‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
47 người đều biết ngày này sẽ tới.
Sự kiện 47 nhân vật đối lập của Hong Kong bị bắt giữ và chờ ra tòa vào ngày 28/2 vừa rồi xuất hiện trên khắp các trang báo lớn của thế giới.
Đây được xem là đợt truy quét “diệt tận ổ” của Bắc Kinh nhằm quét sạch phong trào dân chủ tại đặc khu. Đến thời điểm này, gần như tất cả những gương mặt phản kháng nổi bật đều hoặc là đã bị bắt, hoặc là đang lưu vong.
Bên cạnh những gương mặt lão làng quen thuộc trong giới đấu tranh ở Hong Kong suốt nhiều thập niên qua như giáo sư luật Benny Tai (Đới Diệu Đình) hay nhà báo Claudia Mo (Mao Mạnh Tịnh), trong số 47 người bị bắt lần này có những khuôn mặt còn rất trẻ. Trước khi “mùa hè phản kháng” rực lửa nổ ra ở Hong Kong vào năm 2019, những người này hoàn toàn vô danh.
Tất cả bị bắt với cùng cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền, vi phạm luật an ninh quốc gia. Cụ thể là vì họ đã tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức vào tháng 7/2020. Sự kiện này được giới đấu tranh dân chủ tổ chức nhằm tuyển chọn ra các đại diện mạnh nhất để tranh cử Hội đồng Lập pháp của Hong Kong (Legislative Council, hay còn gọi là LegCo). Chính quyền Bắc Kinh xem đây là động tác thách thức quyền lực của họ.
Trước khi bị yêu cầu “trình diện sớm” vào ngày 28/2, những nhà hoạt động này đều đã bị bắt trong cuộc bố ráp hàng loạt vào đầu tháng 1/2021. Tuy được bảo lãnh tại ngoại sau đó, họ đều ý thức được những ngày tự do của mình không còn nhiều.
Họ đã làm gì với thời gian ngắn ngủi còn lại? Các phóng viên của Stand News, một tờ báo độc lập tại Hong Kong, đã theo chân một số nhà hoạt động trẻ, ghi lại những khoảnh khắc tự do cuối cùng của họ.
Trâu Gia Thành (鄒家成) tranh thủ buổi tối ngày 27/2 tìm đến một thợ xăm quen thuộc để xăm lên tay dòng niệm chú chữ Phạn “ཨོཾ་མ་ཎི་པདྨེ་ཧཱུྃ” (om mani padme hum).
Bỏ ngang ngành học hộ lý, quyết định tham gia hoạt động chính trị từ cuối năm 2019, Trâu Gia Thành nhanh chóng trở thành gương mặt nổi bật trong số các “tố nhân” (người chưa có kinh nghiệm, mới gia nhập một lĩnh vực nào đó). Giống như nhiều người mới khác, Gia Thành chủ trương tìm mọi cách buộc Bắc Kinh phải thực hiện lời hứa để người dân Hong Kong tự bầu ra lãnh đạo của mình.
Anh tham gia ứng cử hội đồng lập pháp địa phương, và sau đó tuyên bố ý định tranh cử vào LegCo. Với việc tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử sơ bộ tháng 7/2020, anh ghi tên mình vào danh sách đen của chính quyền.
Sau đợt bị bắt vào đầu tháng 1/2021, Gia Thành đã tranh thủ dành phần lớn thời gian cho người nhà và bạn bè. Anh thấy mình may mắn khi nhờ vào sự kiện này mà quan hệ với người nhà trở nên gần gũi hơn. “Coi như là cũng ‘tu thân tề gia’ được rồi. Nghe quê quá hả!”, anh cười khi được hỏi.
Gia Thành muốn khắc dòng niệm chú trên người để mong luôn tìm thấy sức mạnh trong những ngày bị giam cầm sắp tới.
Anh mới 24 tuổi.
Lớn hơn Gia Thành vài tuổi, và cũng có nhiều hơn vài năm kinh nghiệm hoạt động, nhưng Viên Gia Úy (袁嘉蔚) vẫn thường bị trêu là còn rất trẻ con.
Từng là phó chủ tịch của Đảng Demosisto (đảng do Nathan Law, Joshua Wong cùng một số nhà hoạt động khác thành lập), Gia Úy là gương mặt quen thuộc trong giới đấu tranh dân chủ ở Hong Kong. Vào tháng 11/2019, cô đắc cử vào hội đồng quận khu vực Tin Wan. Đó là cuộc bầu cử hội đồng lập pháp địa phương mà phe đối lập Hong Kong có chiến thắng vang dội khi giành hơn 90% số ghế.
Tuy còn trẻ, Viên Gia Úy vẫn được cử tri địa phương tín nhiệm, giao phó làm gương mặt đại diện đấu tranh cho các quyền lợi của họ. “Trong mắt mọi người, có lẽ tôi vẫn còn là một đứa con nít. Nhưng điều quan trọng nhất là mọi người đã tin tưởng rằng tôi đủ trưởng thành để xử lý các vấn đề của bản thân lẫn những chuyện mà bà con nhờ cậy”, cô nói về điều tâm đắc nhất của mình.
Ngày cuối cùng trước khi bị bắt hầu tòa, Gia Úy dành nhiều thời gian ôm chiếc gối yêu thích mang hình nhân vật Buzz Lightyear trong phim hoạt hình Toy Story, vì “vào tù sẽ không được ôm bạn ấy ngủ nữa”.
Cô cũng tranh thủ đi chào tạm biệt chú mèo sống trước cửa văn phòng làm việc của quận.
“Mày phải nhớ tự chăm sóc bản thân đó nghen!”, cô nói với mèo qua chất giọng trẻ con của mình.
Cũng đắc cử vào hội đồng lập pháp quận vào cuối năm 2019, Ngũ Kiện Vĩ (伍健偉) tranh thủ ngày cuối đi gặp gỡ bà con, lấy ý kiến thu thập cho các vấn đề tại địa phương cần thảo luận, như công việc bình thường hàng ngày.
Tuy lo lắng khi đi tù rồi sẽ bị lãng quên, anh vẫn tin tưởng việc mình làm trước nay sẽ được ghi nhận, nhất là khi có những người tìm đến anh để động viên cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh.
Sau khi xong việc, Kiện Vĩ tranh thủ đi cắt tóc, “đằng nào vào tù cũng sẽ bị người ta hớt, chi bằng giờ hớt cho dễ coi chút”. Anh dành thời gian còn lại trong ngày đi leo núi cùng nhóm bạn của mình.
Kiện Vĩ thấy có lỗi nhất với bạn gái. “Trước đây lỡ hứa là đến 25 tuổi sẽ cưới cô ấy”, nhưng giờ anh không dám nghĩ tới điều đó, khi “tưởng tượng có thể 10 năm, 20 năm nữa cô ấy chỉ có thể gặp chồng mình qua tấm gương ngăn cách ở nhà tù.”
Anh đặc biệt trân quý những khoảnh khắc còn lại. “Cứ mỗi tiếng trôi qua, lại ước gì có thêm một tiếng nữa”.
Từng nhiều lần ứng cử vào hội đồng lập pháp địa phương nhưng chưa thành công, Lữ Trí Hằng (呂智恆) vẫn giữ nhiệt huyết, liên tục tham gia các hoạt động đấu tranh qua nhiều phong trào khác nhau.
Nhận được thông báo “trình diện sớm” trước hơn nhiều người, Trí Hằng có hai ngày chuẩn bị “lên đường”. Anh có nhiều thời gian hơn để từ biệt người thân. Anh tự thấy mình may mắn so với những người ở tuyến đầu đấu tranh. “Chính quyền phải tập trung xử lý họ, nên chúng tôi mới thảnh thơi có được thêm chút thời gian”.
Trí Hằng tranh thủ ngày cuối cùng tiếp tục dự án thu thập thư gửi cho những người vì đấu tranh bị cầm tù trong thời gian qua. Anh lập trạm bên đường, vận động hướng dẫn người dân viết thư động viên cho những người trong tù.
Khi một người dân hỏi khi nào anh sẽ quay lại để lấy thư, Trí Hằng hơi bối rối. “Bạn có thể đem về từ từ viết, tôi không biết sau Chủ nhật này mình có còn được ra ngoài không, nhưng những người khác trong nhóm dự án chắc chắn sẽ tiếp tục”.
Dư Huệ Minh (余慧明) chọn dành ngày cuối cùng để ăn một bữa với những người chung vai sát cánh trong mấy năm qua.
Cô là sáng lập và chủ tịch của Liên đoàn Lao động Cục quản lý Y tế (Hospital Authority Employee Alliance), một công đoàn đại diện cho những người lao động làm việc trong cục.
Là một y tá, như nhiều người Hong Kong khác, Huệ Minh dấn thân vào con đường đấu tranh từ Phong trào Dù vàng nổi tiếng năm 2014. Khi đó, cô tình nguyện tham gia cứu chữa những người biểu tình bị thương.
Kể từ lúc ấy, cô không ngừng tham gia các phong trào đấu tranh dân chủ của Hong Kong, đặc biệt sau làn sóng phản kháng từ mùa hè năm 2019. Huệ Minh dự định tham gia ứng cử LegCo theo nhóm cử tri nghiệp đoàn (functional constituencies), vốn chiếm 35 ghế cố định trong tổng số 70 ghế của hội đồng lập pháp.
Cô trở thành ứng viên sáng giá của phe đối lập khi giành thắng lợi sau cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 7/2020. Vì thế, cô cũng lọt vào danh sách đen của chính quyền.
Trong bữa ăn chia tay với các đồng nghiệp trong công đoàn, Huệ Minh tiếc nuối thời gian qua bận bịu công việc mà mọi người chưa có dịp ngồi lại hàn huyên tâm sự cùng nhau.
“Nhưng tôi tin là sẽ không ai trong chúng ta quên những giây phút đồng lòng sát cánh cùng nhau đâu”.
Ít ai nghĩ Sầm Tử Kiệt (岑子杰) chỉ mới hơn 30 tuổi.
Là người điều phối của “Dân trận” (Civil Human Rights Front – CHRF), liên minh các tổ chức đấu tranh vì nhân quyền tại Hong Kong, tên tuổi của anh trong suốt nhiều năm qua gắn liền với những cuộc biểu tình rầm rộ nhất tại thành phố này, thu hút hàng triệu người tham gia.
Các cuộc biểu tình lớn tại đây đều được “Dân trận”, mà đại diện là Sầm Tử Kiệt, đứng ra tổ chức. Anh còn là thành viên lãnh đạo của “Cầu vồng Hong Kong” (Rainbow of Hong Kong), một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của người LGBT. Cuối năm 2019, anh thắng cử vào hội đồng lập pháp địa phương tại khu vực Sha Tin.
Đầu năm 2020, tờ The Times tại Anh bình chọn Tử Kiệt là một trong 20 gương mặt đáng chú ý nhất trên thế giới trong năm đó.
Danh tiếng đem đến không ít hiểm nguy. Tháng 10/2019, Sầm Tử Kiệt từng bị côn đồ tấn công bằng dao và búa, khiến anh nhập viện và phải đi lại bằng nạng một thời gian sau đó.
Có lẽ ý thức được mình gánh trên vai kỳ vọng của rất nhiều người, Tử Kiệt lựa chọn đối diện bình thản với tương lai bị giam cầm phía trước.
Ngày cuối cùng trước khi trình diện cảnh sát, anh đi thăm một “cửa tiệm màu vàng” gần nhà, nơi công khai ủng hộ những người đấu tranh dân chủ. Người anh muốn gặp là một người phụ nữ lớn tuổi trong tiệm.
Cách đây vài năm, khi Tử Kiệt đi ngang, bà nhận ra anh, gọi tên “ku Kiệt” và kéo vào chào hỏi. Kể từ đó, bà luôn lo lắng, thậm chí phát khóc, mỗi khi nghe tin anh gặp nạn. Cứ mỗi lần như thế, anh lại đến gặp bà để báo rằng mình vẫn bình an. Lần này, anh quyết định đi thăm bà trước khi từ biệt.
Tại con hẻm phía sau cửa tiệm, Tử Kiệt chậm rãi châm điếu thuốc.
“Tất cả những người đấu tranh cho dân chủ trên thế giới này đều là đồng đội của nhau. Những đau đớn khổ ải mà chúng ta đang trải qua, thật ra chẳng có gì đáng than thở cả”, anh tâm sự.
“Nếu sợ hãi trước những gì đang xảy ra, tôi nghĩ mình sẽ coi thường bản thân lắm.”
“Bất kể thế nào, tôi cũng sẽ ngẩng cao đầu chống đỡ tới cùng.”