Vượt tường lửa đọc các trang bị chặn có phạm pháp không?

Một người truy cập Internet ở Hà Nội. Ảnh: AFP.
Một người truy cập Internet ở Hà Nội. Ảnh: AFP.

Có bạn đọc thắc mắc với chúng tôi thế này: Luật Khoa bị chặn truy cập ở Việt Nam, vậy việc vượt tường lửa để truy cập Luật Khoa có phải là vi phạm pháp luật không?

Về chuyện này, tôi xin trả lời như sau:

Tính pháp lý của việc chặn một trang thông tin mạng

Với tư cách là một công dân tự do, trước khi chúng ta thắc mắc rằng hành vi của mình có phù hợp với một quy định pháp lý nào đó hay không, chúng ta cần trước tiên hỏi rằng chính bản thân quy định pháp lý đó đã phù hợp với tổng thể hệ thống pháp luật nói chung hay chưa.

Ngoại trừ các vấn đề liên quan đến sản phẩm khiêu dâm, sản phẩm văn hóa gây ảnh hưởng đến trẻ em… cho đến hiện nay, căn cứ pháp lý để nhà nước Việt Nam can thiệp, ngăn chặn người dùng trong nước truy cập một số trang thông tin điện tử nhất định đặt máy chủ ở nước ngoài là theo Thông tư 38/2016/TT-BTTTT, Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

Khác với dự đoán của nhiều người, việc chặn truy cập này không chắc là liên quan gì đến Luật An ninh mạng 2018 vì cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành luật này. Luật Công nghệ Thông tin và Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành nhiều khả năng vẫn là các công cụ chính.

Theo đó, Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TT-TT) sẽ là cơ quan thẩm định nội dung thông tin xem chúng có vi phạm điều cấm quy định trong Điều 5 của Nghị định 72 hay không, như:

“a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

…”

Sau đó, trong vòng 48 tiếng, Bộ TT-TT sẽ gửi thông báo lần 1 và lần 2 để yêu cầu bên quản lý của trang mạng đó phối hợp xử lý những thông tin vi phạm. Nếu không được phản hồi, Bộ sẽ sử dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết, cũng tức là tạo tường lửa và chặn người dùng Việt Nam truy cập vào trang thông tin điện tử đó.

Có hai vấn đề cơ bản trong cách tiếp cận này.

Đầu tiên, làm thế nào để xác định một loại thông tin nào đó là vi phạm điều cấm? Trong trường hợp của Luật Khoa, các bài viết do chúng tôi đăng tải là những thông tin lịch sử, pháp lý, triết học, cùng với các thảo luận liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế – xã hội khác nhau, có dẫn chứng và tham chiếu đầy đủ những tài liệu do những nhà xuất bản uy tín như Oxford, Cambridge hay Harvard, Stanford phát hành… Chúng tôi tin rằng nếu chọn ra bất kỳ bài viết nào, Bộ TT-TT cũng khó có thể chứng minh một cách khoa học và thuyết phục những bài viết này “gây phương hại đến an ninh quốc gia” hay “chống lại nhà nước”.

Thứ hai, Bộ này chưa từng liên hệ với Luật Khoa để đưa ra yêu cầu hợp tác hay chỉ ra lý do sai phạm của bài viết nào. Đấy là chưa kể đến các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm tranh chấp giữa Bộ và Luật Khoa sẽ được giải quyết, dàn xếp một cách công bằng thông qua hệ thống tư pháp độc lập. Việc ngăn chặn người dùng tiếp cận với Luật Khoa, theo đó, là bừa bãi, và không đúng với chính quy trình pháp lý do hệ thống pháp luật Việt Nam đặt ra.

Nói cách khác, việc chặn Luật Khoa là trái pháp luật, xét cả về mặt luật nội dung lẫn luật thủ tục. Vượt tường lửa để truy cập vào một trang bị chặn oan có phải là vi phạm pháp luật không?

Vượt tường lửa là trái pháp luật?

Theo lý thuyết pháp lý Việt Nam, khái niệm vi phạm pháp luật được hiểu gồm bốn yếu tố chính:

  • Hành vi trái pháp luật: hành vi thực hiện phải đi ngược lại với một quy định cụ thể trong một văn bản quy phạm pháp luật có thẩm quyền;
  • Do chủ thể có năng lực hành vi thực hiện: liên quan đến các vấn đề về độ tuổi, năng lực pháp lý, v.v.
  • Có lỗi: nói về nhận thức và chủ đích khi chủ thể đó thực hiện hành vi;
  • Xâm phạm đến mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ: ví dụ như khi bạn bị trộm chiếc xe gắn máy, mối quan hệ bị xâm phạm ở đây là quyền sở hữu của công dân.

Không thỏa mãn chỉ một trong bốn yếu tố trên thì hành vi phạm pháp không được xác lập. Trong trường hợp “vượt tường lửa”, chúng ta có thể bàn về các yếu tố (1) và (4).

Ở yếu tố thứ nhất, chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam liệt kê các biện pháp kỹ thuật như sử dụng dịch vụ VPN, thay đổi DNS là vi phạm pháp luật, dù là hình sự hay hành chính.

Thực tế cũng cho thấy việc hình sự hóa, hay hành chính hóa những biện pháp kỹ thuật nói trên là không phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội ngày nay. Chưa nói đến người dùng cá nhân, các công ty nhà nước như Viettel cũng đang cung cấp dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để bảo vệ bí mật thương mại và thông tin cá nhân trong nội bộ một doanh nghiệp. Hay dù Trung Quốc đã ra quy định phạt hành chính đối với các cá nhân sử dụng VPN, họ hoàn toàn không thể thực thi quy định này hiệu quả, và cũng không thể cấm các biện pháp kỹ thuật riêng tư khác như đổi DNS, hay sử dụng những trình duyệt đặc biệt…

Đối với yếu tố thứ tư, cũng cần ghi nhận rằng việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật vượt tường lửa có thể không vi phạm pháp luật, nhưng hành vi hướng tới cũng có thể gây phương hại đến mối quan hệ xã hội được phép luật bảo vệ. Ví dụ như ở Hoa Kỳ, sử dụng VPN hay vượt tường lửa là hoàn toàn hợp pháp, nhưng nếu việc vượt này nhắm đến việc truy cập, lưu trữ thông tin từ các trang web đen, khiêu dâm trẻ em (child pornography), hành vi này vẫn sẽ được xem là vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp vượt tường lửa để tiếp nhận thông tin bị chặn, hành vi tiếp cận thông tin là quyền cá nhân, vốn đã được bảo vệ tại Điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tiếp cận thông tin và quyền tự do ý chí. Bản thân việc đọc và thu nhận một loại thông tin nhất định không thể gây hại đến bất kỳ mối quan hệ xã hội nào vì nó mang tính ý chí, và không hướng tới bất kỳ mối quan hệ xã hội nào khác ngoài ý thức và tư duy của người đó. Vì vậy, hoàn toàn không có cơ sở để đánh giá thiệt hại gây ra cho xã hội và các mối quan hệ được xã hội bảo vệ.

***

Với những thông tin trên, chúng ta có thể đi đến kết luận khá rõ ràng, vượt tường lửa để truy cập các trang thông tin là không vi phạm pháp luật Việt Nam và càng không thể bị xem là vi phạm pháp luật theo tiêu chuẩn quốc tế. Và khi mà tính pháp lý của bản thân việc ngăn chặn truy cập vào những trang thông tin còn phải bàn lại, sao một công dân lại tự trói tay mình mà không tiếp cận với những thông tin mới, đa chiều và khoa học hơn đang sẵn có trên khắp Internet?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.