Nhân đà chống dịch, cần chống luôn “ka tặc” và “âm tặc”
Có những đại dịch khác gây chết người không kém COVID-19.
Trước sự lây lan của dịch COVID-19, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định dừng các hoạt động vui chơi giải trí công cộng trên địa bàn từ 12h trưa ngày 9/2/2021. Các địa phương khác có lẽ sẽ sớm ban hành quy định tương tự nếu tình hình dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát.
Cho dù khiến các doanh nghiệp thiệt hại lớn và cũng làm Tết này mất đi một phần lớn không khí “vui chơi”, mọi người đều hiểu đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho tất cả, đặc biệt là những người có nguy cơ cao.
Vui Tết tại chỗ, ở yên trong nhà, là cách tốt nhất thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của mỗi người trong giai đoạn này.
Nhưng thật khó để người ta có thể bình yên trong nhà nếu bị các dàn loa kẹo kéo bao vây, hay được các giọng nai nái rống riết tra tấn mọi lúc mọi nơi.
Đó là thảm cảnh của hàng triệu người Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Quy định xử phạt có từ lâu, nhưng chính quyền thì dường như bó tay. Chỉ có người dân là bất lực và bức xúc cực độ trước các âm thanh ồn ào chát chúa bất kể ngày đêm.
Biết bao phản ánh, biết bao kiến nghị, bao nhiêu giải pháp, và cả những thảm án xảy ra khi người ta bị dồn nén đến cùng – để rồi mọi thứ vẫn như cũ.
Dịch bệnh bùng phát trở lại là cơ hội không thể tốt hơn để chấm dứt đại dịch “ka tặc” và “âm tặc” này ở Việt Nam.
Những “thú vui” hại chết người
Rất nhiều người vẫn nghĩ âm thanh từ các dàn karaoke và những chiếc loa thùng chỉ gây “khó chịu”.
Sự thật là nó gây đủ thứ bệnh nguy hiểm, và đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh điều đó.
Các tác động lâu dài của tiếng ồn đến sức khỏe bao gồm bệnh cao huyết áp, tiểu đường tuýp 2, các bệnh tim mạch, đột quỵ, và cả sinh thiếu cân.
Theo các nhà khoa học, con người đặc biệt nhạy cảm với âm thanh do thừa hưởng đặc tính sinh tồn từ thời tiền sử. Tổ tiên của loài người buộc phải chú ý đến những tiếng động để kịp thời phát hiện các loài thú ăn thịt. Họ phải phản ứng đủ nhanh – bỏ chạy hoặc tấn công – nếu không muốn trở thành miếng thịt cho các loài khác.
Ngày nay, khi nghe thấy tiếng ồn ào, cơ thể con người cũng kích hoạt cơ chế phản ứng tự động như hàng triệu năm trước đó.
Tiếng ồn sẽ khiến hạch hạnh nhân (amygdala), một khu vực trong não phụ trách điều chỉnh cảm xúc, lập tức gửi tín hiệu báo động đến vùng dưới đồi (hypothalamus). Vùng này chuyển ngay tín hiệu cho tuyến thượng thận (adrenal glands), ra lệnh bơm một loại hormone có tên adrenaline vào trong máu. Kết quả là tim đập nhanh và áp lực máu tăng cao. Trong chớp mắt, cơ thể con người được chuẩn bị sẵn sàng cho trạng thái “đánh hoặc chạy” (fight or flight) như tổ tiên xưa kia.
Khi một người bị tiếng ồn quấy nhiễu liên tục, cơ chế này liên tục được kích hoạt, cơ thể thường xuyên trong trạng thái căng cứng. Dần dần, thể lực và tinh thần của người đó bị bào mòn, đến mức kiệt quệ, hoặc hoàn toàn mất kiểm soát. Họ sẽ phát điên, theo nghĩa đen.
Nghiêm trọng hơn, cơ chế này diễn ra ngay cả trong giấc ngủ. Khi bị những âm thanh ồn ào quấy nhiễu, dù không tỉnh giấc, não người vẫn tiếp nhận các tín hiệu này, vẫn ra lệnh bơm hormone kích thích, vẫn khiến tim đập nhanh và áp lực máu tăng cao. Kết quả là ngủ dậy họ thấy mệt mỏi thêm mà không biết vì sao.
Vấn đề luôn có thể giải quyết, chỉ là muốn hay không
Không cần phải là nhà khoa học, ai cũng biết rõ tiếng ồn có hậu quả gì.
Ngay cả những ka tặc thường xuyên hát hò cũng không dám chĩa thùng loa hướng vào trong nhà, về phía lỗ tai của mình, mà thường hướng ra ngoài để “mời thiên hạ cùng hưởng”.
Vì sao tiếng ồn có hậu quả nghiêm trọng dễ thấy như vậy mà các hành vi xâm hại này vẫn nhan nhản tồn tại?
Một trong những lý do giải thích là vì, giống như biến đổi khí hậu, nó ảnh hưởng không đồng đều.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy người dân sống ở những khu vực nghèo phải chịu đựng tiếng ồn nghiêm trọng hơn người sống ở những khu giàu.
Những người giàu thường có quyền lực – hay trong nhiều trường hợp, điều ngược lại chính xác hơn: những người có quyền lực thì giàu có. Vì không bị tiếng ồn quấy nhiễu, những người giàu có – quyền lực này không cảm thấy mình cần phải hành động gì để thay đổi.
Tôi chưa được biết về nghiên cứu cùng loại tại Việt Nam, nhưng không khó để liên tưởng hiện tượng tương tự cũng xảy ra tại đây.
Những người giàu có, có chức có quyền, sống trong những khu biệt thự cách biệt, chắc chắn không bị tiếng ồn quấy nhiễu bằng những người thu nhập thấp sống trong những khu trọ nhỏ như chiếc hộp, ép san sát nhau.
Có điểm khác biệt quan trọng là tại những nước như Mỹ, ô nhiễm âm thanh chủ yếu đến từ các nhà máy công nghiệp, công trình xây dựng, sân bay, xe cộ… Việc giải quyết các nguồn ô nhiễm này tương đối phức tạp và mất thời gian.
Việt Nam cũng có vấn đề nan giải tương tự. Tuy nhiên, nạn hát hò karaoke tại gia và việc mở loa công suất lớn tra tấn người khác không thuộc trong số những nguồn ô nhiễm phức tạp này.
Nó là vấn đề cực kỳ dễ giải quyết.
Không có lý do gì cấm được đốt pháo lại không cấm được các thùng loa kẹo kéo. Cũng thật vô lý khi chính quyền có dư nhân lực và thời gian đi canh chừng những người bất đồng chính kiến mà lại không đủ người đi xử lý những kẻ tra tấn người khác.
Nếu là một đại biểu Quốc hội, tôi sẽ đề xuất ngay trong phiên họp lần tới, yêu cầu tất cả ủy viên Bộ Chính trị chuyển về sống tại những khu vực ồn ào nhất thành phố trong ít nhất một tháng.
Tôi dám cược là chỉ sau vài ngày, tình hình sẽ ngay lập tức được cải thiện.
Không chỉ có người dân Việt Nam là phải chịu thảm họa ka tặc và âm tặc.
Chính quyền Philippines trong năm qua đã nỗ lực cấm các hoạt động hát hò ồn ào trong khu dân cư. Họ xem đó là biện pháp cần thiết để chống dịch – vừa ngăn chặn việc tụ tập ca hát dễ gây lây nhiễm, vừa đảm bảo mọi người có thể yên tĩnh ở yên trong nhà làm việc, sinh hoạt.
Chính quyền tại các nước như Singapore, Malaysia và Hong Kong, những nơi phần lớn dân cư sống chen chúc trong các thành phố, cũng thường xuyên nhận vô số phản ánh về vấn nạn tiếng ồn.
Tại các nước Tây Âu, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm người ta mất đi “một triệu năm khỏe mạnh” (one million healthy life-years) vì tiếng ồn – kết quả có được từ việc tổng hợp thời gian sống mà mỗi người bị hao hụt.
Ô nhiễm âm thanh là vấn nạn toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Nhưng ở Việt Nam, những nguồn ô nhiễm như karaoke và bắt loa nhạc sống tồn tại được, không chỉ do quan niệm văn hóa lạc hậu, còn vì luật pháp bất nghiêm và chính quyền thiếu trách nhiệm. Đó là những vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được.
So với các dịch bệnh như COVID-19, những thảm họa lâu năm này nghiêm trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn nhiều.
Bây giờ còn không xử lý, chờ đến khi nào?
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.