Sư Thích Minh Đạo rời Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Chính quyền tiếp tục ngăn chặn Pháp Luân Công
Bản tin tôn giáo tháng 8/2024 có một số thông tin đáng chú ý sau.
Trần sao, âm vậy.
Dịp rằm tháng Bảy âm lịch vừa qua, không ít người thấy ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các loại vàng mã tân thời. [1] Vaccine “Phai dzơ” của Mỹ, khẩu trang y tế đủ loại và cả các dụng cụ phòng chống dịch cũng được “gửi xuống” cõi âm.
Thị trường vàng mã sôi động từ lâu đã là gương mặt đại diện nổi bật cho phong tục thờ cúng, và qua đó cũng thể hiện những đặc tính văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam.
Trong nghiên cứu năm 2016 mang tiêu đề “Cell phones for the spirits: ancestor worship and ritual economies in Vietnam and its diasporas” (Gửi điện thoại cho các linh hồn: thờ cúng tổ tiên và kinh tế lễ nghi tại Việt Nam và cộng đồng hải ngoại), tác giả Gertrud Hüwelmeier đã tập trung tìm hiểu phong tục đốt vàng mã của người Việt Nam. [2]
Mục đích của nhà nhân học thuộc Đại học Humboldt-Berlin là muốn tìm ra một logic văn hóa (cultural logic) cho phong tục mang đậm tính lễ nghi tôn giáo của người Việt.
Hüwelmeier đi tìm logic này bằng cách nghiên cứu thực địa (chứng kiến trực tiếp các nghi lễ thờ cúng), cùng với việc phỏng vấn những người Việt Nam tham gia các nghi lễ đó ở cả Hà Nội và tại nước ngoài (cụ thể là ở một số nước Đông Âu và Đức).
Quá trình nghiên cứu giúp tác giả giới thiệu thêm một kiến giải về sự giao thoa giữa ba lĩnh vực: tôn giáo (religion), truyền thông (media), và tính vật chất (materiality).
Công trình được chia làm 3 phần.
Phần một là nghiên cứu về các thực hành tôn giáo trong bối cảnh của Việt Nam. Tôn giáo là một vấn đề chính trị nhạy cảm, chịu nhiều kiểm soát và giới hạn từ chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tôn giáo luôn có sức hút đối với người dân, cụ thể trong nghiên cứu này là sự phổ biến của phong tục hầu đồng (có nguồn gốc từ đạo Mẫu) với người dân đô thị sống tại Hà Nội.
Ở phần hai, tác giả nghiên cứu về phong tục đốt vàng mã như là một phần chính yếu trong các nghi lễ hầu đồng kết nối hai cõi âm dương (spirit mediumship rituals) và trong việc thờ cúng tổ tiên của người Việt. Trong phần này, Hüwelmeier tìm lời giải cho các câu hỏi: Người Việt hay ưa mua và dùng các dạng vàng mã nào? Lý do tại sao họ chọn các dạng vàng mã đó? Câu trả lời góp phần giúp tác giả dần bóc tách những lớp khác nhau trong niềm tin và cách suy nghĩ của người Việt về vật chất, về thế giới khách quan, về tổ tiên, và về những người đã khuất.
Ở phần ba là nghiên cứu về các thực hành tôn giáo của người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Trong phần này, Hüwelmeier tìm hiểu xem việc sinh sống ngoài quê hương bản quán có ảnh hưởng thế nào đến cách thực hành tôn giáo của họ. Ví dụ như việc sống ở nước ngoài có làm một người thay đổi lựa chọn vàng mã của mình không? Ở đây, cách suy nghĩ và niềm tin của người Việt tiếp tục được bóc tách trong một bối cảnh khác.
Tác giả đã có những phát hiện gì?
Các nghiên cứu thực địa của Hüwelmeier xác nhận một số thực tế và đưa ra một số kiến giải hữu ích về tâm lý của người Việt.
Thứ nhất là thực tế về sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo tại Việt Nam kể từ thời kỳ Đổi Mới. Điều này thể hiện qua sự tồn tại của một nền kinh tế thị trường dựa vào nhu cầu thực hành các lễ nghi tôn giáo. Để cúng tế, người Việt cần bỏ tiền mua vàng mã. Có cầu thì có cung. Cầu mạnh thì cung mạnh. Vàng mã được bán rộng rãi tại Việt Nam thời hiện đại và được dùng cho các nghi lễ cúng tế tại nhiều nơi, trong nhiều bối cảnh lễ nghi khác nhau.
Thứ hai là nguồn gốc của tư duy về tôn giáo và cúng tế của người Việt. Nguồn gốc đó chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa với niềm tin căn bản rằng “trần sao âm vậy” (thế giới âm phủ cũng giống thế giới dương gian). Người ta tin rằng linh hồn của ông bà tổ tiên và những người đã khuất cũng có những nhu cầu vật chất như người còn sống.
Để giữ cho mối quan hệ giữa các linh hồn cõi âm và người cõi dương được tốt đẹp, những nhu cầu vật chất của các linh hồn phải được đáp ứng. Cách đáp ứng là thông qua vàng mã. Trong nghi lễ đốt vàng mã, ngọn lửa là phương tiện vận chuyển giữa hai cõi âm - dương. Bản thân mỗi món vàng mã cũng là phương tiện để chuyển hóa hàng mã trong cõi dương thành hàng thật trong cõi âm.
Vì sao người Việt lại có nhu cầu gìn giữ mối quan hệ âm - dương tốt đẹp? Theo tác giả lý giải, động cơ vẫn là mong muốn chăm lo cho bản thân người sống ở cõi dương. Bởi vì trong suy nghĩ và tưởng tượng của những người Việt thực hành tôn giáo, nếu họ chịu khó san sẻ phú quý với những linh hồn cõi âm, họ sẽ được các linh hồn này ban phước và bảo vệ.
Ngoài ra, người Việt còn có các nhu cầu tâm lý khác. Đối diện với ông bà tổ tiên, đó là nhu cầu phụng sự, hoàn thành trách nhiệm đạo đức với các đấng sinh thành. Đối diện với bản thân, đó là mong muốn giàu sang. Nhiều người Việt cúng tế cho người cõi âm những món đồ xa xỉ mà họ không mua được trên cõi dương với hy vọng rằng các linh hồn cõi âm hưởng phú quý rồi sẽ mang phú quý đến cho người cõi dương.
Thứ ba, vàng mã tại Việt Nam phát triển mạnh không chỉ là về số lượng mà còn về sự đa dạng. Sự xuất hiện của các loại vàng mã được thiết kế dựa trên các mẫu thiết bị điện tử tiên tiến (như điện thoại Samsung) và các hàng hiệu thuộc dạng xa xỉ (như túi Gucci) phản ánh sự đa dạng, cả về trí tưởng tượng và nhu cầu vật chất của người Việt trong thời kỳ kinh tế thị trường với bối cảnh toàn cầu hóa.
Theo tác giả, khi đa dạng hóa vàng mã, những người thực hành tôn giáo tưởng tượng rằng cõi âm cũng đang “toàn cầu hóa”, và những người cõi âm cũng có những nhu cầu ăn diện, đi lại, thông tin liên lạc và chu du toàn cầu như người cõi dương tân thời. Bằng cách này, họ làm cho cõi âm gần gũi với cõi dương.
Khi Việt Nam ngày càng có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu với nhu cầu vật chất ngày càng tinh vi, trí tưởng tượng về vật chất của những người thực hành tôn giáo cũng sẽ ngày càng đa dạng.
Cuối cùng, lằn ranh quốc gia không tác động mạnh lắm đến các nền tảng và nhu cầu tâm lý đã nêu của người Việt Nam. Người Việt sống tại nước ngoài cũng ưa chuộng sử dụng vàng mã để cúng tế dựa trên những niềm tin và nhu cầu tâm lý tương tự người Việt trong nước.
Sự khác biệt chỉ nằm ở lựa chọn vàng mã: người Việt ở nước ngoài thường cúng tiền vàng mã (vì dễ mua và dễ đốt) hơn là các đồ dùng (khó mua, cồng kềnh, khó đốt hơn). Ngoài ra, họ tin rằng khi cúng tiền vàng mã, các linh hồn cõi âm sẽ có ngoại tệ để chu du thế giới và tiêu xài thoải mái hơn. Điều này phần nào phản án niềm tin cơ bản “trần sao âm vậy” như đã nêu ở trên.
Chú thích
1. H.Bắc. (2021, August 21). Độc lạ khẩu trang, vaccine vàng mã dịp Rằm tháng 7. Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. https://baophapluat.vn/doc-la-khau-trang-vaccine-vang-ma-dip-ram-thang-7-post408912.html
2. Gertrud Hüwelmeier (2016) Cell phones for the spirits: ancestor worship and ritual economies in vietnam and its diasporas, Material Religion, 12:3, 294-321, DOI: 10.1080/17432200.2016.1192149