Lào trả về Việt Nam 10 tín đồ Bà Cô Dợ; Thông tin mới liên quan Tịnh thất Bồng Lai
Bản tin tôn giáo tháng 11/2024 gồm các sự kiện nổi bật: * 10 tín đồ Bà Cô Dợ vượt
Đằng sau thảm kịch mất điện ở Texas là một câu chuyện về ý thức hệ.
Giữa tháng Hai, cơn bão tuyết Uri tràn vào miền Nam nước Mỹ đã khiến 4,3 triệu người Texas mất điện trong nhiều ngày dài. Ngay giữa thủ đô năng lượng của đất nước, người dân Texas không có điện để bật máy sưởi. Nước bị đóng băng và đường phố tràn ngập trong bão tuyết. Người dân co ro trong cái lạnh và đêm đen. Nhiều người đã chết rét.
Gần 80 người đã chết vì bão tuyết và ảnh hưởng của nó. Bốn bà cháu người Mỹ gốc Việt chết cháy khi đốt củi để sưởi ấm. Hàng triệu người Texas thiếu lương thực và cả nước uống. Một cảnh tượng dường như chỉ có ở các nước thế giới thứ ba lại diễn ra suốt cả tuần tại cường quốc giàu có và hùng mạnh nhất hành tinh.
Đã có rất nhiều trỏ tay và chỉ trích mang nặng tính đảng phái. Chẳng hạn, Thống đốc Texas Greg Abbott thuộc Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho năng lượng tái tạo, bởi các tua-bin gió không chịu quay khiến cho Texas mất điện. Phe bảo thủ Mỹ thường hoài nghi sự ổn định của năng lượng tái tạo và ưu tiên lựa chọn các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện than và khí đốt.
Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Chỉ có khoảng 25% lượng điện năng sản xuất ở Texas là điện gió và mặt trời, còn lại đa số là do nhiệt điện, dựa vào nguồn khí tự nhiên và than đá dồi dào của bang.
Có người nói rằng biến đổi khí hậu đã gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan này. Phe chống biến đổi khí hậu chế giễu giải thích đó. Họ lập luận rằng cách đây ít lâu, những “kẻ kích cuồng môi trường” (environment alarmist) còn gọi đây là hiện tượng nóng lên toàn cầu do phát thải nhà kính quá cao, mà giờ thì nóng như Texas còn đóng băng đấy. Theo một số người, đây thuần túy chỉ là một dạng thời tiết cực đoan, rất khó có thể dự đoán, kiểu như các biến đổi lớn của hệ sinh thái trên trái đất khiến khủng long tuyệt chủng 60 triệu năm trước.
Nhưng nếu không sa đà vào các tranh cãi khí hậu hay môi trường, thì nguồn cơn “nhân tạo” nào góp phần gây ra thảm kịch này ở Texas?
Từ năm 1990, Texas trở thành căn cứ vững chắc của phe bảo thủ, vốn ca tụng thị trường tự do và hết mức ghẻ lạnh mọi biểu hiện của chủ nghĩa xã hội.
Phe bảo thủ ưa thích một chính phủ nhỏ, thật ít quy định. Họ muốn xây dựng một thị trường tự do, cạnh tranh sôi động nơi chính phủ ít can thiệp nhất có thể. Ngược lại, phe cấp tiến – Đảng Dân chủ thì muốn tăng sự can thiệp của chính phủ để đảm bảo một kết quả công bằng, bình đẳng cho người dân.
Ở vấn đề năng lượng này, Texas cũng áp dụng y như vậy.
Tim Boyd, thị trưởng thành phố Colorado thể hiện rõ tinh thần tối đa hóa trách nhiệm cá nhân của phe bảo thủ khi đăng trên Facebook rằng người dân không nên phàn nàn khi mất điện bởi chẳng ai nợ họ gì cả.
“Không ai nợ bạn hoặc gia đình bạn gì cả; và chính quyền địa phương cũng không có trách nhiệm phải hỗ trợ bạn trong thời gian khốn khó như thế này! Bơi lên hay chết chìm là do bạn tự chọn. Thành phố, quận, các công ty điện lực và dịch vụ khác chẳng nợ gì các bạn hết. Tôi phát ngán những người cứ chìa tay đòi phát không.”
“Nếu không có điện, hãy đứng lên và tìm cách để giữ cho gia đình bạn ấm áp, an toàn. Nếu không có nước, bạn hãy đối mặt với tình trạng này, nghĩ ra giải pháp nào đó để sống sót và tìm nguồn nước cho gia đình… Chỉ có kẻ mạnh mới sống, kẻ yếu sẽ chết.”
“Đây là hệ quả đáng buồn từ một chính phủ xã hội chủ nghĩa, nơi dẫn dắt người ta tin rằng một số ít sẽ làm việc còn những người khác sẽ trở thành lệ thuộc.”
“Chốt lại, hãy ngừng khóc nhè và chờ bố thí. Nhấc mông dậy và lo cho gia đình mình đi.”
Boyd đã phải từ chức vì phát ngôn này. Nhưng ngay trong tuyên bố từ chức, ông không xin lỗi về nội dung của phát ngôn trên, mà nói rằng ông chỉ nên giữ lại những từ này cho bản thân mình thôi.
Cựu thống đốc Texas Rick Perry thì nhẹ nhàng hơn. Ông tuyên bố người Texas sẵn sàng tự nguyện không có điện sưởi ấm để chống lại mối họa chủ nghĩa xã hội. Ông Perry là bộ trưởng năng lượng trong chính quyền Donald Trump.
Năm 2002, Thống đốc Perry, dưới sự ủng hộ của Tổng thống George W. Bush và nghị viện bang Texas thông qua đạo luật gỡ bỏ quản lý điện. Vì không muốn chịu sự quản lý của liên bang, Texas từ lâu đã tách mình khỏi mạng lưới điện chung của cả nước. Tiểu bang này như một hòn đảo tách biệt tự cung tự cấp về điện. Nhưng vì vậy, họ đã không thể nhập điện từ các bang khác trong cuộc khủng hoảng năng lượng này.
Ủy ban Công ích Texas chỉ còn quản lý mạng tải điện. Các nhà máy và công ty phân phối lớn nhỏ được tự do bơi tung tăng dưới sự điều chỉnh chung của Hội đồng Trách nhiệm Điện Texas (ERCOT), một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động lỏng lẻo và ít quyền lực.
ERCOT tổ chức và quản lý một thị trường điện tự do. Các nhà máy điện được phép tùy ý lựa chọn các nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như than đá, khí tự nhiên, gió hay năng lượng hạt nhân. Sau đó, các nhà máy điện bán điện theo giá sỉ cho nhà phân phối, rồi các nhà phân phối cạnh tranh với nhau tìm kiếm khách hàng. Một thị trường đậm chất tư bản truyền thống, tự do và cạnh tranh mạnh mẽ. Chính sách này mang lại cho Texas kết quả khả quan trong phần lớn thời gian.
Theo các thống kê:
– Texas sản xuất nhiều điện hơn bất kỳ bang nào khác của Mỹ, gần gấp đôi Florida, bang nhiều điện thứ nhì;
– Texas là bang đứng đầu về sản xuất dầu thô và khí tự nhiên;
– Điện gió cũng phát triển mạnh ở Texas, chiếm khoảng 28% tổng lượng điện gió của toàn nước Mỹ năm 2019;
– Giá điện trung bình thấp và người dân có thể tự do lựa chọn giữa rất nhiều nhà phân phối để được mức giá rẻ nhất có thể.
Nghe có vẻ đây là một thành công. Trong nhiều năm qua, giới chức Texas tự hào vì mô hình cung ứng điện có một không hai của mình.
Tuy nhiên, việc tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt đã khiến các công ty và nhà máy điện chỉ tập trung giảm chi phí để bán điện với giá rẻ nhất. Mô hình này không khuyến khích các nhà máy tăng cường đầu tư để đảm bảo hệ thống bền vững trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ít nhất từ năm 2011, khi một cơn bão tuyết ngắn xảy đến khiến ERCOT phải cắt điện luân phiên, chính quyền Texas đã biết rằng hệ thống điện của họ không được trang bị để chống chọi thời tiết lạnh giá.
Họ đã làm gì? ERCOT soạn thảo văn bản hướng dẫn đề nghị các nhà máy điện tăng cường bọc lót để chống lạnh. Nhưng ERCOT không có quyền áp đặt và nếu chính quyền bang can thiệp thì tức là phải ra thêm luật lệ. Ở trong thị trường tự do, không ai có quyền ra lệnh cho một công ty phải hoạt động thế nào, và các nhà máy điện ở Texas cũng vậy. Họ có thể tắt công tắc phát điện trong một thời gian dài, mà hậu quả duy nhất chỉ là thất thoát doanh thu.
Các nhà quản lý Texas tin tưởng vào lý thuyết thị trường tự do, trong đó các nhà cung cấp sẽ tự nguyện nâng cấp dịch vụ để giữ chân khách hàng. Trên thực tế, điều này đã không xảy ra. Các nhà máy điện Texas chỉ được trả tiền cho số điện họ bán. Việc đầu tư hàng triệu USD để bọc lót chống lạnh, chỉ để đề phòng trước những sự kiện cực kỳ hiếm gặp, sẽ làm tăng chi phí sản xuất và khiến họ không cạnh tranh được với các đối thủ khác.
Tuy nhiên, khác với năm 2011, trận bão tuyết năm nay đem đến cái lạnh kỷ lục kéo dài nhiều ngày. Hệ thống điện tê liệt và hệ thống tính giá điện của Texas phá sản. Cung giảm cầu tăng, giá điện trong thị trường bán sỉ tăng kịch trần, các nhà phân phối điện thì van nài khách hàng bỏ đi.
Griddy, một nhà bán lẻ điện tại Texas, đã đề nghị toàn bộ 29.000 khách hàng của mình đi tìm một nhà cung cấp khác, nếu không muốn chứng kiến hóa đơn tiền điện tăng gấp trăm lần. Griddy cho khách hàng chọn trả tiền điện đúng bằng giá bán sỉ mà họ mua từ nhà máy, cộng với chỉ 9,99 USD một tháng. Nhưng vì nay giá sỉ đã tăng kịch trần (9.000 USD một MWh, tức hơn 200.000 VND một KWh), nên khách hàng sẽ phải trả giá trần này, cộng với gần 10 USD một tháng.
Scott Willoughby, một cựu chiến binh 63 tuổi tại thành phố Dallas, là một khách hàng như thế của Griddy. Ông đã phải trả 16.752 USD (hơn 280 triệu VND) tiền điện sau khi giá điện tại Texas tăng ngút trời. Willoughby cho hay số tiền này cao hơn 70 lần tổng hóa đơn điện, nước, gas bình thường của ông. “Thế là hết sạch khoản tiền tiết kiệm của tôi. Tôi chẳng thể làm gì được. Nó làm tôi khánh kiệt”, ông nói.
Thậm chí những khách hàng muốn bỏ Griddy cũng không biết đi đâu. Các công ty khác từ chối nhận khách hàng mới. Một số công ty thì chi mạnh để khuyến khích người dân giảm dùng điện.
Trong khi người ta phải mất nhiều tháng để đánh giá hậu quả về người của cuộc khủng hoảng ở Texas, thì một điều chắc chắn là chính quyền sẽ phải thay đổi cách quản lý thị trường điện trong bang. Thị trưởng Abbott muốn ra quy định bắt buộc các nhà máy điện phải trang bị sẵn sàng cho mùa đông.
Để tránh các thảm kịch tương tự trong tương lai, các chính trị gia coi trọng tự do tuyệt đối của Texas sẽ phải tìm một điểm nhân nhượng với bàn tay can thiệp của nhà nước, thứ mà họ luôn e ngại là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội.