Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam – Kỳ 2: Từ “thợ dạy” đến “tự do cá nhân”

Hai hệ thống khác biệt tạo ra những con người rất khác biệt.

Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam – Kỳ 2: Từ “thợ dạy” đến “tự do cá nhân”
Ảnh trái: Một lớp học chính trị tại miền Bắc năm 1958. Ảnh phải: Một lớp học của sinh viên y khoa ở miền Nam trước 1975. Nguồn: hochiminh.vn, LIFE. Đồ họa: Luật Khoa.

Kỳ 1: Nền tảng và khác biệt

***

Các thợ dạy và nhiệm vụ chuyên chính

Với một mô hình quản lý đào tạo thống nhất và bắt buộc, chính quyền Bắc Việt Nam có nhiều cơ sở để kiểm soát và thao túng mục tiêu giáo dục đào tạo.

Ngay từ năm 1926, Hồ Chí Minh (lúc này dùng tên Lý Thụy) đã viết thư gửi cho Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Lenin nói rằng rất nhiều trẻ em Việt Nam, khi được kể về Cách mạng Nga, về Lenin và về những dũng sĩ Lenin trẻ tuổi, đều ao ước được ăn cùng, ở cùng, học cùng và trở thành những dũng sĩ như vậy. [9] Câu chuyện tám anh em họ Lý (được đặt lại theo họ Lý Thụy) trở thành những thành viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trên đất Liên Xô cũng từ đây mà ra.

Ý tưởng đào tạo ra những đứa trẻ trung thành với mục tiêu và tiếng gọi của cách mạng cộng sản được thể chế hóa nhanh chóng vào hệ thống giáo dục, với lý tưởng Marx–Lenin được cài cắm trực tiếp vào giáo trình đào tạo. Trường học được thừa nhận là công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội, và nhiệm vụ của các giáo viên được ban hành rõ ràng.

Đăng ký tham gia Phong trào “Ba đảm nhiệm” (sau chuyển thành Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”) tại trường cấp III Yên Hòa, Hà Nội. Ảnh: Tuổi Trẻ Thủ Đô.

Năm 1963, Lê Duẩn, lúc này đang là Bí thư thứ nhất Đảng Lao Động Việt Nam, khẳng định trước các sinh viên và giáo sư của Đại học Sư phạm Hà Nội rằng giáo viên cũng giống như người thợ dạy, thợ chính trị. [10] Công việc chính trị của họ ở đây là tuyên truyền để giáo dục công dân thực hiện cách mạng vô sản.

Năm học 1964–1965, Chỉ thị 39 của Bộ Giáo dục đưa ra mục tiêu cụ thể của giáo dục miền Bắc Việt Nam là tạo ra thế hệ phục vụ sản xuất và xây dựng chủ nghĩa xã hội. [11] Đến năm 1965, hệ thống giáo dục bắt buộc gắn liền với sản xuất và chiến đấu chống “Mỹ–Ngụy”.

Một hệ thống giáo dục phi chính trị

Trong khi đó, Miền Nam có một hệ thống trường tư thục đông đảo, có tính độc lập và các chương trình học đa dạng. Vì vậy, khác biệt hoàn toàn với miền Bắc, chính quyền Việt Nam Cộng hòa buộc phải xem giáo dục là một hoạt động phi chính trị.

Thực tế này bắt đầu từ năm 1955 cho đến tận những ngày cuối cùng của chế độ. Không một định hướng, một đường lối hay một nền tảng chính trị cụ thể nào được hệ thống giáo dục miền Nam Việt Nam bảo vệ hay nhấn mạnh, và phần lớn đều tin rằng mọi thứ nên như vậy.

Ngay cả khi chiến tranh leo thang và các hoạt động chiến sự đổ máu dần quen thuộc với các khu vực thành thị, nơi phần lớn các cơ sở giáo dục đào tạo quan trọng của hệ thống Việt Nam Cộng hòa tọa lạc, quan chức giáo dục vẫn không chịu thay đổi cách tiếp cận của mình. Các vấn đề liên quan đến đạo đức, nhân cách, phẩm hạnh công dân được đặt lên đầu tiên, trong khi tình hình chính trị căng thẳng và thực tiễn chiến tranh ở Việt Nam bị bỏ qua.

Trong các cuộc phỏng vấn thuộc nghiên cứu “Making Two Vietnams” đã được đề cập ở phần trước, một lượng lớn người tham gia hoạt động giáo dục trong giai đoạn này ở miền Nam Việt Nam thậm chí không biết Hồ Chí Minh là ai, chủ nghĩa cộng sản là gì và vì sao chiến tranh Việt Nam lại diễn ra. Điều này dẫn đến thực trạng là những nhóm dân cư này rất dễ chịu ảnh hưởng của các chương trình tuyên truyền của Việt Cộng và chính phủ Bắc Việt.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (cầm đàn) trong một buổi sinh hoạt của nhóm Du Ca với các học sinh trường Trung học Kiểu Mẫu Thủ Đức vào cuối thập niên 1960. Ảnh: trithucvn.org.

Việc chấp thuận sự đa dạng văn hóa, ngôn ngữ và tư tưởng giáo dục ở miền Nam Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc chính quyền ở đây không thể chọn ra một tiếng nói chính trị hay triết lý giáo dục thống nhất nào có thể khiến tất cả các cộng đồng Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo hay Cao Đài… vốn đã có những mâu thuẫn về kinh tế và chính trị trước đó, đạt được sự đồng thuận.

Trong khi nhóm Công giáo công khai thù địch chủ nghĩa cộng sản, phe Phật giáo và một số đạo giáo khác lại có cảm tình với chủ nghĩa này. Không thể đàn áp tự do tư tưởng cá nhân bằng cách đồng hóa xã hội, chính phủ Việt Nam Cộng hòa chọn con đường không định hướng hay can thiệp vào hệ thống giáo dục.

Một nền giáo dục để chiến đấu

Nói đến đây, có vẻ ai cũng mường tượng được nội dung chương trình học của hai chiến tuyến khác nhau đến như thế nào.

Chương trình đào tạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị chính trị hóa hết mức có thể, đến mức độ ngay từ cấp tiểu học các chương trình đã mang màu sắc phỉ báng và thù hận.

Trẻ em được giới thiệu về sự vượt trội của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản so với chủ nghĩa tư bản và chế độ phong kiến.

Kế đó, trẻ được giảng dạy vì sao phải tôn thờ Hồ Chí Minh, vì sao phải kính yêu Đảng Cộng sản và đả phá những kẻ dám chống lại mục tiêu chính nghĩa của chủ nghĩa cộng sản.

Cá biệt hơn, những bài tập đọc, tập làm văn chỉ dành cho trẻ ở độ tuổi 5 đến 10 tuổi đều mang đầy tính kích động với ngôn ngữ bạo lực khó tả. Bạn đọc có lẽ đã từng nghe đến những tác phẩm như “Quân Mỹ–Diệm ăn thịt người”, “Chị du kích bụng mang dạ chửa tay không bắt giặc” hay “Trâu cũng giết giặc Mỹ lập công”… Đó đều là những tác phẩm tuyên truyền được sử dụng thường xuyên trong các sách giáo khoa thời kỳ này tại Bắc Việt.

Không chỉ vậy, để trở thành một người cộng sản chân chính, học sinh – sinh viên cũng được kỳ vọng phải tham gia vào các chương trình vừa học vừa làm do chính phủ sắp xếp.

Ví dụ, chỉ tại Phú Thọ, trong năm học 1964–1965, trẻ em và thanh thiếu niên đóng góp 32.717 ngày công lao động, bắt được 2.178 kg sâu bọ và 44.078 con chuột, thu thập 417.135 kg phân bón gia súc và 90.651 kg phân bón xanh, trồng 144.333 m2 ruộng lúa nước .v.v. Những chính sách này được giải thích khá rõ ràng trong mô hình “Học hay, Cày giỏi” mà chính Hồ Chí Minh phát động. [12]

Riêng bắt đầu từ năm 1965, các trường học được quân sự hóa cho hoạt động “chống Mỹ, cứu nước”.

Giáo viên và học sinh – sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi hoạt động quân sự nếu cần thiết.

Nhóm học sinh cấp hai được giao nhiệm vụ đào hầm tránh máy bay Mỹ. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Trẻ em từ lớp Ba đến lớp Bốn và các cấp trung học cơ sở thì tham gia sản xuất áo ngụy trang, chuẩn bị lương thực, nước uống cho bộ đội.

Học sinh cuối cấp trung học cơ sở thì sẽ phải huấn luyện để hình thành các nhóm sơ cứu, nhóm liên lạc, nhóm vận chuyển, nhóm tuyên truyền và các nhóm giữ gìn vệ sinh công trường, doanh trại, v.v.

Các học sinh cấp trung học phổ thông thì được đào tạo sơ lược về sử dụng vũ khí quân sự, được giáo dục về tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Người viết thừa nhận rằng bằng cách làm này, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tận dụng thành công một lực lượng lao động đáng kể (gồm cả trẻ em dưới tuổi) cho các hoạt động kinh tế – chính trị – quân sự, và biến trẻ em, học sinh, sinh viên thành một bộ phận không thể tách rời của hệ thống bộ máy nhà nước từ rất sớm.

Song, chính trị hóa một cách nhất quán toàn bộ hệ thống đào tạo cũng đồng nghĩa với việc “lòng trung thành với Đảng” được đánh giá cao hơn năng lực học thuật. Nó tạo ra các thế hệ có khả năng học thuật - khoa học kém, thiếu tính sáng tạo và độc lập trong tư duy. Ngay sau “giải phóng”, các khó khăn về quản lý kinh tế và hành chính công mà chính quyền thống nhất gặp phải có lẽ là những minh chứng rõ ràng nhất cho thực tế này.

Một nền sư phạm vị nhân sinh

Trong khi mô hình vừa học – vừa làm / vừa học – vừa cày trở thành tiêu điểm của giáo dục miền Bắc, học sinh miền Nam có phần yếu kém hơn về năng lực chính trị.

Hiển nhiên, nhận định này không hẳn để phê phán chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng hòa về mặt nhân văn và phát triển nhân cách. Tuy nhiên, vì quá tập trung vào sách vở và trải nghiệm lớp học, kế đó là các kỳ thi khoa cử, trẻ em ít được tiếp xúc với thực tiễn đời sống của miền Nam Việt Nam.

Trong khi đó, bản thân hệ thống giáo dục cũng phải cạnh tranh với sự lan tràn của văn hóa phương Tây mà người Mỹ mang đến, điều mà chính quyền Hà Nội không gặp phải. Từ lớp năm đến lớp nhất của bậc tiểu học, trẻ em chỉ học về chữ, Việt văn và một số môn khoa học tự nhiên cơ bản.

Học sinh Trần Hưng Đạo (Đà Lạt) cắm trại năm 1967, gần Tết Đinh Mùi. Nguồn: anhxua.net.

Phải đến các bậc học cuối cùng của Đệ tam, Đệ nhị và Đệ nhất (tức các cấp cuối trung học phổ thông hiện nay), học sinh mới bắt đầu được giới thiệu sơ lược các hệ thống chính trị khác nhau, với vài trang nói về chủ nghĩa cộng sản và các quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản (như Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Không thể tìm thấy những nội dung tuyên truyền chính trị rõ ràng và có định hướng như trong sách giáo khoa miền Bắc. Những thảm họa mà chủ nghĩa cộng sản gây ra cho người dân Trung Quốc vào thời kỳ đó (vốn rất tốt cho mục tiêu tuyên truyền chống Cộng) cũng hề không được nhắc đến.

Theo tài liệu “Dự-án Chánh sách văn hóa giáo dục” (1972 – tìm đọc tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II – Thành phố Hồ Chí Minh), mục tiêu cuối cùng của chương trình giáo dục là phẩm giá cá nhân và sự thấu hiểu của ba nguyên tắc cơ bản: quyền tự thân, gia đình và xã hội.

Cách tiếp cận này, hiển nhiên, rất nhân văn và rất phù hợp để chuẩn bị cho học sinh bước vào đời, trở thành những thành viên tốt trong gia đình và công dân tốt trong một xã hội dân chủ cấp tiến. Song nó rõ ràng không giúp ích được gì cho một cộng đồng đang bị chiến tranh tàn phá và đứng trước bờ vực hoàn toàn biến mất.

***

Dù có nhiều ưu khuyết điểm trong mô hình quản trị xã hội, cả hai nhà nước Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam) có vẻ rất kiên định trong đường lối và chính sách giáo dục của họ.

Cái tốt hay cái xấu, cố chấp hay hợp thời, chiến thắng hay thất bại, có lẽ cũng chỉ để cho hậu thế bàn luận. Điều quan trọng là chúng ta tôn trọng và lưu giữ sự thật, kinh nghiệm của lịch sử như chúng thật sự diễn ra. Đó là thứ mà bài viết này mong muốn ghi lại để lấp đầy những khoảng trống trong lịch sử Việt Nam.

Loạt bài “Giáo dục Nam – Bắc Việt Nam”

Kỳ 1: Nền tảng và khác biệt

Kỳ 2: Từ “thợ dạy” đến “tự do cá nhân”

Chú thích

9. Thư viện tỉnh Đồng Tháp - Trang tin Thư viện tỉnh Đồng Tháp. (2020). Những mẩu chuyện về Hồ Chí Minh: "Lý Tự Trọng – một trong tám thiếu niên cộng sản ngày ấy…" Thuviendongthap.com. http://www.thuviendongthap.com/News/Hoc-tap-lam-theo-tam-guong-%C4%91ao-%C4%91uc-Ho-Chi-Minh/Nhung-mau-chuyen-ve-Ho-Chi-Minh-Ly-Tu-Trong-%E2%80%93-mot.aspx

10. Xem [2].

11. vanbanphapluat.co. (1964, August 11). https://vanbanphapluat.co/chi-thi-39-ct-kh-tv-phuong-huong-nhiem-vu-phat-trien-giao-duc-nam-hoc-1964-1965

12. Học hay cày giỏi. http://www.nxbctqg.org.vn/hc-hay-cay-gii-.html

Ba cuốn sách gợi nhớ một nền xuất bản bị lãng quên của Việt Nam Cộng hòa
Những góc nhìn khác về miền Nam trước 1975 được mở ra, từ chuyện luật pháp cho tới đất đai.
8 điều đáng chú ý về Hiến pháp 1956 của Việt Nam Cộng hòa
Chúng ta có thể học được gì từ bản hiến pháp của nền Đệ nhất Cộng hòa?

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.