Thư cuối tuần - 02/11/2024
Đây là Thư cuối tuần của Luật Khoa tạp chí. Thư tin này chỉ làm một việc đơn giản là
Thất bại của Trump là chiến thắng của hệ thống chính trị Mỹ.
“Tự do là một thứ mong manh mà để hủy diệt nó, chỉ một thế hệ là đủ”.
Ronald Reagan đã phát biểu như trên trong diễn văn nhậm chức thống đốc bang California vào năm 1967. Ông trở thành tổng thống của Mỹ vào năm 1981. Lời cảnh báo của Reagan năm xưa vẫn còn nguyên tính thời sự.
Vào ngày 6/1/2021 vừa qua, một sự kiện có thể được gọi là cuộc đảo chính bất thành, do sự xúi giục của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã khiến cả nước Mỹ chao đảo.
Trung Quốc đã chộp ngay lấy cơ hội, so sánh cuộc bạo loạn này với việc những người biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp năm 2019. Bắc Kinh ngạo nghễ nói rằng biến cố ở Hong Kong còn tồi tệ hơn ở Washington nhiều, nhưng gợi ý rằng họ còn giỏi hơn Mỹ vì không để cho ai thiệt mạng.
Nước Mỹ đã trải qua giờ phút đen tối nhất kể từ thời nội chiến. Lần đầu tiên từ khi bị quân Anh tấn công và chiếm thủ đô vào năm 1814, người Mỹ mới chứng kiến Đồi Capitol bị xâm phạm và cướp phá. Người ta tưởng chừng như thành trì của các nền dân chủ trên thế giới ngả nghiêng trong phút chốc.
Người (vẫn) tin yêu Trump thì bất phục với kết quả kiểm phiếu. Với họ, nước Mỹ chẳng hề có dân chủ. Bầu cử thì dàn dựng, nhà nước ngầm thao túng phía sau, Trung Cộng mua chuộc, vân vân và tỉ tỉ những thuyết âm mưu vô căn cứ khác.
Đến tận bây giờ, sau khi Quốc hội chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden, mạng xã hội vẫn tiếp tục lan truyền đủ loại khả năng, rằng ông Trump sẽ ban hành thiết quân luật ra sao, tung bằng chứng gian lận như thế nào và ngày 20/1 sắp tới sẽ thật huy hoàng và rực rỡ cho những người ủng hộ Trump… Các câu chuyện thần thoại này vẫn mê hoặc được vô số người dễ tin, dễ lệ thuộc, và dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội.
Thực ra cuộc bầu cử đã kết thúc từ ngày 7/11/2020, khi các bang đếm đủ số phiếu để các chuyên gia về bầu cử của giới truyền thông tuyên bố Joe Biden thắng cử. Dù phản đối kịch liệt như thế nào, Trump và những người ủng hộ tích cực nhất của ông cũng không thể đánh cắp một cuộc bầu cử hợp pháp, biến nước Mỹ từ một nền cộng hòa thành độc tài.
Thoát thai từ một chế độ quân chủ, nước Mỹ đã trải qua nhiều năm xây dựng và bổ sung các cách thức để ngăn cản những kẻ độc tài tước đoạt tự do và quyền làm chủ của họ.
Vào ngày 23/12/1783, sau khi đánh thắng quân Anh, George Washington đã tự nguyện giao trả quyền tổng tư lệnh Quân đội Lục địa (Continental Army) và về nghỉ hưu tại quê nhà thuộc bang Virginia.
Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã đặt ra một tiền lệ nhằm tránh việc nền cộng hòa non trẻ của nước này trở thành một chế độ độc tài hay quay về thời quân chủ chuyên chế. Kể từ đó đến nay, dù không ít lần vấp phải thử thách, nền cộng hòa của nước Mỹ vẫn luôn đứng vững nhờ vào những thiết chế chặt chẽ của mình.
Làm tổng thống Mỹ không phải là làm vua. Tổng thống đúng là có quyền hành to lớn, nhưng cũng gặp vô vàn trở ngại và không phải lúc nào cũng có thể làm theo ý mình. Minh họa cho điều này, vào năm 1952 Tổng thống Harry Truman đã dự đoán tình cảnh của người kế nhiệm Dwight D. Eisenhower như sau: “Ông ta sẽ ngồi đó và ra lệnh ‘làm cái này, làm cái kia đi!’ nhưng sẽ chẳng có gì xảy ra. Ike tội nghiệp, nó không giống trong quân đội tí nào đâu” (Ike là biệt danh từ hồi nhỏ của anh em nhà Eisenhower).
Quyền kiểm soát đất nước được phân tán thành ba nhánh riêng rẽ và kiềm chế lẫn nhau, thường được gọi là chế độ tam quyền phân lập. Tổng thống không thể tự mình thay đổi luật lệ mà không có sự đồng ý của lưỡng viện Quốc hội. Ở Mỹ, việc sửa Hiến pháp để gia tăng thời gian cầm quyền như Putin đã làm với nước Nga là vô vọng. Các sắc lệnh hành pháp mà ông Trump hay sử dụng để lách Quốc hội thường xuyên bị nhánh tư pháp tuýt còi chặn lại.
Tổng thống có quyền bổ nhiệm quan tòa từ cấp liên bang đến tận Tối cao Pháp viện. Nhưng Tổng thống không có quyền ra lệnh cho các quan tòa này phải nghe lời của mình. Ông Trump đã vô cùng thất vọng khi chứng kiến các vụ kiện bầu cử của mình bị từ chối ở mọi cấp tòa án. Nước Mỹ không vận hành theo kiểu “ban ơn – trả ơn”.
Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, nhưng quân đội Mỹ không trung thành với tổng thống. Kịch bản Trump tuyên bố thiết quân luật nhằm cưỡng đoạt kết quả bầu cử nhanh chóng bị chính Trump xé bỏ. Các tư lệnh quân đội khẳng định rằng họ chỉ trung thành với Hiến pháp và không tham chính.
Sau vụ tấn công Quốc hội, Bộ Tư pháp tuyên bố họ không loại trừ khả năng truy tố tổng thống Mỹ vì vai trò trong việc kích động những kẻ côn đồ xông vào tấn công Điện Capitol.
Tổng thống có quyền sa thải bất kỳ ai trong nội các. Vậy sao ông Trump không sa thải hết những tướng lĩnh quân đội không chịu nghe lệnh và các quan chức Bộ Tư pháp đang thách thức ông? Câu trả lời là có thể. Nhưng Trump không dám.
Kịch bản này quả thực đã xảy ra trong nhiệm kỳ của Richard Nixon (1969-1974) sau vụ bê bối Watergate năm 1973. Công tố đặc biệt Archibald Cox ra trát đòi tổng thống cung cấp các tài liệu liên quan đến việc ông lạm quyền nghe lén đối thủ. Thay vì chấp nhận, Nixon ra lệnh cho Tổng Chưởng lý Elliot Richardson sa thải Cox. Richardson từ chối và từ chức. Nixon lại ra lệnh cho Phó Chưởng lý sa thải Cox. Ông này cũng không chịu nghe lệnh và từ chức. Cuối cùng Nixon quay ra thuyết phục Tổng Pháp quan Robert Bork sa thải Cox. Bork, một quan chức trẻ tuổi, tin rằng việc này đúng với quyền lực tổng thống nên đã chấp hành.
Nếu câu chuyện chỉ dừng ở đây thì có lẽ đã thành một tiền lệ nguy hại, rằng tổng thống có thể một tay dẹp bỏ mọi cản trở chống lại mình – một mảnh đất màu mỡ để mầm mống độc tài nảy nở. Nhưng sau khi chứng kiến sự lũng đoạn của Nixon, Quốc hội đã hành động. Hiến pháp trao cho lưỡng viện quyền cách chức một tổng thống khi nhận định người này lạm dụng quyền lực. Bị đồng minh từ bỏ và đối mặt với nguy cơ chắc chắn bị phế truất, Nixon từ chức chưa đầy một năm sau đó.
Bài học của Nixon có lẽ đã khiến Trump e ngại. Khi Robert Mueller được Bộ Tư pháp chọn làm công tố đặc biệt điều tra vụ Nga can thiệp bầu cử năm 2016, ông Trump đã tuyệt vọng đến mức phải thốt lên: “Trời ơi, thế là toi sự nghiệp tổng thống của tôi rồi”. Tuy nhiên, ngoài việc ca thán và gợi ý sa thải Mueller trên Twitter, Trump chưa bao giờ chính thức áp đặt mệnh lệnh này lên các quan chức Bộ Tư pháp.
Hoàn cảnh hiện nay của Trump cũng rất giống với Nixon trước khi mãn nhiệm. Hôm 6/1, trong khi những người ủng hộ Trump nghe theo lời hiệu triệu “tiến về Đồi Capitol”, thì một loạt các đồng minh của Trump nhìn thấy ly nước đã tràn. Họ quay lưng lại với ông. Nhiều nghị sĩ từng hứa sẽ phản đối kết quả kiểm phiếu đại cử tri đổi ý. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence dập tắt hy vọng cuối cùng của Trump, xướng tên Biden là tổng thống tiếp theo. Hàng loạt quan chức trong chính quyền Trump lập tức từ chức. Trump, cô độc và sợ hãi, lên án bạo lực của nhóm người theo ông lên Đồi Capitol, thừa nhận “sẽ có sự chuyển giao quyền lực trong trật tự và suôn sẻ”.
Nhưng nhiều nghị sĩ Mỹ chưa yên tâm để ông cầm quyền nốt hai tuần. Quốc hội Mỹ một lần nữa đề nghị cách chức Trump. Có hai cách để thực hiện điều này: thông qua luận tội và phế truất (như năm 2019) hoặc là dùng Tu chính án thứ 25.
Tu chính án thứ 25 cho phép đa số thành viên nội các cùng phó tổng thống Mỹ và Quốc hội tuyên bố tổng thống “không còn khả năng lãnh đạo”, rồi phế bỏ ông. Sau đó, Phó Tổng thống Pence sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và đảm bảo quá trình chuyển giao êm ả trong thời gian còn lại.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cảnh báo nếu ông Pence không kích hoạt Tu chính án thứ 25 thì Quốc hội có thể sẽ phải hạch tội Trump một lần nữa. Điều này quả thực đã xảy ra. Hôm 13/1/2021, Donald Trump chính thức trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.
Hạ viện đã thông qua điều khoản luận tội cáo buộc ông Trump kích động nổi loạn chống lại nhà nước Hoa Kỳ. Lần này, 10 dân biểu Đảng Cộng hòa nhập cuộc cùng với toàn bộ 222 dân biểu Đảng Dân chủ, bỏ phiếu kích hoạt quá trình luận tội và phế truất.
Theo thủ tục, các điều khoản luận tội sẽ được chuyển lên Thượng viện để các thượng nghị sĩ mở phiên tòa phế truất tổng thống. Lãnh đạo khối đa số Mitch McConnell (Đảng Cộng hòa) đã bác bỏ giải pháp mở phiên tòa nhanh, khẳng định không thể làm xong trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ. Tuy vậy, kể cả sau khi không còn làm tổng thống, việc Thượng viện kết tội Trump có thể dẫn đến một phiên bỏ phiếu truất quyền tái tranh cử vào năm 2024 của ông.
Trong cuốn sách “Sự suy đồi và sụp đổ của nền cộng hòa Mỹ” (The Decline and Fall of the American Republic) xuất bản vào năm 2010, Bruce Ackerman, giáo sư luật thuộc Đại học Yale đã cảnh báo về cái mà ông gọi là “chủ nghĩa cực đoan cấu trúc” (structural extremism) của chế độ tổng thống. Ông nói rằng quyền lực ngày càng lớn của chức tổng thống sẽ mời gọi “sự vô pháp”. Ông thúc giục người Mỹ chớ nên thấy yên tâm vì sự tiết chế của Barack Obama. “Vị tổng thống nổi loạn tiếp theo có thể không sở hữu tinh thần tự kiềm chế theo Hiến pháp như vậy”, Ackerman viết.
Ở Trump, chúng ta thấy cảnh báo của Ackerman đã trở thành sự thực. Trump ngày càng bộc lộ thiên hướng của một nhà độc tài: thóa mạ báo chí và các đối thủ, không chấp nhận kết quả bầu cử, công kích các thiết chế bầu cử không đem lại chiến thắng cho ông, vùng vẫy và sử dụng mọi biện pháp có thể để kéo dài quyền lực.
Michael Cohen, cựu luật sư riêng của Trump khi điều trần trước Quốc hội hồi tháng 2/2019 đã cảnh báo “sẽ không bao giờ có chuyển giao quyền lực êm ả nếu Trump thua”.
Những kẻ độc tài rất thu hút nhân cách yếu nhược. Lịch sử đã chứng minh, khi một số lượng đủ đông những con người không biết tự đứng trên đôi chân của mình, tha thiết bấu víu vào một huyền thoại tự họ dựng lên, thảm kịch sẽ xảy ra. Thảm kịch của nước Mỹ đã xảy ra. Nhưng như tờ báo cánh hữu Wall Street Journal đã nhận định, sự thất bại của Trump chính là chiến thắng của hệ thống chính trị Mỹ.
Người Mỹ đã bầu Trump lên bằng hệ thống này. Người Mỹ đã hạ bệ Trump chính bằng hệ thống đó. Đó là hệ thống có đủ khả năng bảo vệ lựa chọn của người Mỹ trước một kẻ toan chà đạp lên lá phiếu của họ.