Đảng Cộng sản Trung Quốc: Hành trình 100 năm viết đè lên lịch sử

Cách duy nhất để đảng độc tài tạo nên tính chính danh là giành độc quyền kể lại lịch sử.

Ảnh minh họa: Getty Images, Tim O’Brien/ Time.
Ảnh minh họa: Getty Images, Tim O’Brien/ Time.

Ngày 1/7/2021 vừa qua là đại lễ quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc. Nó được xem là ngày đánh dấu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Kể từ năm 1949, ĐCSTQ đã nắm giữ quyền lực độc tôn suốt 72 năm. Kỷ lục này chỉ kém hai người anh em là Đảng Cộng sản Liên Xô (74 năm) và Đảng Lao động Bắc Triều Tiên (73 năm). [1] [2]

Nhưng trong khi Đảng Cộng sản Liên Xô đã mất quyền từ năm 1991, còn những người cộng sản tại Bắc Triều Tiên chật vật cai quản một vùng đất nhỏ bé, thì các đồng chí của họ lại đang rất vững chân ở đất nước hơn một tỷ dân.

Nhờ đâu mà họ đứng vững như vậy?

Tạp chí Economist của Mỹ giải thích bí quyết sống thọ của ĐCSTQ qua ba đặc điểm: tàn bạo (ruthless), ý thức hệ uyển chuyển (ideological agility) và kinh tế phát triển (economic growth). [3]

Theo đó, ĐCSTQ có thể nắm quyền lâu như vậy là nhờ họ sẵn sàng dùng bạo lực đàn áp, thậm chí giết hại bất kỳ ai dám chống đối. Bên cạnh đó, tổ chức này rất linh động trong việc chuyển đổi ý thức hệ, miễn sao đạt được mục tiêu giữ quyền lực. Cuối cùng, giai đoạn mở cửa giúp kinh tế phát triển vượt bậc, đời sống của dân chúng được cải thiện, từ đó tạo ra cơ sở để họ thuyết phục người dân về năng lực lãnh đạo của mình.

Ba yếu tố trên vẽ nên một góc chân dung tương đối đầy đủ về ĐCSTQ, nhưng chỉ ở mặt trước. Sẽ là thiếu sót nếu không nhìn vào mặt lưng của họ, nơi có nỗi ám ảnh khôn nguôi về quá khứ.

Hành trình 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một chuỗi các sự kiện không ngừng xóa bỏ, vẽ lại, và ghi đè lên lịch sử.

Nó thể hiện qua những nỗ lực nhận vơ công trạng, chối bỏ tội lỗi, và bịt miệng mọi ý kiến khác biệt.

Giành công đánh bại phát-xít Nhật

Một trong những thành tích chói lọi được ĐCSTQ tuyên truyền với người dân trong nước là công lao lãnh đạo và đoàn kết dân tộc trong cuộc chiến chống phát-xít Nhật xâm lược vào Thế Chiến II.

Trong bài phát biểu nhân dịp đại lễ 100 năm vừa qua, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng nhắc lại thành tựu vẻ vang này. [4]

Các học giả nghiên cứu lịch sử chỉ ra điều ngược lại: từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc, lực lượng của ĐCSTQ hầu như chỉ đóng vai trò khán giả trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

Năm 1921, ĐCSTQ được thành lập. Ba năm sau, nhờ vào sự tác hợp của Đảng Cộng sản Liên Xô, họ tham gia liên minh với Quốc dân Đảng, lúc đó do Tôn Trung Sơn đứng đầu. [5] Mặt trận liên minh này được thành lập để chống lại tình trạng hỗn loạn của đất nước thời bấy giờ, khi mỗi vùng bị một nhóm vũ trang chiếm cứ.

Năm 1927, liên minh sụp đổ khi Quốc dân Đảng, lúc này do Tưởng Giới Thạch nắm quyền, quyết định tấn công Đảng Cộng sản. Cuộc nội chiến kéo dài gần 10 năm khiến lực lượng của ĐCSTQ suy kiệt, phải tháo chạy khỏi các cứ điểm chiến lược, chuyển về những vùng rừng núi.

Đúng vào thời điểm Quốc dân Đảng có thể hoàn toàn đánh bại Đảng Cộng sản thì phát-xít Nhật chính thức xâm lược Trung Quốc vào năm 1937. Dưới sức ép của nội bộ, Tưởng Giới Thạch buộc phải liên minh lần hai với Đảng Cộng sản để chống quân Nhật.

Kể từ thời điểm đó, thời vận của ĐCSTQ xoay chuyển.

Quân Nhật chủ yếu đánh chiếm các thành phố lớn, vốn là địa bàn của Quốc dân Đảng. Khu vực nông thôn và miền núi, cứ địa của Đảng Cộng sản, hầu như không bị tác động. Quân đội của Quốc dân Đảng vì vậy là lực lượng chủ lực, nếu không muốn nói là duy nhất, chống lại ngoại xâm.

Nhật đầu hàng Trung Quốc
Vào ngày 9/9/1945 tại Nam Kinh, Tướng Yasuji Okamura của Nhật (phải) đưa thư đầu hàng cho Tướng Hà Ứng Khâm (Ho Ying-chin) của Quốc dân Đảng, người đại diện cho chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Wikimedia.

Tờ Diplomat dẫn lại các số liệu thống kê thời hậu chiến của các học giả cho thấy một bức tranh tương phản rõ rệt. [6]

Theo đó, từ năm 1937 đến 1945, hai bên Trung – Nhật có 23 trận đánh lớn ở cấp độ quân đoàn, mỗi bên huy động 100.000 quân trở lên. Trong số đó, 22 trận đánh hoàn toàn vắng mặt lực lượng của Đảng Cộng sản. Lần duy nhất họ tham gia là với một số lượng ít ỏi, khoảng 1.000 đến 1.500 quân, và chỉ với nhiệm vụ hỗ trợ.

Ở cấp độ chiến dịch, với số lượng quân tham gia ít hơn, hai bên tổng cộng giao tranh 1.117 lần. Lực lượng của Đảng Cộng sản tham gia được 1 lần.

Còn tính trong số gần 40.000 trận đánh nhỏ, quân của Đảng Cộng sản là lực lượng chủ lực trong 200 trận, chiếm tỷ lệ 0,5%.

Năm 1940, Chu Ân Lai, nhân vật số hai của ĐCSTQ vào thời điểm đó, trong một báo cáo gửi đến Joseph Stalin, người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô, đã thừa nhận Quốc dân Đảng là lực lượng lãnh đạo trong cuộc chiến này. [7] Báo cáo cũng cho biết trong số hơn một triệu người Trung Quốc thiệt mạng trong giai đoạn chiến đấu vào mùa hè năm 1939, chỉ có 3% là người của Đảng Cộng sản.

Việc ĐCSTQ đóng vai trò khán giả trong cuộc kháng chiến không phải là ngẫu nhiên. Đó là sách lược được Mao Trạch Đông, người nắm quyền tổ chức này, vạch ra ngay từ tháng 8/1937, thời điểm ban đầu của cuộc chiến. [8]

Sách lược đó là dành ra “một phần kháng chiến, hai phần đối phó, bảy phần phát triển”. Nghĩa là 1/10 sức mạnh dùng để chống Nhật, 2/10 để đối phó với quân chính phủ của Quốc dân Đảng, và 7/10 để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến giành quyền lực sau này.

Đẩy gần hết phần chiến đấu cho Quốc dân Đảng, bản thân lực lượng của Đảng Cộng sản lại được khuếch trương nhờ vào danh nghĩa tham gia liên minh chống Nhật.

Thống kê của ĐCSTQ cho thấy vào năm 1937, họ chỉ có 30.000 quân. [9] Đến năm 1945 khi cuộc chiến kết thúc, lực lượng của họ tăng lên tới 1,2 triệu lính thường trực và gần 3 triệu quân dự bị.

Bốn năm sau, họ đánh bại một Quốc dân Đảng rệu rã và giành được chính quyền.

Chối bỏ trách nhiệm trong những thảm họa

Từ thời điểm nắm quyền đến năm 1976, khi Mao Trạch Đông chết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đất nước Trung Quốc đi từ thảm họa này đến thảm họa khác.

Các chiến dịch Cải cách Ruộng đất và tiêu diệt những thành phần “phản cách mạng” từ năm 1949 đến 1957 dẫn đến cái chết của hàng triệu người. [10]

Từ năm 1958, sau khi đã gạt bỏ những tiếng nói phản đối, Mao Trạch Đông thực hiện chiến dịch “Đại nhảy vọt” (The Great Leap Forward). [11] Đây là một sự tiếp nối của kế hoạch kinh tế tập thể không thành công trước đó. Hàng triệu người được dồn lại trong các công xã nhân dân, ăn chung ngủ chung làm việc chung. Cho dù có ý kiến khác biệt, không ai dám lên tiếng nếu không muốn bị chụp mũ “phản động”.

Đại nhảy vọt
Ruộng lúa dày đến mức những đứa trẻ cũng có thể nhảy chơi trên đó. Bức ảnh chụp năm 1958, được dùng để minh họa cho báo cáo về sản lượng nông nghiệp vượt trội tại một địa phương. Về sau người ta phát hiện ra tấm ảnh được dàn dựng. Nguồn: Yu Chengjiang/ TAP.

Vào thời gian đầu, các báo cáo được gửi về trung ương phản ánh sản lượng và năng suất vượt trội, chứng minh tính ưu việt của kế hoạch. Rất nhanh sau đó, thực tế lộ ra cho thấy đó đều là báo cáo láo. Người dân không có động lực làm việc. Ruộng đồng kém năng suất. Các sản phẩm công nghiệp kém chất lượng. Nạn đói xuất hiện. Cho đến khi đáp xuống mặt đất vào năm 1962, ước tính có 20 triệu người đã chết đói do hậu quả của cú nhảy này.

Mao Trạch Đông ngoài mặt thừa nhận đây là một sai lầm, nhưng bên trong lại âm thầm chuẩn bị cho một chiến dịch khác để trả thù những người dám phản đối mình.

Năm 1966, Mao khởi động “Cách mạng Văn hóa” (Cultural Revolution), kích động hàng triệu thanh thiếu niên nổi loạn, phong cho họ là “Hồng vệ binh”, mục đích hòng lợi dụng quần chúng để thanh trừng các đối thủ chính trị. [12] Cả đất nước lâm vào cảnh hỗn loạn khi những ai bị dán nhãn “phản cách mạng” đều bị đánh đập, bắt giam, thậm chí là bị giết hại công khai. Không ai thống kê được chính xác con số nạn nhân. Các nhà sử học ước lượng có từ 500.000 đến 2 triệu người đã bị giết trong chiến dịch này.

Mọi thứ chỉ chấm dứt sau cái chết của Mao Trạch Đông vào năm 1976.

Bất chấp những thảm họa này, ĐCSTQ vẫn quyết tâm bảo vệ hình ảnh của Mao. [13] Năm 1981, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “cống hiến của Mao Trạch Đông cho cách mạng vượt xa những sai lầm của ông”. Những người cộng sản lo sợ nếu để dân chúng tự do chỉ trích Mao, đảng cũng không thoát khỏi trách nhiệm.

Thay vào đó, mọi tội lỗi được đổ lên đầu những đối tượng “phản cách mạng”, đặc biệt là “bè lũ bốn tên” của Giang Thanh, vợ của Mao Trạch Đông.

Hồng vệ binh - Cách mạng Văn hóa
Một nhóm “Hồng vệ binh” nhỏ tuổi đọc “Mao ngữ lục” (tuyển tập những lời dạy của Mao Trạch Đông). Ảnh chụp năm 1968. Nguồn: Hulton Archive/ Getty Images.

Câu chuyện của Richard Baum là một minh họa sinh động về cách thức và hậu quả đến từ việc ĐCSTQ nỗ lực bôi xóa lịch sử. [14]

Baum là giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học California, Mỹ, đồng thời là một chuyên gia có tiếng về Trung Quốc.

Vào năm 1975, ông cùng một đoàn khách nước ngoài có dịp ghé thăm một nhà máy lớn tại Thượng Hải, chuyên sản xuất động cơ tua-bin phục vụ cho thủy điện.

Đón tiếp đoàn là một giám đốc nhà máy. Anh này báo cáo tình hình rằng trước năm 1966, đội ngũ quản lý nhà máy có nhiều kẻ “có tư tưởng xét lại”, hiếp đáp, bóc lột công nhân, khiến năng suất lao động xuống thấp. Khi “Cách mạng Văn hóa” xảy ra, công nhân trở thành chủ nhân thật sự, những kẻ quản lý phải đi chùi toilet hoặc làm các việc vặt vãnh khác. Nhờ vậy, anh giám đốc giải thích, năng suất làm việc lẫn chất lượng sản phẩm đều được cải tiến đáng kể.

Ba năm sau, năm 1978, Baum quay trở lại thăm nhà máy. Đón tiếp đoàn vẫn là anh giám đốc trước kia. Lần này là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Anh kể với khách rằng từ khi “Cách mạng Văn hóa” xảy ra, mọi hoạt động sản xuất đều bị đình trệ, những đội nhóm “khởi nghĩa cách mạng” phá hoại ban quản lý, chống mọi chỉ thị, phá bỏ quy trình làm việc. Công nhân chơi nhiều hơn làm. Cán bộ và kỹ sư thì muốn ở nhà. Trong 10 năm kể từ 1968 đến 1978, hơn 70% sản phẩm làm ra đều bị trả về vì kém chất lượng.

Nhưng mọi sự thay đổi, người quản lý báo cáo, kể từ khi “bè lũ bốn tên” bị trừng phạt, công nhân nhận ra mình bị “đầu độc”, mọi thứ được hồi phục và đang trên đà phát triển như cũ.

Người này không nhận ra khách quen là Baum. Khi bị vị giáo sư chất vấn vì sao chỉ sau ba năm lại có hai phiên bản sự thật trái ngược nhau đến vậy, anh lắp bắp một lúc trước khi giải thích bằng câu cửa miệng của người dân Trung Quốc lúc bấy giờ: Tư tưởng của tôi đã bị ‘bè lũ bốn tên’ đầu độc”.

Cách mạng Văn hóa
Một nạn nhân, vợ của tỉnh trưởng tỉnh Hắc Long Giang, bị đem ra đấu tố công khai vào thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”. Ảnh chụp năm 1966. Nguồn: Li Zhensheng/ CNA.

Cho đến tận ngày nay, các thảm họa khiến hàng chục triệu người phải mất mạng oan uổng vẫn là những đề tài cấm kỵ, không được khuyến khích thảo luận công khai, và phải theo khuôn mẫu định sẵn của chính quyền.

Khuôn mẫu này thì được linh hoạt thay đổi tùy nhu cầu của lãnh đạo.

Trong nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào đều cẩn thận vừa giữ gìn hình ảnh lãnh tụ huyền thoại của Mao và Đảng Cộng sản, vừa nhắc lại các sai lầm của Mao một cách dè chừng để ngăn chặn sự quay trở lại của tệ nạn sùng bái cá nhân.

Nhưng đến thời của Tập Cận Bình, một người nuôi tham vọng trở thành lãnh tụ trọn đời, hình tượng của Mao Trạch Đông được sơn sửa lại. [15]

Một minh chứng là ấn bản mới nhất của quyển sách “Lược sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” (A brief history of the Chinese Communist Party), được xuất bản vào vào tháng 2/2021. [16]

Trong ấn bản trước, “Cách mạng Văn hóa” được dành riêng một chương sách với mô tả là “10 năm thảm họa”. Mao Trạch Đông cũng bị cho là “chịu phần lớn trách nhiệm” cho thảm họa này.

Ở ấn bản mới, chương sách này biến mất, bị rút gọn thành một phần trong một chương khác. Trách nhiệm của Mao cũng không còn. Thay vào đó, cách Mao thâu tóm toàn bộ quyền lực được biện minh là phương thức đấu tranh để “diệt trừ tham nhũng và quan chức tha hóa” – tương tự như cách Tập Cận Bình tự mô tả bản thân.

Tìm mọi cách dập tắt “chủ nghĩa hư vô”

Tháng 4/2021, trước dịp đại lễ 100 năm của đảng, trang web “Báo cáo tin tức phạm pháp và có hại” trực thuộc Văn phòng Thông tin Mạng của Trung ương tung ra chức năng mới, khuyến khích người dân trình báo những “nội dung xấu” về lịch sử đất nước. [17]

Vào tháng 5/2021, chính quyền thông báo họ đã xóa 2 triệu bài viết trên mạng bị xem là có chứa nội dung thuộc loại “chủ nghĩa hư vô”. [18]

“Chủ nghĩa hư vô” (historical nihilism) là cách mà chính quyền gọi tất cả những phát ngôn, bài viết, sách báo, ấn phẩm nghệ thuật, v.v. có nội dung khác với phiên bản lịch sử chính thức của Đảng Cộng sản.

Hàng chục ngàn người dân biểu tình chật kín quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989, đòi chính quyền thực hiện các cải cách tự do dân chủ. Sự kiện này ngày nay đã biến mất khỏi chính sử của Trung Quốc. Ảnh: Peter Turnley/ Getty Images.

Năm 2014, Tập Cận Bình từng tuyên bố “chủ nghĩa hư vô” là một lý do quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu vào cuối thập niên 1980. [19]

Vào đầu năm nay, Tập tuyên bố sẽ không dung thứ cho “chủ nghĩa hư vô” và ra lệnh mở chiến dịch toàn quốc để học tập lịch sử (theo phiên bản của chính quyền). [20]

Sergey Radchenko, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff (Anh), giải thích: [21] “Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn giành lấy quyền lực, đồng thời vĩnh viễn nắm giữ quyền lực đó. Để làm được vậy, họ không thể chỉ dựa vào bạo lực. Họ phải lập được tính chính danh, phải tìm cách để nhân dân tin tưởng.”

Làm thế nào để giành được sự tin tưởng của người dân khi bản thân không có công cán gì và lại gây ra biết bao tội ác?

Câu trả lời là đảng phải độc quyền sự thật, giành quyền bôi xóa, viết lại, và ghi đè lên lịch sử.

Có học giả đã nhận định trong suốt nhiều thập niên cầm quyền, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dựng nên được một nước “Cộng hòa Nhân dân Mất Trí” (People’s Republic of Amnesia). [22]

Tại đó, chỉ có một “quan điểm đúng đắn” về lịch sử được chấp nhận tồn tại.

Những sự kiện đen tối, như cuộc thảm sát Thiên An Môn, bị xóa hoàn toàn khỏi ký ức người dân. [23]

Các sản phẩm lịch sử bị cải biên còn được xuất khẩu ra bên ngoài, như việc dùng lý lẽ “chủ quyền lịch sử” để giành hầu hết Biển Đông (South China Sea) về phần mình, hay thay đổi nguồn gốc xuất hiện của con virus gây ra đại dịch COVID-19. [24] [25]

Bài phát biểu mới đây trong dịp đại lễ của Tập Cận Bình, trong đó khẳng định “Trung Quốc chưa bao giờ bắt nạt, áp bức, nô dịch dân tộc của một quốc gia nào, và sẽ không bao giờ làm vậy”, chắc chắn đã khiến các quốc gia láng giềng phải liên tục dụi mắt. [26]

Có thể thấy trong suốt 100 năm tồn tại của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ viết nên lịch sử, mà còn không ngừng viết đè lên đó.

Đến cả ngày đánh dấu thành lập đảng 1/7 vừa qua cũng là một chi tiết lịch sử bị cải biên. [27]

Các nhà sử học xác nhận ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc là 23/7/1921. Đến thập niên 1930, khi đảng bắt đầu tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, Mao Trạch Đông không thể nhớ được ngày chính xác nên đã chọn đại ngày 1/7.

Ngày kỷ niệm thành lập một trong những tổ chức quyền lực nhất thế giới, vì vậy, cũng thật hư vô.


Tài liệu tham khảo:

1.  The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021). Communist Party of the Soviet Union | History, Beliefs, Leaders, & Facts. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/Communist-Party-of-the-Soviet-Union

2.  Albert, E. (2020, June 17). North Korea’s Power Structure. Council on Foreign Relations. https://www.cfr.org/backgrounder/north-koreas-power-structure

3.  The Economist. (2021, July 1). China’s Communist Party at 100: the secret of its longevity. https://www.economist.com/leaders/2021/06/26/chinas-communist-party-at-100-the-secret-of-its-longevity

4.  Writer, S. (2021, July 1). Full text of Xi Jinping’s speech on the CCP’s 100th anniversary. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Politics/Full-text-of-Xi-Jinping-s-speech-on-the-CCP-s-100th-anniversary

5.  The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021b). United Front | Chinese history [1937-1945]. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/topic/United-Front-Chinese-history-1937-1945

6.  Keck, Z. (2014, September 4). The CCP Didn’t Fight Imperial Japan; the KMT Did. The Diplomat. https://thediplomat.com/2014/09/the-ccp-didnt-fight-imperial-japan-the-kmt-did/

7.  Xem [6]

8.  吳. (2019, September 18). 遺忘「一分抗日、二分應付、七分發展」 中國抗戰展稱共軍中流砥柱. The News Lens 關鍵評論網. https://www.thenewslens.com/article/19978

9.  Xem [6]

10.  Xem [6]

11.  The Editors of Encyclopaedia Britannica. (2021b). Great Leap Forward | Definition, Facts, & Significance. Encyclopedia Britannica. https://www.britannica.com/event/Great-Leap-Forward

12.  Phillips, T. (2017, November 29). The Cultural Revolution: all you need to know about China’s political convulsion. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2016/may/11/the-cultural-revolution-50-years-on-all-you-need-to-know-about-chinas-political-convulsion

13.  Ding, I. J. J. (2019, May 29). Why Maoism still resonates in China today. Washington Post. https://www.washingtonpost.com/politics/2019/05/29/why-maoism-still-resonates-china-today/

14.  The Fall and Rise of China. The Great Courses. (2021). https://www.thegreatcourses.com/courses/fall-and-rise-of-china

15.  Deutsche Welle (www.dw.com). (2018). China scraps presidential term limit. DW.COM. https://www.dw.com/en/china-scraps-presidential-term-limit-enabling-xi-jinping-to-rule-indefinitely/a-42925841

16.  Chen, K. (2021, April 13). CCP releases latest edition of book recounting party history. Taiwan News. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4174980

17.  Ahead of Its Centennial, the Chinese Communist Party Frets Over. (2021, May 14). ChinaFile. https://www.chinafile.com/reporting-opinion/viewpoint/ahead-of-its-centennial-chinese-communist-party-frets-over-unsanctioned

18.  Mai, J. (2021, May 11). China deletes 2 million online posts for ‘historical nihilism’ as Communist Party centenary nears. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3132957/china-deletes-2-million-online-posts-historical-nihilism

19.  The Economist. (2016, October 27). China is struggling to keep control over its version of the past. https://www.economist.com/china/2016/10/29/china-is-struggling-to-keep-control-over-its-version-of-the-past

20.  Mai, J. (2021b, June 24). Chinese academic under fire over ‘historical nihilism’ remarks. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/politics/article/3138329/chinese-academic-under-fire-over-historical-nihilism-remarks

21.  BBC News 中文. (2021, June 29). 中共建黨百年: 合法性危機下的一次次「趕考」. https://www.bbc.com/zhongwen/trad/chinese-news-57625488

22.  Lim, L. (2018, May 28). Rewriting history in the People’s Republic of Amnesia and beyond. The Conversation. https://theconversation.com/rewriting-history-in-the-peoples-republic-of-amnesia-and-beyond-90014

23.  Trung, P. M. (2021, June 4). 30 bức ảnh về thảm sát Thiên An Môn Trung Quốc muốn xóa khỏi lịch sử. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2019/06/30-buc-anh-ve-tham-sat-thien-an-mon-trung-quoc-muon-xoa-khoi-lich-su/

24.  Mollman, S. (2016, July 9). South China Sea: The line on a 70-year-old map that threatens to set off a war in East Asia. Quartz. https://qz.com/705223/where-exactly-did-chinas-nine-dash-line-in-the-south-china-sea-come-from/

25.  Graham-Harrison, E., & McKie, R. (2020, November 29). A year after Wuhan alarm, China seeks to change Covid origin story. The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2020/nov/29/a-year-after-wuhan-alarm-china-seeks-to-change-covid-origin-story

26.  Xem [4]

27.  Wong, C. H. (2021, July 1). Is China’s Communist Party Still Communist? WSJ. https://www.wsj.com/articles/is-chinas-communist-party-still-communist-11625090401

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.