Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Sau khi Luật Khoa đăng bài “Ứng xử với ngôn luận của bên thua cuộc: Bài kiểm tra của nước Mỹ” của luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, nhiều độc giả đã có những bình luận phản hồi rất chất lượng và đáng tham khảo. Các bình luận này được đưa ra trong nhóm “Cộng đồng Luật Khoa” và trang facebook của Luật Khoa.
Ban biên tập lựa chọn một số bình luận trong đó để quý độc giả tham khảo. Một số bình luận dưới đây có bối cảnh hội thoại riêng, tuy nhiên, giá trị thông tin trong các bình luận giúp chúng có thể đứng độc lập.
Chúng tôi có biên tập lại chính tả và câu chữ của các bình luận này, và viết tắt tên của người bình luận để tránh gây phiền hà cho họ.
***
T. B
Nguyên tắc trung lập áp dụng cho ngôn luận nơi công cộng thì có vẻ hợp lý. Nhưng áp dụng cho một tài sản/ nền tảng tư nhân (private property/ platform) thì không hợp lý chút nào. Nhà của tôi, tôi có quyền ra luật (set rules). Anh vi phạm luật tôi đặt ra thì mời anh ra khỏi nhà. Không hợp lý khi bắt nền tảng của tôi phải đi theo một nguyên tắc trung lập gì ở đây cả. Ví dụ như “Cộng đồng Luật Khoa” đây là một group không hề trung lập mà có những tiêu chí riêng, không phải ai muốn vào đây đăng cái gì cũng được.
Anh không thể xông vào nhà tôi rồi bắc loa lên hô hào ủng hộ Nazi các loại. Tôi đuổi anh ra khỏi nhà khi đó không phải là tôi không tôn trọng tự do ngôn luận mà là tôi thi hành quyền tự do tụ tập và quyền tài sản (freedom of association/ property rights). Chừng nào anh đang biểu tình nơi công cộng mà tôi xông vào giật đi cái loa của anh, hoặc anh viết bài đăng lên web của anh mà tôi xông vào nhà anh giật mất laptop của anh, đó mới là vi phạm tự do ngôn luận.
Tương tự, anh không có quyền gì bắt Facebook hay Twitter phải chấp nhận chứa tất cả các bài của anh bất kể anh nói gì, vì nền tảng đó không thuộc sở hữu của anh, mà được tạo ra bởi các công ty tư nhân ở trên, và anh chấp nhận các điều khoản của những công ty này để được phép sử dụng chúng. Sử dụng Facebook, Twitter là một đặc lợi, không phải là quyền.
Nói Facebook, Twitter là “độc quyền”, “thống lĩnh thị trường” để lập luận rằng những công ty này có trách nhiệm đặc biệt trong việc bảo vệ tự do ngôn luận cũng không hợp lý lắm. Facebook, Twitter không hề độc quyền. Còn lâu. Người dùng hoàn toàn có thể chuyển sang những nền tảng khác cực kỳ dễ dàng: Tumblr, MeWe, Parler, Minds, v.v. Và đã có rất nhiều người làm thế. Thực tế fan của Trump đã chuyển sang Parler và các nền tảng khác rất nhiều.
So sánh Facebook, Twitter “block” một ai đó tương tự với việc một công ty Internet không cung cấp dịch vụ Internet cho một cá nhân cũng không hợp lý lắm. Việc chuyển đổi mạng ở một số vùng chỉ có một hoặc hai nhà cung cấp là điều rất khó khăn, vì bạn không thể thuyết phục những đối thủ cạnh tranh của họ đầu tư cơ sở hạ tầng, dây cáp để cung cấp Internet cho riêng bạn khi họ chưa có sẵn hạ tầng ở đó. Nói cách khác, ở một số vùng, chi phí chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ Internet (hoặc điện, nước) là cực kỳ cao. Trong khi đó, chi phí chuyển đổi của việc chuyển mạng xã hội thấp hơn nhiều. Lên mạng tạo tài khoản trong một phút là xong. Đó là chưa nói ngay cả đối với công ty Internet bạn cũng phải theo quy định (terms of service) của họ. Nếu bạn vi phạm hợp đồng (dùng mạng Internet để ăn cắp hay hack người khác), họ hoàn toàn có quyền cắt Internet của bạn.
K. H. N
Khâm phục tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu đã tạm thời vượt lên quan điểm cá nhân của mình để có một góc nhìn và phân tích tương đối khách quan về tầm quan trọng của tự do ngôn luận và việc áp dụng nó đối với Trump. Làm được việc này trong khi phe nào cũng đang đầy cái đầu nóng sôi sục không phải là việc dễ.
Tuy nhiên, cũng rất buồn khi một người am hiểu giá trị của tự do ngôn luận cũng như các vấn đề pháp lý và triết lý liên quan như tác giả cũng cảm thấy rằng “những phát ngôn của Trump là quá nguy hiểm đến mức một biện pháp cực kì khắt khe phải được áp dụng để bảo vệ cho tính mạng con người và trật tự xã hội,” và cảm thấy “hài lòng” với hành động “kiểm duyệt” của Facebook và Twitter.
Đây là một suy nghĩ cũng như luận điểm cực kỳ nguy hiểm bởi vì nó có thể (và trên thực tế) được sử dụng bởi rất nhiều nhà nước chuyên quyền để bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Trump không kêu gọi giết người, cũng không kêu gọi người ủng hộ đấu tranh vũ trang, tấn công người khác (theo nghĩa đen) hay đập phá tòa nhà Quốc hội. Việc Trump làm là gây nên sự hoài nghi với tính trung thực của cuộc bầu cử cũng như tính công tâm của hệ thống tư pháp và chính phủ hiện hành. Không bàn việc Trump nói đúng hay sai, nếu như hành động này của Trump được coi là kích động bạo lực, gây “nguy hiểm tính mạng… và trật tự xã hội” thì có lẽ cũng không khác mấy việc cáo buộc người bất đồng chính kiến với các tội danh như “chống phá nhà nước”, “bôi xấu chế độ và làm giảm uy tín vào đảng và chính phủ”, hay làm “ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân”?
Đương nhiên, tự do ngôn luận không phải không có giới hạn nhưng nếu cái giới hạn đó được áp đặt quá cẩu thả để làm hài lòng quan điểm chính trị của một phe nhóm, thì bản thân tinh thần của giá trị tự do ngôn luận đã không được đảm bảo nữa rồi. Như tác giả đã trích dẫn, “giải pháp phù hợp nhất dành cho những lời biện hộ xấu chính là những tranh luận tốt.” Kiểm duyệt (censoring) quan điểm đối lập dưới nhiều hình thức (do nhà nước hay tư nhân) không phải là giải pháp của một xã hội văn minh.
A. N
Bài viết rất hay, tuy nhiên quan điểm của tôi về chuyện này thiên về phía ủng hộ Facebook và Twitter. Thời đại ngày nay đã khác xưa quá nhiều và Internet đúng là một thách thức khổng lồ như luật sư Hậu nói. Nếu không có kiểm duyệt thì giả sử các tổ chức khủng bố như Al Qaeda hay ISIS sẽ sử dụng các nền tảng này để tuyên truyền thì hết sức tai hại. Tôi vẫn tin vào tự do ngôn luận và tranh luận sòng phẳng, nhưng bốn năm qua niềm tin đó của tôi bị lung lay dữ dội khi phải tranh luận với người ủng hộ Trump một cách cuồng tín. Rất tiếc khi tôi phải chọn cách ủng hộ Facebook và Twitter.
H. T
Facebook và Twitter không khóa mõm Trump chỉ vì kích động nguy hiểm, mà còn vì tuyên truyền sai sự thật. Họ đã phải kiểm chứng nhiều lần nhưng không giảm. Loan truyền tin giả rất nguy hại cho xã hội. Nếu dung dưỡng tuyên truyền sai sự thật cho mục đích chính trị thì là đồng lõa. Thử hỏi cộng sản tuyên truyền sai sự thật thì có nên chặn đứng hay không?
Thêm một điều nữa là không thể đánh đồng “nước Mỹ” với các nền tảng tư nhân như Twitter và Facebook. Hai công ty này phải chịu trách nhiệm trước chính quyền nếu đồng lõa, chấp chứa ai đó tuyên truyền tin thất thiệt, kích động bạo lực dẫn đến khủng bố. Là công ty tư nhân họ có quyền đặt luật chơi và xử lý những ai vi phạm.
Tu chính án thứ Nhất [của Hiến pháp Mỹ – BTV] bắt đầu bằng “Quốc hội phải…” chứ không phải “Các công ty tư nhân phải…” Trong khi đó thì nếu biết Trump đang trên đà vi phạm U.S.C. § 2384 và U.S.C. § 2385 mà vẫn dung dưỡng thì Twitter và Facebook có tránh được bị liên lụy hay không?
M. L
Xuất phát điểm phải là câu hỏi: Liệu tự do ngôn luận có là một giá trị tự do tuyệt đối và tối thượng, không thể nhường nhịn để dung hòa các giá trị khác hay không? Tiếp đó là cam kết bảo vệ tự do ngôn luận tuyệt đối do ai đặt ra và thực hiện – nhà nước hay công ty tư nhân – nếu công ty tư nhân từ chối bảo vệ giá trị tự do ngôn luận tuyệt đối cho mọi đối tượng, thì hệ quả nó sẽ là gì? Liệu việc bắt các công ty này phải tuân theo giá trị tự do ngôn luận tuyệt đối kia có vi phạm sang quyền tự quyết của tư nhân hay không? Dùng một sự giới hạn tự do (giới hạn autonomy của doanh nghiệp) để đảm bảo tự do ngôn luận tuyệt đối liệu có buồn cười quá không?
M. L
Quyền tự do ngôn luận và đàn áp quyền tự do ngôn luận nó thiên về công quyền hơn là tư nhân. Nếu anh đứng một mình ở nhà anh, tự bắc loa chĩa ra ngoài nói abc mà chính quyền/ người khác ập vào nhà, đánh anh rồi nhét giẻ vào miệng không cho anh nói nữa, thì nó hiển nhiên là vi phạm tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ anh ở nhà tôi, nhưng anh thấy tôi có dàn loa karaoke cực đại quá xịn nên mượn loa của tôi bắc loa ra chửi thiên hạ, tôi thấy lời anh quá chướng nên tôi thực hiện quyền của chủ sở hữu cái loa đòi lại cái loa không cho anh sử dụng nữa. Anh không dùng được loa của tôi, nhưng vẫn có thể mượn loa ca sĩ Trọng Hữu Linh chửi tiếp, hoặc hăng quá chửi chay không cần loa – anh vẫn thực hành được quyền tự do ngôn luận của anh, còn tôi thì thực hiện đúng quyền sở hữu cái loa của tôi. Tôi có vi phạm tự do ngôn luận của anh không?
Trách nhiệm đặc biệt của doanh nghiệp thống lĩnh sẽ do ai quyết định? Do luật pháp, do bản thân họ hay do ý chí của một nhóm người ngoài?
T. N
Vấn đề “bên thắng cuộc” hay “bên thua cuộc” chỉ nên đặt ra khi nhà nước Mỹ (Quốc hội, chính quyền mới) có những biện pháp để ngăn chặn tiếng nói của Trump trên các phương tiện truyền thông sau ngày 20.1. Điều này chắc sẽ không xảy ra. Vấn đề mà Trump mắc phải với các mạng xã hội này có lịch sử từ khi ông ta còn vững như bàn thạch, còn đủ sức phá hoại các mạng này bằng các sắc lệnh.
Từ suốt nhiều tháng qua, mỗi tweet của Trump đều bị dán nhãn về độ tin cậy. Trump vẫn bất chấp, fan thì càng bất chấp, láo mấy cũng tin. Hậu quả là vụ 6/1 xảy ra. Từ nay đến 20/1, tổng thống vẫn còn đủ sức làm mọi chuyện khác mà hậu quả không ai biết trước, nên việc khóa tài khoản là OK. Còn việc khóa tài khoản sau 20/1 là tranh chấp dân sự của hai pháp nhân, không phải đặc trưng cho quyền tự do ngôn luận ở Mỹ.
Ông A hay ông B nào đó vẫn có thể bị khóa tài khoản suốt đời ở một diễn đàn nào đó. Ông cứ tự do đi diễn đàn khác mà chơi. Nếu mạnh tiền, tuyên bố tao đủ sức lập diễn đàn khác thì cứ lập. Nếu chính phủ cấm lập diễn đàn khác vì là “người thua cuộc” thì lúc đó nền dân chủ Mỹ rõ là có vấn đề.
Q. B
Nói cho cùng thì Twitter hay Facebook cũng chỉ là những công ty tư nhân, hoạt động hay kinh doanh theo luật pháp Mỹ. Các nền tảng này có những nguyên tắc hoạt động của mình và họ có quyền xử lý những trường hợp vi phạm. Việc kiểm soát quyền tự do ngôn luận là việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Sự hoạt động của các nền tảng này có vi phạm quyền tự do con người hay vi hiến hay không Trump và nhóm của ông ta có toàn quyền trước pháp luật.
N. H. N
Tôi không đồng tình với bài viết này. Đúng là quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt đã được ghi trong Hiến pháp Mỹ. Nhưng như tất cả mọi quyền khác, cũng đều phải có giới hạn khi mà nó gây ra những tác hại lớn, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác.
Khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan tung ra những đoạn băng ghi lại những cảnh hành quyết man rợ, hoặc những bài viết kêu gọi người Hồi giáo trên toàn thế giới có hành động trả thù cho những cái chết trong chiến tranh do Mỹ và đồng minh gây ra, Twitter, Facebook, YouTube đã đồng loạt xóa bài dưới sức ép của chính quyền và người dùng mạng. Các công ty truyền thông còn rà soát, kiểm duyệt các bài viết ngay tại Mỹ họ cho là có ý ca ngợi thánh chiến, lôi kéo thanh thiếu niên đến với tư tưởng cực đoan. Ngay cả những bài viết bình thường có đăng hình ảnh nhạy cảm còn bị che kèm theo lời cảnh báo.
Huống hồ, ông Trump là một nhân vật đặc biệt. Cương vị tổng thống nước Mỹ của ông khiến mọi hành động, mọi lời nói từ ông có ảnh hưởng và sức tác động lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu người. Suốt mấy tháng qua, ông và những người dưới quyền điều khiển của ông đã tung ra vô số cáo buộc không bằng chứng, vô số thông tin sai lệch. Tất cả đều bị bác bỏ với lập luận vững chắc. Nhưng tác hại từ những cáo buộc, thông tin sai lệch của ông Trump là đã gây chia rẽ, thù hằn trong toàn nước Mỹ. Việc ông kêu gọi người dân phá hoại cuộc kiểm phiếu tại Quốc hội là một hành động vi hiến cần phải ngăn chặn.
Tôi thấy việc Twitter dán nhãn cảnh báo lên những phát ngôn của ông Trump là rất đúng. Nay họ khóa tài khoản ông vĩnh viễn là một việc cần thiết để ngăn chặn những hành động vi hiến tiếp theo của ông mà hậu quả sẽ khôn lường, xét trên tình hình hiện nay. Điều này khác hẳn với việc các chính quyền, các nhà độc tài bịt miệng người bất đồng chính kiến. So sánh như vậy là hoàn toàn khập khiễng.
Cuối cùng, luật là do con người làm ra, và bộ luật nào cũng có những sai sót, những kẽ hở. Năm người đã chết, hàng chục cảnh sát bị thương trong lúc thực thi nhiệm vụ không nói lên điều gì sao?
Đọc thêm:
Luật sư nhân quyền Jared Genser: Khóa tài khoản MXH của Trump không vi phạm tự do ngôn luận
Phản bác lập luận của hai phe trong vụ Big Tech kiểm duyệt Trump
Ứng xử với ngôn luận của bên thua cuộc: Bài kiểm tra của nước Mỹ