Văn hóa tranh luận và bảy tuyệt kỹ ngụy biện

Ai cũng thích có văn hóa, nhưng “đánh nhau” thì có cần văn hóa không?

Văn hóa tranh luận và bảy tuyệt kỹ ngụy biện
Một cuộc tranh luận. Minh hoạ: LK.

Tranh luận có cần văn hóa không?

Tùy bạn hỏi ai, sẽ có người nói có, kẻ gạt đi bảo không. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp người chất vấn ngược lại: “văn hóa” ở đây là sao? Hay tốt hơn nữa, “tranh luận” đang nói đến là cái gì?

Các cuộc tranh luận có văn hóa trong tiếng Anh thường được gọi là “civil debate”.

“Civil” ngoài nghĩa “dân sự” như trong “civil law” (luật dân sự) còn có nghĩa là “văn minh, lịch sự”. Nhưng “civil” đi chung với “debate” thật có phần khiên cưỡng.

Chữ “debate” (tranh luận) và chữ “battle” (chiến đấu) đều có chung một gốc từ Latin “batuerre” (đánh nhau). Tranh luận vì vậy có thể hiểu là “đánh nhau bằng lời nói”.

Đã đánh nhau thì còn nói chuyện văn minh lịch sự thế quái nào được?

Những người La Mã cách đây 2.000 năm cũng đã từng nghĩ như vậy.

Vào thời kỳ đó, các cuộc tranh luận của người La Mã, bất kể là giữa thường dân hay quý tộc, giữa chính trị gia hay các học giả, ở ngoài đường hay trước tòa án, đều có một món không thể thiếu: những lời thóa mạ.

Nó phổ biến tới mức có luôn cả tên gọi riêng, “Roman invective” hay “uituperatio” trong tiếng Latin, tạm dịch là “nghệ thuật thóa mạ của người La Mã”.

Gọi là nghệ thuật vì ngôn ngữ thóa mạ thật sự được xem là một phần không thể thiếu trong các kỹ năng hùng biện và tranh luận.

Marcus Tullius Cicero, một trong những nhà lãnh đạo La Mã nổi tiếng nhất thời đó (mà Luật Khoa từng có bài viết nhắc đến), đồng thời là một nhà hùng biện xuất chúng, đã để lại những tập sách về thuật tranh luận và hùng biện mà tới tận ngày nay vẫn còn nhiều giá trị tham khảo.

Trong các sách của mình, Cicero trịnh trọng phân ra ba loại thóa mạ khác nhau: nhắm vào hoàn cảnh, nhắm vào đặc điểm cơ thể, và nhắm vào tính cách.

Vào thời của Cicero, tấn công cá nhân là hợp lệ trong tranh luận. Ảnh: Wikimedia.

Theo đó, người tranh luận có thể chỉ trích hoàn cảnh ra đời, trình độ giáo dục, mức độ giàu nghèo, hay châm biếm ngoại hình, sức khỏe, hoặc nhục mạ trí tuệ, thói quen. Gia cảnh nghèo hèn, dòng tộc thấp kém, ngoại hình xấu xí, ăn mặc kỳ cục, nói ngọng nói nhịu, lắp ba lắp bắp, hèn nhát, kiêu căng, đạo đức giả… không có gì của đối thủ là không thể công kích. Giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của người nói.

Cicero tất nhiên cũng tận dụng triệt để mọi cơ hội công kích các đối thủ. Như trong một cuộc tranh luận, ông quy kết đối phương là đồ loạn luân, quan hệ tính dục với anh chị em của mình.

Kiểu tấn công cá nhân (ad hominem) vào thời đó ở La Mã được xem là “hợp lệ” (legitimate), khi người La Mã xây dựng quy chuẩn đạo đức dựa trên các hình mẫu, đặc biệt là từ những người đi trước. Bất kỳ ai bị xem là không hợp với những khuôn mẫu chuẩn này sẽ bị đánh giá là không đáng tin và nguy hiểm. Ngược lại, những ai được khen là chuẩn mẫu thì tự khắc lời nói của họ có giá trị hơn đối phương.

Hơn 2.000 năm sau, các kinh nghiệm tranh luận của người La Mã vẫn còn được truyền lại, nhưng thế giới đã thay đổi rất nhiều. Đáng kể nhất là sự lên ngôi của khoa học với tư duy thực chứng: mọi thứ đều phải được chứng minh qua các dữ kiện thực tế.

Nói cách khác, nhân loại đã chuyển từ quan niệm “trông mặt mà bắt hình dong” sang “nói phải có sách, mách phải có chứng”. Công kích cá nhân từ đó mất dần chỗ đứng trong các cuộc tranh luận, khi nó không chứng minh được giá trị gì trong việc tìm ra chân lý.

Mặc dù vậy, thóa mạ đối phương, dìm người khác xuống để nâng mình lên vẫn luôn là một thói quen khó bỏ của rất nhiều người, đặc biệt khi họ tham gia các cuộc tranh luận với tư thế một mất - một còn.

***

Văn hóa tranh luận tùy thuộc hoàn toàn vào mục đích tranh luận.

Nếu sống ở thời của những người La Mã, khi mục đích tối thượng của việc tranh luận là đánh bại đối phương, thuyết phục được người khác nghe theo ý mình, mọi thủ đoạn công kích dìm hàng đối thủ đều được chấp nhận là một phần của “văn hóa tranh luận”.

Ngày nay, đánh bại kẻ khác không còn là mục đích duy nhất. Những người tham gia trong các cuộc tranh luận, đặc biệt là các khán thính giả, còn có nhu cầu tiếp nhận thông tin, học thêm kiến thức, và trong trường hợp các cuộc tranh luận chính trị, có cơ sở để ghi tên ai lên lá phiếu của mình.

Bất chấp thủ đoạn để hạ nhục đối phương vì vậy không còn là một thứ “nghệ thuật” được chấp nhận.

Trump Biden Debate Meme. Ảnh: AP/Twitter.
Cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay tạo ra một cơn mưa ảnh chế. Ảnh: AP/Twitter.

Và đó chỉ là một trong số những tiêu chuẩn để đánh giá văn hóa lẫn trình độ của người tranh luận.

Một người tranh luận tốt, có văn hóa, có thể được mô tả qua những đặc điểm dưới đây (tham khảo một phần từ bài phát biểu của giáo sư Alfred C. Snider).

  • Thắng không kiêu căng và bại không cáu kỉnh
  • Tôn trọng các quy tắc tranh luận
  • Tôn trọng tất cả những người tham gia
  • Có hiểu biết thực tế về những vấn đề tranh luận
  • Chứng minh lựa chọn của mình bằng lập luận logic và dữ kiện thực tế
  • Thể hiện hình ảnh một người thông minh muốn tìm hiểu và khám phá sự thật

Ngược lại, một người tranh luận kém, thiếu văn hóa, thường có những đặc điểm sau:

  • Bực bội khó chịu khi thấy lập luận của mình không thuyết phục được người khác
  • Chê bai và đổ lỗi cho mọi thứ, từ đối phương đến giám khảo, từ quy tắc chơi đến định mệnh
  • Không tôn trọng những người tham gia: đối phương, giám khảo, khán giả, người điều hành buổi tranh luận…
  • Mặc định muốn người khác phải gật đầu đồng ý với mình mà không đưa ra được lập luận thuyết phục nào
  • Nói chung chung không có gì cụ thể, hoặc tập trung vào những chi tiết quá vụn vặt không liên quan
  • Máu ăn thua đậm đặc, thường xuyên cáu bẳn
  • Không biết cách tận hưởng niềm vui, cũng không học được kiến thức gì mới trong cuộc tranh luận

Mục đích của tranh luận quyết định văn hóa của người tham gia tranh luận, và văn hóa tranh luận lại quyết định chất lượng của cuộc tranh luận.

***

Ngụy biện là những lập luận sai nhưng được che đậy khéo để đánh lừa người khác. Minh họa: Mark Wang/FT.

Nếu mục đích của tranh luận là tìm kiếm sự thật, thì không có gì phá hoại nó dễ dàng hơn bằng các thủ thuật ngụy biện.

Ngụy biện (tiếng Anh là fallacy), theo cách hiểu đơn giản nhất, là những lập luận sai nhưng được che đậy khéo để đánh lừa người khác.

Giống như nghệ thuật thóa mạ, các thủ pháp ngụy biện cũng được sáng tạo và truyền bá từ đời này qua đời khác suốt hàng ngàn năm nay. Và cũng giống với số phận của thóa mạ, ngụy biện mất chỗ đứng trong thế giới hiện đại khi người ta không còn xem “bất chấp thủ đoạn để thắng” là mục đích tối thượng trong tranh luận.

Có vô số các kỹ thuật ngụy biện. Ở đây chúng ta sẽ chỉ điểm qua bảy trong số những loại phổ biến nhất.

1/7

Công kích cá nhân (Ad hominem)

Đây là thứ đã được nhắc đến đầu tiên, và có thể xem nó là ông tổ các loại ngụy biện. Công kích cá nhân là cách dễ nhất để đẩy sự chú ý qua một hướng khác, không liên quan gì đến nội dung tranh luận.

Ví dụ cho loại ngụy biện này:

A đưa ra luận điểm “thể chế độc tài ở Việt Nam là lý do nạn tham nhũng ngày càng nghiêm trọng”.

B đáp trả bằng “thằng A này nhìn mặt ngu như bò, lại chả cống hiến được gì cho đất nước mà dám bàn chuyện chính trị”.

2/7

Đánh hình nộm (Straw Man Fallacy)

Thay vì phản hồi luận điểm của người khác, ta nhào nặn ra một luận điểm mới, chụp mũ cho họ, gạt bỏ luận điểm mới đó, và tuyên bố chiến thắng.

Nói cách khác, nó giống như việc nhìn thấy một anh chàng cao to vạm vỡ, nhắm đánh không lại, ta bèn đi dựng nên một hình nộm giông giống người đó, tha hồ đánh đấm hình nộm, và rồi vỗ ngực tự hào mình thật tài giỏi.

Ví dụ:

A nói “Yêu nước không phải chỉ là làm tốt việc của mình. Yêu nước còn là yêu cầu chính quyền phải làm tốt việc của họ.”

B đáp lại “Chính quyền lúc nào cũng phải làm dâu trăm họ, đâu thể làm hài lòng tất cả được. Yêu cầu chính quyền làm theo ý của mình là chuyện vớ vẩn! Đó không phải là yêu nước!”.

3/7

Lập luận loanh quanh (Circular Reasoning)

Cách giải thích tốt nhất cho loại ngụy biện này là bằng ví dụ.

B tuyên bố “Đảng Cộng sản là lựa chọn tốt nhất của dân tộc Việt Nam”.

A hỏi lý do vì sao, B trả lời: “Vì dân tộc Việt Nam đã lựa chọn đảng Cộng sản!”.

4/7

Vơ đũa cả nắm (Faulty Generalization)

Đây thực chất là một thói quen phổ biến của hầu hết mọi người: nhìn thấy một vài sự việc đơn lẻ, ta lập tức vơ đũa cả nắm biến nó thành đại diện cho hàng triệu những trường hợp khác.

Ví dụ phổ biến là mỗi khi có tin tức về một vụ tai nạn xe hơi mà người cầm lái là phụ nữ, nhiều quý ông sẽ lập tức phán “đàn bà cầm lái là thảm họa”.

Trên thực tế, thành kiến có sẵn giúp họ dễ dàng “quên” đi vô số vụ tai nạn do đàn ông cầm lái mà có khi, chính họ là người chứng kiến tận mắt, hoặc thậm chí, họ chính là tác giả.

5/7

Ngụy biện mất thắng (Slippery Slope)

Đây là loại lập luận trơn tuồn tuột, kiểu hôm nay trời mưa thì sẽ không ra ngoài được, không ra ngoài sẽ không gặp được khách hàng, không gặp khách hàng sẽ không ký được hợp đồng, không có hợp đồng sẽ không kiếm đủ tiền lo đám cưới, không đủ tiền đám cưới sẽ bị người yêu bỏ… Suy ra là nếu hôm nay trời mưa thì sẽ bị người yêu bỏ.

Ví dụ khác thường thấy hơn:

A nói “Khi nào Việt Nam từ bỏ chế độ độc đảng, xây dựng thành công thể chế dân chủ thì đất nước mới thật sự phát triển”.

B đáp trả “Chính trị đang ổn định, giờ tự dưng đa đảng để đánh nhau tranh giành quyền lực, rồi kết bè kết đảng lôi các thế lực nước ngoài vào, các thế lực vào hùa nhau xâu xé đất nước, đất nước sẽ chìm ngập trong nội chiến, hàng chục triệu người sẽ mất mạng vì chiến tranh… Tóm lại nếu thay đổi chế độ thì hàng chục triệu người sẽ chết oan mạng!”

6/7

Người ấy và tôi, anh phải chọn (False Dichotomy)

Đây là thói quen tư duy của những người mù màu, chỉ nhìn thế giới này qua hai lăng kính, không trắng thì phải là đen, tuyệt đối không có màu nào khác.

Ví dụ phổ biến là kiểu tuyên bố “Yêu nước là phải yêu đảng Cộng sản”. Hệ quả là bất kỳ ai phản đối hay chỉ cần chỉ trích những cái xấu của đảng Cộng sản sẽ ngay lập tức được chụp cái mũ “không yêu nước”.

Một ví dụ thời sự khác là quan điểm “Chống Trung cộng thì phải ủng hộ tổng thống Trump”. Kết quả là những ai chỉ trích hay chống lại Donald Trump, vì bất kỳ một lý do gì, bất kể có cơ sở hay không, đều sẽ lập tức bị chụp ngay chiếc mũ “phò Trung cộng”.

7/7

Bói gà ra vịt (False Analogy)

Đây là hình thức so sánh liên hệ giữa hai thứ không liên quan đến nhau, từ đó nhập nhằng đánh đồng ra một kết luận sai.

Ví dụ như kiểu tư duy của nhiều vị quan chức Việt Nam, “xem dân như con”, từ đó suy ra họ đối xử với những đứa con ở nhà ra sao thì cũng có quyền đối xử với người dân theo cách thức tương tự.

***

Như đã đề cập, văn hóa tranh luận phụ thuộc vào mục đích tranh luận, và phải phù hợp với chất lượng tranh luận.

Khi bất chấp thủ đoạn để chiến thắng không còn là mục đích được chấp thuận, những người tranh luận buộc phải trở nên văn minh, lịch sự, học cách tôn trọng người khác hơn.

Và khi yêu cầu của xã hội đối với chất lượng của tranh luận tăng lên, không còn thuần túy chỉ là những màn chửi nhau tay đôi hay giải trí vô bổ, người tham gia tranh luận còn phải học cách tránh xa những thủ thuật ngụy biện.

Dẹp bỏ thói ngụy biện, cùng với việc nuôi dưỡng một tâm thức văn minh, lịch sự, là một phần của văn hóa.

Không làm được điều đó, chúng ta đều có nguy cơ trở thành những ngụy nhân.


Đọc thêm:

Phản biện có văn hóa, khó hay dễ?

Làm thế nào để không bao giờ thắng trong các cuộc tranh luận?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.