Từ phiên tòa George Floyd, nhìn lại lịch sử lạm dụng bạo lực của cảnh sát với người da đen tại Mỹ

Cái thở phào khi Derek Chauvin bị kết án là chỉ dấu của một lịch sử dài đầy bất công.

Từ phiên tòa George Floyd, nhìn lại lịch sử lạm dụng bạo lực của cảnh sát với người da đen tại Mỹ
Những người biểu tình tại Charlotte, North Carolina đối mặt với cảnh sát trong một cuộc tuần hành phản đối việc cảnh sát lạm dụng bạo lực với người da màu. Ảnh chụp tháng 9/2016. Nguồn: Sean Rayford/ Getty Images.

Dịch từ bài viết “Relief at Derek Chauvin conviction a sign of long history of police brutality” của Clare Corbould, Phó giáo sư tại Đại học Deakin. Tác giả là một nhà sử học chuyên về lịch sử người da đen tại Mỹ.

Bài viết được đăng trên The Conversation vào ngày 21/4/2021. Tựa đề do Luật Khoa đặt lại.

***

Bản án chưa có tiền lệ đối với sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin vì tội giết người và ngộ sát George Floyd là minh chứng cho sự kiên quyết của những người tổ chức phong trào “Cuộc sống của người da đen có giá trị” (Black Lives Matter). Derek Chauvin dùng đầu gối để đè trọng lượng của mình vào cổ George Floyd trong 9 phút 29 giây – tất cả được ghi lại trên video. Đó có vẻ là bằng chứng mười mươi để kết tội anh ta. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy một bức tranh khác.

Sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin bị buộc tội giết người và ngộ sát George Floyd trong phiên tòa kết thúc ngày 20/4/2021. Ảnh: Court TV/ Press Pool/ WSJ.

Cách đây 30 năm, những thước phim mờ ảo được quay bằng máy quay tại nhà cho thấy cảnh bốn cảnh sát da trắng đánh một người đàn ông đang quỳ gối. Đó là Rodney King, một người Mỹ gốc Phi. Ông bị cảnh sát đánh bằng dùi cui từ 53 đến 56 lần.

Những sĩ quan đó đã bị buộc tội lạm dụng bạo lực và hành hung. Các luật sư của họ lập luận rằng các sĩ quan không thể có được một phiên điều trần công bằng ở Los Angeles. Vì vậy, phiên tòa đã được chuyển đến một quận có tỷ lệ cư dân da trắng cao hơn, đồng nghĩa với việc tỷ lệ người da trắng trong bồi thẩm đoàn sẽ cao hơn.

Các luật sư của cảnh sát cũng lập luận (thành công) rằng phần âm thanh của đoạn video phải được loại ra để không tạo định kiến cho bồi thẩm đoàn. Thay vào đó, họ để phiên tòa xem lại sự kiện qua từng khung hình. Thiếu đi âm thanh của những cú đánh giáng xuống King và tiếng la hét của những người xung quanh yêu cầu cảnh sát dừng lại, đoạn video đã thuyết phục các bồi thẩm viên rằng hành động của các sĩ quan lúc đó là tự vệ.

Một thành viên bồi thẩm đoàn sau đó nói với các phóng viên rằng bà tin là ông King nắm quyền “kiểm soát toàn bộ” vụ việc. Bà đã tin lời luật sư bào chữa rằng “chỉ có một người chịu trách nhiệm về tình huống, và đó là Rodney Glenn King”. Bà chắc chắn rằng một người đàn ông Mỹ da đen là một mối đe dọa bạo lực, ngay cả khi ông ta đang quỳ gối và rõ ràng là bị thương.

Chính quan niệm rằng cơ thể người da đen luôn tiềm ẩn bạo lực sẵn sàng bộc phát bất cứ lúc nào đã biện minh cho việc dùng vũ lực của cảnh sát trong nhiều năm. Họ giữ suy nghĩ này đối với cả đàn ông lẫn phụ nữ người Mỹ gốc Phi. Vụ việc Breonna Taylor (bị bắn chết ngay tại nhà) cho thấy điều đó.

Điều này cũng có nghĩa là bài kiểm tra pháp lý để xác định việc sử dụng vũ lực của cảnh sát có “quá mức” hay không đã bị thỏa hiệp trong các trường hợp mà nạn nhân là người da đen.

Ảnh chụp từ video cho thấy cảnh các cảnh sát đánh chết Rodney King vào ngày 3/3/1991. Nguồn: NBC News.

Nghi ngờ và ác cảm với người da màu cũng xảy ra ở Úc, nơi hơn 400 người bản địa đã chết trong thời gian bị giam giữ. Đó là thống kê tính từ năm 1991, thời điểm một Ủy ban Hoàng gia của nước này công bố báo cáo điều tra về cái chết của những thổ dân trong tình trạng bị giam giữ. Từ đó đến nay, không một người nào bị kết án và chịu trách nhiệm cho những cái chết đó.

Quan niệm rằng người da đen tiềm ẩn nguy cơ bạo lực dẫn tới kết quả là: ngay cả khi các vụ giết người của cảnh sát được ghi lại trên video, các công tố viên cũng tìm ra lý do để không buộc tội và bồi thẩm đoàn cũng tìm được lý do để không kết tội. Đó là thực tế diễn ra với các vụ việc của Eric Garner, Philando CastileAlton Sterling.

Ác cảm với người da đen vẫn tồn tại ngay cả khi nạn nhân của cảnh sát là một đứa trẻ. Tamir Rice, 12 tuổi, bị một sĩ quan bắn chết. Viên cảnh sát này từng bị đánh giá là không phù hợp với công việc. Cuối cùng, không có viên cảnh sát nào bị buộc tội trong vụ này.

Chúng ta cần nhớ rằng bạo lực của cảnh sát nhắm vào người Mỹ gốc Phi đã có từ lâu trước khi máy quay video cầm tay xuất hiện. Như nhiều người đã nêu ra sau vụ Floyd, hệ thống cảnh sát Hoa Kỳ được tổ chức xoay quanh việc kiểm soát các nhóm dân cư được cho là gây mất trật tự công cộng – bất luận đó là những người bị bắt làm nô lệ, hay là tầng lớp lao động nghèo bao gồm cả người da đen và người nhập cư sau khi chế độ nô lệ kết thúc.

Khi người Mỹ gốc Phi di cư từ các bang làm nông nghiệp ở miền Nam đến các thành phố ở miền Nam và miền Bắc Hoa Kỳ, lực lượng cảnh sát cũng điều chỉnh theo sự vận động đó. Theo một cách nào đó, người da đen luôn là mục tiêu bất tương xứng ở mọi giai đoạn của quá trình “thực thi pháp luật”.

Điều này thể hiện trong các đạo luật; trong các hoạt động tuần tra khu phố, các quyết định bắt giữ, các cáo trạng và thỏa thuận nhận tội tại phiên tòa; trong các quyết định của bồi thẩm đoàn, và các quyết định của thẩm phán về tiền phạt và bản án.

Cho dù đó là cuộc chiến chống tội phạm những năm 1960, hay cuộc chiến chống ma túy những năm 1980, toàn bộ việc trị an ở Hoa Kỳ bắt nguồn từ tư duy phân biệt chủng tộc chống lại người da đen.

Theo lập luận của nhà sử học Khalil Gibran Muhammad trong cuốn sách xuất sắc có tên “Sự kết tội người da đen” (The condemnation of blackness), toàn bộ hệ thống tư pháp dựa vào việc tội phạm hóa người Mỹ da đen. Đối với nhiều người, xu hướng phạm tội của người da đen thể hiện rõ ràng qua tỷ lệ ngồi tù hoặc bảo lãnh tại ngoại hoặc tạm tha. Đó là một vòng lặp bất nhân.

Cảnh sát xem xét hiện trường một người da đen bị ném đá đến chết trong cuộc bạo loạn sắc tộc ở Chicago năm 1919. Sự kiện bắt nguồn từ việc một thiếu niên da đen bị giết chết khi bơi vượt qua “lằn ranh” phân tách sắc tộc tại Hồ Michigan. Trong năm ngày bạo loạn, 23 người Mỹ gốc Phi và 15 người Mỹ da trắng đã bị giết. Hàng trăm người bị thương, trong đó hai phần ba là người da đen. Ảnh: Chicago Tribune.

Các báo cáo và điều tra của chính phủ, của các tổ chức phi lợi nhuận và nghiên cứu của các học giả từ lâu đã xác định nạn phân biệt chủng tộc là gốc rễ của vấn đề. Báo cáo đầu tiên được thực hiện những năm 1920 về cuộc bạo động Chicago xảy ra năm 1919. Một báo cáo khác của Ủy ban Kerner vào năm 1968 đã đưa ra các khuyến nghị để xử lý vấn đề này. Các khuyến nghị đến nay vẫn được lặp đi lặp lại.

Vậy tại sao vấn đề lại nan giải như vậy?

Câu trả lời ngắn gọn là lợi nhuận. “Hệ thống công lý” ở Hoa Kỳ tạo ra nguồn thu khổng lồ cho một nhóm người nhỏ. Các dịch vụ mà nó cung cấp, từ các nhà tù cả công lẫn tư cho tới các chương trình cải cách, hệ thống cảnh sát với nguồn lực sung túc và các hệ thống pháp luật khác, trả lương cho hàng triệu người. Trước đây những người gốc Phi bị bắt làm nô lệ để cung cấp lao động rẻ mạt. Bây giờ họ bị kiểm soát, buộc tội, truy tố và giam giữ với tỷ lệ đáng kinh ngạc.

Không thể phó mặc cho các sở cảnh sát tự đổi mới. Lý do duy nhất mà Chauvin bị kết án là nỗ lực không mệt mỏi của các nhà hoạt động xã hội khi họ dành sự tập trung chú ý vào vụ án này. Tuy nhiên, vấn nạn vẫn tiếp diễn khi một đứa trẻ người Mỹ gốc Phi khác – một cô gái 15 tuổi tên Ma’Khia Bryant – bị cảnh sát Ohio bắn chết gần như cùng thời điểm phán quyết về Derek Chauvin được đưa ra.

Đã đến lúc những lời kêu gọi bãi bỏ lực lượng cảnh sát cần được xem xét nghiêm túc hơn. Đối với nhiều người, chiến dịch này có vẻ kỳ quặc. Nhưng như công trình của Ruth Wilson Gilmore và những người khác đã chỉ ra, các nền dân chủ ở những nơi khác trên thế giới phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ người bị giam giữ chỉ bằng một phần nhỏ so với ở Hoa Kỳ. Gilmore nói: “Ở đâu sự sống được trân quý, ở đó sự sống thật sự quý giá” (Where life is precious, life is precious).

Phản ứng từ những người dân tại Atlanta sau khi có phán quyết từ phiên tòa George Floyd. Ảnh: AAP/ EPA/ Eric S. Lesser.

Xây dựng một xã hội không cần tới cảnh sát và nhà tù là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, đặc biệt là khi những người hưởng lợi từ hệ thống là những người đang nắm quyền lực. Như lời chủ tịch Quỹ Mellon, nhà thơ Elizabeth Alexander [người từng đọc thơ trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama vào năm 2009 – ND], nói: chúng ta cần trí tưởng tượng và lòng dũng cảm của các nghệ sĩ da đen.

Alexander nhắc tới nhiếp ảnh gia gốc Phi Pat Ward Williams. Vào năm 1986, Williams đã dùng những bức ảnh chụp người da đen bị hành hình công khai để đặt ra câu hỏi: “Nếu là người da đen, liệu bạn có thể nhìn nổi thứ này?”.

Trong phiên tòa xử Derek Chauvin, công tố viên Jerry Blackwell đã kết thúc phần luận tội trong xót xa.

“Bạn đã nghe những lập luận kiểu Floyd chết vì trái tim của ông quá lớn […] [nhưng] sự thật là – George Floyd chết vì trái tim của Chauvin quá nhỏ.”

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.