Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Giữa lúc kinh tế Hoa Kỳ đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19, lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED), Raphael Bostic, phát biểu rằng, “kỳ thị chủng tộc đang kìm hãm đà phát triển của Mỹ”, là một trở ngại cho tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới.
Nguyên nhân trực tiếp của sự căng thẳng chủng tộc đang gia tăng ở Hoa Kỳ đến từ sự kiện một người đàn ông người Mỹ gốc Phi, George Perry Floyd, bị một nhóm cảnh sát người da trắng giết chết tại Powderhorn, tiểu bang Minnesota, làm trỗi dậy phong trào biểu tình “Black Lives Matter”, gây rúng động xã hội Mỹ và lan rộng ra khắp thế giới.
Ai đó đang nói, “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng nước Mỹ vĩ đại khi nào? Đó là một câu hỏi nhức nhối của những người da đen bị phân biệt đối xử. Vậy thì, sự trỗi dậy phong trào BLM ảnh hưởng như thế nào đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020? Chính sách về chủng tộc của hai ứng viên tổng thống có gì đặc biệt? Ở bài viết này, tôi muốn nhìn lại một phần của vấn đề lịch sử đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc của Mỹ, và sức ảnh hưởng của nó trong cuộc bầu cử tổng thống 2020.
Một trong những đặc trưng chính của phong trào BLM là việc nhìn nhận lại về lịch sử của Hoa Kỳ. Không chỉ về các tướng lĩnh và thương nhân buôn bán nô lệ của quân đội miền Nam, thậm chí cả Columbus, “người phát hiện ra châu Mỹ”, nhiều vị tổng thống và những người có công với Hoa Kỹ cũng bị chỉ trích vì dính líu đến chủ nghĩa thực dân và chế độ nô lệ.
Về mặt pháp lý, chế độ nô lệ đã chấm dứt vào năm 1865 với Tu chính án thứ 13 của Hiến pháp Hoa Kỳ sau cuộc Nội chiến Bắc – Nam (1861 – 1865). Nhưng tư tưởng và các hành xử phân biệt chủng tộc thì không chấm dứt ở đó.
Vào cuối thế kỷ 19, tại các vùng ngoại ô Los Angeles và Houston, đã xảy ra hàng loạt vụ việc những người đàn ông da đen bị treo cổ trên cây. Các nhà điều tra đã cố gắng bác bỏ bằng luận điệu rằng đây là các vụ tự tử, nhưng tang quyến và cư dân địa phương vẫn không thấy thuyết phục. Ngoài ra, ở Milwaukee, người ta tìm thấy những bức ảnh của sáu người da đen bị cảnh sát và người da trắng giết chết và treo lên những cành cây trong công viên. Đó là một sợi dây treo cổ từng được sử dụng để trừng phạt người da đen.
“Dạo này cây miền Nam nảy sinh loài quả lạ
Máu vương trên lá
Máu trào về cội
Hình hài da đen đong đưa theo ngọn gió…”
“Dạo này cây miền Nam nảy sinh loài quả lạ ” là lời mở đầu bài hát “Quả lạ” (Strange fruit), miêu tả cảnh thi thể một người áo đen bị treo trên cây đang mục nát của nữ ca sĩ nhạc jazz da đen Billie Holiday vào năm 1939. Đó là một trong những cảnh hãi hùng của những người bị đám đông hành hình tại miền Nam nước Mỹ trong thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20.
Về mặt lịch sử, chiến thắng của miền Bắc đặt dấu chấm hết cho Liên minh miền Nam cũng như chế độ nô lệ Hoa Kỳ, và làm tăng cường vai trò của chính phủ liên bang. Tuy nhiên, sau chiến tranh, chính phủ liên bang vẫn duy trì hệ thống phân biệt chủng tộc bằng đạo luật Jim Crow để thi hành sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam.
Phải đợi đến những năm 1950, các phong trào phản kháng rộng rãi đối với hệ thống pháp luật phân biệt chủng tộc của các bang miền Nam mới diễn ra mạnh mẽ. Nhằm chống lại phong trào phản kháng này, với danh nghĩa duy trì “trật tự và pháp luật”, giới chính quyền và các sĩ quan cảnh sát da trắng đã không ngừng dùng bạo lực để đàn áp. Cho đến khi Phong trào Dân quyền bùng nổ vào thập niên 1960, với những lãnh đạo như Martin Luther King, hệ thống pháp luật phân biệt chủng tộc ở miền Nam mới bị bãi bỏ.
Một trong những kết quả cho chiến thắng đó là sự ra đời Đạo luật Dân Quyền (1964), đạo luật quy định cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và giới tính. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm thúc đẩy hội nhập chủng tộc tại nơi làm việc, trường học và các địa điểm công cộng, trên thực tế, sự phân biệt về lựa chọn nghề nghiệp, tiền lương lao động, điều kiện làm việc và các hình thức phân biệt chủng tộc khác vẫn diễn ra không ngừng sau đó.
Mặt khác, việc chính phủ và cơ quan tư pháp liên bang đưa ra các “biện pháp chỉnh đốn tích cực” (affirmative action) đã làm gia tăng ác cảm chống người da đen trong cộng đồng người lao động da trắng, vốn đang cảm thấy bất mãn về tình hình tài chính do cuộc khủng hoảng dầu mỏ và suy thoái trong nước vào những năm 1970. Cuộc bạo động ở Los Angeles năm 1992 là kết quả của cuộc cuộc đối đầu đó. Los Angeles đã chìm trong hỗn loạn trong vài ngày sau khi nhiều cảnh sát sử dụng bạo lực quá mức đối với một người đàn ông da đen. Trong năm ngày xảy ra cuộc bạo loạn, khoảng 50 người đã thiệt mạng, hơn 2.000 người bị thương và 6.000 người bị bắt.
Sự trỗi dậy phong trào BLM làm nảy sinh một vấn đề nổi cộm. Mặc dù nước Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ qua Phong trào Dân quyền những năm 1960 và có được cho mình vị tổng thống gốc Phi đầu tiên (Barack Obama) nhưng vấn nạn phân biệt chủng tộc vẫn luôn là một mạch ngầm âm ỉ và mạnh mẽ. Thực tế, phong trào BLM đã xuất hiện từ thời Barack Obama. Khi ông Obama được bầu làm tổng thống năm 2008, nhiều người kỳ vọng đó sẽ là khởi đầu cho sự chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc của Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, nó lại là cơ hội làm hồi sinh hệ tư tưởng “da trắng thượng đẳng (White Supremacy). Vào tháng Hai năm 2012, Traybon Martin, một thiếu niên da đen bị một nhân viên tự vệ da trắng ở Florida bắn chết. Năm sau, tòa tuyên tha bổng cho nhân viên tự vệ này, kích động một làn sóng phản đối trên toàn quốc. Phong trào BLM từ đó được khởi xướng và phát động.
Tại sao nó lại mang lại kết quả như vậy?
Nhà xã hội học nổi tiếng Arlie Russell Hochschild, tác giả cuốn sách “Strangers in their Own Land: Anger and Mourning on the American Right”, lý giải, nhóm người da trắng (thuộc các khu vực suy giảm kinh tế) ủng hộ những chủ trương của phe cánh hữu cho rằng sự xuất hiện của Tổng thống Obama là do các ưu đãi lịch sử chính phủ liên bang áp dụng cho người da đen, dẫn đến sự phản ứng mạnh mẽ của người da trắng. Trong cuốn sách sâu sắc và thu hút này, bà ví von bằng hình ảnh một nhóm người đàn ông da trắng đứng xếp hàng để lên đỉnh đồi, đó là nơi cuối cùng họ hiện thực hóa Giấc mơ Mỹ. Đường di chuyển chậm nhưng họ vẫn cảm thấy tự hào vì biết rằng mình ngoan cường và kiên nhẫn. Nhưng lúc này, họ cảm thấy đường đi ấy di chuyển cực kì chậm, rồi họ thấy những người khác – phụ nữ, người Mỹ gốc Phi và những người nhập cư gần đây – “chen lấn vào hang”. Họ cho rằng, tầng lớp trung lưu da trắng trong nửa thế kỷ qua đã luôn phải hy sinh do chính phủ liên bang liên tục gấp rút xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng với người da đen.
Do đó, khi nước Mỹ xuất hiện một vị tổng thống người da đen dựa trên các nguyên tắc phổ quát như bình đẳng và dân chủ, vốn là nền tảng của xã hội Hoa Kỳ, nó đã kích hoạt sự xuất hiện của một tổng thống như ông Donald Trump, người ngầm chấp nhận quyền tối thượng của người da trắng. Hệ quả đi kèm là cuộc xung đột, đối đầu giữa nhóm người “da trắng thượng đẳng” và nhóm người “da đen”, dẫn đến sự bùng nổ của phong trào BLM.
Cụ thể, dưới thời Tổng thống Trump, các vụ cảnh sát da trắng tấn công và giết hại người Mỹ gốc Phi ngày càng trở nên dữ dội hơn, bất chấp nhiều phản đối và chỉ trích. Kể từ khi Đạo luật Dân Quyền ra đời năm 1964, chính phủ liên bang đã tuân theo luật này để cấm phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, dân tộc, tôn giáo và giới tính, nhưng Tổng thống Trump đã từ bỏ vai trò này. Trong một bài báo khác được đăng trên tờ The Atlantic, nhà báo người da đen nổi tiếng gọi Trump là “tổng thống da trắng đầu tiên của Hoa Kỳ.
Thay vì chỉ trích hành động của nhóm da trắng thượng đẳng, là một đại diện cho phe cánh hữu bảo thủ, Tổng thống Trump đưa ra lập trường trấn áp bạo loạn bằng cách kêu gọi khôi phục “luật pháp và trật tự”, được ví như tiền lệ của Nixon vào năm 1968, và kêu gọi các cử tri da trắng ở ngoại ô tham gia, những người coi trọng vấn đề an ninh. Trump coi sự trỗi dậy của phong trào BLM là cơ hội để huy động những người ủng hộ cốt lõi của ông, công nhân da trắng, những người truyền bá phúc âm cánh hữu và những người da trắng thượng đẳng.
Tuy nhiên, phong trào Black Lives Matter là “con dao hai lưỡi” đối với Đảng Dân chủ.
Theo kết quả điều tra vào tháng 9/2020 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, hiện có khoảng 55% người trưởng thành ở Hoa Kỳ bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào BLM, giảm so với mức 67% vào tháng Sáu. Nhiều nhóm phi đảng phái đang rất lo lắng về nguy cơ an ninh khi lực lượng cảnh sát bị hạn chế nhiều hoạt động. Tổng thống Trump nói với các cử tri ngoại ô rằng “nếu Đảng Dân chủ đắc cử, cảnh sát sẽ biến mất, những người có thu nhập thấp sẽ tràn vào và tước đoạt cuộc sống yên bình [của các bạn].”
Theo nhà sử học Gary Gerstle, chủ nghĩa dân tộc của Mỹ, từ khi ra đời, đã luôn mang hai khuôn mặt: chủ nghĩa dân tộc tự do (civic nationalism) và chủ nghĩa dân tộc chủng tộc (racial nationalism).
Chủ nghĩa dân tộc tự do là một quan điểm quốc gia coi Hoa Kỳ là một nhóm các cá nhân bình đẳng có các quyền con người phổ quát, được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập, và được thống nhất trong các niềm tin chính trị chung như tự do và bình đẳng.
Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc chủng tộc là một quan điểm coi Hoa Kỳ là một nhóm người có chung một truyền thống chủng tộc cụ thể, chẳng hạn như chung huyết thống và màu da cũng như các đặc điểm chủng tộc khác.
Có thể nói, lịch sử của chủ nghĩa dân tộc của Hoa Kỳ từ xưa đến nay đã phát triển theo sự xung đột và thỏa hiệp giữa hai quan điểm này. Theo quan điểm của Gary Gerstle, sự xuất hiện của Tổng thống Obama là một tượng đài cho chủ nghĩa dân tộc tự do. Trong khi đó, sự xuất hiện của Tổng thống Trump lại đại diện cho chủ nghĩa dân tộc chủng tộc.
Nếu bạn nhìn theo cách này, dẫu cho các cuộc bầu cử Mỹ kết thúc thế nào, ai được bầu chọn làm tổng thống, thì xung đột có tính truyền thống của hai chủ nghĩa dân tộc này ở Mỹ sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới.