‘Số hóa’ chủ nghĩa Lênin
Cuốn sách “Retrofitting Leninism - Participation without democracy” của Phó giáo sư Khoa học Chính trị Dimitar Gueorguiev, được xuất
Các chuyên gia đề xuất một giải pháp khác để chấm dứt tình trạng Big Tech độc quyền thông tin.
Việc các hãng công nghệ lớn, thường gọi là Big Tech, đồng loạt tẩy chay cựu Tổng thống Donald Trump làm dấy lên tranh luận vốn có từ lâu về nguy cơ của độc tài kỹ thuật số đối với nền dân chủ.
Nhưng những khó khăn của việc kiềm chế Big Tech và giải pháp khả thi nhất là gì? Francis Fukuyama, Barak Richman, và Ashish Goel trình bày góc nhìn khá toàn diện trong bài viết “How to Save Democracy From Technology“, đăng trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 24/11/2020.
Francis Fukuyama là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Stanford. Ông là tác giả quyển sách nổi tiếng “The end of history and the last man” cùng nhiều nghiên cứu khác về triết học chính trị và quan hệ quốc tế.
Barak Richman là giáo sư luật tại Đại học Duke Law. Ông chuyên nghiên cứu về luật chống độc quyền, các chính sách kinh tế và chăm sóc sức khỏe.
Ashish Goel là giáo sư ngành khoa học và kỹ thuật quản trị tại Đại học Stanford. Ông chuyên nghiên cứu về thiết kế, phân tích và các ứng dụng của thuật toán.
Dưới đây là tổng hợp những nội dung chính từ phân tích của ba chuyên gia trong bài viết đăng trên Foreign Affairs.
Ở Mỹ vào thời điểm hiện nay, Big Tech đã trở thành đối tượng mà ai cũng có thể chỉ trích. Tuy vậy, công cụ để kiềm chế các công ty này hiện chưa tồn tại. Gần như chỉ một thứ duy nhất có thể thách thức các Big Tech: Luật chống độc quyền.
Luật chống độc quyền của Mỹ có gốc rễ từ những năm 1970, thời kỳ các tư tưởng kinh tế tự do tuyệt đối bùng nổ. Robert Bork, tổng biện lý sự vụ (solicitor general) thời đó lập luận rằng luật chống độc quyền chỉ nên có một mục đích: tối đa hóa lợi ích của người tiêu dùng. Theo ông, luật này phải bị giới hạn chặt chẽ để đảm bảo công bằng cho cả công ty và người tiêu dùng.
Ông cho rằng lý do một số công ty vươn lên thống trị thị trường là vì họ hoạt động hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh. Nếu bắt ép chia nhỏ các công ty này thì không khác gì trừng phạt họ vì đã dám thành công.
Tuy vậy, ngày nay, sự thống trị của các Big Tech như Google, Apple, Amazon, Facebook và Twitter đặt ra một nguy cơ mới. Trong khi khó có thể lập luận rằng các tập đoàn khổng lồ này thu hẹp lợi ích kinh tế của người dùng, một vấn đề rõ ràng là quyền lực của Big Tech đang ảnh hưởng đến lợi ích chính trị của người dân. Quyền lực đó đe dọa nền dân chủ.
Kể từ cuộc bầu cử năm 2016, người ta đã thấy rõ sức mạnh chính trị khủng khiếp của những công ty công nghệ. Những công cụ đầy ảnh hưởng được Big Tech bày sẵn đã bị sử dụng cho mục đích xấu. Những kẻ truyền bá thuyết âm mưu, tư tưởng cực đoan và tin giả lộng hành trên các nền tảng mạng xã hội. Họ có thể tập hợp một lượng người theo dõi khổng lồ và tìm cách thao túng suy nghĩ của đám đông đó.
Nguy hiểm hơn, các thuật toán trên các nền tảng này khiến người dùng, một cách vô thức, tiếp xúc nhiều nhất với những thông tin xác nhận niềm tin có sẵn của họ. Khác với việc người xem tự bật TV và tìm đến Fox News hay CNN, những luồng thông tin âm thầm và tự nhiên xuất hiện trên “news feed” (các bài viết trên mạng xã hội) của một người có thể ảnh hưởng lớn đến quyết định bỏ phiếu của người đó. Nguy cơ lớn nhất mà người ta lo sợ là các tập đoàn công nghệ thâu tóm được nhiều quyền lực đến mức có thể làm thay đổi kết quả một cuộc bầu cử, dù hữu ý hay vô tình.
Nhiều ý kiến chỉ trích đã yêu cầu Big Tech tự kiểm soát tốt hơn các nội dung liên quan đến chính trị. Một số đòi Twitter xóa bỏ hoặc gắn cờ cảnh báo vào các dòng tweet sai lệch của ông Trump. Số khác tức giận khi Facebook tuyên bố sẽ không kiểm duyệt nội dung chính trị. Hầu như tất cả đều mong muốn các nền tảng mạng Internet này tự hành xử như những công ty truyền thông: giám sát nội dung chính trị và bắt quan chức chịu trách nhiệm.
Tuy vậy, đây không phải là một giải pháp lâu dài. Để ngỏ cho các Big Tech tự hành động dựa trên lương tri chủ quan của họ đặt ra rủi ro “tha hóa tuyệt đối” khi họ nắm trong tay quyền lực tuyệt đối.
Thứ nhất là ra thêm luật lệ, quy định. Một ví dụ là nước Đức. Các nhà lập pháp tại đó đã thông qua luật hình sự hóa hành vi phổ biến tin giả trên mạng xã hội. Tuy vậy, phương án này khó khả thi ở một quốc gia chia rẽ và phân hóa như Mỹ.
Vào năm 1987, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã phải rút lại một quy định thường được gọi là “fairness doctrine”. Được đưa ra từ năm 1959, quy định này yêu cầu các đài truyền hình phải đưa tin chính trị một cách “cân bằng”. Đảng Cộng hòa liên tục chỉ trích yêu cầu này, cho rằng nó thiên vị chống lại phe bảo thủ. Ngày nay, giả sử có một quan chức nào đó được giao trách nhiệm xem xét cấm hay không một dòng tweet của tổng thống, bất kể quyết định ra sao cũng sẽ dẫn đến tranh cãi quyết liệt.
Giải pháp thứ hai là chia nhỏ các Big Tech để tạo ra một môi trường cạnh tranh sôi nổi, với nhiều công ty cùng hoạt động hơn. Tuy vậy, giải pháp này cũng khó khả thi. Dù các Big Tech đang bị kiện với yêu cầu tách nhỏ ra, quá trình giải quyết các vụ kiện này phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là cả chục năm. Hơn nữa, với đặc thù riêng biệt của nền tảng số, không ai dám chắc một nhánh tách ra từ Facebook không nhanh chóng vươn lên, đè bẹp các đối thủ và chiếm lại vị thế cũ.
Giải pháp thứ ba là trả lại quyền sở hữu dữ liệu cho người dùng, hay còn gọi là “data portability”. Tương tự với việc người dùng có quyền giữ nguyên số điện thoại khi đổi sang một nhà mạng mới, ý tưởng ở đây là người dùng được quyền kiểm soát và chuyển toàn bộ dữ liệu cá nhân của mình từ nền tảng này sang nền tảng khác. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho thị trường, khi người dùng có thể tùy nghi lựa chọn chuyển đổi giữa các nền tảng khác nhau và đem theo dữ liệu của mình – thứ vốn dĩ là tài sản có giá trị nhất đối với các công ty kỹ thuật số.
Tuy vậy, có nhiều vấn đề đối với giải pháp này. Hiện nay các Big Tech không chỉ sở hữu ảnh, video, các dòng trạng thái và bình luận của người dùng mà họ còn nắm được các thông tin siêu dữ liệu (metadata). Siêu dữ liệu bao gồm thông tin về việc bạn tìm kiếm gì, vào trang web nào, dừng lại ở một bài viết bao lâu, các cú click chuột, thao tác like, share, mua sắm, đánh giá, v.v. Các công ty kiếm được tiền (như doanh thu quảng cáo) là nhờ vào những siêu dữ liệu trên. Chưa có luật lệ nào quy định ai là chủ sở hữu những siêu dữ liệu. Ngoài ra, các siêu dữ liệu này hiện rất đặc trưng cho mỗi nền tảng, không thể dễ dàng chuyển từ chỗ này sang chỗ khác.
Một giải pháp nữa là siết chặt luật về quyền riêng tư, cấm các công ty đem dữ liệu người dùng thu gom được ở mảng này sang mảng khác để tiếp tục bành trướng. Về lý thuyết thì việc này sẽ vừa giúp bảo vệ quyền riêng tư, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường. Trên thực tế, nó cũng có nhiều vấn đề. Tương tự như giải pháp thứ ba, chưa có quy định rõ ràng về việc dữ liệu người dùng có bao gồm siêu dữ liệu hay không. Ngay cả khi đã xác định được thì việc đến bây giờ mới ra lệnh cấm cũng giống như đóng cửa khi con ngựa đã chạy ra khỏi chuồng. Nó không làm các ông lớn công nghệ mất đi sức ảnh hưởng đang có với lượng người dùng và dữ liệu khổng lồ mà họ đã sở hữu. Hơn thế, một lệnh cấm như vậy cũng sẽ khiến các công ty mới gia nhập thị trường không cách nào cạnh tranh nổi với những kẻ đã đến trước này.
Theo các tác giả, giải pháp khả thi nhất là sử dụng “middleware”. Đây là một loại phần mềm dạng như phần mở rộng (plug-in), được cài chồng lên các nền tảng của các hãng công nghệ lớn.
Middleware (có thể hiểu nghĩa đen là phần mềm trung gian) sẽ trao quyền điều chỉnh hiển thị nội dung cho người dùng, tương tự như chiếc điều khiển tivi giúp bạn chuyển từ Fox News sang CNN. Thay vì bị động chịu ảnh hưởng của các thuật toán mờ ám mà các Big Tech ít lâu lại thay đổi một lần, người dùng sẽ được phép tự đánh giá nguồn tin, mức độ quan trọng và tần suất xuất hiện. Các công ty cung ứng giải pháp middleware có thể cung cấp dịch vụ kiểm chứng và dán các nhãn “tin giả”, “tin chưa kiểm chứng”, hoặc “đã kiểm chứng” vào các nội dung chính trị.
Chẳng hạn, khi người dùng vừa đăng nhập vào Facebook hay Twitter, họ sẽ thấy ngay các nhãn cảnh báo này trên các dòng tweet. Ở Google và Youtube thì middleware sẽ giúp điều chỉnh xếp hạng tìm kiếm và đề xuất video. Các middleware phải vận hành theo những quy chuẩn minh bạch về thuật toán, các tính năng kỹ thuật để người dùng có đủ thông tin trước khi ra quyết định.
Tất nhiên, các tác giả cũng thừa nhận rằng đây mới chỉ là một giải pháp tiềm năng và còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Một vấn đề lớn là làm sao cân bằng được quyền lực của các middleware và các nền tảng của Big Tech để không ai hoàn toàn nắm quyền quyết định nội dung nào đến được với người dùng.
Quốc hội Mỹ có thể cần ra luật nhằm yêu cầu các Big Tech mở cánh cửa kỹ thuật để các công ty cung cấp middleware được tiếp cận và hoạt động. Ngoài ra, Quốc hội cũng phải có cơ chế điều chỉnh để middleware thỏa mãn các tiêu chuẩn tối thiểu về tính minh bạch, sự tin cậy và độ nhất quán.
Tóm lại, dẫu còn nhiều vấn đề và trở ngại, các tác giả tin rằng sử dụng middleware có thể giúp lấy lại quyền lực từ Big Tech, tạo ra một thị trường mới mẻ và đầy tính cạnh tranh.
Với các phần mềm trung gian này, người dùng mới là người quyết định những gì họ nhìn thấy, chứ không phải các thuật toán trí tuệ nhân tạo mờ ám.