đá” là một. Những đứa trẻ tập tễnh trước khi giành trái bóng đều giành nhau được làm Maradona. Những người lớn thì mò mẫm tìm mọi cách xem bằng được các trận đấu tại World Cup 86 huyền thoại, thời điểm mà truyền hình trực tiếp vẫn còn là một thứ xa xỉ.

Nếu có ai gọi World Cup năm 1986 tại Mexico là giải đấu của Maradona, ít người sẽ phản đối.

Một tay, theo nghĩa bóng lẫn đen, đưa Argentina lên ngôi vô địch; được bầu làm cầu thủ xuất sắc nhất giải; cho tới nay vẫn giữ kỷ lục là người bị phạm lỗi nhiều nhất trong một World Cup (53 lần, tính trung bình mỗi trận Maradona có gần tám lần bị đối phương đốn ngã); và tất nhiên là hai bàn thắng huyền thoại, được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử bóng đá, diễn ra chỉ cách nhau có vỏn vẹn bốn phút.

***

Rất nhiều người gọi hai sự kiện diễn ra cách nhau bốn phút đó là hai bộ mặt khác nhau của Maradona, một gian manh xấu xí khiến người ta ghét cay ghét đắng, một thiên tài hoàn hảo làm tất cả phải cúi đầu nể phục.

Hai bàn thắng trên được Maradona thực hiện trong trận tứ kết gặp đội tuyển Anh. Một bàn bằng tay (mà sau trận đấu ông còn tự hào gọi nó là “bàn tay của Chúa”), và tiếp theo là một bàn bằng cái chân trái ma thuật, xuất phát từ giữa sân, sau 10,8 giây, với 44 bước chạy, 12 lần chạm banh, để lại sau lưng năm cầu thủ đối phương, nhẹ nhàng hạ gục thủ thành lừng danh Peter Shilton.

Tuyệt tác trên đẹp đến mức Gary Lineker, tiền đạo của tuyển Anh có mặt trên sân lúc đó đã nhớ lại, “khi ấy tôi chỉ muốn vỗ tay”.

Hai bàn thắng theo hai cách thức rất khác nhau này khiến người ta tranh cãi không ngớt về Maradona, hay về hai mặt trái ngược hoàn toàn của ông.

Nhưng như Brian Phillips đã từng chỉ ra trong một bài viết công phu về cuộc đời Maradona, hai nét vẽ trên thực chất là cùng một màu: màu của bản năng.

Chính xác hơn, nó là sản phẩm của kỹ năng bậc thầy kết hợp với bản năng đường phố. Ở tuyệt phẩm thứ hai, ai cũng có thể dễ dàng thấy điều đó. Riêng ở bàn gian lận thứ nhất, người ta để “cánh tay của Chúa” che mất, không để ý đến những gì diễn ra trước đó. Nó cũng bắt đầu cùng một kiểu: Maradona nhận bóng gần giữa sân, đi bóng lắt léo qua ba bốn cầu thủ đối phương, trước khi chuyền lại cho đồng đội và lẻn vào vòng cấm địa chờ trả bóng. Một cú phá bóng ngẫu nhiên của hậu vệ khiến quả bóng bay ngược về phía Maradona đang chạy, và bất chấp chỉ đứng tới ngực của thủ môn, ông vẫn nhảy lên tranh chấp, để rồi láu cá giơ tay lên đẩy quả bóng bay vào lưới.

Bản năng, làm mọi cách để bóng vào lưới, dẫn dắt Maradona trong cả hai bàn thắng để đời này.

Bản năng cũng là kim chỉ nam duy nhất cho cuộc đời của ông, trong lẫn ngoài sân bóng.

***

Sau khi Maradona chính thức giải nghệ vào năm 1997, người ta không hề bớt chuyện để nói về ông.

Các buổi tiệc tùng ăn chơi, những đứa con rơi lâu lâu lại xuất hiện thêm, chứng nghiện ngập cùng những lần nhập viện cấp cứu, và cả các hoạt động có màu sắc chính trị.

Maradona xuất hiện bên cạnh cố lãnh đạo của Venezuela Hugo Chávez vào năm 2005. Ảnh: EFE
Maradona xuất hiện bên cạnh cố lãnh đạo của Venezuela Hugo Chávez vào năm 2005. Ảnh: EFE

Có người ngạc nhiên và chau mày trước mối quan hệ thân tình hữu hảo giữa Maradona với các lãnh đạo cánh tả, thậm chí với những người được xem là độc tài, như Fidel Castro của Cuba, Hugo Chávez và Nicolás Maduro của Venezuela, hay Evo Morales của Bolivia, Luiz Inácio Lula da Silva của Brazil…

Maradona thường xuyên khoe hình xăm của Che Guevara và Fidel Castro, gọi Castro là người cha thứ hai của mình sau khi được giúp đỡ chữa trị cai nghiện ở Cuba, và nhiệt tình có mặt bên cạnh các lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latin để kêu gọi sự ủng hộ cho họ.

Nhưng chỉ những ai không sống ở Mỹ Latin mới ngạc nhiên. Chuyện ủng hộ các nhà lãnh đạo cánh tả, những người gọi mình là đại diện và đấu tranh cho quyền lợi của dân nghèo, là việc rất bình thường đối với người dân tại đây.

Và cũng chỉ những ai chưa tìm hiểu về cuộc đời của Maradona mới thấy khó hiểu. Cậu bé Diego sinh ra và lớn lên trong một khu ổ chuột, thuộc tầng lớp Descamisado (nghĩa đen “không có áo mặc”, chỉ những người nghèo khổ). Toàn bộ gia đình cùng những người thiếu ăn thiếu mặc chung quanh cậu đều là những Peronista – người ủng hộ Juan Perón, nhà lãnh đạo dân túy theo chủ nghĩa dân tộc của Argentina, người khai sinh ra “chủ nghĩa Peron” (Peronism) mà đến nay vẫn còn sức ảnh hưởng to lớn đến chính trường Argentina.

Peronism có sức thu hút mạnh mẽ còn nhờ vào Eva Perón, đệ nhất phu nhân của Argentina khi Juan Perón làm tổng thống từ năm 1946-1952. Tuy không nắm giữ chức vụ cụ thể nào trong chính quyền, nhưng Eva Perón có công lớn trong việc vận động cho các chính sách ủng hộ người nghèo, xây dựng trường học, bệnh viện, nhà tế bần… Với xuất thân nghèo khổ, bà trở thành nguồn cảm hứng cho hàng triệu người dân Argentina. Eva Perón cũng chính là nhân vật được nhắc đến trong bài hát bất hủ “Don’t cry for me, Argentina” (Đừng khóc cho tôi, đất nước Argentina).

Các chính sách của chính phủ Juan Perón thời đó, với sự vận động của Eva Perón, đã đem lại rất nhiều lợi ích và hy vọng cho những tầng lớp nghèo khổ nhất của đất nước. Gia đình Maradona cũng nằm trong số những người được hưởng lợi. Bản thân Diego vẫn luôn tự hào mình là một Peronista. Không có Perón, không có Maradona.

Kể cả khi trở thành quốc bảo từ lúc còn tuổi thiếu niên, tiền tài danh vọng ập tới như thác đổ, Diego vẫn xem mình là một thằng nhóc ở khu ổ chuột năm nào. Maradona thấy thoải mái nhất khi đứng bên cạnh những người bình dân nghèo khổ. Vậy nên bất kỳ một lãnh đạo chính trị nào nhận rằng đứng về phía dân nghèo, một cách tự nhiên, họ sẽ nhận được sự ủng hộ hết mình của ông.

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, túng trước hụt sau, căn nhà được cất tạm bợ, không có nổi một cái toilet đàng hoàng, từng ngã vào hố phân ngập gần đến đầu, phải lăn lộn ngoài đường làm đủ thứ việc vặt để kiếm ăn – đó không phải là câu chuyện chỉ xảy ra với cậu bé Diego. Nó là bức tranh chung của rất nhiều những đứa trẻ Argentina vào thời ấy. Bản năng sinh tồn của những đứa bé này cũng được trui rèn từ đó.

Bản năng của Maradona, giống như những người có cùng xuất phát điểm, không chỉ là đứng về phía những người nghèo như mình. Đó còn là bản năng “đợp lại” mọi thứ đối nghịch, chướng tai chướng mắt, bất kể đó là ai và trong hoàn cảnh nào.

Khi liên tục bị chơi xấu trong trận chung kết giữa Barcelona và Athletic Bilbao vào năm 1984, Maradona đến cuối cùng đã không ngần ngại biến sân bóng thành võ đài, rượt đuổi “tẩn lại” đối phương, mặc kệ việc nhà vua Tây Ban Nha khi đó đang có mặt trên khán đài chứng kiến, tạo thành một trong những cuộc loạn đả “hoành tráng” nhất trong lịch sử.

Diego Maradona ra mắt tại câu lạc bộ Napoli, Ý vào năm 1984 (trái), và 35 năm sau khi đang dẫn dắt một câu lạc bộ tại Mexico. Ảnh: Dailymail
Diego Maradona ra mắt tại câu lạc bộ Napoli, Ý vào năm 1984 (trái), và 35 năm sau khi đang dẫn dắt một câu lạc bộ tại Mexico. Ảnh: Dailymail

Hay khi chuyển sang thi đấu tại Ý cho Napoli, nghe cổ động viên của Juventus chửi rủa khinh miệt câu lạc bộ của mình, Maradona đã dạy lại đứa con gái, khi đó mới chỉ bập bõm học nói, “Juventus, vaffanculo!” (địt mẹ mày Juventus), và khoái chí khi nghe con gái nói theo.

Khi đến Vatican gặp Giáo hoàng John Paul II, nghe Giáo hoàng nói về việc nhà thờ lo lắng cho những đứa trẻ nghèo khổ, Maradona chỉ lên các trần nhà bằng vàng lộng lẫy, “bán mấy cái trần nhà này đi, ông bạn, làm gì đó đi chứ!”.

Trong suốt cuộc đời mình, Maradona sống hoàn toàn theo bản năng. Guillermo Blanco nhận xét, giống như mọi người khác, Maradona có mặt tốt mặt xấu, nhưng những thứ ông làm thì không “cân bằng” như hầu hết mọi người. Ông làm nó tới cực đỉnh.

***

Có lẽ đó là lý do mà trong mắt rất nhiều người, Maradona có một địa vị đặc biệt, khác hẳn tất cả những huyền thoại khác của làng bóng.

Pele có thể vẫn là Vua, Franz Beckenbauer vẫn là Hoàng đế, Michel Platini vẫn là Hoàng tử, Johan Cruyff vẫn là Thánh, Messi hay Ronaldo có thể một ngày nào đó sẽ được phong vương phong tước, nhưng Maradona thì mãi là “cậu bé vàng” có một không hai.

Khác với những nhân vật xuất chúng khác, người ta xem Maradona là “người của mình” (man of the people), một “người trời” với tài năng thiên phú nhưng đồng thời có quá nhiều nhược điểm của “người thường”.

Các cổ động viên của Napoli tưởng niệm Maradona tại sân vận động San Paolo ở Naples, Ý. Ảnh: AP/ Salvatore Laporta
Các cổ động viên của Napoli tưởng niệm Maradona tại sân vận động San Paolo ở Naples, Ý. Ảnh: AP/ Salvatore Laporta

Người ta nhìn vào Maradona và thấy một phần của mình trong đó. Tài năng và bản năng, đam mê và ham muốn, quyết tâm và ý chí, lưu manh và sợ hãi, yêu thương và ngu dại, cao ngạo và khờ khạo, vấp ngã và gượng dậy, rồi lại được yêu thương…

Như lời một bài hát nổi tiếng của Manu Chao, “nếu tôi là Maradona, tôi cũng muốn sống một cuộc đời như anh ấy”.

Sẽ không có bao nhiêu người sống được như thế. Nhưng nhờ những người như Maradona, chúng ta có được những chiếc gương soi đủ sắc đủ màu.

Những chiếc gương nhắc nhở rằng thế giới này luôn có những con người khác biệt, và nó đủ chỗ cho tất cả những khác biệt đó.

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.