Tuần tin: Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật; New Zealand cáo buộc quan chức Việt Nam tấn công tình dục
Các sự kiện nổi bật: * Bộ Chính trị Đảng Cộng sản kỷ luật cảnh cáo Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa
Ở đâu cũng có nạn bạo lực, nhưng cách ứng xử của các chính quyền thì rất khác nhau.
Vấn nạn bắt nạt nhắm đến quân nhân mới nhập ngũ luôn là một vấn đề rất lớn của quân đội hầu hết các quốc gia, từ đội quân có tính truyền thống và kế thừa lâu đời nhất trên thế giới như quân đội Hoàng gia Anh, đến lực lượng quân đội đông đảo và có năng lực tác chiến cao nhất thế giới như Hoa Kỳ, hay lực lượng quân sự của những quốc gia theo chủ nghĩa hòa bình tích cực nhất thế giới của Na Uy. Những thực hành bạo lực còn được thể chế hóa vào cấu trúc quân đội như hiện tượng khét tiếng “dedovshchina” trong quân đội Xô Viết. Bắt nạt trong quân ngũ và các vấn đề bạo lực giữa đồng đội với nhau xem ra là câu chuyện không hồi kết.
Tuy nhiên, chính sách phản ứng và các biện pháp tư pháp để kiểm soát vấn đề nói trên thì không phải ai cũng giống nhau.
Trong bối cảnh rất nhiều ý kiến tại Việt Nam cho rằng hành vi bạo lực này là cần thiết, rằng kiểu “lấy cá nhân giáo dục tập thể” là hay ho, “thương cho roi cho vọt”, “giáo dục bằng bạo lực” trong quân đội là hiển nhiên, bài viết này mong muốn giới thiệu đến bạn đọc các cách tiếp cận khác trên thế giới khi họ đối mặt với hiện tượng nói trên.
Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, hàng loạt các báo cáo và sự kiện liên quan đến vấn nạn bạo lực và những loại tập tục, nghi lễ kỳ lạ trong quân đội Anh buộc giới chức Bộ Quốc phòng nước này phải đặt chúng lên đầu danh sách chương trình nghị sự. Cụ thể, họ phát hiện ra rằng có hàng loạt thứ thủ tục, nghi lễ nhập ngũ, và những hoạt động áp chế quái gở có tính bạo lực dành cho các quân nhân. [1] Nhóm hành vi này trải dài từ đánh đập, sỉ nhục cho đến cả tấn công tình dục.
Nghiêm trọng hơn, chúng không chỉ xuất hiện trong những binh chủng hay quân đoàn thông thường. Kể cả trong các toán quân danh giá trực thuộc Hoàng gia Anh như The Coldstream Guards (Lãnh Khê Vệ Binh) hay The King’s Own Scottish Borderers, các hiện tượng nói trên cũng được báo cáo và ghi nhận.
Ban đầu, nhiều quan chức quân đội nhấn mạnh rằng các báo cáo đã thổi phồng lên thực tế vi phạm. Trong phiên điều trần trước Quốc hội Anh, đại diện quân đội vẫn khẳng định trong hai năm trước đó, họ đã tiếp nhận và đào tạo hơn 20.000 quân nhân, trong đó chỉ có hơn 100 cáo buộc bắt nạt và đối xử tàn tệ, và chỉ hơn phân nửa trong số đó thật sự có bằng chứng để các cấp thẩm quyền trong quân đội có thể xử lý triệt để. [2]
Tuy nhiên, những con số “chính thức” và những lời giải thích có cánh từ quân đội chưa bao giờ là đủ. Báo chí và công chúng Vương quốc Anh lẫn quốc tế một khi nghe được những trải nghiệm thực tế của người trong cuộc rõ ràng không thể chấp nhận những lập luận “thản nhiên” của giới quan chức quân đội.
Theo chia sẻ của một quân nhân bộ binh Anh vào năm 1987, người này chỉ “được xem” là thành viên thật sự của trung đoàn sau hàng loạt những màn trình diễn bạo lực quái gở như dương vật bị hơ lửa, bị tấn công tình dục bằng cán chổi, bị ép phải diễu hành trong tình trạng dương vật và mắt cá nối với nhau bằng dây nhựa và thậm chí là bị đẩy khỏi cửa sổ. [3]
Những câu chuyện kinh hoàng đến mức khó tin này nhanh chóng thúc đẩy Quốc hội Anh, dưới áp lực của dư luận, can thiệp một cách triệt để. [4]
Trước tiên, phải kể đến quyết định cấm hoàn toàn các nghi lễ hay thực hành quân đội theo thói quen (như “ma mới” phục vụ “ma cũ”, lấy vũ lực dạy dỗ lính…) vốn không được ghi nhận chính thức trong các nguyên tắc và hướng dẫn quân đội. Kế đó, một sĩ quan chỉ huy cấp cao bị sa thải và tước quân tịch, kéo theo nhiều án binh điển hình.
Về mặt pháp lý, sự thừa nhận các thực hành phi nhân tính nói trên dẫn đến hàng loạt các chính sách và cải tổ tư pháp.
Bên trong tổ chức, Quy định Hoàng gia dành cho Quân đội Anh (The Queens Regulations for the Army) nhanh chóng được bổ sung một điểm quan trọng (mà người viết cho rằng sẽ rất có ý nghĩa nếu người Việt Nam xem xét):
“Yếu tố thiết yếu của kỷ luật và hiệu quả trong các hoạt động quân sự không liên quan gì đến những hành vi và các thực hành nghi thức bạo lực không được pháp luật cho phép, nhắm đến việc đe dọa hay gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của bất cứ cá nhân nào. Những thực hành đó trực tiếp đi ngược lại các tiêu chuẩn về đào tạo, tiêu chuẩn về đạo đức và tiêu chuẩn về lãnh đạo trong quân đội…”
Không chỉ vậy, hàng loạt quy định pháp lý liên quan cũng được cân nhắc.
Vì quân dịch không còn là bắt buộc tại Anh, các tuyển dụng viên cũng như các hạ sĩ quan được huấn luyện cách xác định những ứng viên có khả năng bị bắt nạt trong quân đội dựa trên các yếu tố giới tính, sắc tộc, sức khỏe, v.v.
Trong khi đó, phúc lợi dành cho quân nhân mới nhập ngũ cũng được tăng cường. Đặc biệt nhất trong số đó phải kể đến 92 vị trí có tên gọi Women’s Royal Volunteer Service (WRVS). Đơn vị này nhanh chóng được công chúng và báo chí gọi là “Agony Aunts” (Bà cô để kể những nỗi đau). [5] “Agony Aunts” là nơi để các quân nhân mới nhập ngũ viết thư giãi bày và xin lời khuyên về mặt tinh thần lẫn pháp lý trong trường hợp họ không đủ can đảm để sử dụng các công cụ khiếu nại chính thức của quân đội.
Vấn đề tư pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này cũng được nhấn mạnh.
Nhận thức được rằng các sĩ quan đứng đầu hay kiểm soát quy trình khiếu nại trong quân đội rất có khả năng chính là đầu mối của nạn bạo lực, chính quyền Vương quốc Anh tăng cường thêm 100 vị trí giám sát độc lập trong giai đoạn huấn luyện quân nhân để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh.
Các cơ quan quốc gia về bình đẳng như Ủy ban Bình đẳng Cơ hội (Equal Opportunities Commission – EOC) và Ủy ban Bình đẳng Sắc tộc (Commission for Racial Equality – CRE) được trao thẩm quyền hỗ trợ và can thiệp vào các vấn đề có liên quan đến chức năng của mình bên trong quân đội.
Đặc biệt hơn, sau giai đoạn này, các quân nhân cũng chính thức được tiếp cận với một số tòa dân sự đặc thù như tòa lao động trong các trường hợp đặc biệt về công bình lương và phân biệt đối xử. [6]
Nhân vật chính trong tiểu thuyết của IUrii Poliakov – “One Hundred Days Before the Command” – đã can đảm mô tả tình hình quân dịch Nga vào năm 1988 như sau: [7]
“Nếu những đứa ‘trẻ ranh’ chúng tôi mong muốn có một kỳ quân dịch nhẹ nhàng và về nhà an toàn, chúng tôi phải phục tùng những ‘ông nội’ và những nguyên tắc không tên trong doanh trại… Nếu chúng tôi phá hỏng năm đầu tiên, chúng tôi sẽ khó sống nổi vào năm thứ hai.”
Hệ thống mà Poliakov mô tả nhanh chóng được biết đến vào đầu thập niên 1990 với tên gọi “dedovshchina”.
Bốn mươi năm sau, năm 2018, binh nhì Artyom Pakhotin của quân đội Nga dùng súng AK tự sát ngay trong một buổi luyện tập với tiểu đội mình. [8] Hai tuần trước đó, anh bị khắc từ tiếng Nga tương đồng với chữ “cock” (từ thô tục chỉ dương vật) lên trán bằng dao cạo. Trong một tin nhắn gửi cho mẹ mình, anh bàng hoàng:
“Mẹ đừng tin những gì họ nói. Ở đây họ hành hạ tinh thần con và cướp hết tiền của con. Con không biết phải làm thế nào. Con rất mệt. Con xin lỗi vì mọi chuyện lại ra thế này…”
Dedovshchina (không có thuật ngữ tương đương trong tiếng Anh) mô tả thực trạng đối xử tàn tệ và lạm dụng sức lao động của các quân nhân mới trong quân đội Xô Viết từ sau Đệ nhị Thế chiến. Hiện tượng này được cho là tiếp tục bên trong quân đội Nga và các nền cộng hòa hậu Liên Xô sau đó.
Cụ thể hơn, quân dịch tại Liên Xô cũng như Nga và các nền cộng hòa thành viên sau này là nền quân dịch bắt buộc với hai năm quân ngũ. Dedovshchina chia thời kỳ này thành bốn giai đoạn sáu tháng. [9]
Sáu tháng đầu tiên, quân nhân mới nhập ngũ sẽ được gọi là “ma” (dukh) hoặc “trẻ ranh” (molodoi). Việc gọi các quân nhân này là ma có chủ đích của nó. Các quân nhân mới nhập ngũ gần như không có bất kỳ giá trị hay vị trí nào trong quân doanh. Họ bị bắt phục tùng dưới mọi phương diện, và những kẻ dám chống lại sẽ phải trả giá đắt. Hiển nhiên, các công việc tồi tệ nhất và cực nhọc nhất cũng sẽ dành cho họ.
Sáu tháng tiếp theo, sau khi trải qua một các nghi thức có tính bạo lực như bị đánh đập hay thử thách, quân nhân sẽ được thăng hạng “gà lôi” (fasan, sekach). Nhóm gà lôi thật ra cũng không khá hơn nhóm ma mới là mấy, và vẫn phải tiếp tục phục dịch trong quân doanh.
Nếu có thể sống sót qua giai đoạn này, hai cấp bậc cuối cùng là “lò nồi, “xẻng” (cherpak) và “ông nội (ded) với quyền lực không chính thức trong thứ bậc quân đội, song lại có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống các quân nhân mới nhập ngũ.
Điểm nghiêm trọng hơn là, tương tự như tại Việt Nam, văn hóa bạo lực phi pháp của dedovshchina trở thành một thứ văn hóa được chấp nhận, và thậm chí là được đề cao. [10]
Nhiều nghiên cứu tại Liên Xô thời điểm đó thừa nhận rất nhiều sĩ quan quân đội được cử đến các doanh trại để giải quyết và diệt trừ dedovshchina, nhưng khi rời nhiệm sở lại cho rằng không có hệ thống này thì làm sao duy trì được “trật tự” trong quân đội.
Nhiều quân nhân trẻ rời quân đội cũng nghĩ rằng dedovshchina là biểu tượng đúng đắn của một quân đội hiệu quả, và rằng trải nghiệm sống sót qua dedovshchina là trọng tâm của sự trưởng thành và hình thành bản tính “đàn ông”.
Tồn tại hàng thập kỷ trong quân đội Liên Xô, dedovshchina chính thức được báo cáo rộng rãi với công chúng Liên Xô và toàn thế giới nhờ vào chính sách “cởi mở” (glasnost) của Gorbachev. [11] Từ đó cho đến nay, các chính quyền Liên Xô lẫn Nga tiền nhiệm đều hứa rằng họ sẽ giải quyết triệt để vấn đề. Tuy nhiên, do dè dặt trong chi tiêu ngân sách và sự phủ nhận của các sĩ quan lãnh đạo, tình hình có vẻ vẫn chưa khá hơn là bao.
Năm 2008, chính quyền Nga quyết định giảm thời gian quân dịch bắt buộc từ hai năm xuống còn một năm. Cấu trúc quản lý quân đội và chương trình đào tạo cũng được rút ngắn để triệt tiêu điều kiện tồn tại của dedovshchina: thời gian.
Tuy nhiên, các câu chuyện thương tâm về tấn công tình dục, đánh đập và sỉ nhục công khai, đôi khi đi kèm với nhiều cái kết thương tâm vẫn còn đó.
Năm 2019, một quân nhân khác bắn chết tám đồng đội của mình ở miền viễn đông nước Nga. Người này khai rằng anh bị đồng đội bắt nạt, đánh đập và đe dọa cưỡng hiếp trong một thời gian dài và không thấy được lối thoát nào cho mình. [12]
***
Sẽ thật khó để lý giải vì sao các cải cách tại Anh mang lại những kết quả tích cực hơn tại Nga. Văn hóa quân đội, văn hóa nhân quyền, cách tiếp cận của người dân hay bản thân các công cụ giải quyết có thật sự nhắm đến gốc rễ của vấn đề hay không?
Tuy nhiên, có một thứ cần phải công nhận là tại cả Anh và Nga, ít có hiện tượng các chính trị gia hay người dân dửng dưng đến mức cho rằng “quân đội nó phải thế” như nước ta. Và đó là bao gồm cả Nga, một quốc gia mà nhiều người Việt Nam vẫn hết sức tôn thờ về mặt quân sự.
Nếu chúng ta tiếp tục còn giữ thái độ như hiện tại, nếu giới quan chức quân sự lẫn chính trị gia tiếp tục vịn vào cái diễn ngôn “tự tử” mỗi khi có người chết trong thẩm quyền kiểm soát của mình, và nếu người dân tiếp tục cho rằng quân đội là một thực thể được miễn trừ khỏi mọi chỉ trích và giám sát từ bên ngoài, và rằng dùng bạo lực để giáo dục là phù hợp, thì những hệ quả dài lâu đối với quân đội Việt Nam (như cách nó xảy ra đối với quân đội Liên Xô và quân đội Nga) gần như chắc chắn xảy ra.
1. Mathers, Jennifer & Daucé, Françoise & Sieca-Kozlowski, Elisabeth. (2007). Dedovshchina in the Post-Soviet Military: Hazing of Russian Army Conscripts in a Comparative Perspective. Slavic Review. 66. 581. 10.2307/20060359.
2. The Army – Tuesday 26 January 1988 – Hansard – UK Parliament. (988, January 26). UK Parliarment. https://hansard.parliament.uk/Commons/1988-01-26/debates/24f91e46-84c9-49ab-8aae-ae49353a0ecb/TheArmy
3. Raines, H. (1987, November 6). British Army Stung by Tales of Brutality in Ranks. The New York Times. https://www.nytimes.com/1987/11/06/world/british-army-stung-by-tales-of-brutality-in-ranks.html
4. Wither, J. K. (2004, July 2). Battling Bullying in the British Army 1987 – 2004. The Journal of Power Institution in Post-Soviet Society. https://journals.openedition.org/pipss/46
5. Boynton, P. M. (2003). The value of agony aunts. BMJ, 326(7404), 1465. https://doi.org/10.1136/bmj.326.7404.1465
6. BILLS (14-15) 005 Memorandum to the Joint Committee on Human RightsThe Armed Forces (Service Complaints and Financial Assistance) Bill 2014. https://www.parliament.uk/globalassets/documents/joint-committees/human-rights/ECHR_Memorandum_for_the_Armed_Forces_Bill.pdf
7. Sto dnei do prikaza : povesti / IUrii Poliakov | National Library of Australia. (1988). The National Library of Australia. https://catalogue.nla.gov.au/Record/2091039
8. Zhabin, A. (2021, July 7). More Than a Decade After Military Reform, Hazing Still Plagues the Russian Army. The Moscow Times. https://www.themoscowtimes.com/2020/02/17/decade-after-military-reform-hazing-plagues-russian-army-a69309
9. Maklak, A. (2015). Dedovshchinaon trial. Some evidence concerning the last Soviet generation of “sons” and “grandfathers.” Nationalities Papers, 43(5), 682–699. https://doi.org/10.1080/00905992.2015.1048676
10. Xem [9].
11. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021). Glasnost | Soviet government policy. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/glasnost
12. Reuters. (2021, July 7). Russian Conscript Blames Fatal Shooting Spree on Army Hazing “Hell.” The Moscow Times. https://www.themoscowtimes.com/2020/01/09/russian-conscript-blames-fatal-shooting-spree-on-army-hazing-hell-a68853