Ai nuôi ta ăn học?
Tuần qua, phát ngôn của một học sinh 16 tuổi, học lớp 12 Anh tại trường THPT Chuyên Nguyễn Tất
Qua việc bổ nhiệm Kurt Campbell, chính quyền Biden đang gửi tín hiệu mạnh mẽ đến khu vực châu Á.
Dịch từ bài viết “Biden makes his first bold move on Asia”, được đăng vào ngày 13/1/2021 trên tạp chí Foreign Policy, của tác giả Michael J. Green. Tác giả là Phó Chủ tịch cấp cao về mảng châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS). Ông từng là quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phụ trách chính sách về châu Á, dưới thời của chính quyền Tổng thống George W. Bush. Ông là giáo sư tại Đại học Georgetown.
Nước Mỹ đang mất dần chỗ đứng của mình tại châu Á trước sức ép của Trung Quốc. Đó là nhận định được nhiều người đồng thuận, bất kể việc giờ đây ai cũng thấy được Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh địa chính trị trên toàn cầu, và các tay chơi lớn khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Úc đều nóng lòng muốn bắt tay với Washington để tạo thế cân bằng quyền lực.
Chính quyền của Tổng thống Trump đã cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc qua chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương Rộng mở và Tự do” (Free and Open Indo-Pacific). Chiến lược này, đối chọi với “Sáng kiến Vành đai Con đường” của Trung Quốc, muốn thúc đẩy tự do thương mại, hệ thống pháp quyền, và hoạt động hàng hải tự do.
Thế nhưng, chính quyền Trump cũng tự đá vào chân mình và bỏ trống các bàn cờ lớn trong khu vực khi rút khỏi hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đe dọa rút quân đồn trú khỏi Hàn Quốc, và ngó lơ các hoạt động ngoại giao tại Đông Nam Á.
Bản thân Tổng thống Trump, với năng lực kém cỏi trong việc đối phó dịch bệnh COVID-19 và việc kích động nổi loạn trong vụ tấn công tòa nhà Quốc hội vừa qua, chỉ đào sâu thêm cái hố khủng hoảng mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải trèo ra.
Cho đến nay, những vị trí hàng đầu mà Biden lựa chọn cho đội ngũ an ninh quốc gia của mình đều đáng tin cậy và có kinh nghiệm dày dạn. Nhưng kinh nghiệm của họ chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông và châu Âu. Đã có nhiều lời xì xào ở các nước châu Á, đoán rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ không còn tích cực tham gia cũng như cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại khu vực này. Dự đoán này dựa trên những khó khăn trong nước mà chính quyền Biden phải đối mặt, cộng với nhận định của một số nước trong khu vực về việc chính quyền Barack Obama trước kia đã quá mềm mỏng với Trung Quốc.
Tuy vậy, việc Biden bổ nhiệm Kurt Campbell vào vị trí điều phối Nhà Trắng cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một tín hiệu cho thấy chính quyền mới đang sẵn sàng đảo ngược ấn tượng tiêu cực đó.
Sự có mặt của Campbell sẽ giúp chính quyền mới có chỗ đứng chắc hơn ở khu vực châu Á khi thực thi các chiến lược và chính sách của mình. Có ba lý do cho nhận định này.
Thứ nhất, Kurt Campbell được xem là kiến trúc sư quan trọng và đầu tiên xây dựng nên chiến lược hợp tác và liên kết đồng minh trong khu vực, kìm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Vào giữa thập niên 1990, ông được bổ nhiệm vào một vị trí cấp cao trong Bộ Quốc phòng, phụ trách mảng châu Á. Ít kinh nghiệm về khu vực nhưng không thiếu tầm nhìn xa, chỉ trong vòng hai năm, Campbell đã thúc đẩy mở rộng liên minh hợp tác Mỹ – Nhật, kéo hai nước xích gần lại sau những năm xa cách thời hậu Chiến tranh Lạnh, tạo nền tảng cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Washington và Tokyo cho đến ngày nay.
Vào thời chính quyền Obama, trong vai trò thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Campbell đã thúc đẩy chiến lược “xoay trục về châu Á”. Một số người chỉ trích cách gọi ẩn dụ này, với ám chỉ rằng nước Mỹ không còn quan tâm đến châu Âu hoặc Trung Đông nữa. Trong khi đó, một số khác lại cho rằng chính sách trên đã khiêu khích Trung Quốc. Nhưng ý tưởng về sự “cân bằng quyền lực” đằng sau nó là một logic tỉnh táo và là tiền đề cho khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương Rộng mở và Tự do” sau này. Chiến lược xoay trục của Campbell đến nay là điểm đồng thuận mạnh mẽ nhất giữa chính quyền sắp tới của Mỹ và các lãnh đạo Quốc hội của cả hai đảng.
Điểm thứ hai, vị trí mới của Campbell có lợi thế chưa từng thấy đối với việc nâng cao vai trò chiến lược quan trọng của khu vực châu Á trong chính sách của Hoa Kỳ.
Vào năm 2001, khi tôi bắt đầu làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), đội ngũ điều hành mảng châu Âu đông gấp ba lần so với đội phụ trách mảng châu Á. Bốn năm sau đó, khi tôi rời đi, hai đội này có số lượng gần bằng nhau, với một giám đốc cấp cao và khoảng năm giám đốc. Theo quan sát mới nhất, chính quyền mới của Biden có thể bổ nhiệm đến ba hoặc bốn giám đốc cấp cao cho mảng châu Á, gấp ba lần con số cho mảng châu Âu.
Những quyết định tái cấu trúc tổ chức lớn như thế này luôn dẫn đến một số hệ quả xấu [đối với những mảng khác ngoài châu Á – ND]. Nhưng nếu được tổ chức điều phối tốt, việc này có thể thúc đẩy luôn cả các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. NATO và phần lớn các quốc gia trong Liên minh Châu Âu đều muốn tập trung hợp tác với chính quyền Biden về vấn đề Trung Quốc. Nó là con bài chiến lược mà chính quyền Trump đã vứt đi khi ông thi hành những chính sách chống lại các đồng minh châu Âu của mình.
Điểm thứ ba, việc bổ nhiệm Campbell cho thấy sự đồng thuận lớn của hai đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa trong chiến lược về Trung Quốc và châu Á.
Bất kể các tranh cãi trong cuộc bầu cử vừa qua, trên thực tế, cả lưỡng viện Quốc hội và cộng đồng các chuyên gia về chính sách đối ngoại đều nhất trí việc cần phải củng cố quan hệ với các đồng minh, bảo vệ những phát minh công nghệ tối quan trọng, và gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền cùng các giá trị dân chủ.
Campbell là một trong những lý do giúp cho chính sách về châu Á tại Mỹ luôn đạt được sự đồng thuận giữa hai đảng. Cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng những lãnh đạo Quốc hội thuộc Đảng Cộng hòa thường xuyên nhờ ông tham vấn về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và khu vực châu Á. Trong một lần, John McCain hỏi ý kiến ông trước chuyến thăm Singapore, Campbell đã thuyết phục vị thượng nghị sĩ ghé qua Đài Bắc để bày tỏ sự ủng hộ cho Đài Loan trước sức ép ngày một gia tăng của Trung Quốc. McCain gật đầu đồng ý ngay lập tức. Campbell là một người thuộc Đảng Dân chủ, nhưng việc bổ nhiệm ông cho vị trí quan trọng này thể hiện sự đồng thuận và đoàn kết cho nước Mỹ, một điều không thể quan trọng hơn trong những thời khắc khó khăn như hiện tại.
Truyền thông khắp châu Á sẽ tập trung chú ý và dành nhiều sự trông đợi vào quyết định bổ nhiệm này của Biden.
Chính quyền sắp tới của Joe Biden có vô số thử thách phải đối mặt. Tài sản quý giá nhất của một tổng thống là thời gian. Cách duy nhất để sử dụng tốt nhất thứ tài sản này là có một tư duy chiến lược đúng đắn – tập trung vào những vấn đề quan trọng nhất và đạt được mục tiêu về lợi ích cũng như sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Để làm được điều này, đòi hỏi kinh nghiệm lẫn mục tiêu chiến lược rõ ràng. Nhiệm vụ sẽ không hề dễ dàng, nhưng Joe Biden và Jake Sullivan, người được đề cử đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia, đang gửi một tín hiệu sớm đầy mạnh mẽ về nước đi đầu tiên của mình trên bàn cờ châu Á.