Tôn giáo tháng 8/2021: Sư sãi tỉnh Sóc Trăng không chỉ tu mà còn phải đảm bảo an ninh, trật tự

Các tin khác: Một tổ công tác tôn giáo vào Nam chi viện; tu sĩ giúp chăm sóc bệnh nhân.

Tôn giáo tháng 8/2021: Sư sãi tỉnh Sóc Trăng không chỉ tu mà còn phải đảm bảo an ninh, trật tự
Ảnh: Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang

Bàn tay chính quyền

Tỉnh Sóc Trăng: Dùng sư sãi, Phật tử để kiểm soát an ninh

Giờ đây ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, sư sãi, Phật tử người Khmer tại tỉnh Sóc Trăng còn được chính quyền trao cho một nhiệm vụ mới: “đảm bảo an ninh trật tự”. [1]

Trong tháng 7/2021, 18 thành viên ban quản trị chùa Tà Ân, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú đã tham gia vào mô hình “Sư sãi và Phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự”.

Mô hình này gồm có ban điều hành do cán bộ của chính quyền cấp xã lãnh đạo và một tổ trực thuộc, bao gồm các chức sắc, chức việc, Phật tử tại địa phương.

Mô hình lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Pô thi Phđốk, xã Kế Thành, huyện Kế Sách vào năm 2019.

Chức sắc và thành viên quản trị chùa Pô thi Phđốk tham gia mô hình “Sư sãi và Phật tử tham gia phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự” tại xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết hình thức hoạt động này đã cung cấp cho chính quyền các thông tin về an ninh, trật tự tại địa phương. Quan trọng hơn, nó được kỳ vọng sẽ “không để xảy ra tình trạng lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan”.

Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo, chính quyền còn muốn các tổ chức này trở thành cánh tay giúp việc cho nhà nước, đặc biệt trong các hoạt động cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, tuyên truyền chính sách của nhà nước.

Vào tháng 1/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng thừa nhận rằng trong năm 2020, Bộ Nội vụ đã “trao đổi và hướng dẫn” các tổ chức tôn giáo bầu chọn ra những lãnh đạo gắn bó với chính quyền. [2]

Vào tháng 4/2021, ông Vũ Chiến Thắng cho rằng các tôn giáo chính thống có trách nhiệm phải tuyên truyền về tôn giáo của mình để hướng người dân không tham gia vào các giáo phái. [3]

Từ khi các sinh hoạt tôn giáo được cởi trói vào cuối những năm 1980, chính quyền đã thực hiện nhiều chính sách tinh vi để kiểm soát các tổ chức tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo nào phục tùng nhà nước hơn thì sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn. Đó là dấu hiệu để các tổ chức khác thấy rằng nếu biết phục tùng thì họ cũng sẽ nhận được lợi ích tương tự. Chiến lược này giúp chính quyền không cần công khai dùng vũ lực mà vẫn khiến các tổ chức tôn giáo gắn bó với nhà nước.

Nhân viên Ban Tôn giáo Chính phủ vào miền Nam để quản lý tôn giáo

Trong khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách nghiêm ngặt theo tinh thần “ai ở đâu ở yên đó”, Ban Tôn giáo Chính phủ đã cử một đoàn công tác vào phía Nam để quản lý các tôn giáo. [4]

Theo đó, đoàn công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ làm việc tại miền Nam từ ngày 27/8 đến ngày 15/9/2021. Đứng đầu đoàn là ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ. [5]

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Thanh Trà mô tả nhiệm vụ của đoàn công tác bao gồm: Thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vận động các tổ chức tôn giáo đóng góp nguồn lực, tham gia phòng, chống dịch COVID-19; thăm hỏi các tổ chức tôn giáo; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung.

Bà Trà cho rằng đây là những “nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần vào việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19”.

Các thành viên đoàn công tác của Ban Tôn giáo Chính phủ nhận nhiệm vụ ở miền Nam. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết một trong những lý do của việc "chi viện" này là nhiều cán bộ của Ban Tôn giáo Chính phủ ở phía Nam đang bị bệnh, có người nhiễm COVID-19. [6] Việc này dẫn đến nhân sự thiếu hụt, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam đã tạm dừng các hoạt động sinh hoạt tôn giáo tập trung để thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt của chính phủ.

Vào ngày 1/8/2021, Bộ Nội vụ đã yêu cầu các lãnh đạo giáo hội vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ “ai ở đâu ở yên đó”, tuyệt đối không được đi khỏi nơi cư trú. [7]


Tôn giáo 360 độ

Linh mục, tu sĩ Công giáo hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân COVID-19

Trong tháng 8/2021, ít nhất 487 tình nguyện viên là các linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo đã tham gia hỗ trợ các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại miền Nam.

Tình nguyện viên tôn giáo hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tính riêng từ ngày 11 đến ngày 15/8/2021, có 285 tình nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ các bệnh viện, trong đó có 200 tình nguyện viên hỗ trợ tại tỉnh Bình Dương, 70 tình nguyện viên tại TP. Hồ Chí Minh và 15 nữ tu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. [8] [9] [10]

Từ ngày 16 đến ngày 29/8, có 202 tình nguyện viên Công giáo tiếp tục hỗ trợ các bệnh nhân COVID-19, các khu cách ly y tế, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có 108 tình nguyện viên (16 tình nguyện viên phục vụ tại Bệnh viện dã chiến quận 7, 92 tình nguyện viên tại Bệnh viện hồi sức chuyên sâu COVID-19), 24 tình nguyện viên tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 70 tình nguyện viên tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. [11] [12] [13] [14]

Không chỉ riêng Công giáo, nhiều tình nguyện viên từ các tôn giáo khác cũng đã tham gia hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết từ tháng 4 đến ngày 26/8/2021, có 1.250 người là chức sắc, tín đồ, tình nguyện viên Phật giáo đăng ký tình nguyện tham gia phòng chống dịch. Trong đó, khoảng 150 người đã tham gia hỗ trợ tại Bình Dương, Long An, Đồng Nai, bệnh viện dã chiến số 10, 13 tại TP. Hồ Chí Minh. [15]

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự hỗ trợ nhiệt tình của các tình nguyện viên tôn giáo là liều thuốc tinh thần rất lớn đối với các bệnh nhân COVID-19. [16]


Tôn giáo mới

Ban Tôn giáo Chính phủ: Việt Nam sẽ “sẵn sàng đón các đạo lạ”

Vào tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, người đứng đầu Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẵn sàng đón các “đạo lạ”. [17]

Ông Thắng gọi việc này là “xu hướng phát triển tự nhiên, có tôn giáo là có tín đồ”.

Thông tin trên được ông Thắng nêu ra trong một hội thảo về quản lý và sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. Ngoài thông tin này, chính quyền chưa có động thái nào về việc chào đón các tôn giáo mới.

Vào tháng 3/2021, chính quyền Việt Nam còn cảnh báo người dân, cơ quan nhà nước về “trò lôi kéo tà đạo” của Pháp môn Quán Âm, giáo phái do một người phụ nữ Việt Nam sáng lập tại Đài Loan. [18]

Một buổi tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo cho người dân tộc thiểu số xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang vào tháng 4/2021. Những buổi tuyên truyền như thế này thường được tổ chức cho người dân tộc thiểu số nhằm ngăn chặn họ tham gia các giáo phái chưa được công nhận. Ảnh: Sở Nội vụ tỉnh Tuyên Quang.

Một cách không chính thức, chính quyền Việt Nam phân biệt tôn giáo ra hai loại: các tôn giáo chính thống và những “đạo lạ”.

Ban Tôn giáo Chính phủ trong một hội thảo về “tà đạo, đạo lạ" vào tháng 6/2021 cho rằng các “tà đạo” là một phần của “đạo lạ”. [19]

“Trong số các đạo lạ, có những loại hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thậm chí mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự, được gọi chung là tà đạo”, bài viết tường thuật về hội thảo cho biết.

Nhiều năm qua, báo chí nhà nước đã dán nhãn cho các giáo phái không được chính quyền Việt Nam chào đón là “tà đạo”, dù pháp luật Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa “tà đạo” là gì. Tại một số nơi, chính quyền đã vận động người dân ký cam kết không theo các “tà đạo”. [20]

Vào tháng 5/2019, Ban Dân vận tỉnh Thái Nguyên cùng Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã vận động 500 sinh viên tại ba trường đại học của tỉnh ký cam kết không tham gia các tổ chức “tà đạo”. [21]

Vào tháng 7/2021, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết phê phán, đấu tranh với việc “tuyên truyền tà đạo” là một trong những hoạt động của “công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo” năm 2021. [22]

Các giáo phái tại Việt Nam đang chịu rất nhiều áp lực.

Những giáo phái có quan điểm chính trị rõ ràng như Pháp Luân Công bị công an ngăn chặn các hoạt động truyền bá cho người dân. Pháp môn Quán Âm (giáo phái bị cấm tại Trung Quốc) cũng bị chính quyền Việt Nam xem là “tà đạo”. Chính quyền nỗ lực dập tắt các giáo phái bất kể quan điểm chính trị tại các khu vực miền núi, nơi có đông người dân tộc thiểu số sinh sống.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chống “tà đạo" mạnh mẽ của hệ thống tuyên giáo, báo chí nhà nước khiến những người theo giáo phái không thể công khai chỉ trích các hoạt động trấn áp của chính quyền.

Đọc thêm: Ban Tôn giáo Chính phủ nói sẵn sàng đón các đạo lạ. Bạn nên hiểu chuyện này thế nào?

Công an ngăn cản bốn người phổ biến tài liệu Pháp Luân Công

Trong các tôn giáo mới, Pháp Luân Công luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của lực lượng công an Việt Nam.

Trong tháng 8/2021, bốn người phụ nữ bị công an ngăn cản khi đang phổ biến các tài liệu về Pháp Luân Công tại tỉnh Hải Dương và tỉnh Yên Bái.

Công an thành phố Hải Dương ngăn chặn hai người phụ nữ phổ biến tài liệu Pháp Luân Công vào ngày 2/8/2021. Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Dương.

Công an thành phố Hải Dương đã buộc hai người phụ nữ 61 tuổi và 50 tuổi viết cam kết không phổ biến các tài liệu về Pháp Luân Công. Hai người này được cho là đã phổ biến tài liệu về Pháp Luân Công tại khu vực chợ Tiền Tiến, xã Tiền Tiến, TP. Hải Dương vào sáng ngày 2/8/2021. [23]

Tài liệu và các vật dụng để phổ biến Pháp Luân Công bị công an thành phố Yên Bái thu giữ vào ngày 5/8/2021. Ảnh: Công an Nhân dân.

Báo Công an Nhân dân cho biết vào ngày 5/8/2021, Công an thành phố Yên Bái bắt quả tang hai người phụ nữ 72 tuổi và 65 tuổi đang phổ biến các tài liệu về Pháp Luân Công tại một khu vực thuộc phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Công an đã thu giữ 205 tài liệu, các vật dụng để phổ biến Pháp Luân Công từ hai người này. [24]

Công an Việt Nam xem Pháp Luân Công là tổ chức bất hợp pháp dù không có một tổ chức Pháp Luân Công nào công khai hoạt động tại Việt Nam. Các hoạt động phổ biến tài liệu, hướng dẫn tập luyện hầu hết đều do các học viên ở các tỉnh, thành thực hiện một cách tự phát. [25]

Hiện nay, có khoảng 8.000 người tập luyện Pháp Luân Công tại 600 điểm, nhóm ở tất cả các tỉnh, thành, theo Ban Tôn giáo Chính phủ. [26] Dù nhu cầu tham gia Pháp Luân Công của người dân là có thực, nhưng chính quyền vẫn xem môn phái này là mê tín dị đoan, tuyên truyền độc hại.

Công an tỉnh Gia Lai: Đạo Hà Mòn tái hoạt động

Công an tỉnh Gia Lai trong buổi họp vào ngày 27/8/2021 đã công bố việc đạo Hà Mòn tái hoạt động tại tỉnh này. Ảnh: Gia Lai Online.

Vào ngày 27/8/2021, Công an huyện Mang Yang báo cáo với Thiếu tướng Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai về việc đạo Hà Mòn đã tái hoạt động. [27]

“Một số người [theo đạo Hà Mòn] vẫn ngoan cố, lén lút nhóm họp tà đạo gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự”, cán bộ Công an huyện Mang Yang cho biết.

Cuối năm 2020, Công an tỉnh Gia Lai đã tuyên bố hoàn thành việc xóa bỏ đạo Hà Mòn mà chính quyền cho là “tà đạo” ra khỏi tỉnh này. [28]

Nhiều năm qua, công chúng đã quen với việc Công an tỉnh Gia Lai liên tục tuyên bố là đã xóa bỏ tà đạo Hà Mòn khỏi địa bàn tỉnh. Diễn biến mới này có thể cho thấy nhu cầu tham gia các giáo phái là không thể bị xóa bỏ dù chính quyền có trấn áp nặng nề các tín đồ.

Đạo Hà Mòn có tên đầy đủ là Công giáo Hà Mòn, do một người phụ nữ Bahnar tên là Ygyin sáng lập vào năm 1999 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Giáo phái này nhanh chóng thu hút được các tín đồ tham gia. Tuy nhiên, đến năm 2013, bà Ygyin cùng với các thành viên khác bị xét xử trong một phiên tòa di động về tội phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. [29] Bà Ygyin bị phạt 3 năm tù giam vì lợi dụng người dân để thành lập tôn giáo riêng. Các thành viên khác bị cho là liên kết các thành viên FULRO ở nước ngoài để chống chính quyền. Họ bị tuyên án từ 7 đến 11 năm tù giam. [30]

Sau năm 2013, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tập trung vào “làm sạch” đạo Hà Mòn. Chính quyền ra sức vận động người dân không theo đạo này. Đơn cử, chính quyền xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum bắt người dân ký cam kết không theo đạo này vào năm 2016. [31] Đến tháng 3/2020, ba người được cho là thành viên cốt cán cuối cùng của đạo Hà Mòn bị công an tỉnh Gia Lai bắt giữ sau gần 8 năm lẩn trốn trong rừng. [32]


Chú thích

1.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, August). Các chùa Khmer Sóc Trăng tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/cac-chua-khmer-soc-trang-tham-gia-bao-dam-an-ninh-trat-tu-tai-dia-ban-postypX6Gwm1.html

2.  Tạp chí Tổ chức Nhà nước. (2021, January 29). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới. https://tcnn.vn/news/detail/49690/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tin-nguong-trong-tinh-hinh-moi.html

3.  Tuổi Trẻ. (2021, April 2). Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Ngăn chặn các hiện tượng “tà đạo.” https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-noi-vu-ngan-chan-cac-hien-tuong-ta-dao-20190705145401961.htm

4.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, August 27). Công chức Ban Tôn giáo Chính phủ tham gia thực hiện nhiệm vụ công tác Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại các tỉnh phía Nam. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/cong-chuc-ban-ton-giao-chinh-phu-tham-gia-thuc-hien-nhiem-vu-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-tin-nguong-ton-giao-tai-cac-tinh-phia-nam-postZm8QQ04r.html

5.  Thái Thanh. (2021, March 16). Ban Tôn giáo Chính phủ có phó trưởng ban mới: Một đại tá công an. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/ban-ton-giao-chinh-phu-co-pho-truong-ban-moi-mot-dai-ta-cong-an/

6.  Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. (2021, August 27). Bộ Nội vụ tăng cường lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại các tỉnh phía Nam. https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/bo-noi-vu-tang-cuong-luc-luong-lam-cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tai-cac-tinh-phia-nam-1491883309

7.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, August 1). Các tổ chức tôn giáo tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/cac-to-chuc-ton-giao-tiep-tuc-thuc-hien-cac-bien-phap-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-postL4QXDOm0.html

8.  Thông tấn xã Việt Nam. (2021, August 15). Gần 200 tình nguyện là linh mục, tu sĩ và giáo dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ban Tôn Giáo Chính Phủ. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/gan-200-tinh-nguyen-la-linh-muc-tu-si-va-giao-dan-tham-gia-phong-chong-dich-covid-19-tren-dia-ban-tinh-binh-duong-postX4D0kw4Y.html

9.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021c, August 11). Lễ xuất quân đợt 2 của lực lượng tình nguyện tôn giáo hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/le-xuat-quan-dot-2-cua-luc-luong-tinh-nguyen-ton-giao-ho-tro-tuyen-dau-chong-dich-postJm9YVxmL.html

10.  ​​Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. (2021, August 27). Những tình nguyện viên đặc biệt. http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202108/nhung-tinh-nguyen-vien-dac-biet-933377/index.htm

11.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021d, August 16). 16 tu sĩ Công giáo lên đường phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Quận 7, TP. HCM. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/16-tu-si-cong-giao-len-duong-phuc-vu-benh-nhan-covid-19-tai-quan-7-tp-hcm-postEp3GNKp3.html

12.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021e, August 20). Thêm 115 tình nguyện viên tôn giáo tham gia tuyến đầu chống dịch tại TP. HCM. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/them-115-tinh-nguyen-vien-ton-giao-tham-gia-tuyen-dau-chong-dich-tai-tp-hcm-postY4B7E2pk.html

13.  Báo Bà Rịa - Vũng Tàu. (2021b, August 29). Tiếp nhận thêm 24 tình nguyện viên tôn giáo. http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202108/tiep-nhan-them-24-tinh-nguyen-vien-ton-giao-933523/

14.  Báo Đồng Nai. (2021, August 24). Gần 70 thiện nguyện viên Công giáo tham gia hỗ trợ công tác xét nghiệm Covid-19. http://baodongnai.com.vn/tintuc/202108/gan-70-thien-nguyen-vien-cong-giao-tham-gia-ho-tro-cong-tac-xet-nghiem-covid-19-3075052/

15.  Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2021, August 26). Giáo hội Phật giáo Việt Nam ủng hộ, phòng chống dịch Covid-19 đợt 4. Ban Tôn Giáo Chính Phủ. http://btgcp.gov.vn/tin-trong-nuoc/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-ung-ho-phong-chong-dich-covid-19-dot-4-postX4x22Lqk.html

16.  Tuổi Trẻ. (2021b, August 26). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tình nguyện viên tôn giáo như liều thuốc tinh thần cho bệnh nhân COVID-19. https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-tinh-nguyen-vien-ton-giao-nhu-lieu-thuoc-tinh-than-cho-benh-nhan-covid-19-20210828112406906.htm

17.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021a, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html

18.  Tuổi Trẻ. (2021a, March 19). Công an cảnh báo trò lôi kéo của “tà đạo Thanh Hải vô thượng sư.” https://tuoitre.vn/cong-an-canh-bao-tro-loi-keo-cua-ta-dao-thanh-hai-vo-thuong-su-20210319113157434.htm

19.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, June 3). Hội nghị trực tuyến về cơ chế quản lý, sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-co-che-quan-ly-su-dung-dat-ton-giao-tin-nguong-postjpR9lP4l.html

20.  Luật Khoa. (2021, February 10). Tôn giáo tháng 1/2021: Cuộc kiểm điểm trong đêm tối. https://www.luatkhoa.org/2021/02/ton-giao-thang-1-2021-cuoc-kiem-diem-trong-dem-toi/

21.  Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thái Nguyên. (2019, May 15). Trên 500 sinh viên tham gia tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và vận động phòng, chống các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật. http://thainguyen.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-don-vi/-/asset_publisher/L0n17VJXU23O/content/tren-500-sinh-vien-tham-gia-tuyen-truyen-giao-duc-ao-uc-loi-song-va-van-ong-phong-chong-cac-hoat-ong-tuyen-truyen-ao-trai-phap-luat?inheritRedirect=true

22.  Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (2021, August 3). Hướng dẫn công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo. http://mattran.org.vn/van-ban-huong-dan/huong-dan-cong-tac-tuyen-truyen-ve-dan-toc-ton-giao-39026.html

23.  Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Dương. (2021, August 3). Công an thành phố phát hiện xử lý 2 đối tượng tuyên truyền và phát tán tài liệu pháp luân công trái phép. http://tphaiduong.haiduong.gov.vn/Article/EMQkVnm9Brs@/c%C3%B4ng-an-th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-ph%C3%A1t-hi%E1%BB%87n-x%E1%BB%AD-l%C3%BD-2-%C4%91%E1%BB%91i-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-tuy%C3%AAn-truy%E1%BB%81n-v%C3%A0-ph%C3%A1t-t%C3%A1n-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-ph%C3%A1p-lu%C3%A2n-c%C3%B4ng-tr%C3%A1i-ph%C3%A9p.html

24.  Công an Nhân dân. (2021, August 18). Bắt quả tang 2 đối tượng tuyên truyền, phát tán tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/bat-qua-tang-2-doi-tuong-tuyen-truyen-phat-tan-tai-lieu-lien-quan-den-phap-luan-cong-i624693/

25.  Xem [22]

26.  Luật Khoa. (2021a, January 24). Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rối. https://www.luatkhoa.org/2021/01/phap-luan-cong-doi-dien-voi-tuong-lai-day-rac-roi/

27.  Gia Lai. (2021, August 28). Gia Lai tăng cường biện pháp ngăn chặn tái hoạt động tà đạo “Hà Mòn.” https://baogialai.com.vn/channel/1602/202108/gia-lai-tang-cuong-bien-phap-ngan-chan-tai-hoat-dong-ta-dao-ha-mon-5749095/

28.  VOV. (2020, December 18). Xóa bỏ tà đạo Hà Mòn, ngăn chặn phục hồi FULRO ở Gia Lai. https://vov.vn/phap-luat/xoa-bo-ta-dao-ha-mon-ngan-chan-phuc-hoi-fulro-o-gia-lai-825040.vov

29.  Thanh Niên. (2013, May 29). Xét xử vụ “tà đạo Hà Mòn.” https://thanhnien.vn/thoi-su/phap-luat/xet-xu-vu-ta-dao-ha-mon-267287.html

30.  Công an Nhân dân. (2013, June 14). “Đạo Hà Mòn” – Trò dối trá của bọn phản động Fulro. https://cand.com.vn/Ho-so-Interpol/Dao-Ha-Mon-%E2%80%93-Tro-doi-tra-cua-bon-phan-dong-Fulro-i306902/

31.  Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum. (2016, December 14). Xã Đăk Tờ Re, Kon Rẫy đăng ký xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, không còn tà đạo Hà Mòn. https://kontum.gov.vn/pages/detail/7094/Xa-Dak-To-Re-Kon-Ray-dang-ky-xay-dung-lang-van-hoa-kieu-mau-khong-con-ta-dao-Ha-Mon.html

32.  Công an thành phố Hồ Chí Minh. (2020, March 19). Bắt 3 đối tượng cốt cán theo tà đạo Hà Mòn, trốn trong rừng. https://congan.com.vn/vu-an/bat-3-doi-tuong-cot-can-theo-ta-dao-ha-mon_89353.html

Bạn đã đăng ký thành công!

Mừng bạn trở lại!

Bạn đã đăng ký thành công.

Vui lòng kiểm tra hộp thư để lấy link đăng nhập.

Thông tin thanh toán của bạn đã được cập nhật.

Thông tin thanh toán của bạn chưa được cập nhật.