‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc
🎧Mời bạn nghe bản audio của bài này:‘Dọc đường’ của Nguyên Ngọc0:00/212.281× Được xuất bản vào
Lòng trung thành cũng giống như tình yêu nam nữ. Nó phải đến từ hai phía.
Năm 2003, năm người đàn ông quốc tịch Dominican Republic lẻn trốn lên một con thuyền buôn có đích đến là Houston, Texas.
Nửa đường, hai trong số năm người trốn trên thuyền trở bệnh nặng. Không còn cách nào khác, họ quyết định thông báo sự hiện diện của mình, kêu gọi lòng trắc ẩn của thủy thủ đoàn.
Nhóm thủy thủ hiểu rõ rằng theo quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (International Maritime Organisation), mình có trách nhiệm bảo vệ, nuôi ăn và đưa những người này hồi hương theo tinh thần nhân đạo.
Nhưng các thủy thủ cũng biết chủ tàu sẽ trả thưởng hậu hĩ cho các chuyến tàu cập bến không có người đi lậu. Trong khi đó, họ cũng nhớ rất rõ rằng cơ quan chức năng Hoa Kỳ sẽ phạt rất nặng bất kỳ tàu nào mang đến biên giới Hoa Kỳ những người nhập cư không giấy tờ.
Quyết định cuối cùng là gì?
Các thủy thủ ném hai người cố tình chống đối ra khỏi tàu và để ba người còn lại giữa biển với một chiếc bè nhỏ. Nhóm ba người được một tàu khác cứu sống. Hai người còn lại thì không may mắn như vậy. Những phần xác bị cá rỉa của họ được tìm thấy không lâu sau đó.
Câu chuyện này được kể trong phần đầu của quyển sách “The Birthright Lottery: Citizenship and Global Inequality”, xuất bản năm 2009 của tác giả Ayelet Shachar.
Đó là một kết cục bi thảm nhưng khó tránh khỏi. Đối với những người được sinh ra ở bờ bên kia của thịnh vượng và an ninh, cánh cổng vàng dẫn đến những giấc mơ đổi đời dần khép lại. Nơi họ sinh ra, thứ họ không thể chọn, cũng là trần giới hạn ám ảnh của mọi tương lai, năng lực, mơ ước và nguyện vọng cá nhân.
Việc tôi và các bạn trở thành người Việt Nam, là công dân của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thật ra cũng chỉ là một tai nạn như vậy mà thôi.
Nói những lời trên không hẳn là để ủng hộ chủ nghĩa đại đồng (cosmopolitanism), một chủ nghĩa cho rằng mọi cá thể loài người đều thuộc một cộng đồng chung duy nhất, và vì vậy cần có một chính phủ duy nhất đại diện. Hoàn toàn ngược lại, người viết dám khẳng định, việc tin tưởng vào chủ nghĩa đại đồng không khác gì tin tưởng vào một kết cục tốt đẹp của các đế chế hay chủ nghĩa thực dân, dù chúng ta có “bọc đường” mục tiêu cuối cùng của chúng bằng những lời lẽ xa hoa.
Mô hình quốc gia – dân tộc (nation – state) có lẽ vẫn sẽ tiếp tục là mô hình an toàn nhất, cân bằng nhất để bảo đảm quyền lợi giữa các cộng đồng.
Nhưng vì sao chúng ta lại phải là người Việt Nam? Và quan trọng hơn, vì sao chúng ta lại phải trung thành với “đất nước Việt Nam”?
Sau nhiều thảo luận pháp lý lẫn triết học về khái niệm thành viên (membership) và công dân (citizenship), giáo sư Ayelet Shachar thuộc Đại học Toronto là người tiên phong gọi sự kế thừa và gắn kết giữa các thành viên trong một cộng đồng không gì khác hơn là “trò xổ số của quyền tập ấm” (the birthright lottery).
Trong tác phẩm nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn “The Birthright Lottery: Citizenship and Global Inequality”, giáo sư Shachar so sánh việc được sinh ra và thừa hưởng danh tính thành viên trong một cộng đồng tương tự như việc nhận tài sản thừa kế trong luật dân sự. Loài người có thể đã quá quen với sự hiện diện của những khái niệm pháp lý nói trên. Chúng ta nhìn nhận chúng như lẽ thường, như một phần của trật tự tự nhiên.
Bà chỉ ra rằng việc tình cờ được sinh ra tại một vùng đất nào đó nhất định đã và đang tiếp tục là nền tảng quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự thành công, sự phát triển của một cá thể trong tương lai; hoặc ngược lại, là gánh nặng và sự thống khổ của họ trong suốt cuộc đời.
Từ góc độ này, tự thân cơ chế pháp lý về quyền công dân đã mang tính bất bình đẳng cao. Việc để một cơ chế không chỉ bất bình đẳng, mà còn nằm hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của một cá nhân, quyết định quyền lực, sự thịnh vượng và cơ hội của con người rõ ràng không phải là đích đến cuối cùng của công lý và pháp luật.
Shachar đi khá xa trong việc chỉ trích quyền công dân, đi kèm với việc mổ xẻ và định nghĩa lại (deconstruct) cả quyền tư hữu tài sản. Vậy nên người viết, với tư cách là một cá nhân ủng hộ và tin tưởng vào nền tảng kinh tế thị trường, không phải lúc nào cũng tìm được điểm chung với bà trong quyển sách.
Tuy nhiên, có một điểm mà người viết chắc chắn đồng tình: yêu cầu một người trung thành tuyệt đối với một chính quyền, hay yêu mến một vùng đất mà họ chỉ vô tình sinh ra ở đó, đều là quá khó.
Công bằng mà nói, nhà nước hiện đại nào cũng yêu cầu bạn phải trung thành với chính thể đang nắm quyền trên vùng đất.
Rời khỏi Vương Quốc Anh để tham gia vào lực lượng vũ trang của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS)? Bạn sẽ bị tước quyền công dân và bị cấm nhập cảnh để trình diện trước tòa trong phiên xử thách thức quyết định hành chính đó.
Toa rập và gặp mặt với các nhóm phiến quân Đức quốc xã trên lãnh thổ Hoa Kỳ ngay giữa Đệ nhị Thế chiến? Khả năng bị bắt giữ và xét xử vì tội phản quốc là 100%.
Song không phải mọi yêu cầu trung thành chính trị (political loyalty) đều cực đoan và phi lý.
Một ví dụ của trung thành chính trị trung lập và được các nhà khoa học chính trị ủng hộ là chủ nghĩa ái quốc cộng hòa (republican patriotism). Chủ nghĩa ái quốc cộng hòa bắt đầu với triết gia La Mã Cicero, được triết gia Ý Niccolò Machiavelli đóng góp và gần đây được Giáo sư chính trị người Mỹ Maurizio Viroli hoàn thiện.
Ái quốc cộng hòa không đơn thuần là yêu nước dưới mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện. Nó là tình yêu của một công dân dành cho lối sống, lối tư duy và chính thể cộng hòa nói chung (republican way of life).
Theo người viết, có hai lý do chính khiến các nhà triết học có thiện cảm và thậm chí ủng hộ chủ nghĩa ái quốc cộng hòa.
Đầu tiên, những người ủng hộ thừa nhận rằng lòng ái quốc không phải là một thứ tự nhiên, phải có và phải áp đặt. Ái quốc – cảm giác yêu thương và gắn kết với một vùng đất, một chính thể – tự thân nó không phải là một bản năng tự có của loài người.
Vì thế, những người ái quốc cộng hòa thể hiện rằng tình yêu của họ là tình yêu lý tính.
Không có bất kỳ nghĩa vụ tự nhiên nào buộc họ phải yêu một quốc gia hay một nhà nước, đơn giản chỉ vì họ sinh ra trên mảnh đất đó hay có dòng máu của nhóm người đang sinh sống chủ yếu tại đó.
Họ yêu quốc gia, hoặc yêu một nhà nước quản trị quốc gia bởi vì đó là lựa chọn lý tính từ chính ý chí của mình, vì họ được đại diện một cách công bằng (bằng mô hình cộng hòa – republic) và quyền tự do của quần chúng được bảo vệ (common liberty of the people).
Điều này có vẻ phù hợp với cách tiếp cận ở trên, cho rằng việc sinh ra và lớn lên ở một cộng đồng chính trị chỉ là một trò xổ số mà thôi. Con người không có nghĩa vụ gắn kết bằng mọi giá với cộng đồng đó.
Các tác gia như Montesquieu và Voltaire cũng liên hệ tình yêu nước này với cấu trúc chính trị và pháp lý.
Nếu một đất nước sở hữu đầy đủ các giá trị như pháp quyền (rule of law), tự do (liberty) và quyền tự quản lý của công dân (self-government), tình yêu của các công dân dành cho đất nước đó không những hợp lý mà còn cần được khuyến khích.
Việc trừng phạt những nỗ lực phá vỡ trật tự chính trị cấp tiến (như tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan, ủng hộ Phát-xít…), do đó, cũng có thể được xem là việc thể hiện tinh thần yêu nước hợp tình, hợp lý.
Thứ hai, họ lập luận rằng ái quốc cộng hòa không cố gắng xây dựng sự gắn kết của một cộng đồng bằng cách loại trừ các thành viên tiềm năng khác.
Sự khác biệt thể hiện rõ khi so sánh tinh thần ái quốc cộng hòa với mô hình trung thành chính trị dựa trên chủ nghĩa dân tộc vị chủng (ethnocentric nationalism – một phiên bản cực đoan của chủ nghĩa dân tộc). Trong mô hình này, các yếu tố gắn kết của cộng đồng chủ yếu dựa vào sắc tộc, sau đó là văn hóa và tiếng nói, chữ viết… Điều này đồng nghĩa với việc một nhà nước xây dựng dựa trên chủ nghĩa dân tộc vị chủng sẽ loại trừ khả năng trở thành thành viên của bất kỳ cá thể nào không có được những đặc tính nói trên.
Tương tự, trong mô hình trung thành chính trị dựa trên chính đảng (party loyalty hoặc ideology loyalty), quyền và lợi ích của một chính đảng, một chủ thuyết chính trị thường được đặt nặng hơn, hoặc đồng nhất với lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay bất kỳ từ đồng nghĩa nào nó cảm thấy phù hợp. Với nền tảng đó, khi một chính đảng có thể đồng nhất sự lãnh đạo của mình với toàn bộ nhà nước, việc tuân thủ và yêu mến chính đảng đó trở thành nghĩa vụ bắt buộc của lòng yêu nước.
Chính vì sự khác biệt một trời một vực giữa chủ nghĩa ái quốc cộng hòa và các mô hình trung thành chính trị khác, không có gì khó hiểu khi hầu hết các tác gia chính trị học cận đại lẫn đương đại đều cho rằng ái quốc cộng hòa là tinh thần ái quốc đúng nghĩa nhất.
***
Người viết thừa nhận rằng trung thành chính trị đã và sẽ tiếp tục là động lực cho sự tiến hóa của các định chế xã hội loài người.
Tuy nhiên, chúng ta cần ghi nhớ rằng các hình thức trung thành chính trị của con người luôn tiến hóa và phát triển không ngừng nghỉ qua các giai đoạn lịch sử: từ trung thành với bầy đàn, với cộng đồng săn bắt hái lượm, sau đó đến trung thành với vương quyền, rồi với lãnh tụ tôn giáo tối cao trong các đế chế đại đồng, và gần đây nhất là với dân tộc – đất nước.
Trung thành chính trị, nói cho đúng, đến từ cả hai phía. Nó giống như tình yêu vậy.
Nếu một người được kỳ vọng là có nghĩa vụ đương nhiên phải yêu vùng đất, phải yêu đất nước và chính quyền quản trị đất nước nơi mà họ tình cờ được sinh ra, ít ra đất nước và chính quyền ấy cũng cần cho thấy tính nhân đạo dân sự (civic humanism), tính cộng hòa và tính đại diện của mình.
Nếu họ tiếp tục xem người dân chỉ đơn giản là những quân cờ, vật thể có thể thay thế và có thể bị triệt tiêu để bảo toàn một thứ quyền lực cao cả nào đó, yêu cầu sự trung thành chính trị chẳng khác nào một mối quan hệ yêu đương bạo hành. Kết cục của chúng không bao giờ tốt đẹp.
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.