Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Thấy gì từ những bức ảnh giường bệnh và hồ sơ bệnh án ngập tràn trên mặt báo?
Trong vụ việc nữ sinh lớp 10 tự tử ở An Giang, điều chúng ta thấy không những chỉ là cơn cùng quẫn của một người chưa thành niên hay dấu hiệu giáo viên làm nhục học sinh, mà còn là vai trò của báo chí.
Rõ ràng báo chí đã tích cực đưa vụ việc ra trước công luận để làm rõ trắng đen và trách nhiệm của các bên liên quan. Tuy vậy, không phải không có những lo ngại nhất định về cách báo chí tác nghiệp, liên quan đến quyền riêng tư của bệnh nhân.
Các báo đồng loạt đăng hình cô nữ sinh nằm trong bệnh viện. Dù các báo che mặt và viết tắt tên, dù cô nữ sinh đã nhiều lần lấy tay che mặt, những ai quen biết cô hoặc biết đến vụ việc đều dễ dàng xác định được người trong hình là ai.
Có báo còn chụp cả hồ sơ bệnh án của cô.
Việc chụp hình bệnh nhân và hồ sơ bệnh án như vậy có đúng không?
Đây là một vấn đề dân sự, liên quan đến quyền riêng tư của cô nữ sinh, nên câu trả lời đúng hay không phụ thuộc vào một chuyện: cô có đồng ý cho chụp và công bố thông tin riêng tư (hình ảnh, tình trạng sức khỏe) của mình lên báo hay không.
Nếu cô đồng ý, chúng ta không có gì để nói. Nhưng pháp luật nói gì về quyền riêng tư của bệnh nhân trong trường hợp này?
Quyền riêng tư nói chung được nói đến trong Hiến pháp (Điều 21), Bộ luật Dân sự (Điều 38). Cụ thể, Điều 38 Bộ luật Dân sự nói: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý” (trích).
Riêng Bộ luật Dân sự còn có điều khoản về quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32): “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý” (trích).
Ở các luật chuyên ngành, Luật Khám bệnh, chữa bệnh nói rõ quyền được tôn trọng bí mật đời tư của bệnh nhân, cụ thể là “thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án” (Điều 8).
Với báo chí, Luật Báo chí cũng cấm tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân lên báo, theo nghĩa là các cơ quan báo chí không được đăng và cá nhân/ tổ chức nắm giữ bí mật của cá nhân không được cung cấp cho báo chí.
Cô nữ sinh lớp 10, nếu đã đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đủ để tự mình thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến việc cho phép chụp hình, công bố hồ sơ bệnh án. Nếu cô chưa đủ 15 tuổi thì giao dịch công bố hồ sơ bệnh án phải được cha mẹ đồng ý, nhưng vẫn phải do cô đề nghị, chứ cha mẹ không được quyết định thay.
Nếu cô nữ sinh đang ở trong tình trạng không thể tự mình quyết định, việc chụp hình, công bố hồ sơ bệnh án sẽ do cha mẹ của cô quyết định.
Quy định riêng của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cũng được áp dụng. Nếu họ không cho chụp hình hoặc hạn chế chụp hình thì phóng viên cũng không được tác nghiệp.
Nhìn sang các nước khác, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Australia, pháp luật và nội quy của các cơ sở y tế cũng rất nghiêm ngặt với việc chụp hình bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ được phép chụp hình khi bệnh nhân cho phép, bệnh nhân không tỉnh táo thì người thân quyết, và trong một số trường hợp là người có thẩm quyền của cơ sở y tế quyết. Việc chụp hình bệnh nhân và người nhà bệnh nhân còn không được phép để lộ thông tin, hình ảnh của các bệnh nhân và những người khác trong bệnh viện (bác sĩ, y tá, khách tới thăm bệnh viện…).
Chưa nói đến pháp luật, phép lịch sự tối thiểu luôn là tôn trọng hình ảnh và không gian riêng tư của người khác, nhất là khi bước vào một nơi không phải của mình (nhà riêng, giường bệnh của người khác), và nhất là khi người mình định chụp đang ở trong tình trạng tồi tệ về sức khỏe, nhan sắc. Không phải ai cũng muốn bị lên báo trong tình trạng như vậy, và không phải ai cũng muốn người khác biết mình bị bệnh gì, sức khỏe ra sao.
Một số tài liệu sau có thể giúp bạn tìm hiểu thêm về vấn đề quyền riêng tư: